Kiến thức
Tìm hiểu tinh thần nhẫn nhục trong Phật giáo Bắc tông
Thứ ba, 13/07/2021 12:31
Nhẫn là một đức tính quý báu của con người, là liều thuốc chữa trị căn bệnh sân hận của nhân loại, vì chỉ một niệm sân nổi lên thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra, bởi một đớm lửa sân, có thể đốt sạch rừng công đức.
Nhẫn nhục tiếng Phạn gọi là Ksanti, dịch âm là Sạn Đề, nghĩa là nhận lãnh mọi sự khinh khi, nhục mạ, não hại mà không giận tức. Theo Phật giáo, nhẫn nhục đúng chánh pháp là dứt sự tranh cãi tức giận, đem tình thương và trí tuệ cảm hóa người khác mà không phải dùng đến bạo lực. Khái niệm “nhẫn nhục” chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại Thừa, gắn liền với tinh thần và hình ảnh Bồ tát đạo. Nhẫn nhục là một trong sáu pháp Ba-la-mật thành tựu Bồ tát đạo để tế độ chúng sanh không cùng tận.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có nói: “Bồ tát nhẫn chịu tất cả điều ác, với chúng sanh, tâm bình đẳng, chẳng lay động như chốn đại địa” [1]. Thật vậy, đất ngoài sức mạnh còn có đức bao dung, che chở và tha thứ cho tất cả mọi loài chúng sanh đang sinh hoạt trên đất; tâm Bồ tát cũng thế, ngoài “tự hành” còn phải “hóa tha”, tức là chính mình tu tâm từ, bi, hỷ, xả còn phải dưỡng tánh bình đẳng vị tha rồi ngay đó đem nguồn an lạc đến cho người khác. Vì thế Bồ tát luôn lấy từ bi và trí tuệ làm sự nghiệp độ sinh, như trong Kinh Phạm Võng có nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ mẹ ta, ta đời đời thọ sinh ở nơi họ” [2]. Khi quán chiếu như thế chúng ta sẽ thấy rằng Bồ tát xem tất cả những kẻ oán người thân đều bình đẳng, không có tâm phân biệt mà những ai có duyên đều cứu khổ ban vui cho họ.
Lại nữa, trong kinh Kim Cang Phật nói tiền thân Ngài là một vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật, Ngài dạy: “Tu Bồ Ðề! Về quá khứ, ta làm vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời, bị vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; vì ta không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả” [3]. Như thế ở thời quá khứ, Đức Thế Tôn đã 500 đời là tiên tu hạnh nhẫn nhục, khi đối diện với việc Ca Lợi Vương cắt đứt thân thể Ngài vẫn có thể nhẫn nhục không sinh tâm sân hận, vì thế, công đức nhẫn nhục thật không thể nghĩ bàn. Trong Kinh Pháp Hoa có nói: “Bồ tát Thường Bất Khinh thấy người thì lễ lạy, miệng còn nói: Tôi không dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật. Tuy nhiên lễ lạy người, song Tỳ kheo tăng thượng mạn đánh Ngài, mắng Ngài, Ngài cũng chẳng thay đổi.
Ở nơi xa xa đảnh lễ họ, còn nói: Tôi chẳng dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật. Tỳ Kheo tăng thượng mạn muốn đánh Ngài thì Ngài đứng dậy chạy” [4]. Như vậy, nhẫn nhục là sức mạnh, mà sức mạnh đây chính là sức mạnh làm chủ bản thân mình, vì một khi thực hiện được hạnh nhẫn nhục, chứng tỏ một năng lực tu tập hùng mạnh, nhờ năng lực đó, mới có thể kiểm soát tâm mình. Vì “chiến thắng bản thân mình là chiến công oanh liệt nhất” [5]. Tinh thần nhẫn nhục trong kinh điển Đại Thừa đã đưa tinh thần Bồ tát đạo đi vào đời làm phương tiện để cứu độ chúng sanh. Trong cuộc sống đời thường, sự nhẫn nhục chẳng những tạo sức mạnh cho một chúng sanh vượt qua mọi khó khăn để đạt đến quả vị tối hậu, nó còn có sức mạnh cảm hóa lớn lao đối với người khác. Do vậy, nhẫn là nghị lực mạnh mẽ của ý chí và sự hiểu biết, nên khi Bồ tát tu hành như thế thì không bị hoàn cảnh bên ngoài cản trở chí nguyện độ sanh của mình. Do đó, nhờ sự nhẫn nại vô hạn, nên nội tâm không bị thay đổi, giữ vững ý nguyện ban đầu, đây chính là công năng tu tập hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật vậy.
Chú thích:
[1] Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật, tỳ kheo Thích Minh Định dịch, tr.264.
[2] Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, HT Thích Trí Quang Việt dịch.
[3] Giảng giải kinh Bát Nhã, TT. Thích Hạnh Bình- Quán Như dịch, Nxb Phương Đông, tr.133.
[4] Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.479.
[5] Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngàn (số 103), HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, 2012, tr.55.