Sách Phật giáo

Tiền không phải là yếu tố chính của hạnh phúc (P.1)

Thứ ba, 11/06/2017 02:49

Một đời sống có ý nghĩa và giá trị là một đời sống không quá lệ thuộc vào phương tiện vật chất, nhưng không thể không có tiền bạc và tài sản, vì nó là phương tiện để nuôi sống chúng ta. Để đảm bảo một đời sống tốt đẹp, hài hòa, Phật dạy người cư sĩ có quyền làm ra tiền bạc, của cải một cách chính đáng. Nghĩa là từ sự tinh cần, siêng năng bằng đôi bàn tay và khối óc của mình để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực xã hội.

Tài sản vốn là huyết mạch mạng sống của hầu hết mọi người. Mạch nhảy, máu lưu thông chạy khắp cơ thể nên con người mới sống và tồn tại. Tài là khả năng con người có được nhờ học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, luyện tập và biết vận dụng, phát huy để làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ở đời ai cũng có tài dù nhiều hay ít tùy theo khả năng mỗi người. Từ tài năng đó con người làm ra đồng tiền để nuôi sống bản thân, gia đình và góp phần xây dựng an vui, hạnh phúc cho xã hội. Tài sản nói chung bao gồm tất cả phương tiện vật chất liên quan đến đời sống con người, trong đó có vàng, bạc và tiền. Ngày xưa, khi con người chưa biết xài tiền nên chỉ trao đổi hàng hóa bằng các phương tiện vật chất để đáp ứng nhu cầu sinh sống.

Sau này con người văn minh, tiến bộ nên chế ra tiền để làm phương tiện cân bằng giá trị vật chất, tiền là đầu mối quan trọng làm con người đam mê phát huy tài năng để có nhiều tiền. Chính vì thế, tiền là huyết mạch của sự sống để mọi người phấn đấu gây dựng bằng tài năng của chính mình.

Có nhiều người nghĩ có tiền là hạnh phúc, thật ra tiền chỉ đem lại sự sung mãn về vật chất, nó không phải là yếu tố chính trong hạnh phúc. Tiền là vật vô tri do con người tạo ra, nhiều người không hiểu nên bị đồng tiền sai sử, chi phối làm những điều xấu ác. Do nhu cầu sự sống cần phải có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng đồng tiền làm ra phải bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình.
 
Thật ra, ai cũng ước mơ đáng quý và trân trọng, lớn lên có một việc làm ổn định, có vợ hoặc chồng và có con để xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

Đó là ước mơ của một tử tù tên Tòng khi còn thiếu thời đã bỏ học từ năm lên lớp tám. Nhờ một người quen thương tình thấy anh ăn không ngồi rồi, sống bám vào cha mẹ, nên anh được dẫn vào miền Nam làm phụ hồ. Nhờ siêng năng, nhiệt tình và chịu khó học hỏi nên Tòng được lòng thiên hạ.

Từ một tên phụ hồ thô thiển, Tòng được nhiều người hết lòng giúp đỡ, dìu dắt, nhờ biết khéo léo và siêng năng, chăm chỉ, cần cù. Vài năm sau, anh ta trở thành một ông cai thầu những công trình nho nhỏ, lúc này Tòng cảm thấy hài lòng vì ước mơ của mình đã chóng thành tựu. Mỗi tháng trừ chi phí tiêu xài, anh ta vẫn còn trong túi không dưới mười triệu.

Tòng quyết định về quê để khoe với gia đình, rồi phải lòng cô gái cùng quê và hai người đã chính thức thành vợ chồng với sự chúc mừng của hai họ. Ai cũng nghĩ cô vợ có phước nên mới lấy được người chồng như anh ta.

Một năm sau, vợ Tòng đã cho ra đời một đứa con trai, công việc làm ăn của anh thì ngày càng phát triển tốt đẹp, Tòng sống trong hạnh phúc tràn trề. Vài năm sau, đứa con gái ra đời, việc làm của anh bắt đầu chựng lại, cuộc sống lúc này có phần hơi khó khăn.

Tòng ít về nhà hơn vì phải cạnh tranh với đồng nghiệp. Một hôm, mẹ anh ta gọi điện thọai báo: “Vợ mày đã bỏ hai con lên Hà Nội để bán hàng thuê cho người ta rồi”. Tòng nghe xong liền nhanh chóng tức tốc trở về nhà, bỏ mặc tất cả mọi công việc, mất cả tuần lễ anh mới tìm được chỗ bán của người vợ. Tòng nói rất mạnh mẽ: “Việc kiếm tiền để mình tôi gánh vác, cô không cần phải bươn chải làm chi cho cực khổ, chỉ ở nhà nuôi dạy con cái là đủ rồi”.

Sắp xếp việc nhà ổn định, anh ta tiếp tục công ăn việc làm. Tưởng chừng mọi việc đều êm xuôi tất cả, không ngờ vài ngày sau, vợ Tòng bỏ đi tiếp. Thất chí, nản lòng, tự ái, anh bỏ mặc không thèm tìm kiếm nữa, chỉ nhắn tin về mẹ ruột nhờ nuôi nấng giùm hai con. Sau đó, Tòng sang nhà bố mẹ vợ nói chuyện ly hôn. Thật ra, anh ta suy nghĩ quá nông cạn, sự việc xảy ra như vậy chắc chắn có nguyên nhân.

Tình chồng nghĩa vợ không phải chỉ có tiền là đủ, người vợ lúc nào cũng cần sự quan tâm, chăm sóc của chồng về mặt tinh thần và chuyện đầu ấp tay gối, sẻ chia nỗi niềm hạnh phúc. Tòng mải mê chạy theo công ăn việc làm, bỏ quên người vợ ở nhà phòng the gối chiếc với nỗi nhớ niềm thương.

Bao nhiêu gia đình ly hôn, bao nhiêu cuộc tình vụng trộm cũng từ đó mà ra. Vì hoàn cảnh, vì cuộc sống, chúng ta quá mải mê chạy theo nhu cầu để kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Đó là điều tốt, là trách nhiệm của chồng, nhưng chúng ta đừng quên rằng phụ nữ lúc nào cũng thích tình cảm ngọt ngào trong lời nói khi xa nhau, ân cần trìu mến tỏ tình khi gần nhau, liên lạc hỏi thăm nhau qua điện thoại khi xa nhà và an ủi, vỗ về khi gần gũi.

Trong tình yêu lứa đôi, ngoài việc chia sẻ tình cảm cho nhau còn có bổn phận, trách nhiệm đối với con cái, ân nghĩa đối với người thân, giao lưu với bè bạn. Giữa vợ chồng và con cái còn có sợi dây quan hệ mật thiết với nhau để nối kết tình yêu thương.

Thế cho nên, thật bất hạnh và tội nghiệp cho những đứa con thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Muốn bảo vệ được hạnh phúc gia đình, vợ chồng phải biết thông cảm, tin tưởng, chung thủy, thường xuyên trao đổi tâm tình, động viên nhau, cùng đồng tâm hiệp lực nuôi dạy con cái.

Chàng trai này vì mải mê làm giàu mà quên cả việc chăm sóc bản thân, không biết quan tâm, lo lắng đến vợ con, nên hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ. Anh ta dễ dàng thành đạt trong xã hội, nhưng bị thất bại trong việc xây dựng mái ấm gia đình. Vợ anh ta đành đoạn bỏ đi trong khi con còn nhỏ dại chắc có lý do. Anh ta không thèm tìm hiểu, tự ái, bỏ mặc, bất cần, rồi đến bố mẹ vợ nói chuyện ly hôn, tuyệt tình từ đấy.

Cuộc đời anh ta bắt đầu rẽ sang lối khác. Nỗi đau bị vợ bỏ nhà ra đi làm cho anh bị sốc và mất phương hướng. Anh bắt đầu buồn tủi, chán chường, chẳng thèm về nhà nữa, tiền bạc làm được bao nhiêu bị nướng sạch vào chơi bời trác táng.

Anh ta thật hào hoa phong nhã và nổi tiếng chơi xộp, nên các em đua nhau chiều chuộng, phục vụ tận tình để được bù lại số tiền boa hậu hĩnh. Anh ta đã lún sâu vào vũng bùn tội lỗi nên không còn đủ sức tính toán việc làm ăn nữa, để rồi cuối cùng phải chịu thân tàn ma dại.

Từ khi bỏ bê công việc, nướng sạch tiền vào các cuộc vui chơi trác táng thâu đêm suốt sáng, anh ta đã mất tất cả. Nghiệt ngã thay cho số phận của anh, một phút mê lầm ngàn năm tắt lịm. Khi sự nghiệp không còn, cuộc sống bắt đầu túng quẫn, khó khăn. Trái tim anh ta bắt đầu rung động mãnh liệt với một cô gái phụ hồ cùng quê. Bởi do bị thất bại trong tình yêu, anh ta sợ người con gái ấy không chịu thương mình. Anh đành thú thật và kể hết hoàn cảnh sự nghiệp cho người tình nghe để nàng thông cảm. Vì muốn người yêu tin tưởng, anh phải về tận quê nhà để lấy lòng cha mẹ nàng.

Lúc này tiền đã hết sạch, cùng đường, anh thuê một chiếc xe ôm và thủ sẵn một con dao để chờ cơ hội ra tay. Xe chạy đến quãng đường vắng bên vườn bạch đàn, anh ra tay sát hại giết chết người xe ôm. Sau khi gây án xong, anh lấy chiếc xe ra tiệm cầm được bảy triệu. Có được tiền trong tay, anh chẳng màng đến việc ghé thăm người yêu mà liền đi thẳng ra vũ trường vui chơi thỏa thích gần hết số tiền, sau đó mới tìm về nhà người yêu và anh đã bị bắt. Giờ đây, anh chỉ còn chờ chết với mức án tử hình trong nay mai.

Một người xuất thân từ một gia đình tốt, được ăn học đàng hoàng, nhưng lại bỏ dở việc học từ lớp tám, sống bám vào cha mẹ, được bà con thương dẫn vào miền Nam lập nghiệp, rồi trở thành ông cai thầu nho nhỏ vì siêng năng, chịu khó.

Sự nghiệp của anh thành đạt không mấy khó khăn. Ước mơ đẹp nhất của con người là có danh vọng, tiền tài và hạnh phúc trong tình yêu. Anh đã vươn lên từ sự lao động chân chính, cần cù, siêng năng, tiết kiệm, tiêu xài đúng mức và biết lấy lòng mọi người nên có chút công danh sự nghiệp. Diễm phúc hơn, anh lại có một mái ấm gia đình hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi với hai đứa con kháu khỉnh.

Tình và tiền anh đều có đủ. Tuy anh không phải là một đại gia, nhưng đời sống của anh cũng vào loại bậc trung. Đứa con gái thứ hai ra đời được vài tháng, tiền bạc làm được cũng giới hạn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, kinh tế gia đình có phần giảm sút, nên anh phải cố công miệt mài trên thương trường để làm sao bảo đảm đời sống cho gia đình.

Anh đúng là mẫu người chồng lý tưởng hết lòng vì vợ con, nhưng điều vợ anh đang cần không phải là tiền bạc dồi dào, mà chỉ cần anh biết hài hòa trong việc vun đắp tình yêu. Chán chường, buồn tủi, héo sầu, cô đơn, vợ anh đành phải bỏ nhà ra đi. Bao nhiêu cuộc tình tan vỡ cũng chỉ vì không biết hòa hợp giữa hai nhịp đập của con tim. Đây là một bài học nhớ đời cho những ai chỉ biết tiền không thôi, hãy nên xem xét lại.

Tình yêu thương và tiền bạc không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng chúng ta phải biết sử dụng đúng nơi, đúng chỗ thì sẽ đem lại an vui và hạnh phúc. Người chồng ấy vì nghĩ rằng mình đã lo cho vợ con đầy đủ, cớ sao nàng đành đoạn bỏ ra đi khi hai con còn thơ dại. Đau khổ tràn trề, uất hận tột cùng, hận đời đen bạc, để rồi lao vào vui chơi trác táng. Sự nghiệp tan tành, tình yêu đổ vỡ, nghiện ngập si mê, điên cuồng khờ dại, cuối cùng phải dính vào vòng lao lý trong cơn tuyệt vọng chờ nhận bản án tử hình. Phật chỉ dạy cho mọi người cách thức, phương pháp làm ra tiền bạc, của cải mà không làm tổn hại cho ai.

Một đời sống có ý nghĩa và giá trị là một đời sống không quá lệ thuộc vào phương tiện vật chất, nhưng không thể không có tiền bạc và tài sản, vì nó là phương tiện để nuôi sống chúng ta. Để đảm bảo một đời sống tốt đẹp, hài hòa, Phật dạy người cư sĩ có quyền làm ra tiền bạc, của cải một cách chính đáng. Nghĩa là từ sự tinh cần, siêng năng bằng đôi bàn tay và khối óc của mình để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực xã hội.

Tuy nhiên, sự giàu có về vật chất chỉ đáp ứng nhu cầu đầy đủ sự sung túc cho con người, hạnh phúc thật sự trong cuộc sống không phải là người có nhiều tài sản, tiền bạc, quyền uy, thế lực, nhà cao cửa rộng, mà chính là tự do không bị ràng buộc bởi tham lam, sân hận, si mê. Đó là một thứ hạnh phúc chân thật lâu dài, tiền bạc không thể mua bán, trao đổi được.

Do đó, ngoài việc có nhiều tiền bạc, của cải để có cơ hội phục vụ tốt cho gia đình, đóng góp cho đời, chúng ta cần phải thăng hoa đời sống tinh thần, phát huy con người tâm linh, nên thường sống trong chánh niệm tỉnh giác, mở rộng tấm lòng từ bi thương xót muôn loài bằng tình người trong cuộc sống.

Nhờ vậy chúng ta biết vun bồi xây dựng tài sản tâm linh, nên các tâm tư mê muội không có cơ hội xen vào như toan tính, hơn thua, tranh chấp, hận thù, tàn sát, giết hại lẫn nhau, làm tổn thương nhân loại.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

loading...