Kiến thức
Thường nghĩ vô thường tịnh niệm tiếp nối quyết định vãng sanh
Chủ nhật, 20/11/2023 11:38
Phàm người tu Tịnh Độ, rõ ràng muốn chống lại sinh tử, không phải chỉ nói liền xong. Nên nghĩ đến vô thường mau chóng, thời gian chẳng đợi người, cần phải làm cho được một việc này.
Nửa tiến nửa lùi, lúc tin lúc nghi, rốt cuộc làm được việc gì? Sao có thể thoát khỏi luân hồi?
Nếu tin được thì từ hôm nay trở đi, nên phát khởi tâm đại dõng mãnh, đại tinh tấn. Đừng hỏi rằng thể hội hay không thể hội, thấy tánh hay không thấy tánh, chỉ cần nắm chặt một câu Nam mô A Di Đà Phật như dựa vào ngọn núi Tu Di(*) chẳng lay động. Phải chuyên tâm nhất ý, hoặc tham cứu niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, nghĩ nhớ mà niệm, hoặc dùng pháp thập niệm; hoặc mặc niệm, chuyên niệm, buộc niệm, lễ niệm. Tâm an trụ nơi danh hiệu Phật, thường nhớ thường niệm, sáng cũng niệm, tối cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm, không để tâm luống qua, câu niệm Phật chẳng rời tâm. Ngày ngày giờ giờ đừng buông bỏ, miên mật khít khao như gà ấp trứng, thường giữ cho hơi ấm nối tiếp nhau, như thế tức là tịnh niệm tiếp nối. Lại thêm dùng trí tuệ chiếu soi, thì biết Tịnh Độ tức là tự tâm. Đó chính là công phu tu tiến của bậc thượng trí vậy.
Như thế, nắm chặt được, làm chủ được, nương tựa được ổn thỏa, dù gặp cảnh giới khổ vui, thuận nghịch ở trước mắt nhưng vẫn chỉ niệm Phật A Di Đà, không có một niệm tâm thay đổi, không có một tâm niệm thối lui biếng trễ, không còn một niệm xen tạp, cho đến trọn đời mãi không có niệm nào khác, quyết định cầu sinh về cõi Cực Lạc Tây Phương.
Nếu quả thật dụng công được như thế thì vô minh từ bao kiếp, nghiệp chướng trong sinh tử tự nhiên tiêu tan, tập khí phiền não trần lao tự nhiên hết sạch không còn sót. Tận mắt thấy Phật A Di Đà chẳng lìa tâm niệm, công thành hạnh mãn, nguyện lực trợ nhau, đến khi mạng chung quyết định sinh về Thượng phẩm.
Nếu như sức mạnh chưa đủ, nên tùy theo khả năng của mình mà tu tập. Chưa thể chuyên nhất thực hành công phu, cũng phải sớm tối lễ niệm; dù cho việc nhà bận rộn vẫn không quên mười niệm xưng danh. Mỗi ngày dụng tâm mạnh mẽ chuyên cần, tích lũy công hạnh, phát nguyện phát tâm, thệ hoàn tất trong đời này đồng lên cõi Tịnh.
Như thế, thật đáng gọi là:
Sông đều chảy ra biển
Mây nhất định về non.
Chú thích:
(*) Tu Di: Vốn là tên núi trong thần thọai Ấn Độ, được sử dụng trong vũ trụ quan Phật giáo, cho rằng đây là ngọn núi cao, đứng sừng sững ở chính giữa một Tiểu thế giới. Lấy núi này làm trung tâm, chung quanh có tám lớp núi, tám lớp biển bao bọc mà hình thành một thế giới (thế giới Tu Di).
Vũ trụ quan Phật giáo chủ trương vũ trụ do vô số thế giới cấu thành, 1000 thế giới gọi là một Tiểu thiên thế giới, 1000 Tiểu thiên thế giới gọi là một Trung thiên thế giới, 1000 Trung thiên thế giới gọi là một Đại thiên thế giới. Họp cả Tiểu thiên, Trung thiên và Đại thiên lại gọi chung là Tam thiên đại thiên thế giới, đây tức là một phạm vi hóa độ của một đức Phật. Tầng dưới cùng của mỗi một thế giới là một lớp khí, gọi là Phong luân; Trên Phong luân là một lớp nước, gọi là Thủy luân; trên Thủy luân là một lớp vàng, có thuyết nói đá cứng, gọi là Kim luân; Trên Kim luân tức là đất đai do núi, biển, các đại châu… cấu tạo thành. Núi Tu di ở giữa thế giới này.