Thương yêu trong hiểu biết là thương yêu chắc thật

Thứ bảy, 23/12/2022 08:08

Đức Phật từng dạy: “Yêu thương là nguồn gốc của lo lắng, sầu khổ và thất vọng”. Lúc bấy giờ, không có nhiều người đồng ý với quan điểm này của Đức Phật và cho rằng: Thương chỉ đem tới hạnh phúc và niềm vui! 

Dưới góc nhìn của người bình thường, sẽ có ít nhiều sự không đồng ý với quan điểm của Đức Phật. Tuy nhiên, với trí tuệ tuyệt vời của bậc giác ngộ, Ngài đã quan sát tình yêu thương dựa trên nền tảng căn bản đó là sự hiểu biết. Nói thêm về tình thương, ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu đối với những người thương yêu xung quanh mình. Con người ta phần nhiều không yêu thương dựa trên sự hiểu biết, mà chỉ yêu thương dựa trên cảm xúc cá nhân của mình. 

hieuphatgiaoorgvn-1208

Vậy sự hiểu biết ở đây là gì? Sự hiểu biết ở đây là trí tuệ trong tình thương. Phàm khi thương ai, cảm xúc yêu thương mạnh mẽ sẽ làm cho con người áp đặt những điều kiện  lên người mà mình đặt tình thương cho họ. Trong tâm tưởng của mình, người mình thương  yêu phải như thế này, phải như thế kia, phải được như thế này, phải được như thế kia, phải đối xử với mình như thế này, phải đối xử với mình như thế kia,...đó là những biểu hiện cho sự kém hiểu biết trong tình thương. Thêm vào đó, con người ta không hiểu thấu được  lý lẽ vô thường, vô ngã, mà cho đó là thường, cho đó là ngã, tự mình quy định người mình  thương yêu không được thay đổi, điều đó đã làm cho phần lớn con người ta dính mắc trong  tù ngục của tình thương. Chính sự quy định trong tư tưởng đã làm cho con người ta chìm trong cảm giác đau khổ vì người mình thương hay mong cầu của mình trong tình thương  không được như ý với mình. Ví dụ: bạn thương cha mẹ bạn là một điều tuyệt vời, nhưng bạn nghĩ cha mẹ phải sống đời với bạn thì không thể, cha mẹ bạn hay bạn, đều phải vô thường, nếu không hiểu được điều đó, bạn sẽ đau khổ tột cùng khi vô thường ập đến với  cha mẹ. 

Thứ nữa, sự hiểu biết phải được hiểu là thấu cảm được tâm tư, tình cảm, và mong muốn của người mình thương. Nếu bạn không hiểu được những điều liên quan đến tình  thương của mình, thì bạn sẽ đóng khung tình thương đó trong mong cầu của riêng mình, đó là biểu hiện của sự ích kỷ trong tình thương, điều này không chỉ xảy ra với tình yêu đôi  lứa, mà còn đối với các thứ tình yêu khác. Ví dụ: bạn thương cha mẹ và muốn báo hiếu cho cha mẹ, nhưng bạn nghĩ rằng: chỉ cần chu cấp tiền cho cha mẹ là đủ, đó là suy nghĩ sai lầm, bạn đã không hiểu được cảm xúc của cha mẹ và bạn đóng khung tình thương của mình trong cái suy nghĩ vật chất mà quên đi rằng nhu cầu về tinh thần của cha mẹ mới là quan trọng hơn cả. 

Điều tiếp theo cần phải lưu tâm, đó là tình thương được Đức Phật đề cập đến, đó là thứ tình thương vượt ra ngoài ý niệm ta, và của ta, tình thương đó không còn là một tình thương mang tính cách sở hữu cá nhân. Theo giáo lý đạo Phật, vạn vật trên đời do nhân  duyên mà hợp thành, cái này có mặt là nhờ vào cái kia có mặt, không có một thực thể nào  là tồn tại độc lập, và cũng chính vì nhân duyên mà trong bản chất của mọi thực thể đều tồn  tại cái tánh không - tức là không có thực, chúng không có sự sở hữu riêng biệt. Ví dụ như: hạt gạo vốn không có sự sở hữu riêng biệt của nó, nó được hợp thành từ nhiều yếu tố, và  qua thời gian chúng biến thành cơm, rồi cuối cùng là chất thải trong cơ thể con người. Cũng  theo đạo lý duyên khởi, sự có mặt của mọi người trong xã hội là một sự nương tựa vào  nhau, như hạt gạo nương tựa vào thóc, đất, nước, phân bón, công cày cấy, người nông  dân,... mà biểu hiện, vậy thì, con người chúng ta cũng nương tựa vào nhau mà biểu hiện, tuy trong thực tế, chúng ta là những thực thể khác nhau, như truy xét về bản chất tận cùng, ta là người, người cũng là ta, ta giống người, như hạt gạo giống phân bón, ta nương vào người như hạt gạo nương vào sự vận hành của cả đại địa. Có được cái thấy vi diệu đó, ta  sẽ lần lượt thoát khỏi các ý niệm về ta, có ta, của ta,... trong tình thương. 

Vì sao cần phải thoát khỏi ý niệm đó? Trước hết, vì còn ý niệm ta và của ta, người và của người, còn tồn tại cái ngã trong tình thương, tức là tình thương đó còn có sự phân biệt, vì có sự phân biệt nên có sự vướng mắc vào các đối tượng, vì có sự vướng mắc vào  các đối tượng đó mà chúng ta có những suy nghĩ và hành động khác nhau cho từng đối tượng, đó là thứ tình thương hạn hẹp xuất phát từ việc không hiểu thấu được giáo lý duyên khởi và Có - Không của đạo Phật. Vì hạn hẹp trong suy nghĩ nên dẫn đến những hạn hẹp về hành động, ta nghĩ mình chỉ cần dành tình thương cho cha mẹ mình, cho vợ chồng - con  cái mình,... mà quên đi rằng, nguyên nhân sự có mặt của mình không phải chỉ đến từ gia  đình, vợ chồng con cái của mình mà là cả sự vận hành của đại địa, sự biến chuyển của thời  gian, của vạn vật trên đời. Thứ hai, thoát khỏi ý niệm đó chính là đưa chúng ta bước vào  một tình thương rộng lớn hơn, một tình thương không giới hạn, bao trùm lên tất cả mọi  loài, vượt ngoài không gian và thời gian, theo Đức Phật, thứ tình thương đó là Từ Bi. 

Từ là loại tình thương với ý niệm mang đến an vui cho người khác, và Bi là tình thương có động lực làm vơi đi khổ đau của kẻ khác. Tình thương xuất phát từ nhu cầu cảm  xúc thông thường và tình thương xuất phát từ Từ Bi là hai loại tình thương hoàn toàn khác  nhau. Một cái xuất phát từ sự phân biệt và vướng mắc sẽ mang đến cho người ta cảm giác  sầu khổ, nặng nề, oán trách và thất vọng, loại tình thương còn lại xuất phát từ sự hiểu biết sẽ mang đến cho người ta cảm giác an vui và làm vơi đi khổ đau của người mình thương. Trong đoạn đối thoại của đức Phật với vua Pasenadi, Ngài dạy rằng: tình thương là chất liệu căn bản làm nên cuộc sống, không có tình thương thì cuộc sống sẽ rất khô khan và  nhạt nhẽo, nhưng nếu có, đó phải là thứ tình thương vượt ra ngoài ý niệm “tôi” và “của  tôi”, chúng ta không thể nào xây dựng niềm an vui của mình và người mình thương dựa  trên khổ đau của kẻ khác, hiểu được như vậy, chúng ta sẽ có được một tình thương rộng lớn, vượt ra ý niệm thường tình của con người. 

Hiểu rõ hơn về tình thương, Đức Phật dạy thêm rằng: tình thương cần phải được  xây dựng dựa trên cơ sở của sự hiểu biết, tức là ta phải quán sát bản chất của tình thương. Tình thương đó phải là động lực để chúng ta làm cho người mình thương yêu được an lạc và hạnh phúc, chứ không phải là đóng khung tình thương của mình trong đam mê, ích kỷ, và sự chiếm hữu, đây không thực sự là tình thương, đây là ý muốn sở hữu cho riêng mình, với quan điểm đó, ta sẽ làm cho người mình thương bị lệ thuộc, tù túng và mất hết phẩm cách của tự do. Ngược lại, bằng sự thấu hiểu sâu xa trong tình thương, chúng ta hiểu được 

nguyên nhân làm phát sinh khổ đau của người mình thương, có hiểu, chúng ta mới có cơ sở và động lực để tìm kiếm phương cách thoát giúp người mình thương thoát khỏi những hoàn cảnh bất như ý. Yêu thương trong vô minh làm cho con người ta có cảm giác nặng nề và tiềm ẩn những nguy cơ tàn phá về thể xác lẫn tâm hồn, còn yêu thương trong hiểu biết  sẽ mang đến niềm an lạc - hạnh phúc cho mình và cho người. 

*Bài dự thi được gửi từ tác giả  Lê Thiên Phúc; địa chỉ: 284 Bà Hom, Phường 13, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

loading...