Sống an vui
Thương nhau mà sống
Thứ năm, 03/02/2022 03:03
Trong cuộc sống, khi thấy ai đó mắc sai lầm, phạm lỗi dù to lớn hay cỏn con, chúng ta cũng nên bao dung, mở lòng hoan hỷ, chìa tay nâng đỡ như thể chính mình đang đối diện phiền phức cần được giúp đỡ.
“Thường nhịn nhẫn giận hờn giũ sạch
Gắng bồi vui phẩm cách kiên cường
Sống là phải biết yêu thương
Từ bi hỷ xả thơm dường đoá sen”.
Trong cuộc sống, khi thấy ai đó mắc sai lầm, phạm lỗi dù to lớn hay cỏn con, chúng ta cũng nên bao dung, mở lòng hoan hỷ, chìa tay nâng đỡ như thể chính mình đang đối diện phiền phức cần được giúp đỡ. Dùng bạo lực hay lời lẽ nặng nề để trách phạt, kết tội đều không phải cách hay giải quyết vấn đề. Từ ngàn xưa, không có sự tàn nhẫn, lường gạt, giả dối mà được việc, được lòng, được tin tưởng, được quý mến hay thành công. Chỉ có lòng nhân từ và đức độ mới cảm hoá lòng người và giải quyết mọi vấn đề trong êm đẹp.
“Lắng tâm nguyện bỏ tham tà
Mỗi ngày gột rửa xấu xa trong lòng”.
Trong mỗi người, kể từ khi trưởng thành, biết phân biệt đúng sai đều ít nhiều lắng nghe hoặc chứng kiến bao nhiêu chuyện xảy ra, gây phiền lòng nhau đến mệt mỏi. Nào là căng thẳng vì công việc, áp lực và khó khăn về kinh tế, dịch bệnh nguy hiểm đang rình rập, cuộc sống bế tắc. Ai cũng bảo vệ cái tôi của mình mà không lắng nghe, không thông cảm, không tha thứ cho nhau. Vậy nên mới xảy ra những chuyện không mấy vui vẻ. Nếu biết đặt mình vào vị trí người khác, chắc chắn sẽ bớt đi những câu chuyện đau lòng, nhà tù không đông đúc phạm nhân, cuộc sống của những trẻ thơ sẽ không nhuốm màu bất hạnh và trong thâm tâm mỗi người cũng không có sóng cuộn bão bùng. Tuy là sự đời nhưng người xuất gia cũng cần chiêm nghiệm để biết những nỗi đau khổ đó bắt nguồn từ đâu, thì mới giúp người tháo gỡ được. Hoặc để rút ra bài học kinh nghiệm sống cho riêng mình. Nếu ai may mắn được gặp Phật pháp từ nhỏ hay được xuất gia khi còn trẻ, chắc chắn sẽ không phạm những sai lầm như người chưa từng nghe kinh học pháp.
“Buông hờn sẽ được thảnh thơi
Trừ ngăn phẫn nộ đau rời khổ tan
Sống vui tự tại thanh nhàn
Tâm mà thanh tịnh lòng an mỗi giờ”.
Nếu mỗi người ươm hạt giống từ bi, biết lắng nghe và nhường nhịn, biết yêu thương và hướng thiện, cảnh thanh bình sẽ hiện diện khắp muôn nơi. Đâu đâu cũng bình yên, thanh tịnh như chốn thiền môn vậy. Để làm được điều này, chúng ta cần phải học Phật, quy y Tam bảo. Học Phật, trước để hoàn thiện mình, sau góp phần làm đẹp đời. Có một nghịch lý mà hầu như nhiều người vấp phải, đó là siêng năng nhìn lỗi người nhưng lại lười xét lỗi ta. Cần phải tránh lỗi lầm này, không nên ươm mầm cho nhân xấu nảy nở, phải ngăn ngừa ngay từ khi nó chưa mọc chồi.
“Thường tinh tấn mỗi giờ chánh niệm
Xét soi mình hạnh kiểm dồi trau
Gìn tâm tránh để nát nhàu
Vun bồi kiến thức cùng nhau tĩnh thiền”.
Quy luật là ai rồi cũng đến ngày từ giã cõi đời. Tất cả những vật chất, của cải tiền bạc không thể nào đem theo xuống nấm mồ khi qua thế giới bên kia. Chúng ta chỉ có thể mang theo danh dự, tai tiếng, tội lỗi và phước báu mà sanh thời đã tạo ra. Vậy bon chen, tranh đoạt làm gì để đau khổ phiền muộn cả một đời? Hà khắc, miệt thị, khinh rẻ, chà đạp nhau làm chi để tâm vấy bẩn, cho mầm ác đâm chồi? Sự thật ở đời, dù có bêu rếu, đặt điều nói xấu người khác thì cũng không làm ta tốt đẹp hơn. Có chăng chỉ tự làm tổn thương, tự hạ thấp mình trong những hành động thô lỗ và những lời dèm pha, đàm tiếu đó. Nên thay vì gây tổn thương nhau thì hãy thương yêu, cảm thông nhau để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nếu người ghét ta mà ta cũng ghét lại người, xã hội sẽ toàn hận thù đau khổ, là nhân xấu cho hiện tại và cả vị lai. Hãy tập sống bao dung, tuy có người ghét mình nhưng mình đừng ghét họ. Ghét mình là việc của họ, không ghét họ đó là việc của mình. Việc ai nấy làm sẽ bớt phiền não. Đừng để ý lỗi người, hãy siêng năng kiểm lỗi mình, sửa mình thì bản thân được an vui và góp phần làm cho thế giới hoà bình, cuộc sống thêm an lành hạnh phúc.
“Siêng gột rửa bụi dơ ở dạ
Tránh hờn ganh hỷ xả nhân từ
Cửa thiền tĩnh lặng chân như
Quẳng đi sầu muộn mệt nhừ bấy lâu”.
Trong những giới cấm của Phật chế có quy định không nói dối, không nói lời thô ác, không nói lưỡi đôi chiều. Đó là nét đạo đức không thể thiếu của mỗi người. Người xuất gia càng phải giữ giới này như tròng con mắt vậy. Lời nói tuy không phải là lưỡi kiếm bén nhọn, không phải là dao rựa cứa da nhưng có thể làm tan nát trái tim, hủy hoại cả thanh danh và tương lai một ai đó, có thể đẩy người ta đến đường cùng cũng chỉ vì lời nói phát ra từ tâm bất thiện. Nếu chúng ta dùng ái ngữ, không làm tổn thương người, chắc chắn sẽ giúp người từ vực thẳm lên khỏi hố sâu ngay lập tức. Cũng một câu nói nhưng có thể từ bạn thành thù, từ yêu thành hận, từ giận thành thương và cũng có thể từ bất mãn thành năng động, từ tuyệt vọng thành lạc quan. Tất cả chỉ nằm gọn trong một chữ thương.
“Theo Bồ tát từ bi chí hạnh
Ủ tánh chân xa lánh mưu tà
Đã vào cửa Phật xuất gia
Sớm hôm chánh niệm sa đà phải kiêng”.
Khi một trận cuồng phong hay sóng thần đi qua, chỉ còn lại những đổ nát hoang tàn. Hoặc một trận đại dịch nguy hiểm như COVID-19 đã cướp đi hàng triệu sinh mạng khắp toàn cầu, nỗi tang thương mất mát không thể đong đếm bằng lời. Những lúc hoạn nạn như vậy, chỉ tình thương giữa người và người mới là thứ tuyệt vời nhất trên đời. Thiên tai, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, kể cả thời gian, tuổi trẻ, nỗi khổ niềm đau cũng vậy. Chỉ có những gì chúng ta đã làm cho nhau để vượt qua khó khăn nghịch cảnh bằng tình thương mới tồn tại mãi mãi. Vậy nên, hãy thanh lọc tâm hồn bằng những hạt giống yêu thương, gieo hạt mầm tử tế vào đời và hãy thương nhau mà sống.