Kiến thức
Tìm hiểu về Lý duyên khởi
Thứ ba, 09/07/2023 12:47
Thuyết Duyên khởi, hay còn gọi là thuyết Duyên sinh hoặc thuyết Nhân duyên sinh, mô tả sự liên hệ giữa các pháp mà thành, đã được Thế Tôn xác nhận:
"Pháp Duyên khởi ấy, dù có Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị." (Kinh Tạp A Hàm, Tập II).
Duyên khởi là một thuật ngữ để chỉ pháp (sự vật, hiện tượng) được khởi lên khi tiếp nhận điều kiện có sự tương quan lẫn nhau; ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là cái tiếp nhận điều kiện.
Trong Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ kinh I), nguyên lý Duyên khởi đã được Thế Tôn tóm tắt:
Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.
Do cái này sinh nên cái kia sinh.
Do cái này diệt nên cái kia diệt.
Định lý Duyên khởi này được định nghĩa như vậy đối với vạn sự, vạn vật. Nhưng đối với hữu tình chúng sanh thì có nhiều nơi Phật dạy giáo lý thập nhị nhân duyên, tức 12 duyên bao gồm cả nhân quả Duyên khởi.
Vô minh (Avijja): "Không rõ biết khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, Không rõ biết con đường đưa đến Khổ diệt, đây gọi là vô minh.” (Tương Ưng Bộ kinh II)
Hành (Sankhara): "Gồm có thân hành, khẩu hành và ý hành."(Tương Ưng Bộ kinh II)
Thức (Vinanàna): "Gồm Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức." (Tương Ưng Bộ kinh II)
Danh sắc (Nàma-rùpa): "Danh gồm xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư. Sắc là tứ đại và các pháp do tứ đại sanh." (Tương Ưng Bộ kinh II)
Sáu xứ (chabbithàna): "Gồm sáu nội xứ (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý căn) và sáu ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp)." (Tương Ưng Bộ kinh II).
Xúc (Phassa): "Có sáu xúc: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc."(Tương Ưng Bộ kinh II).
Thọ (Venada): "Có sáu thọ: thọ do nhãn xúc sinh, thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỷ xúc sinh,thọ do thiệt xúc sinh,thọ do thân xúc sinh và thọ do ý xúc sinh." (Tương Ưng Bộ kinh II).
Ái (Tanhà): "Sắc ái, thanh ái, hương ái, vi ái, xúc ái, pháp ái.”(Tương Ưng Bộ kinh II).
Thủ (Upàdàna): "Có bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ." (Tương Ưng Bộ kinh II).
Hữu (Bhava): "Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu, gọi là hữu." (Tương Ưng Bộ kinh II).
Sinh (Jàti): "Cái gì thuộc các loài chúng sinh bị sanh, xuất sinh, giáng sinh, đản sinh, xuất hiện các uẩn, thành tựu các xứ thì gọi là sinh." (Tương Ưng Bộ kinh II).
Lão, tử (Jaràmarana): "Cái gì thuộc các loài chúng sinh bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ lớn, các căn chín muồi thì gọi là già. Cái gì thuộc các loài chúng sinh bị từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, các uẩn tàn lụn, thân thể vứt bỏ, tử vong thì gọi là chết." (Tương Ưng Bộ kinh II).
Trong mười hai chi phần nhân duyên này, Vô minh và Hành là hai nhân thuộc quá khứ. Năm thứ: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là thuộc quả hiện tại. Ái, thủ, hữu là nhân hiện tại. Sinh, già, chết là quả vị lai. Đó là một tầng nhân quả trong ba đời, căn cứ vào đó mà biết được sự luân hồi tái sanh.
Trong 12 chi pháp thuộc thập nhị nhân duyên, mỗi chi pháp không thuần là nhân, không thuần là quả, mỗi cái vừa làm nhân vừa làm quả cho nhau tức là vừa làm điều kiện vừa bị chi phối bởi cái khác. Nếu ngược với duyên sanh tức duyên diệt thì ta sẽ thấy: Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Sáu xứ diệt, Sáu xứ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt Ái diệt, Ái diệt thì thủ diệt, Thủ diệt thì hữu diệt, Hữu diệt thì sanh diệt và Sanh diệt thì lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt; như thế là toàn bộ khổ uẩn diệt. Bởi thế, tất cả đều là tương đối, không có gì là tuyệt đối và biệt lập, mà liên quan và phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy mà Phật giáo không công nhận có một nguyên nhân đầu tiên. Duyên khởi là một vòng tròn không có điểm đầu và điểm cuối, nó không phải là một sợi xích mà là một vòng lửa đang cháy đỏ trong tam giới, lục đạo.
Chữ “Duyên” cần được hiểu: gồm có bốn loại là bốn điều kiện, bốn yếu tố làm sinh khởi các pháp (Tứ duyên).
1. Nhân duyên (pratyayā-hetu): Hay còn gọi là bổn duyên là điều kiện cần thiết, tất yếu để năng lực tác động ấy được sinh khởi và hình thành.
2. Đẳng vô gián duyên (Anantara-pratīya): Hay còn gọi là thứ đệ duyên, nghĩa là tất cả các pháp làm nhân, làm duyên cho nhau một cách liên tục, không bị gián cách. Hay nói khác đi, pháp trước làm nhân cho pháp sau, pháp sau làm duyên cho pháp trước, các pháp cứ tuần tự làm nhân, làm duyên cho nhau như vậy mà sinh khởi liên tục.
3. Sở duyên duyên (Alambana-pratītya): Nghĩa là duyên và sở duyên. Duyên là pratītya và sở duyên là alambana. Alambana có nghĩa là leo, vin vào, dựa vào, nương vào, vướng vào. Nói tóm lại, cái nào có khả năng dẫn sinh sự phân biệt, và sự phân biệt ấy mang ảnh tượng tương tợ với chúng.
4. Tăng thượng duyên (adhipapeyam-pratīya): Là duyên tăng thêm sự sinh khởi cho các pháp một cách nhanh chóng từ nhân đến quả. Tăng thượng duyên gồm có thuận và nghịch. Thuận duyên, là duyên hỗ trợ và tác động một cách tích cực để cho các pháp sinh khởi một cách nhanh chóng từ duyên đến quả. Nghịch duyên, là duyên làm đối kháng sự sinh trưởng của nhân.
Mọi pháp có thể sinh khởi, tồn tại hay hủy diệt đều lệ thuộc vào bốn duyên này. Ở trong bốn duyên này thì nhân duyên là điều kiện cần, chủ lực; còn sở duyên duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên là điều kiện hỗ trợ.
Theo Nguyên lý Duyên khởi, thì sự vật và hiện tượng nào được biểu hiện thì cũng đều có nguyên nhân có thể xuất phát từ một nguyên nhân hay nhiều nguyên nhân khác nhau. Mà “nhân” (hetu) ở đây chỉ là điều kiện cần, tự thân nó nếu đứng một mình thì không bao giờ tạo ra kết quả. Khi “nhân” tạo thành “quả” (phala) thì đương nhiên cần phải có tác động các “duyên” (pràtitya). Duyên chính là điều kiện đủ để góp phần làm các sự vật hiện tượng được hiển bày. Chẳng hạn, để có một bát cơm ngon thì cần phải có gạo. Gạo, nước, lửa, nồi là điều kiện cần. Bát cơm ngon đó chính là quả. Còn các duyên khác như: chỗ nấu, nhiên liệu, người thưởng thức… là điều kiện đủ để bát cơm ngon. Nếu các nhân và duyên đó không hội đủ thì bát cơm ngon đó không thể nào có được, dù ta có mong cầu thế nào.
Duyên sinh là nền tảng để các pháp hình thành và tồn tại lưu chuyển, khi các pháp hội đủ duyên thì sanh khởi mà không phải tự sanh hay tự diệt. Các pháp vốn không có thật thể, chỉ dựa vào tính chất đặc trưng của riêng mỗi pháp mà gọi tên nên chính cái tên ấy cũng duyên sanh, không có thật (giả danh).
Khi nói cái này sinh ra cái kia, đây là tư tưởng lệch lạc, có thể dẫn đến quan điểm thường kiến hay đoạn kiến. Như ta nói cây lúa sinh ra hạt lúa, câu nói chưa hợp lý, phải nói là nhờ các duyên mà cây lúa sinh ra hạt lúa, vì cây lúa chỉ là một trong các duyên tương quan còn có các duyên khác nữa (đất, nước, sự chăm sóc,..), tự thân cây lúa không thể sinh ra hạt lúa.
Trong câu chuyện đức Thế Tôn đã giải đáp thắc mắc cho du sĩ Timbaruka về câu hỏi: “Sự cảm thọ và người cảm thọ là cùng một người?”, hay “Sự cảm thọ và người cảm thọ là khác nhau?” (Tương Ưng Bộ kinh II). Thế Tôn đáp: “Này Timbaruka hãy từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo”. Như vậy, theo thuyết Duyên Khởi, cảm thọ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc mà sanh khởi, nói như vậy là đúng lời, thuận theo pháp.
Khi Thế Tôn giảng về Duyên khởi, Tôn giả Moliya Phagguna hỏi, "Bạch Thế Tôn, ai cảm xúc? Ai thọ? Ai khát ái? Ai chấp thủ?" (Tương Ưng Bộ kinh II). Thế Tôn dạy: "Như Lai chỉ dạy xúc, thọ, ái, thủ..., chớ không dạy người nào xúc, thọ..., nên các câu hỏi đó không phù hợp với định lý Duyên khởi. Câu hỏi phù hợp lý Duyên khởi phải là: Do duyên gì xúc sinh, thọ sinh, ái sinh? v.v...". Câu hỏi của tôn giả Moliya Phagguna nói lên tập khí tham ái, chấp thủ của chúng sinh do nhiều kiếp ngã trôi lăn trong sinh tử. Theo Phật giáo, không có "ngã" trong sinh tử, luân hồi. Tu là lộ trình đi khỏi sinh tử, luân hồi; có nghĩa là đi ra khỏi sự trói buộc đầy sương mù của sự chấp có ngã, là đoạn trừ cái ngã ấy. Vì thế, các câu hỏi: Ai tu? Ai chứng? v.v... là những câu hỏi đầy vọng niệm, trái với lý Duyên khởi như Thế Tôn đã dạy.
Quan niệm cho rằng ái là căn bản của dòng sinh tử, diệt ngũ uẩn(sắc thân) thì ái diệt, đây là quan niệm sai lầm vì ái chỉ là biểu hiện qua ngũ uẩn. Ví như khi cảm thọ khởi lên, nếu hành giả không tạo liên hệ tham thích đối với lạc thọ hay ghét bỏ đối với khổ thọ thì ái không thể khởi lên (do thọ diệt thì ái diệt).
Câu truyện Như Lai bị căn bệnh khốc liệt từ món ăn loại mộc nhĩ của gia chủ Cunda. Và trên đường đếnthành Kusinàra,Ngài dừng chân nghỉ ngơi vì kiệt sức. Ngài nói với Ananda: “Này Ananda, hãy đem nước cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh ).
Như Lai vẫn có thọ, nhưng Ngài không tác ý đối với các thọ ấy (vô tướng tâm định), nhờ vậy các thọ lắng dịu đi, khổ ái không khởi lên.
Tóm lại, giáo lý Duyên khởi sẽ giúp chúng ta tỉnh ngộ và dùng trí quán sát Duyên khởi mà giải quyết vấn đề, hành giả không sợ hãi, e ngại trước những trở ngại về những hiện tượng xấu hay bản tính xấu vì rõ ràng đây chỉ là kết quả của những nhân duyên, nó sẽ thay đổi khi chúng ta tạo ra, hay cải tạo các nhân duyên ấy theo đường hướng đã định.