Sách Phật giáo

Tìm hiểu Pháp môn Tịnh độ (P.1)

Thứ hai, 14/04/2015 10:13

Pháp môn Tịnh Độ chủ trương niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự thù thắng, trang nghiêm của cõi Cực lạc Tịnh Độ, bằng tự lực với Tín, Nguyện, Hạnh tương ưng bản nguyện của Đức Phật A Di Đà. 

LỜI NÓI ĐẦU

Là phật tử, không ai không biết đến việc tụng kinh niệm Phật. Việc niệm Phật cùng với việc tụng kinh A Di Đà và một số bộ kinh thường tụng khác trở thành việc hành trì thường xuyên hàng ngày của đại đa số phật tử. Trong các pháp môn tu tập, Tịnh Độ là một trong những pháp môn phổ biến đối với các phật tử tại nhiều nước Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

Riêng ở nước ta, cùng với sự phát triển của Thiền tông từ bao thế kỷ nay, Tịnh Độ tông cũng được phát triển đến mức các nhà tu hành đều thâm sâu cả hai giáo lý và trở thành việc hành trì theo Thiền-Tịnh song tu. Tuy nhiên,  đối với hàng phật tử, nhất là phật tử tại gia, việc tu theo pháp môn Tịnh Độ, cho đến nay vẫn còn nhiều điều cần phải tìm hiểu sâu, để qua đó bổ sung cho việc tinh tấn tu hành. Đa số phật tử chỉ thấy rằng muốn vãng sinh về Tây phương Cực lạc thì chỉ cần niệm Phật nhất tâm là đủ, thậm chí cho rằng không cần tụng kinh và thực hành các giáo lý tu tập khác.

Cuốn TÌM HIỂU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ này mong được góp phần giúp cho chư vị phật tử tìm hiểu sâu hơn về lịch sử phát triển pháp môn Tịnh Độ cùng những vấn đề cơ bản về giáo lý, cũng như phương pháp tu tập và hành trì theo pháp môn Tịnh Độ.

Trong tài liệu này có đề cập đến một số vấn đề khác nhau về nhận thức cũng như về phương pháp tu tập của Tịnh Độ tông qua một số tài liệu, bài viết với mục đích tham khảo tìm hiểu. 

Vì trình độ có hạn, ngưỡng mong chư tôn thiền đức, các bậc thức giả, Phật tử mười phương và quý vị độc giả vui lòng đón nhận món quà nhỏ mọn này và lượng tình chỉ dẫn những điều còn sai sót.    
         
Tác giả kính ghi
PHẠM ĐÌNH NHÂN
Pháp danh Chánh Tuệ Định
TÌM HIỂU
PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

Tịnh Độ là một trong các tông phái chính của Phật giáo. Giáo lý của pháp môn Tịnh Độ đã có từ khi Đức Phật tại thế, sau này trở thành một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với các phật tử tại nhiều nước Phật giáo Đại thừa. Mãi đến thế kỷ thứ IV, pháp môn Tịnh Độ mới trở thành một tông phái chính thức tồn tại và phát triển cùng với nhiều tông phái Phật giáo khác. Và ngày nay, Tịnh Độ tông trở thành một tông phái có nhiều phật tử tu tập đông đảo nhất không chỉ ở phương Đông mà ngay cả ở các nước phương Tây.     

Trong tài liệu này, xin chỉ bàn đến sự ra đời của pháp môn Tịnh Độ, lịch sử phát triển của Tịnh Độ, những vấn đề thuộc về giáo lý và sự thực hành tu tập theo pháp môn Tịnh Độ cùng những ý kiến khác biệt trong nhận thức và tu hành theo pháp môn Tịnh Độ. Những vấn đề khác có liên quan đến pháp môn Tịnh Độ như vấn đề hộ niệm và dấu hiệu của vãng sinh không đề cập đến trong tài liệu này.
 
Phần I. 
LỊCH SỬ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

A. Khái niệm về Pháp môn Tịnh Độ:

Mục đích cứu cánh của đạo Phật là giải thoát. Đức Phật Thích Ca đã từng nói: “Nước trong bốn biển đều có một vị, đó là vị mặn. Tất cả các pháp môn của ta cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Vì vậy trong hầu hết các kinh điển của Đức Phật thuyết pháp đều nói đến con đường giác ngộ và giải thoát. Mà con đường giải thoát của đạo Phật căn bản là ở tâm, phải từ tâm mà ra tức là phải nỗ lực cá nhân. Dù Phật pháp có đến 84 nghìn pháp môn thì pháp môn nào cũng phải tự mình tu tập để đi đến giải thoát. Rõ ràng muốn từ bến bờ mê muội bên này sông sang bên kia bờ giải thoát phải tự mình lên thuyền, tức là phải có công phu tự thân tâm của chính người tu hành, phải có cả một quá trình tu tập. Pháp môn Tịnh Độ cũng thế, cũng phải là một quá trình tu tập mang tính tự lực là chính. 

Pháp môn Tịnh Độ là một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với các Phật tử tại nhiều nước Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Nhìn về lịch sử phát triển Phật giáo, từ thời Phật giáo nguyên thủy, pháp môn Tịnh Độ chú trọng đến tự lực. Về sau này, vào những thế kỷ đầu của Tây lịch, Phật giáo Đại thừa phát triển đa dạng hóa lối tu hành nên có những pháp môn chú trọng đến tha lực, tức nhờ vào Phật lực mà tu hành đạt thành đạo quả, vượt thoát khổ đau. Đó cũng là lý tưởng của pháp môn Tịnh Độ.Vì vậy, Tịnh độ là một đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh về một đời sống vĩnh cửu và hoàn toàn giải thoát khổ đau của con người để được sống trong cõi Tịnh Độ an vui.

B. Các cõi Tịnh Độ trong Phật giáo:

Thông thường khi nói đến tịnh độ (Quốc độ thanh tịnh) các phật tử thường nghĩ đến cảnh giới Tây phương Tịnh Độ, nơi có Đức Phật A Di Đà và chư Thánh chúng. Nhưng theo Phật giáo Đại thừa thì có mười phương tịnh độ và mười phương chư Phật. Tuy nhiên trong các kinh điển thường đề cập đến bốn cõi tịnh độ, đó là: Tịnh độ Di Lặc, Tịnh độ Dược Sư , Tịnh độ A Súc Phật và Tịnh độ A Di Đà. 

Tịnh là sạch, là thanh tịnh. Tịnh độ là nơi thanh tịnh, là cảnh giới an lạc không có phiền não, khổ đau. Kinh điển thường nói đến Tịnh độ với nhiều tên gọi khác nhau như Thanh tịnh quốc độ, Thanh tịnh Phật sát, Tịnh quốc, Tịnh thế giới hoặc là Phật quốc. Đó là trụ xứ của chư Phật và chư Bồ tát tiếp độ và giáo hóa chúng sinh. Tùy theo công đức và nguyện lực đối với từng căn cơ của chúng sinh mà mỗi vị Phật có mỗi cõi nước khác nhau. Đó là nơi, là phương tiện giáo hóa của tất cả chư Phật. Điều đó có nghĩa rằng ngoài thế giới mà chúng ta đang sống còn có vô số thế giới khác. Có nhiều cõi tịnh độ khác nhau, nhưng thường hay nói đến bốn cõi tịnh độ chính là:

1.Di Lặc Tịnh Độ: 

Đó là cõi tịnh độ của Đức Phật Di Lặc, một vị Phật tương lai của thế giới loài người đang sống, hiện đang ở cõi trời Đâu Suất . Ngài Đạo sư Vô Trước , người sáng lập ra trường phái Duy thức học của Phật giáo  đã viết những bộ luận nỗi tiếng như Du Già Sư Địa luận, Đại Thừa Trang Nghiêm luận, Phân Biệt Du Già luận và Kim Cương Bát Nhã luận. Tất cả những công đức và trí tuệ này mà Ngài viết được là do Ngài tiếp nhận được sự giáo hóa của Bồ tát Di Lặc. Về sau có nhiều hành giả trong trường phái Duy Thức học phát nguyện sinh về cõi Đâu Suất Tịnh Độ. Đâu Suất Tịnh Độ thuộc tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi dục. Nếu tu tất cả các thiện pháp và tùy nguyện mới sinh vào nội viện của cõi Đâu Suất, nếu không phát nguyện chỉ sinh vào ngoại viện như là một vị chư Thiên. Do từ đó mà tín ngưỡng Di Lặc tịnh độ xuất hiện. 

2.Dược Sư Tịnh Độ:

Đó là cõi tịnh độ của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Khi còn là Bồ tát, Ngài đã phát mười hai lời nguyện để cứu khổ chúng sinh. Chúng sinh nào khổ đau, hoạn nạn, bệnh tật biết niệm danh hiệu của Ngài thì sẽ được tai qua nạn khỏi, đời sống an ổn. Do vậy, các Phật tử thường trì tụng kinh Dược Sư để cầu an, giải khổ là nghĩa đó. Nếu phát tâm bồ đề và có ý nguyện cầu vãng sinh thì sẽ được Ngài tiếp độ.

3.A Súc Phật Tịnh Độ: 

Cõi tịnh độ này được đề cập trong kinh Duy Ma Cật, một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Tịnh độ theo nghĩa này là pháp tu thực tiễn được các tông phái Phật giáo Đại thừa rất chú trọng. Tư tưởng Tịnh độ này tương ứng với tư tưởng Bát Nhã, đặc biệt là mang tinh thần nhập thế rất tích cực, đề cao việc hành Bồ tát hạnh và kiến lập Tịnh độ ngay tại tâm. Kinh Duy Ma Cật nhấn mạnh rằng thanh tịnh hóa thân tâm tức là tịnh độ cõi Phật. Cư sĩ Duy Ma Cật được xem là hiện thân của hành giả từ Quốc độ Diệu Hỷ đến cõi này tuyên dương chính pháp, hộ trì cho Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh.

4.Tây Phương Tịnh Độ: 

Còn được gọi là Cực lạc thế giới, An dưỡng, Lạc bang v.v…Kinh điển Đại Thừa thường tán thán cảnh giới thù thắng của Tây phương và công đức bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà. Đức A Di Đà là chính báo, cảnh Tây phương cực lạc là y báo. Nếu chúng sinh nào chuyên tâm niệm danh hiệu của Ngài, tu tập thiện pháp và quán tưởng cảnh giới Tây phương thì đến lúc lâm chung sẽ được vãng sinh về Tây phương Tịnh Độ. Điều đáng chú ý là hành giả tu tịnh độ tin sâu vào tha lực của đức Phật và chư Bồ Tát. Lối tu này bao gồm cả tự lực và tha lực. Tự lực là tự mình y theo giáo pháp tu học để có đầy đủ phúc đức mới được vãng sinh. Trong kinh A Di Đà có dạy rằng không thể lấy chút ít căn lành và phúc đức mà được sinh về cõi Cực lạc được. Đức Phật khuyên chúng ta phải tự mình nỗ lực mới tiếp nhận được năng lực của Ngài. Niệm Phật còn có thể phát sinh công đức, tiêu trừ vọng nghiệp và thành tựu thiền định.

Đó là nói sơ qua về 4 cõi tịnh độ chính mà trong các kinh điển Đại thừa thường nhắc đến. Còn trong tài liệu này chủ yếu nói về cõi Tịnh độ Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà và pháp môn Tịnh Độ theo Đại thừa Phật giáo.

C. Sự ra đời của pháp môn Tịnh Độ:

Nguồn gốc tư tưởng của Tịnh Độ xuất phát từ thời nguyên thủy, tức ngay từ thời đức Phật còn tại thế. Nhưng hình thành rõ nét thể hiện trong kinh điển Đại thừa bắt đầu từ trong kinh Hoa Nghiêm rồi sau là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nhưng trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, tư tưởng Tịnh Độ không bộc lộ rạng rỡ nhưng lại ăn sâu vào trong tâm khảm của giới tu tại gia. Trong khi đó giới xuất gia lại chú trọng đến giải thoát sinh tử, đạt đến Niết Bàn. Do đó tư tưởng Tịnh Độ vào thời kỳ này bị lu mờ, nên trong kinh điển Tiểu thừa ít nói đến pháp môn Tịnh Độ.

Trong hệ thống kinh Bát Nhã Đại thừa, ta thấy kinh Hoa Nghiêm có nói đến Thiện Tài Đồng Tử đi về phương nam tham học thày Tỳ kheo Công Đức Vân, có nói rõ việc niệm Phật tam muội và thấy Phật. Trong phẩm Nhập pháp giới của kinh Hoa Nghiêm có nói: “Bồ tát Quang Minh dùng chính định tam muội quán sát thấy tất cả chư Phật và quyến thuộc của Ngài ở cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh đạt được hư không đẳng niệm Phật Tam muội môn, thấy thân Như Lai chiếu khắp pháp giới”. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Dược vương Bồ tát có nói: “Nếu có người phụ nữ nào nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nghe xong phát tâm tu hành, sau khi mạng chung liền vãng sinh về thế giới của Đức Phật A Di Đà, có các vị Đại Bồ tát vây quanh nơi đó.”

Pháp môn Tịnh Độ chủ trương niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự thù thắng, trang nghiêm của cõi Cực lạc Tịnh Độ, bằng tự lực với Tín, Nguyện, Hạnh tương ưng bản nguyện của Đức Phật A Di Đà. Hành giả còn phải nương nhờ Phật lực để vãng sinh về Cực lạc trong trạng thái nhất tâm bất loạn. Tịnh Độ tông không phải là một pháp môn chỉ có tín ngưỡng Tịnh Độ Cực lạc và Đức Phật A Di Đà, không phải chỉ có niềm tin, mà đó là pháp môn chủ trương con đường tu tập Giới, Định, Tuệ mà chủ yếu là Giới và Định. Do nhờ công phu tinh tấn niệm Phật mà thành tựu Định đạt đến nhất tâm bất loạn, niệm Phật tam muội. Nhờ thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện và tu tạo các công đức phúc lành (trong đó có hộ trì Tam bảo, hoằng dương chính pháp, từ thiện, bố thí, phóng sinh v.v..) mà thành tựu được Giới. 

D. Lịch sử phát triển pháp mônTịnh độ.

Khi Phật giáo phát triển sang Trung Quốc, pháp môn Tịnh Độ đã được các vi đạo sư Trung Quốc ngưỡng mộ đi đến việc thành lập thành một tông phái riêng. Sau này Tịnh Độ lại được truyền sang Nhật Bản và cũng được Phật giáo Nhật Bản phát triển mạnh. Còn ở Việt Nam, ngoài yếu tố từ Trung Quốc truyền sang, còn có những thành tựu trực tiếp từ Ấn Độ truyền sang vào khoảng những thế kỷ đầu sau Công nguyên. Dưới đây ta điểm qua sự phát triển lịch sử pháp môn Tịnh Độ ở những nước phát triển Tịnh Độ.

1. Tịnh Độ tông ở Ấn Độ.

Như trên đã nói trong thời kỳ đức Phật còn tại thế và sau đó vào những thế kỷ trước Tây lịch, trước khi tư tưởng Đại thừa phát triển,Tịnh Độ tông ở Ấn Độ chưa hình thành pháp môn rõ rệt. Tuy tư tưởng Tịnh Độ trong thời kỳ này không bộc lộ mạnh mẽ nhưng ăn sâu vào tâm khảm của giới tu tại gia trong khi các tăng đoàn thuộc giới xuất gia lại quan tâm tu tập để giải thoát sinh tử, đạt đến Niết bàn. Vì vậy tư tưởng Tịnh Độ trong thời kỳ này ở Ấn Độ chưa phát triển mạnh mẽ, có thể nói bị lu mờ và cũng chưa hình thành tông phái rõ rệt. Cũng vì vậy mà trong kinh điển Tiểu thừa ít thấy nói đến pháp môn Tịnh Độ. Tuy nhiên, vào những thế kỷ đầu sau Tây lịch, khi tư tưởng Đại thừa phát triển cùng với sự phát triển Phật giáo lên phía bắc thì tư tưởng Tịnh Độ mới có dịp phát triển lớn mạnh và rộng rãi, nhất là ở Trung Quốc.

Do đó lý thuyết Tịnh Độ được khởi nguồn ở Ấn Độ, là một đường lối tu tập nhưng không thiết lập tông phái, chỉ khi các kinh điển Đại thừa Tịnh Độ truyền qua Trung Hoa thì Tịnh Độ mới trở thành tông phái rõ rệt

2. Tịnh Độ tông ở Trung Hoa: 

Phật giáo từ Ấn Độ phát triển sang Trung Quốc vào những năm đầu của thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Từ đời Đông Hán  (25 – 220 SCN) về sau, đạo Phật càng ngày càng được mở rộng ở Trung Quốc, nhưng đến đời Lục Triều trở đi mới có vẻ thịnh đạt, rồi đến đời Tùy Đường mới là cực thịnh. Trong thời gian ấy (từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VI), có một vị cao tăng Ấn Độ là Cưu Ma La Thập (344 -  413) sang Trung Quốc được tôn làm Quốc sư. Cưu Ma La Thập đã dịch kinh và luận Đại Thừa ra Hán văn như Kinh Kim Cương, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma, Trung Quán luận, Thâp nhị môn luận v.v…Cùng trong thời kỳ đó có những vị tăng Trung Hoa đi sang Ấn Độ cầu pháp thỉnh kinh như vào năm Long An thứ ba (399) đời vua An Đế nhà Đông Tấn, có các vị Pháp Hiển, Tuệ Cảnh và Đạo Chính.

Trong quá trình phát triển, từ đời Đông Tấn (317 – 420) trở đi, các tông phái Phật giáo Đại thừa mới dần dần hình thành ở Trung Quốc. Ta có thể lược khảo có khoảng 10 tông phái, gồm Tịnh Độ tông, Thiền tông, Thiên Thai tông hay còn gọi là Pháp Hoa tông (lấy kinh Pháp Hoa làm nền tảng), Hoa Nghiêm tông (lấy kinh Hoa nghiêm làm cơ bản), Luật tông, Chân Ngôn tông (tức Mật tông), Tam Luận tông, Câu Xá tông, và Thành Thật tông. Tuy nhiên về mặt phát triển thì ở Trung Quốc có hai tông phái Tịnh Độ tông và Thiền tông là phát triển mạnh và phát triển cho đến ngày nay.

Riêng về Tịnh Độ tông, những kinh luận thuộc giáo nghĩa Tịnh Độ được dịch xuất hiện dần. Năm 250 thời Ngụy, ngài Khang Tăng Ngãi dịch kinh Vô Lượng Thọ, Cư sĩ Chí Khiếm thời Tôn Quyền dịch bộ Đại A Di Đà kinh. Đời Diêu Tần (thế kỷ IV), ngài La Thập dịch Phật thuyết A Di Đà kinh, còn gọi là tiểu kinh A Di Đà, rồi ngài Phật Đà Bạt Đà La (tức Giác Hiền) dịch Tân Vô Lượng Thọ kinh, Quán Phật tam muội kinh, ngài Trí Nghiêm dịch Tịnh độ tam muội. Thời Lưu Tống (thế kỷ V), ngài Cương Lương Da Xá dịch Quán Vô Lượng Thọ kinh, ngài Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ VI) dịch Vô Lượng Thọ kinh luận. Đặc biệt, ngài Thế Thân (316 - 396), đã trước tác Vãng sinh Tịnh Độ luận. Do đó đến thời kỳ này giáo lý về Tịnh Độ tông tương đối hoàn chỉnh ở Trung Quốc.

Về lịch sử phát triển và truyền thừa, ta thấy rằng cuối đời nhà Tây Tấn (265 – 317), vào khoảng năm Vĩnh Gia (307 - 313) đời vua Hoài Đế có một vị danh tăng người Thiên Trúc tên là Phật Đồ Trừng, nổi tiếng có nhiều pháp thuật. Phật Đồ Trừng có rất nhiều môn đồ, trong số đó có Đạo An. Ông là một vị cao tăng đã đề xuất ý kiến lấy họ Thích làm họ chung cho những người xuất gia để tưởng nhớ và tôn sùng Đức Thích Ca Mâu Ni. Đạo An có môn đồ là Huệ Viễn (334 - 416) người Nhạn Môn, Sơn Tây, đến ở chùa Đông Lâm trên núi Lư Phong cùng với 214 vị kết làm Bạch Liên xã, phát thệ trước tượng A Di Đà Phật, xin đồng tu tịnh nghiệp. Do đó Tịnh Độ tông bắt đầu hình thành.

Đời sau, môn đồ suy tôn Đại sư Huệ Viễn làm sơ tổ Liên tông, tức là sơ tổ của Tịnh Độ tông ở Trung Quốc. Tông này thờ Tam Bảo và lấy sự tụng kinh niệm danh hiệu A Di Đà Phật làm yếu chỉ trong sự tu hành. Tông này cũng cho rằng bất kỳ người nào tu pháp môn này cũng được, miễn là niệm Phật nhất tâm bất loạn, với niềm tin mãnh liệt, ý nguyện vững bền và hành trì niệm Phật tinh tấn thì đều có thể vãng sinh vào cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà ở Tây phương Cực lạc. Vì có giáo pháp dễ theo và mọi người ai cũng có thể theo được, nên Tịnh Độ tông ở Trung Quốc ngày một phát triển. Song, các vị Tổ trong Tịnh Độ tông không thực hiện sự truyền thừa như các tông phái khác là truyền tâm ấn từ đời trước cho đời sau, mà tùy theo công đức của từng vị mà môn đồ suy tôn làm Tổ. Cho nên từ thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ XX, Tịnh độ tông mới có 13 vị tổ, kể từ vị tổ thứ nhất là Đại sư Huệ Viễn, (334-416),  tiếp đến vị tổ thứ 2 là Đại sư Thiện  Đạo (513-581), Đại sư Thừa Viễn (712-802),là vị tổ thứ 3, tiếp đó là các vị Đại sư Pháp Chiếu (747-821), Đại sư Thiếu Khang (?-805), Đại sư Diên Thọ (904-975), Đại sư Tỉnh Thường (959-1020),  Đại sư Châu Hoằng (1532-1612),  Đại sư Trí Húc (1599-1655), Đại sư Hành Sách (1628-1682), Đại sư Thật Hiền (1686-1734), Đại sư Tế Tỉnh (1741-1810) và vị Tổ thứ 13 của Tịnh Độ tông Trung Quốc là Đại sư Ấn Quang (1862-1940), hoằng pháp vào cuối đời Nhà Thanh và đầu thời Trung  Hoa Dân Quốc của thế kỷ XX.

3. Tịnh Độ tông ở Nhật Bản:

Tịnh Độ tông Nhật Bản vốn có nguồn gốc từ Tịnh Độ tông Trung Quốc, được đạo sư Viên Nhân (793-864), người Nhật đem về cùng với các giáo lý của Thiên Thai tông và Mật tông mà sư đã tiếp thu trong thời gian du học tại Trung Quốc. Sư là người truyền bá phương pháp Niệm Phật, niệm danh hiệu của Phật A Di Đà. Những vị nổi danh của tông này trong thời gian đầu là Không Dã Thượng Nhân (903-972), cũng được gọi là Thị Thánh, vị "Thánh ở chợ", và Nguyên Tín ( 942-1017). Trong thời này, niệm Phật là một thành phần trong việc tu hành của tất cả các tông phái tại Nhật, đặc biệt là Thiên Thai tông và Chân Ngôn tông.

Mãi đến thế kỷ XII, đạo sư Pháp Nhiên (1133-1212) mới chính thức thành lập tông Tịnh Độ ở Nhật Bản. Sư muốn mở một con đường tu tập mới, "dễ đi" trong thời mạt pháp cho những người sống đau khổ. Sư rất thành công trong việc thuyết phục quần chúng và rất nhiều người quy tụ lại, thành lập một trường phái rất mạnh. Pháp Nhiên đã làm một cuộc cách mạng trong việc truyền bá và phát triển Tịnh Độ tông với trào lưu rộng lớn. Và chính vì sư tự tôn giáo lý đó là giáo lý cao nhất, nên không thoát khỏi sự tranh chấp dèm pha. Sư bị đày ra một vùng hoang vắng năm 74 tuổi.

Giáo lí cơ sở của Pháp Nhiên dựa trên các bộ kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà và Quán Vô Lượng Thọ. Cách tu hành của tông này chỉ là việc tụng niệm câu "Nam mô A Di Đà Phật". Việc niệm danh hiệu Phật rất quan trọng để phát triển lòng tin nơi Phật A Di Đà, nếu không thì hành giả không thể nào vãng sinh vào cõi của Ngài, đó là mục đích chính của việc tu hành của tông này. Pháp Nhiên quan niệm rằng, đa số con người không thể đi con đường khó, hoàn toàn tin vào tự lực trong thời mạt pháp và cơ hội duy nhất của họ là tin vào sự hỗ trợ của Phật A Di Đà, tin vào tha lực của Phật và Thánh chúng mới giúp cho con người dễ dàng tu tập và sinh về cảnh giới của Ngài là được an lạc trong cõi Cực lạc và được giải thoát.

Sau Pháp Nhiên là các vị Không Dã Thượng Nhân và Lương Nhẫn. Không Dã Thượng Nhân là người đầu tiên tín ngưỡng đức Phật A Di Đà và truyền bá công khai việc niệm Phật giữa chợ vì vậy sư được mang biệt hiệu là “Thị Thánh” (Vị Thánh ở chợ). Còn Lương Nhẫn nguyên là một cao tăng thuộc Thiên Thai tông, nổi danh trong việc tín ngưỡng và tán tụng Phật A Di Đà trong những bài hát. Ở Nhật Bản, Tịnh Độ tông cùng với Thiên Thai tông (lấy kinh Pháp Hoa làm nền tảng) và Hoa Nghiêm tông (lấy kinh Hoa Nghiêm làm nền tảng) ảnh hưởng lẫn nhau đều phát triển quan điểm “Dung thông niệm Phật” tức là nếu một người nào đó niệm Phật thì công đức này sẽ đến với tất cả những người khác và ngược lại, ai cũng có phần của mình trong việc tụng niệm danh hiệu Phật. Cách diễn giải giáo lý này thuyết phục được nhiều người trong vương triều và được các đệ tử kế thừa. Và vì vậy Tịnh Độ tông ở Nhật Bản rất phát triển cho cả đến ngày nay.
 

4. Tịnh Độ tông tại Việt Nam:

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam rất sớm ngay từ thời kỳ dựng nước. Phật giáo Việt Nam có thể đã hình thành từ trước Công nguyên và phát triển mạnh từ khoảng thế kỷ thứ II và thứ III sau Công nguyên, khi đất nước còn là đất Giao Chỉ phụ thuộc vào các triều đại phong kiến của Trung Quốc. Sử liệu Phật giáo để lại cho rằng các tăng sĩ Ấn Độ đi truyền giáo theo đường biển đã vào Giao Châu và ở lại đây hoằng pháp.

Mãi đến cuối thế kỷ thứ VI, Phật giáo ở Việt Nam mới có tổ chức hệ thống, mở đầu bởi thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (còn gọi là dòng thiền Nam Phương). Sang thế kỷ thứ IX, có thêm thiền phái Vô Ngôn Thông (còn gọi là dòng thiền Quan Bich) và đến thế kỷ thứ XI đời nhà Lý, lại có thêm thiền phái Thảo Đường. Rồi tiếp theo là thiền phái Yên Tử và Trúc Lâm Yên Tử. Các thiền phái này phát triển và làm cho Phật giáo Việt Nam hưng thịnh. Bên cạnh đó trào lưu niệm Phật theo tư tưởng Tịnh Độ vẫn xuất hiện đan xen trong các thiền phái.

Có thể thấy rằng trào lưu Tịnh Độ ở nước ta dẫu có một lịch sử lâu dài nhưng không tự thân phát triển thành một tông phái, không có vị trí độc lập, tách biệt với các tông phái khác, đồng thời cũng không phong phú trong lý luận và phương pháp thực hành như Tịnh Độ tông ở  Trung Hoa hay Nhật Bản. Tuy ở Việt Nam từ trước tới nay Tịnh Độ tông chưa thành một hệ thống pháp môn riêng biệt, nhưng sau thời nhà Trần, khoảng đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XX, phương pháp tu hành của Tịnh Độ dưới hình thức đọc tụng kinh A Di Đà và niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Phương pháp này đã được kết hợp hài hoà với các thiền phái tại Việt Nam thể hiện qua thực tế sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam, thì thấy rằng dấu ấn của pháp môn Tịnh Độ là hết sức sâu đậm. Ta có thể điểm qua một cách hệ thống một số nét phát triển tư tưởng Tịnh Độ tông ở Việt Nam như sau:

Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong tác phẩm Cựu tạp thí dụ kinh do Khương Tăng Hội (?-280) soạn. Pháp môn niệm Phật cũng đã được đề cập trong cuốn Lục độ tập kinh cũng do Khương Tăng Hội soạn. Đây là những bộ kinh xưa nhất lưu hành tại Việt Nam. Như vậy, ngay từ rất sớm, vào trước thế kỷ thứ III, trong khuynh hướng tư tưởng Phật giáo Đại thừa được giới thiệu tại nước ta, người Phật tử Việt Nam cũng đã bước đầu được tiếp xúc với tư tưởng tín ngưỡng Tịnh Độ. Và sau đó, vói sự xuất hiện của bản kinh quan trọng là kinh Vô lượng thọ do nhà sư Đàm Hoằng (?-455), một vị tăng người Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh Độ với ước nguyện vãng sinh Cực Lạc, đến Việt Nam tu học tại nước ta, truyền bá. 

Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, tức từ sau sư Đàm Hoằng đến nửa đầu thế kỷ thứ IX, chúng ta hiện không có tư liệu nào để lại đề cập đến Tịnh Độ.

Từ giữa thế kỷ thứ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh Độ được phổ biến rộng rãi, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo, nhiều đạo tràng. Đặc biệt vua Lý Thánh Tông (1023-1072), thuộc Thiền phái Thảo Đường, đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà độc đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc, pho tượng này hiện nay vẫn còn ở chùa Phật Tích. Ngoài ra, còn có tượng Phật A Di Đà do nhà sư Trì Bát (1049-1117) thuộc thế hệ thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi tạo dựng năm 1099 ở chùa Hoàng Kim, xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai và tượng A Di Đà trong hội đèn Quảng Chiếu trước Đoan Môn, được tạo lập để cầu nguyện cho hoàng hậu Linh Nhân siêu sinh tịnh độ   v.v… chứng tỏ Thiền tông và Tịnh Độ tông kết hợp với nhau. Cùng với tín ngưỡng A Di Đà, tín ngưỡng Quán Thế Âm, vị Bồ tát thân cận của Phật A Di Đà, ở thời kỳ này cũng trở nên phổ biến. Từ giai đoạn này trở về sau, trên phương diện tín ngưỡng, trào lưu Tịnh Độ đã thực sự có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân ta. 

Thế kỷ XII, theo tác phẩm Thiền uyển Tập Anh, ta thấy có nhiều thiền sư theo các thiền phái khác nhau nhưng vẫn hành trì theo pháp môn Tịnh Độ, như Thiền sư Tịnh Lực (1111-1175), thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông, thường thực hành sám hối và thâm nhập được pháp môn Niệm Phật tam muội   v.v… Đến đời Trần, các nhà tư tưởng lớn như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông cũng bàn đến vấn đề niệm Phật. Tư tưởng Tịnh Độ cũng được đưa vào trong các kỳ thi tuyển nhân tài do triều đình tổ chức mà ta có thể biết được qua bài thi của Lê Ích Mộc (1459-?)  thi đỗ Trạng Nguyên trong khóa thi năm Nhâm tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông . Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân tông chủ trương cũng có nói về Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc nhưng cũng ở một khía cạnh khác.

Từ thế kỷ thứ XVI trở đi trào lưu Tịnh Độ cũng được phát triển mạnh mẽ thể hiện qua một vài tác phẩm của các danh tăng nhằm cổ súy và truyền bá tư tưởng Tịnh Độ như cuốn Bồ đề yếu nghĩa  của Ngài Viên Văn (1590-1644) nói về Tự tính Di Đà. Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1708) phiên âm A Di Đà kinh sớ sao của Ngài Châu Hoằng và một số tác phẩm mang đặc điểm tư tưởng Tịnh độ của Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) v.v… cho phép ta thấy pháp môn Niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sinh Cực lạc là một khuynh hướng tín ngưỡng lớn thời bấy giờ. Tuy nhiên quan niệm Tịnh Độ của Phật tử Việt Nam mang những đặc thù riêng mặc dù có sự ảnh hưởng của Tịnh Độ Trung Quốc.

Những đặc điểm đó thể hiện ở chỗ:

- Danh hiệu đức Phật A Di Đà xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam qua Cựu tạp thí dụ kinh và Lục độ tập kinh vào giữa thế kỷ thứ III. Mặt khác, nhà sư Đàm Hoằng (?-455) chuyên hành trì pháp môn Tịnh Độ với ước nguyện vãng sinh Cực lạc đã đến Việt Nam tu học vào đầu thế kỷ thứ V vào năm 422, cách thời điểm Ngài Huệ Viễn sáng lập Tịnh Độ tông Trung Quốc (năm 422) chỉ khoảng sau 20 năm. 

- Tuy tư tưởng Tịnh Độ lễ Phật A Di Đà xuất hiện sớm ở Việt Nam và trở thành một trong những trào lưu chủ yếu của đời sống tín ngưỡng của Phật giáo nước ta, nhưng không hình thành một tông phái với chủ trương, lịch sử truyền thừa chặt chẽ và độc lập, tách biệt với các tông phái khác như Thiền, Mật hay Luật tông ở Trung Hoa và Nhật Bản. Ở nước ta, Tịnh Độ tông không đứng biệt lập và không hề thấy xảy ra những tranh luận với các hệ tư tưởng khác cũng như đấu tranh trong tự thân nó để phát triển. 

- Tịnh Độ tông ở Việt Nam phát triển, tồn tại, đan xen và song song với Thiền tông. Vua Trần Thái Tông (1218-1277), một nhà thiền học đã để lại nhiều tác phẩm trong đó có Khóa Hư Lục. Trong tác phẩm Phật học này có hẳn một chương Niệm Phật luận bàn về những lợi ích niệm Phật. Trần Thái Tông quan niệm tự tính Di Đà và tịnh độ chỉ có ở ngay hiện tiền, trong tâm của con người này mà không phải thuộc một quốc độ khác tồn tại ngoài thế gian. Quan điểm đó cũng thống nhất trong các tác phẩm của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) và Trần Nhân Tông (1258-1308). Trong bài phú nổi tiếng Cư trần lạc đạo phú của mình, nói lên chủ trương của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông đã viết : "Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây phương. Di Đà
loading...