Sách Phật giáo
Tiềm lực tái sinh qua sự nghiên cứu não bộ
Thứ hai, 16/09/2023 09:45
Tái sinh là một vấn đề vô cùng hóc búa trong khoa học tâm linh. Nó ám chỉ khả năng của cái mà người ta gọi là tinh thần, hay linh hồn của một người sau khi chết.
Chân lý khoa học và sự tái sinh theo Phật giáo
Các nhà chuyên nghiên cứu về não bộ nhân thế, xưa nay vẫn chỉ công bố những gì họ đã từng nhiều thế hệ khảo sát qua. Nhưng họ không bao giờ khẳng định đó là kết luận cuối cùng. Nghĩa là họ chưa dám xác nhận rằng: Chẳng còn gì để tìm hiểu thêm về tinh thần con người nữa. Vì quyết đoán như vậy là đóng khung, là dừng lại, là phản tiến bộ, và phản khoa học.
Bác sĩ Hyppocrate, người Hy lạp, sinh năm 377 trước kỷ nguyên, khi khám nghiệm vết thương ở đầu đã nói:
“Do não bộ và chỉ có não bộ mà thôi, mới cho chúng ta những lạc thú (như nụ cười, nét hài hước), và cho chúng ta sự phiền muộn (như buồn rầu, sợ hãi hay đau đớn)”.
Một khoa học gia khác, ông Richard Restak chuyên về thần kinh, cũng phát biểu: “Não bộ là nơi sinh ra thần trí (esprit) và lương tri (conscience) của con người”.
Ngày nay, nếu có một số nhà vật lý thần kinh học (Physico-Neurologur) đồng ý với mấy câu nói nêu trên, thì cũng có những vị khác chẳng đồng các quan điểm ấy. Và họ tuyên bố thẳng ra rằng: “Thật sự chúng tôi vẫn chưa hiểu được thần trí và lương tri của con người nằm trong não bộ như thế nào. Hy vọng một ngày kia khoa học sẽ rọi được ánh sáng vào đó ”.
Bàn xa hơn, một nhà thần kinh học nọ, ông David H.Hubel lại phân trần: “Hai chữ tinh thần của con người chẳng có giới hạn rõ ràng, chúng ta hãy tạm gác nó ra ngoài khoa nghiên cứu cụ thể. Vì nó mang đặc tính bí hiểm, khó hiểu như Ê-te(éther), một thứ tĩnh khí nằm trong vũ trụ, mà không ai biết nguồn gốc”. Phải chăng ông muốn nói: Vị trí của tinh thần đối với não bộ, có thể xem như vị trí của tâm thần học đối với khoa học nhân thể thực nghiệm?
Nhưng theo cái nhìn thanh tịnh khoa học, trong đạo Phật, sự “tương thông” giữa tinh thần và não bộ, có thể hiểu như sựphản ứng của luồng điện khi gặp hoá chất sinh ra. Đó tuy là một phối hợp có nguyên lý. Nhưng người ta không thể thực nghiệm, tách rời được cái nguyên lý ấy ra khỏi phối hợp, bằng những chứng minh cụ thể.
Các nhà bác học về sinh hoạt cơ năng, khi nêu lên thuyết “Não bộ hoạt động sinh ra tinh thần”, họ đã chỉ xem não bộ như một cái máy “phối trí” (ordinateur). Nhưng “kẹt” một cái là máy phối trí lúc chạy, phải tuân theo một chương trình đã hướng dẫn sẵn (Logiciel). Không có chương trình ấn định trước, và không có ngón tay “khởi động” ấn vào nút “ra lệnh”, thì máy phối trí trở thành vô dụng, không làm sao tự “kích thích” để lấy đà, làm hết những việc còn lại. Nghĩa là máy phối trí dù tinh vi đến đâu, cũng chỉ “thi hành” sau khi nhận lệnh, và luôn luôn làm việc theo thứ tự, cái này trước cái kia sau, chứ nó chẳng bao giờ biết nhận xét, để cân nhắc, uyển chuyển, thẩm định, tự chọn vào phút chót cái nào quan trọng nhất, mà làm trước.
Nhưng não bộ của con người thì khác. Hiển nhiên nó kỳ lạ hơn cái máy phối trí bội phần. (Danh từ ordinateur hiện nay được nhiều người Việt dịch là máy vi tính, nhưng trong khuôn khổ bài này, chúng tôi xin phép gọi là máy phối trí cho tiện, mong quý vị thông cảm).
Về phương diện cấu tạo, não bộ có hàng triệu đường gân li ti, kết nối với nhau chằng chịt trong một xương sọ chỉ lớn khoảng bằng quả dừa, để nó tự giải quyết cùng một lúc khá nhiều vấn đề phức tạp khác nhau, mà trên khả năng “vận chuyển”, một máy phối trí dù tối tân đến đâu cũng không thể nào làm được.
Tuy nhiên, máy phối trí và não bộ lại có một điểm tương đồng: Cả hai muốn hoạt động phải nhờ dòng điện tử. Điện tử dùng cho não bộ do biến hóa thân nhiệt con người cung cấp, còn điện tử chạy máy phối trí (ordinateur) thì do cơ khí dẫn đến.
Như trên đã nói, điểm đặc sắc mà máy phối trí muôn ngàn lần không thể nào bì kịp não bộ, là não bộ tự nó thiết lập và thay đổi được chương trình. Còn máy phối trí thì phải nhờ vào sự sáng tạo của con người. Tức là nhờ chuyên viên tin học (informaticien) cho nó chương trình, rồi bảo gì thì nó làm nấy.
Hơn nữa, chưa có một máy phối trí nào có thể làm được những chuyện như mơ mộng, tươi tỉnh, mỉm cười ý nhị, hay nóng nảy hậm hực, hoặc hờn giận lầm lì một cách sâu sắc nham hiểm, mà người bàng quan khó đoán trước được phản ứng ra hành động của người mang nét mặt ấy ra sao, tiếp theo sau đó.
Nói chung là sự biểu lộ những thất tình lục dục, thuộc về tinh thần (esprit) và lương tri (conciense) của con người, thì máy phối trí hoàn toàn bất lực.
Vì thiếu tinh thần và lương tri, nên máy phối trí không thể phân biệt được cái hay, cái dở, điều thiện, lẽ ác, như khả năng của tinh thần và lương tri, kinh qua não bộ của con người. Khi luận về giá trị của tinh thần, tư tưởng Á Đông còn đề cao lương tri (conciense), và cho rằng nếu không có lương tri thì nhân loại không có sự tiếp tục tiến hóa.
Những người có một tâm tư chánh trực, tự tin, cao thượng và một lương tri trong sáng, thì họ có một vùng hào quang vô hình bao quanh thân thể, nhất là quanh đầu. Và chỉ có những bậc sống đời sống đạo đức, có tâm thức an trụ, và có nhãn thức thanh tịnh, tức là có con mắt “thần diệu” (oeil mystique), thì họ mới thấy được ánh hào quang này.
Nhiều nhà vật lý học tân tiến đã để công nghiên cứu ánh hào quang đó, rồi giải thích như sau: Hào quang (hay thần quang) là sự xuất hiện của những luồng sáng lượng tử (ondes quantiques), phát ra từ não bộ con người, có sự liên quan đến không gian và thời gian (Espace-temps).
Các nhà chuyên môn khảo cứu về lượng tử, thì cho rằng lượng tử là “phản lý” của những sự hiểu biết thông thường. Phản lý vì lượng tử không có định tướng, và không dựa vào lý lẽ, trong khi đó sự hiểu biết thông thường của con người luôn luôn được đặt căn bản trên những định cứ liên quan đến sắc thể và hệ luận, hay suy diễn quy nạp thuộc về duy lý (logique).
Người ta quan sát và ghi nhận: khi hai bộ phận cách nhau bởi một khoảng cách rất hẹp (micro-espace), và trong khoảng thời gian đầu chớp nhoáng (flash temps), thì ánh sáng phát ra giữa hai bộ phận ấy. Ánh sáng đó chứng minh rằng: Hai bộ phận kia khi vừa đến gần đã tự liên lạc với nhau dưới dạnh phóng ra sóng lượng tử (Ondes quantiques).
Đó là nguyên nhân của ánh hào quang. Và chung chung thì mọi người đều có hào quang, mạnh hay yếu tùy theo tần lực khác nhau của mỗi cá nhân. Nhưng vấn đề có thấy được nó hay không, lại là một chuyện khác. Không phải ai cũng có thể thấy nó dễ dàng. Nhất là đại đa số phàm nhân, tâm trí luôn luôn bị tham sân si làm cho loạn động, họ càng không thể tin vào sự “hiện hữu” của nó, khoan nói đến chuyện thấy nó.
Theo phát triển thân thể, thì những trẻ em từ 9 đến 10 tuổi hoạt động nhiều với khối não bên mặt. Người ta đã chọn chúng để giảo nghiệm về tâm linh, thì có 12 trẻ em trên 100 đứa, đã cho biết là chúng thỉnh thoảng thấy sự chuyển động có màu sắc mờ ảo xung quanh đầu con người, trong một thời gian rất ngắn. Các lứa tuổi lớn hơn, “tự tin” hơn, nhưng trí óc bắt đầu bận rộn với ngoại cảnh, mất đi tính vô tư (hồn nhiên), thì tỷ lệ “thấy” khá thấp, nên chúng thường lấy làm ngạc nhiên khi được hỏi về chuyện này, vì chúng cho rằng ai cũng phải “thấy” như chúng.
Sự chuyển động có màu sắc mờ ảo xung quanh đầu người nói trên là ánh hào quang. Những người đã trưởng thành, thân thể đã quen sống với khối não bên trái, thì không thể thấy được ánh hào quang đó.
Sự giáo dục nặng về thực tế, trong gia đình ngày nay, cũng không cho phép cái khả năng thấy ánh hào quang của các tâm hồn còn ngây thơ đó được chú ý.
Như câu cuyện điển hình sau đây:
Bé Tâm có khuôn mặt đẹp và hao hao giống bà ngoại (transmission héréditaire), nên được cậu Út rất thương. Mỗi lần đến thăm, cậu thường nhìn bé Tâm một cách chăm chú, trìu mến, không chán, làm bé Tâm thích lắm. Có mặt cậu trong nhà, tinh thần bé Tâm hân hoan, sung sướng, như muốn biến mình lại còn chút xíu, để chui vào trong hai con mắt của cậu, hầu giữ riêng cậu cho mình, không để cậu thuộc về kẻ khác.(Tâm lý trẻ con).
Hôm nay má bé Tâm mời cậu lại nhà ăn cơm. Khi cậu đến, chợt bé Tâm ngây thơ kêu mẹ hỏi: “má ơi, có cái bóng gì màu đỏ mới chạy xung quang đầu của cậu Út kia kìa? ” Thay vì âu yếm hỏi con xem nó thấy gì, và vui vẻ giảng giải cho con biết, mẹ bé Tâm lại gắt lên “Không được hỗn hào, hãy mau khoanh tay chào cậu đi”. Thế là bé Tâm cụt hứng, chẳng dám nói gì thêm, liền ngoan ngoãn cúi đầu chào cậu, rồi bỏ đi chỗ khác. Bé đinh ninh là mình bị hoa mắt nhận lầm, hay tự tưởng tượng mà thấy như thế. Từ đó về sau, mỗi lần thấy như vậy, bé Tâm vội xem thường rồi bỏ qua, và dần dần bé Tâm mất đi cái khả năng “thấy” ấy. Nghĩa là hoàn cảnh giáo dục bắt bé không tin tưởng vào một số hiện tượng mà đôi mắt bé tự nhiên thấy nữa.
Ánh hào quang đó là sóng lượng tử (ondes quantques) trong đầu cậu nó hướng về nó, phát ra (transmetteur). Và sức mạnh của tâm trường vô tư, ngây thơ của nó, đã làm cho nó tiếp nhận được sóng lượng tử ấy qua thị giác (récepteur).
Theo vật lý học, thì lượng tử được dịch từ tiếng Pháp là “quant” (sức nặng). Đó là thuyết do một bác học gia người Đức, ông Planck (1854-1947) đã lập ra để giải thích các hiện tượng về hiệu năng và luồng quang điện.
Nhờ sự hiểu biết về lượng tử ấy mà nhà bác học lừng danh Einstein mới có lý do, đưa ra thuyết tương đối (relativisme). Thuyết này nhắc lại chứng nghiệm cũ, là “Khi hai phân tử (vì khoảng trống ở giữa) không chạm vào nhau, không tự phát đượcxúc năng, thì tuyệt đối không có cảm ứng”. Nhưng khi hai phân tử ấy biểu lộ qua thông trường cơ năng lượng tử thì khác hẳn, khoảng trống ở giữa không còn cách ngại nữa, vì sự “liên lạc” của lượng tử nằm giữa hai phân tử, lại hiện ra dưới dạng sóng quang điện. Sóng quang điện ấy, yếu mạnh tùy trường hợp. Nó chính là ánh sánh (hay hào quang) rất khó thấy, bao xung quanh một vật có điện từ. Trường hợp các tinh tú thì ánh sáng cực kỳ mạnh, “hào quang” con người bình thường nhân lên cả hằng hà sao số tỷ tỷ lần cũng không sao bì kịp.
Trở lại sự tương ứng của tinh thần trong não bộ, chúng ta có thể căn cứ vào một phát minh khoa học gần đây: Não bộ của con người thường phóng những luồng âm ba (ondes), loang ra đến 40 chu kỳ (vòng) trong một giây đồng hồ, mà con người không hề hay biết.
Chính do những luồng âm ba này mà khi chúng ta lái một chiếc xe trên con đường quen thuộc, chúng ta không phải chăm chú nhiều, nhưng chiếc xe vẫn chạy tốt. Đó là lúc các luồng âm ba tự động thay chúng ta “chú ý”cho sự an toàn.
Hiện tượng này được cắt nghĩa dựa theo “khoa học và tương quan tâm thức trong Phật giáo” như sau: Những luồng “âm ba” ấy đối với não bộ (tượng trưng cho tâm thức hay tinh thần) trong một con người, cũng giống như những nhịp tim đập đối với hơi thở. Không phải vì người sống cố ý muốn cho tim đập thì nó đập, cũng không phải vì họ không muốn thì nó ngưng, mà một cách song song linh động, hễ hơi thở tiếp tục thì tim đập. Cũng như khi toàn thể tế bào trong một não bộ của họ còn hoạt động ở trạng thái bình thường, thì những luồng âm ba (sóng nhân điện) còn được tương ứng phát ra mà không cần có chú ý.
Những luồng âm ba này, trong hầu hết trường hợp, khi loang đi, chạm vào ngoại cảnh, rồi lấy đó làm mục tiêu, thì thoạt đầu chúng tuy phải duyên theo tâm thức (Màna=conscience), xuyên qua ý thức (tức thức thứ sáu), để “đồng sự” một sinh hoạt nào đó. Nhưng khi chúng đã tiếp giáp (va chạm) hết các dữ kiện ngoại cảnh rồi, không còn gì mới để “so sánh”, kết tụ vào đối tượng, cho ý thức phản chiếu nữa, thì chúng tách rời ý thức, để tự vận hành một cách khá chính xác những năng lực chuyển động rất thứ tự theo chu kỳ.
Vả lại, xuất xứ của những luồng âm ba ấy vốn là “linh năng” của “mặt ngoài” A-Lại-Da thức, hay tiềm thức (sub-conscience) phản ánh trên tâm thức. Nên sau đó nó tự nhiên phải hiển lộng cái kỳ diệu độc lập, “bất hợp lý”, của tiềm thức, khiến cho trên suy luận bình thường, chúng ta thấy vấn đề thiếu căn cứ, là: “Lái xe trên con đường quen thuộc, tuy ít chú ý mà vẫn an toàn”. Hiện tượng này Phật giáo gọi là “thục quả” trong hiện tại. Còn khoa học gọi là “phản ứng theo thói quen”.
Nghĩa là khi người ta lái chiếc xe lần thứ nhất đi vào một con đường xa lạ, thì tâm thức khởi đầu được tăng cường qua nhãn thức (thị giác chăm chú), để nhận diện những hình ảnh “mới”. Nhưng khi tất cả đã “biết rồi”, không còn gì đối chiếu với những cái “cũ” nữa, và động tác tiếp diễn chỉ là sự lặp lại, thì ý thức liền buông thả, để cho những luồng “âm ba nhiễm động” kỳ diệu ấy tự phát tác theo chu kỳ nhân và quả, hay phản dụng vì đã tiếp thụ, tức là nó điều động chân tay “làm việc không cần chú ý”, vì đó chỉ là sự xoay vần ngấm ngầm qua ba uẩn (tích tụ) thọ, tưởng và hành.
Nói cách khác, khi những âm ba ấy phát ra theo chu trình thọ-tưởng-hành, “điều khiển” động tác đều đặn rồi, thì sự dồn năng lực của ý thức qua thính giác, xúc giác, và nhất là thị giác (nhãn căn) trong nhân vật lái xe nói trên không còn cần được vận dụng đúng mức như lúc đầu nữa.
Thêm một ví dụ về thục quả trong hiện tại, là khi chúng ta bỏ chân xuống giường, chúng ta ít chú ý đến việc tìm kiếm đôi dép nhưng nhờ “âm ba trường”, của não bộ, loang ra từ xúc giác đôi bàn chân, mà chúng liền có thể mang được đôi dép đúng cách dễ dàng.
Quay lại chuyện não bộ: Chúng ta không phải chỉ có một khối não, mà chúng ta có đến hai khối não, một bên trái, và một bên mặt. Hai khối não này tuy cách nhau bởi một màng gân li ti, có “diện nhiệt lượng” (corpus callosum) giống như một lớp da mỏng. Bộ phận này động đậy luôn luôn. Nó “chọn lựa” những thông tin, để chuyển từ khối não này sang khối não kia, qua lại hai chiều, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ.
Sự nghiên cứu còn cho biết thêm: Người thuận tay trái thì bộ phận lớp da mỏng này nở rộng hơn người thuận tay mặt 11%. Người thuận tay trái thường có nhiều tham vọng. Và người thuận tay mặt thường ít bị kích thích để bộ phận lớp da mỏngnày liên lạc nhiều với khối não bên trái.
Mỗi khối não có phần hành riêng: Khối não bên trái là khối não hướng ngoại, chú ý về tìm kiếm, phân tích. Nó thiên về sự so sánh, chọn lựa hợp lý, và bộc phát ra lời. Nó là bộ phận của động cơ tiếng nói, của động tác tay chân, của sự nhanh nhẹn v.v…Nếu khối não bên trái bị thương, thì giọng nói, cử chỉ con người trong đời sống hằng ngày bị ảnh hưởng rối loạn. Nhưng sự hiểu biết vẫn bình thường, vì sự hiểu biết thuộc về khối não bên mặt. Còn khối não bên mặt là khối não hướng nội, là trung tâm của sáng kiến, của phát minh. Khối não bên trái tương ứng với Mạt-Na thức (conscience), và khối não bên mặt tương ứng với A-Lại-Da thức.
Như Tam Tự Kinh đã nói: “tánh tương cận, tập tương viễn”. Con người vì quen hướng ngoại, và thích ôm đồm phân tích, lý luận những việc đời xa gần, nên tâm thức “làm việc” đa số với khối não bên trái, thành ra nó chịu ảnh hưởng sâu đậm ngoại giới, hay đối đãi khách quan trộn lẫn với chủ quan, để bảo rằng “ta nói” “ta làm”. (Sinh ra tánh và tật).
Tuy nhiên, khối não bên mặt cũng ảnh hưởng không ít đến những sinh hoạt. Nếu khối não bên mặt bị thương, thì thần lực trong giọng nói mất hết linh động, phát biểu ý kiến lộn xộn không ra hồn, vô trật tự và vô mạch lạc, dẫn đến thất bại. vì không hướng ngoại, không bị động, nên khối não bên mặt luôn luôn ở trong trạng thái yên lặng, suy tư, tượng hình (idéogramme). Nhờ đó nó mới phát minh ra nhiều sáng kiến cần thiết cho đời sống loài người.
Nếu khối não bên trái là nơi để tâm thức phóng túng lung tung, hết hiện tại đến quá khứ, hết quá khứ đến tương lai, để so đo mọi chuyện, săn đuổi kinh nghiệm, thì khối não bên mặt thường được dùng vào sự suy tưởng, định tĩnh, khám phá ra (hay giao cảm với) những cái cao xa chưa biết. Khả năng của nó vì vậy mà có tầm sâu rộng hơn.
Nhà hiền triết Marilyn Ferguson còn giải thích việc đó như sau: “Bán cầu bên mặt bộ óc liên hệ với một linh lực Huyền Hư (Force ésotérique), là khối não chủ việc tri cảm sâu sắc, đã có từ thưở xa xưa, với sự cấu tạo đầy huyền bí và hư ảo, thuộc về ký ức của con người. Nó có khả năng tự kích thích, và tự quán chiếu để sinh ra nhiều trạng thái đặc sắc”.
Hơn nữa, trong sinh hoạt hàng ngày, hai khối óc bên mặt và bên trái thường tranh thủ, tìm thế quân bình lẫn nhau. Đó là lý do làm người ta mất nhiều thì giờ vì sự giằng co, giữa những vấn đề mâu thuẫn. Và mâu thuẫn nghĩa là có cả cái đúng lẫn cái sai. Chẳng hạn như “thương người thì phải hy sinh, không hy sinh thì chẳng thương người” mà hy sinh và không hy sinh đều tỏ ra “hợp lý” cả. Tu hành giải thoát và hướng đến giác ngộ cũng tương tự như vậy: Không thể vừa ích kỷ vì mình vừa đại độ vì người cùng một lúc được.
Trong trường hợp này, khả năng của khối não bên mặt đã làm kinh ngạc nhiều nhà nghiên cứu tâm thức không ít. Vì nó tự biểu thị sự thanh cao của tâm hồn, để cho chúng ta ý thức, và tin tưởng vào thiện nghiệp, đạo đức.
Mặt khác, những tín hiệu của khối não bên mặt truyền sang bên trái, không do một đường gân, mà do nhiều luồng từ điện song hành với nhau. Và vì chúng nó đến từ khối não bên mặt, nên tự động biến thành những khả năng phi thường của trí nhớ (Capacité extraoordinaire numérique).
Khoảng hơn mười năm gần đây, các nhà khoa học còn khám phá ra nhiều khả năng khác của não bộ. Đó là việc khi nó bị kích thích thì tự tiết ra những chất chống đau, như Endrophine, Bêta-Endropine, Enkephaline. Những chất này hoá tánh giống như Morphine (thuốc phiện), nhưng nhẹ hơn nhiều, vì không làm cho người ta lệ thuộc hay “ghiền”.
Còn “phép lạ” nào đã kích thích não bộ làm như thế, thì không ai biết. Và những nhà khoa học ấy cũng cho rằng: Khối não bên mặt là nơi tụ họp của những hoá năng đặc biệt, như vậy rất có thể nó là “trú sở” của linh lực tinh thần (?)
Người ta liền đặt câu hỏi: “Nếu tâm thức (tinh thần) nằm trong não bộ, thì khi một người chết, não bộ ngừng hoạt động, xác thân bị tê liệt, bên trong có một số cơ quan đã hư hỏng, tại sao tinh thần không chịu ảnh hưởng mà vẫn còn nguyên, để đi tái sinh?”
Đây là một câu hỏi dựa trên cấu tạo của vật hữu hình có giới hạn để định về vật vô hình không giới hạn. Tương tự như nói: “Đèn tắt rồi thì điện lực đi đâu?” Nếu dựa vào hình thức, chỉ cái “compteur” thì người ta bảo đó là một bộ phận ghi con số, chứa cầu chì. Nếu chỉ qua hai dây điện, thì người ta cũng chỉ đó là các sợi đồng bao nhựa. Tức là thị giác và xúc giác của con người rất bị hạn chế, thành thử qua nó con người không thể nào thấy hay rờ được những cái chỉ có trí thức mới xác định nổi.
Theo nghiên cứu tâm linh trong nhà Phật, phối hợp với khám phá khoa học, thì tinh thần con người vừa nằm trong não bộ, vừa bao quanh thân thể, nhất là quanh đầu, và giao thoa với “không trường” cực tiểu lẫn cực đại của vũ trụ. Ví như bầu khí quyển vừa ở trong quả đất, vừa bao phủ địa cầu, vừa tiếp giáp với vô biên chân không. Nhờ nó bao trùm thân thể, xuyên trong ngoài như thế, mà ngũ quan xúc giác con người mới chiêu cảm, dung thông biết được ngoại cảnh xa gần và ghi nhận, suy nghĩ.
Rồi từ lực (force magnétique) của tinh thần lại luôn luôn gắn liền với các hậu quả dây chuyền trong toàn thể sinh hoạt của một con người. Sự gắn liền này là những thông số (Paramètres) của nhân-nghiệp và quả (hay của bộ ba nhân-duyên-quả hợp lại).
Nghiên cứu của một người Việt về tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng
Khi dùng Électro Encéphalographie để đo điện từ ở đầu, thì người ta nhận thấy não bộ thường xuyên hoạt động qua bốn giai đoạn, và phát ra những luồng “âm ba” (ondes tạm dịch là sóng nhân điện) rất đều đặn, mang những tần số (frequences) từ 1 đến 40 chu kỳ trong một giây, được đặt tên và chia ra như sau:
Nếu bộ óc bận rộn (nhiễu sóng tâm) với những vấn đề phức tạp trong đời sống hằng ngày, thì nó phát ra luồng âm ba loạn động cao nhất gọi là Bêta, từ 12 đến 40 chu kỳ trong một giây,. Nhưng khi con số ấy thấp xuống thì chứng tỏ tâm trí được yên tĩnh.
Kế đến là luồng âm ba Alpha, nằm giữa 7 đến 12 chu kỳ một giây. Ở tình trạng “yên tĩnh” (ít phóng tâm suy nghĩ) này, con người có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ, hay nếu không ngủ thì đó là trạng thái trầm tư mặc tưởng, nghỉ ngơi.
Tiếp theo, luồng âm ba Thêta nằm thấp hơn, trong khoảng 4 đến 7 chu kỳ một giây, tượng trưng cho trạng thái tinh thần an ổn. Nếu con người chưa ngủ yến, thì đây là lúc họ tịnh tâm dưỡng tánh. Thiền học trong Phật giáo cho đó là trạng thái tương đương với tâm thức gần an trụ vào đề mục (sơ định).
An ổn nhất là luồng âm ba Delta, tính trong khoảng từ 1 đến 4 chu kỳ một giây. Nó chứng tỏ tinh thần lúc ấy nằm yên, tách rời khỏi ngũ quan xúc giác (ngoại cảnh), để ở trong một vị trí “độc lập”. Đây giống như trạng thái của một người được chụp thuốc mê hoàn toàn (Anesthésie génerale), chuẩn bị để giải phẫu.
Ngoài trường hợp phẫu thuật, cũng có người ngủ mê đến nổi “gián đoạn” cảm giác, tiếng động lớn xảy ra bên tai mà vẫn không nghe, thì tinh thần người ấy lúc đó đã chìm sâu trong tiềm thức (Sub-Conscience). nếu so sánh với trình độ tu thiền, thì đây là giai đoạn tương đương với “nhất định”.
Trên đây, soạn giả cố ý viết đậm và gạch chân hai chữ tương đương để lưu ý quý vị rằng: Khi quan sát bề ngoài thì thấy người ngủ mê và thiền giả nhập định có vẻ “tương đương”, vì ngũ quan cảm xúc của họ lúc ấy tạm thời tách rời đối tượng, “ngưng hoạt động”.
Nhưng khi nghiên cứu vào chiều sâu nội thức, thì người ngủ say, nếu thân thể bệnh hoạn, máu huyết chạy không đều, tinh thần họ có thể trải qua nhiều ảo cảnh, mộng mị, kinh hoàng. Trong khi đó, người tu thiền, dù sức khoẻ nằm trong tình trạng nào, nếu đạt được nhất định, thì tâm thức của họ vẫn luôn luôn ở trạng thái rất nhẹ nhàng, thanh thoát, tinh khiết, trong sáng và an ổn. Điều khác biệt rất quý báu, đáng đề cao nằm ở chỗ đó.
Tuy nhiên, nếu một người nhờ phúc đức kiếp trước và nghiệp lành hiện tại, có thân thể khoẻ mạnh, mà ngủ yên được một giấc Delta như thế, thì họ sẽ cảm thấy sảng khoái vô cùng. Các nhà khoa học còn tiết lộ rằng: Trong vòng 24 giờ đồng hồ, người ta chỉ cần ngủ 1 giờ Delta là đủ để thu hồi sức khoẻ. Xem như thề đủ thấy rằng sự thanh tịnh tinh thần rất bổ dưỡng cho toàn cả thân thể.
(Còn tiếp)