Sách Phật giáo
Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX ( Bộ 3 quyển)
Chủ nhật, 17/09/2019 08:16
Lịch sử nhân loại được viết nên bởi nhiều thế hệ nhân sinh. Mỗi tiền nhân với thân tứ đại của một con người rồi sẽ khuất chìm vào cát bụi, chỉ còn sự nghiệp, tiếng tốt để lại, chứng tích ấy được truyền tụng đến đời sau từ những sử liệu ghi chép, để khiến họ sống mãi trong tâm tưởng với thời gian.
Nội dung tiêu chuẩn của Phật giáo là Tam Bảo: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật bảo, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ của đạo Phật; Pháp bảo, giáo pháp đã được đức Phật nói ra; Tăng bảo, đệ tử của Phật, nương vào lời dạy của Phật để tu hành, truyền trì mệnh mạch của giáo pháp.
Tam bảo cũng còn là bản chất của Phật giáo. Phật bảo là biểu hiện cho mục đích tự giác, hoàn thành hai phần Bi Trí để trở thành nhân cách tối cao. Pháp bảo là khái niệm nhận thức về hết thảy chư pháp đều không tánh, duyên sinh, biểu hiện cho phần giải thoát khổ não, chuyển vào cảnh giới an lạc. Tăng bảo, nương vào phần tự giác của pháp làm cơ sở để kiến lập xã hội hòa bình, nhân gian Tịnh độ.
Tam bảo được hình thành từ ngày đức Phật còn tại thế, và vẫn được truyền trì phát triển, tồn tại liên tục ở thế gian cho tới hiện nay và mãi mãi sau này, đó là nương vào đạo tại nhân hoằng, nương vào sự nghiệp tuyên dương chánh pháp của lịch đại Tổ Sư.
Cho nên, Tăng bảo được coi là thành phần trọng yếu, nhờ có Tăng hoằng mà Phật pháp được rộng mở trên khắp thế giới như ngày nay. Trong mỗi đất nước ở bất cứ nơi đâu, nếu có các bậc cao Tăng xuất hiện ở mỗi giai đoạn nào thì Phật pháp ở nơi ấy được phát triển hưng long.
Đạo Phật được truyền vào Việt Nam, đã trải qua gần 2.000 năm lịch sử, qua nhiều thời đại có lúc thịnh lúc suy, đó chính là phản ảnh của các Cao Tăng có xuất hiện hay không xuất hiện. Để ghi lại những trang sử về sự nghiệp hoằng truyền Đạo pháp của các vị danh Tăng ấy qua các thời đại để khỏi bị thất lạc phai mờ trong quá khứ, và cũng để biểu thị những tấm gương trong sáng ấy phản chiếu cho đời hiện tại và tương lai.
Lịch sử nhân loại được viết nên bởi nhiều thế hệ nhân sinh. Mỗi tiền nhân với thân tứ đại của một con người rồi sẽ khuất chìm vào cát bụi, chỉ còn sự nghiệp, tiếng tốt để lại, chứng tích ấy được truyền tụng đến đời sau từ những sử liệu ghi chép, để khiến họ sống mãi trong tâm tưởng với thời gian.
Nên viết tiểu sử danh nhân đã khó, viết về các thiền sư lại càng khó hơn. Và dù là đồng ấu hay trung niên xuất gia, Thiền tông hay Tịnh độ, Thảo Đường hoặc Trúc Lâm..., dù từ thị thành hay ruộng đồng, sơn lâm, hải giác, thiền sư đến rồi đi; chúng ta thấy biết rất ít về họ. Có vị như bóng nắng đông hàn, cơn mưa mùa hạ, ráng chiều mùa thu! Tất cả đều như đủ để hoàn tất một sở nguỵện ban đầu, tự tại hành đạo tháng ngày khi còn trụ thế, rồi an nhiên lên đường như một lữ hành rong chơi qua tam giới.
Để làm những bài học cao quý, những tấm gương trong sáng lưu truyền cho hậu thế kính thờ, noi theo, bộ sách đã sưu tầm từ tro tàn quá khứ, những dư âm truyền tụng, hoặc những bút tích, sách vở có ghi lại đôi nét về công hạnh của chư vị Cao Tăng tiền bối có công với Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam ở các giai đoạn vừa qua của lịch sử cận đại.
Bộ sách tổng hợp chư vị Cao Tăng tiền bối hữu công của cả ba miền đất nước, không phân biệt Sơn môn, Pháp phái mà chung nhất đều là những người con Phật tiêu biểu trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, để lại cho Phật giáo và lịch sử nước nhà những công hạnh cao quý không thể bị phai nhòa theo năm tháng.
Bộ sách chọn cách sắp đặt theo biên niên sử, lấy năm mất của chư vị Cao Tăng tiền bối hữu công làm cơ sở. Vị nào mất trước thì đặt trước, vị nào viên tịch sau thì để sau, dẫu vị viên tịch sau có công hạnh, tuổi đạo, tuổi đời lớn hơn vị mất trước. Bởi thời điểm viên tịch là thời điểm tổng kết quá trình cống hiến của đời người, dẫu đôi khi có vị cao niên hơn vẫn còn ở đời, lại là người tổng kết quá trình của vị đi trước nhỏ hơn mình nhưng đã sớm hoàn thành sự nghiệp của lần có mặt ấy.
Vì thế, bộ sách “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam” do Đại đức Thích Đồng Bổn chủ biên được xuất hiện. Nội dung bộ “ Tiểu Sử Danh Tăng” được ghi chép gồm 100 vị Danh Tăng Việt Nam và 4 nhân vật Cư Sĩ tiêu biểu, đã viên tịch ở thế kỷ thứ XX này. Trong mỗi tiểu sử, đều ghi đầy đủ: Danh hiệu, tục tính, nơi sinh, hành trạng sự nghiệp tu hành, nơi tham học, hoằng đạo và nơi chùa trụ trì, ngày tháng năm thị tịch, tuổi thọ, hạ lạp, tháp hiệu, và trình bày tổng quát về sự nghiệp hoằng đạo, truyền đạo, không phân tích thành từng khoa như trên, để người đọc và kê cứu tự tìm hiểu về khả năng tuyên dương giáo pháp của mỗi vị.