Sống an vui
Tiết chế lời nói
Thứ bảy, 17/10/2023 01:23
Muốn nói ít thì chỉ nói khi có ai hỏi, chỉ nói khi cần. Khi có ai hỏi, "Sư đi đâu?" chỉ cần trả lời, "Đi lấy gỗ mít." Nếu họ hỏi tiếp, "Lấy gỗ mít để làm gì?" chỉ trả lời, "Để nhuộm y."
Thay vì trả lời dài dòng, "Tôi vừa từ Bangkok đến. Tôi nghe nói quanh đây có nhiều gỗ mít tốt. Vì vậy tôi đến kiếm một ít đem về nhuộm y. Tồi vừa mới may xong chiếc y tuần rồi. Còn anh thì sao, tuần này thế nào?"
Kẻ xuất gia không nên nói nhiều và thích quần tụ. Điều này không có nghĩa là phải hoàn toàn tịnh khẩu. Nhưng nhà sư chỉ nói khi cần thiết và hữu ích. Trong tu viện của ngài Ajahn Chah, buổi chiều sau khi các nhà sư đã kéo nước, quét dọn, tắm rửa, không còn nghe một âm thanh nào ngoài tiếng dép đi kinh hành của các nhà sư. Thường thì mỗi tuần một lần, các nhà sư vào giảng đường để nghe chỉ dẫn hoặc học hỏi giáo lý. Xong xuôi, các vị lại trở về cốc liêu để ngồi thiền hay đi kinh hành. Các đường đi lại trong thiền viện đã khá mòn trước đây, nhưng ngày nay vì các nhà sư ít đi lại nên người ta chỉ thấy dấu chân những con chó trong làng.
Càng ngày càng khó tìm ra những thiền viện tốt đẹp. Bởi thế một số nhà sư cho rằng Phật giáo chỉ chú trọng vào việc nghiên cứu học hỏi giáo lý mà không thật sự thực hành. Khắp nơi người ta chỉ lo đốn cây khai rừng để tạo nên những ngôi chùa mới mà chẳng lưu tâm gì đến việc luyện tâm. Ngày xưa trái lại, các thiền sư chỉ sống với thiên nhiên mà không kiến tạo gì cả. Ngày nay các tín đồ xem việc xây dựng chùa chiền là hoạt động chính của tôn giáo và đó là lãnh vực mà nhiều người ưa thích. Như vậy cũng đúng. Nhưng chúng ta phải hiểu mục đích của việc xây dựng chùa chiền. Việc thực hành giáo pháp của nhà sư chiếm khoảng 80 đến 90% thì giờ, thời gian còn lại dành để giúp đỡ mọi người.
Lại nữa, muốn dạy người khác, tự mình phải kiểm soát được mình; có kiểm soát được chính mình mới có đủ khả năng giúp đỡ người. Đừng mang gánh nặng của kẻ khác. Những buổi nghe Pháp là cơ hội để kiểm điểm lại tâm mình, kiểm điểm lại sự thực hành của mình. Điều quan yếu là phải thực hành những điều đã học hỏi. Bạn có thể tìm thấy những lời dạy dỗ này trong chính bản thân bạn không? Bạn đã thực hành đúng hay gặp một vài khuyết điểm? Bạn có tầm nhìn đúng không? Không ai có thể thay bạn làm những điều này. Bạn không thể diệt hoài nghi nhờ nghe người khác. Bạn có thể tạm thời xoa dịu mọi nghi nan của bạn, nhưng chuyện rồi đâu lại vào đấy, và nhiều câu hỏi lại phát sinh ra. Cách duy nhất để chấm dứt hoài nghi là chính bạn phải tự mình diệt chúng.
Chúng ta phải dùng phương pháp độc cư trong rừng để thanh lọc tâm chứ không phải để tách rời với mọi người hay để đào thoát. Làm thế nào có thể đào thoát khỏi tâm chúng ta; làm thế nào có thể trốn khỏi vô thường, khổ và vô ngã, khi chúng nó có mặt khắp nơi? Chúng chẳng khác nào mùi hôi thối của phân. Dầu dính ít hay nhiều vẫn hôi như nhau.
Trích "Mặt hồ tĩnh lặng"