Sách Phật giáo

Tìm hiểu Thiền phái Tào Động và lịch sử chùa Nhẫm Dương

Thứ sáu, 16/12/2015 08:40

Thiền phái Tào Ðộng được truyền vào Ðại Việt từ thế kỷ thứ XVII, cả ở đàng ngoài lẫn đàng trong, nhưng phát triển mạnh ở đàng ngoài. Ở đàng ngoài, thiền phái Tào Động do thiền sư Thủy Nguyệt sau quá trình du học tại Trung Hoa đã hoằng truyền về Việt Nam. 

Thiền phái Tào Động ở đàng ngoài

Hoà thượng Thuỷ Nguyệt, Pháp danh Thông Giác Đạo Nam thiền sư, tu hành đến bậc Bồ Tát nhục thân. Ngài quê ở xã Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay). Nhằm năm Đinh sửu đời vua Lê Thần Tông (1637), Ngài thác thai vào nhà họ Đặng làm con đầu lòng, năm 18 tuổi trúng tuyển Cống cử (Tứ trường), đến năm 20 tuổi xuất gia tại chùa Xã Hổ, huyện Thuỵ Anh (Thái Bình). Sau 6 năm xuất gia học đạo, Ngài Thủy Nguyệt vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát giác ngộ, bèn xin phép sư phụ đi tham thiền học đạo khắp các chốn tổ, già lam ở trong nước; Năm 28 tuổi, nhân duyên đưa đẩy, Sư tổ Thủy Nguyệt và hai đệ tử quyết chí hành hương sang phương Bắc "tầm sư học đạo". Đường đi rất vất vả, khó nhọc, vừa mới đến đất Cao Bằng một đệ tử lâm trọng bệnh, thuốc thang mãi không khỏi. Từ đấy chỉ còn một thày một trò hành hương sang xứ lạ, đi khắp các chốn tổ danh lam thắng tích.

Một ngày kia, hai thày trò đến được núi Phượng Hoàng, nhờ duyên lành, nên Ngài đã sớm được yết kiến và thỉnh giáo Hoà thượng trụ trì Động Sơn Lương Giới (dạng chùa hang) trên núi Phượng Hoàng. Ngài là Hoà thượng Trí Giáo Nhất Cú - Tổ đời thứ 35 của Thiền Tông Tào Động ở Trung Hoa. Trải qua rất nhiều thử thách, khổ luyện, ngày thì làm việc Tùng Lâm, đêm thì nghiên cứu Kinh Luật.

Khi nhân duyên đã đủ, tâm đạo đã đầy, Ngài Thủy Nguyệt được Hoà thượng Trí Giáo Nhất Cú truyền giới Cụ Túc, trao cho Tâm Pháp, ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và cho về An Nam để truyền Tông phái Tào Động.
Ảnh minh họa
Ông tu học tại Hồ Châu trong 5 năm, đến năm 1667, ông và hai người đệ tử trở về chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Ðông Triều, tỉnh Hải Dương.

Ở Hải Dương, ông gặp và làm quen với một cao tăng tên là Tuệ Nhãn. Tuệ Nhãn tu ở Ðông Sơn, tên tục là Mai Tư Phụng, quê ở làng Dưỡng Mông ở Kim Thành, Hải Dương. Vì tu ở chùa làng Dưỡng Mông nên ông được gọi là Tổ Muống. Ở Ðông Sơn, ông có rất đông đệ tử theo học. 

Thiền sư Thủy Nguyệt cũng từng tới hành đạo ở chùa Tư Phúc, núi Côn Sơn, và chùa Nhẫm Dương ở Hạ Long. Ông mất năm 1704, thọ sáu mươi tám tuổi.

Thiền sư Thủy Nguyệt truyền đăng lại cho Tông Diễn với bài kệ nổi tiếng: "Dòng Tào Ðộng chủ trương Ngũ Vị Quân Thần, nhà ngươi đúng là người phải thừa kế môn phái này". 

Không có pháp nào sinh
Không có pháp nào diệt
Sen nở trên lưỡi người
Chuyện tương truyền ta biết.

Về Ðông Sơn, Tông Diễn ra sức hoằng hóa tông Tào Ðộng, học giả bốn phương nghe tiếng tìm tới tham học rất đông. Năm 1709, ông mất, phái Tào Ðộng do Thiền sư Thủy Nguyệt và đệ tử kế truyền Tông Diễn truyền bá ở đàng ngoài, rất được thịnh hành vào cuối thế kỷ thứ XVII và trong thế kỷ XVIII. 

Hiện tại nguồn sử liệu danh tăng Phật giáo còn lưu giữ không nhiều, nên công việc tìm hiểu và nghiên cứu về chùa Nhẫm Dương và Tổ thứ Nhất Thủy Nguyệt của Thiền phái Tào Động cũng sẽ còn nhiều chi tiết cần được khảo cứu công phu và khoa học. Theo Cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Hải (1906-1979), một bậc cao Tăng, long tượng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên trang lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX thì: vào năm Giáp Thân niên hiệu Chính Hoà thứ 20, đời Lê Huy Tông (1704), Hoà thượng Thủy Nguyệt bước sang tuổi 68, cho gọi các đệ tử đến và dặn rằng: "Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm, nếu 7 ngày không thấy về, thì các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”. Các đệ tử, tứ chúng đợi đúng 7 ngày mà không thấy Hoà thượng nhập thất bèn chia nhau nương theo mùi thơm lên núi vào hang vạch cỏ tìm kiếm và phát hiện thấy Ngài như đang thiền định trên một tảng đá trong hang núi. Tới nơi thấy thân thể vẫn còn nóng ấm, mền mại, sắc diện hồng hào như đang còn sống, nhưng hơi thở đã tắt lịm và từ cơ thể vẫn toả ra hương thơm ngào ngạt mùi trầm bạch đàn. Hôm đó là ngày 6 tháng 3 năm Giáp Thân (1704).

Cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử cho rằng: Hoà thượng Thuỷ Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Bắc Tông Tào Động và là Đệ nhất tổ của Nam Tông Tào Động. Sư Tổ Thuỷ Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, mà trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn…Cũng theo cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử thì Hoà thượng Thủy Nguyệt còn là Tổ khai sáng chùa Hoè Nhai (Hồng Phúc tự) ở phố Hàng Than, quận Ba Đình, Tp.Hà Nội.

Tổ đường Tào Động đầu tiên.

Núi Nhẫm Dương có gần 30 hang động lớn nhỏ, tạo thành một vùng du lịch tuyệt đẹp với những rừng cây xanh và hai dòng sông Đá Vách, Kinh Thầy chảy về Bạch Đằng. 

Chùa Thánh Quang Tự tọa lạc dưới chân núi Nhẫm Dương, tương truyền có từ thời Trần. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến nay ít nhất chùa đã qua bốn lần trùng tu. Ban đầu chùa được dựng trên một gò đất cao, xung quanh toàn đầm lầy và cây dại. Muốn lên chùa, người dân phải dùng thuyền nhỏ chèo vào. Văn bia còn lưu giữ được từ thời xưa ghi rõ, chùa là ngôi cổ tự được đích thân nhà vua ra chiếu chỉ dựng nên, trong chùa từng có tòa cửu phẩm liên hoa, có khánh đá, chuông đồng... Vào loại lớn nhất nhì vùng Đông Bắc.

Hiện nay trong Tổ đường chùa có pho tượng đá tạc sư tổ Thủy Nguyệt; ngoài hiên đang đặt tạm 3 tấm bia đá cổ chữ đã mòn và 1 tấm bia thời Nguyễn còn đọc được. Trong động Tĩnh Niệm thì có 4 pho tượng Phật giáo nhỏ bằng đá, trong đó có pho Quan Âm tọa sơn đeo tràng hạt rất lạ. Cửa động Thánh Hóa cũng có vài bức tượng nhưng không rõ tạc ai. Phía bên hữu tòa tam bảo là một cây thị rất to cao và tươi tốt, ước chừng hơn 700 năm tuổi. Nhà chùa còn nuôi khỉ để thả vào rừng. Đứng ở lưng núi bạn có thể ngắm phong cảnh giang sơn thơ mộng và cả nhà máy xi măng đang đe dọa phá hủy môi trường.

Lễ hội chùa Nhẫm Dương xưa có tên là Trũng Nhẫm, được tổ chức hàng năm vào các ngày 5, 6 và 7 tháng 3 Âm lịch.

Ngày 23/4/2015 (5/3/Ất Mùi) tại Chùa Nhẫm Dương, Đệ nhất chốn tổ của thiền phái Tào Động Việt Nam đã diễn ra Đại lễ Kỷ niệm 311 năm ngày Hóa thân của Thánh tổ - Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thuỷ Nguyệt và vinh dự nhận bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục: Hoà thượng Thuỷ Nguyệt – Đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động Việt Nam.

Sư thầy Thích Đàm Mơ trụ trì chùa, cho chùa Nhẫm Dương được xây dựng từ thời nhà Trần (1225-1400), chùa Nhẫm Dương có khoảng gần 30 hang động lớn nhỏ tạo thành một cảnh Phật toàn bích. Hang Thánh Hoá, nơi Sư Tổ Thuỷ Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hoá thạch của 27 loài động vật như: voi, tê giác, hổ, báo, nhím, lợn rừng, đười ươi (pôngô)...có niên đại cách ngày nay 3-5 vạn năm cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Địa tầng văn hoá ở đây dầy tới 4m vẫn đang chờ giới khảo cổ học đánh thức, khám phá.

Hòa thượng Thủy Nguyệt cũng là tổ đời thứ 36 của Bắc Tông Tào Động và Tổ khai sáng chùa Hoè Nhai (Hồng Phúc Tự) ở 19 phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội. Tương truyền khi sư tổ đắc đạo Kim Cương đã đội đầu, đạp chân, lưu lại vết lõm ở động đá sau lưng chùa Nhẫm Dương, cho nên có tên gọi hang Thánh Hoá. Mộ của ngài an táng trong một ngọn tháp đá 7 tầng ở trên triền núi bên cạnh ngôi chùa.

Tượng Hoà thượng Thuỷ Nguyệt – Đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động Việt Nam tại bàn thờ chùa Thánh Quang (chùa Nhẫm Dương).

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Tài liệu tham khảo:
Thích Nhất Hạnh – Thiền phái Tào Động tới Việt Nam, link http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-23-thien-phai-tao-dong-toi-viet-nam
Hòa thượng Thủy Nguyệt – Đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động Việt Nam, link: tp://m.kyluc.com.vn/Hoa-thuong-Thuy-Nguyet-De-nhat-To-su-thien-phai-Tao-Dong-Viet-Nam_kyluc_D1983.htm
Báo Gia đình & Xã hội, link: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/doc-dao-nham-duong-tu-2-kho-xuong-hoa-thach-khong-lo-20120628035127347.htm
Trang web thienphatgiao.org, link: http://thienphatgiao.org/2013/10/thien-phai-tao-dong-o-dang-trong/


loading...