Kiến thức
Tìm Phật - thấy Phật - làm theo Phật
Chủ nhật, 04/03/2024 02:07
Chúng ta tự khẳng định là con của Đức Phật, nhưng chưa thấy Phật thì phải đi tìm Phật, như đi tìm người cha mà mình bị thất lạc; đó là quá trình tu hành của giai đoạn một. Và đến giai đoạn hai, khi tìm được Phật là thấy Phật, chúng ta mới thật sự học Phật, làm theo Phật, là giai đoạn ba.
Giai đoạn một, đi tìm Phật bằng cách nào? Nếu chúng ta có trồng căn lành ở kiếp quá khứ, hay chúng ta là Phật tử thực, thì trong lòng chúng ta lúc nào cũng nghĩ đến Phật, mới đi tìm Phật và đi tới đâu, chúng ta thấy có chùa liền nghĩ là có Phật ở đó. Đó là tìm Phật ở trong chùa. Điển hình như vua Càn Long rất sùng mộ đạo Phật, có lẽ đời trước ông là người tu, nên đời này ông luôn nghĩ đến Phật. Vua Càn Long rất quý trọng đạo Phật, nên có lời phát nguyện rằng tới đâu thấy chùa thì vào công quả, dù chùa lớn hay nhỏ.
Lúc ông đi vi hành là bí mật đi xem xét tình hình sinh hoạt của dân chúng, ông thường vô chùa công quả, dọn dẹp. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ rằng nhà vua mà lại công quả, làm lao động không nề hà; còn chúng ta là người xuất gia thật sự là đệ tử Phật mà mình có bồi đắp cho đạo hay không. Nhà vua không có quyền lợi gì trong việc công quả, nhưng lại nghĩ đến lo cho Phật pháp, nên ông đã có được công đức rất lớn. Thật vậy, ông là người Mãn Châu, nhưng cai trị người Hán lâu dài đến 61 năm, tức là dài một kỷ theo người Trung Hoa.
Ít có ông vua nào làm vua lâu như ông và trong đời ông đã công quả, tu bổ chùa chiền; vì ông nghĩ rằng trong chùa có Phật, nên phải giữ gìn chùa, xây dựng chùa, tức bảo vệ Phật pháp. Ông cũng ra lệnh đặc biệt được muôn đời ghi nhận trong sử sách rằng bá quan văn võ, hay bất cứ người nào đi ngang qua chùa đều phải xuống xe, đi bộ, vì trong chùa có Phật, mà đi ngang Phật, không xuống xe là thất lễ. Ngày xưa, đi ngang vua còn phải cúi đầu, trong khi Phật phải được kính trọng hơn vua. Người nào vi phạm lệnh này sẽ bị giáng chức. Lệnh này của vua Càn Long đã được ghi khắc trên bảng đặt trước các chùa mà ông đi ngang qua.
Nghĩ trong chùa có Phật, nên giữ gìn chùa là giữ gìn Phật. Ngoài ra, ông còn đúc tượng Phật và cúng dường Tăng. Hễ ai mặc áo tu thì ông bình đẳng cúng dường, không kể lớn nhỏ. Điều này thể hiện tấm lòng tôn kính của ông, vì ông nghĩ người tu hành sẽ thành Phật; cho nên ông cúng dường chư Tăng là cúng dường Phật. Nếu ta có nguyện thành Phật mà người cũng nghĩ như vậy, nhưng ta lại bỏ mất nguyện này là có lỗi lớn.
Vì người nghĩ ta quyết tâm tu thành Phật, cho nên họ đầu tư cho nguyện này của chúng ta bằng tiền của, hay bằng niềm tôn kính, gọi là trọng Tăng. Và được như vậy, ta trở thành người giàu có lớn. Vì vậy, người tu mà không nhận được kho báu này của Phật, thì đây là điều rất buồn. Thật vậy, tôi quan sát kỹ thấy những người quyết tâm tu để thành tựu Phật quả, cuộc đời của họ sẽ thay đổi rất lớn. Riêng tôi có kinh nghiệm này, tôi xuất thân từ gia đình nghèo ở Củ Chi, một vùng chiến tranh khốc liệt; nhưng nhờ tôi quyết tâm tu làm Phật, nên người đầu tư cho tôi niềm tin và tịnh tài mỗi lúc mỗi đông hơn. Nhờ vậy cho đến nay, tôi có trên mười vạn đệ tử, mới trở thành người giàu, không phải giàu tiền của.
Giàu là tất cả mọi người hướng tâm về tôi, nghe theo tôi chỉ dạy; cho nên Nhà nước nói tôi là Hòa thượng có quần chúng. Tài sản của người tu là quần chúng và niềm tin của quần chúng hướng về mình. Thực tế cho thấy người được quần chúng tin tưởng nhiều thì sẽ làm được việc lớn. Ở ngoài xã hội, nếu được người tin tưởng có thể điều hành công việc của xã hội, họ sẽ được người tín nhiệm, bầu vào chức vụ quan trọng. Còn chúng ta tu hành mà người tin tưởng ta sẽ thành Phật, nên họ quý mến và hỗ trợ chúng ta. Người tu mà không được tin tưởng thì phải xét lại mình có thật tu hay không.
Tôi có biết một thầy thường cầm sổ đi quyên góp cất chùa, nhưng mấy chục năm gặp lại, người này cũng không có chùa và viện nhiều lý do. Tôi khuyên thầy này nên bỏ ý định cất chùa, nhưng chỉ giữ ý nguyện là đi tìm Phật và nếu thầy gặp Phật thì Phật sẽ cho đầy đủ, muốn gì cũng có. Thầy này lại trả lời là muốn chùa cũng không có. Ta muốn tu, hay muốn chùa? Muốn chùa để làm gì?
Gặp được Phật giao chùa thì khác, còn muốn thì không bao giờ được; đó là kinh nghiệm của tôi. Điều quan trọng là các thầy tu hành phải tìm Phật và gặp được Phật, Ngài sẽ bổ xứ giao chùa cho mình, thì không trở thành có. Trái lại, nếu Phật không bổ xứ, dầu có chùa do tranh chấp, tham vọng tạo nên, thì đó không phải là chùa để tu, nhưng là nơi mà ai vô ở cũng sẽ tiếp tục tranh chấp, chỉ toàn là phiền não, thậm chí cho đến mất mạng.
Bước đầu, tôi nhắc các thầy là đi tìm Phật. Tôi đi tu tìm Phật từ năm 12 tuổi, đi từ chùa này sang chùa khác, đi từ tỉnh này đến tỉnh khác. Tôi nghĩ rằng chắc chắn có Phật, nhưng không biết Phật ở đâu. Mình là đứa con mồ côi, nên cố gắng đi tìm cha. Mới đầu vô chùa cũng nghĩ như vua Càn Long rằng trong chùa có Phật, nên thấy tượng Phật là sụp lạy. Nhưng lạy một lúc, Phật cũng không nói gì, không dạy gì. Tu như vậy một thời gian, người ta dễ bỏ cuộc, vì ở chùa nhưng không thấy Phật. Ai đi tu cũng có cảm giác như vậy, nhưng chúng ta có căn lành, mới đi tìm Phật.
Đầu tiên người tu đi tìm Phật ở chùa và cũng thấy có Phật; nhưng tánh linh cho chúng ta biết đây không phải là Phật, mà chỉ là tượng Phật. Tượng Phật chỉ là tiêu biểu tượng trưng cho Phật mà thôi; nhưng người có căn lành thấy tượng Phật liền nghĩ đến Phật. Thuở nhỏ, tôi thấy hình Phật trên bao nhang, nghĩ là Phật, mới đi tìm và đương nhiên đi tìm Phật trong chùa, nhưng xác định Phật không phải là tượng, nên lại bỏ đi. Và tìm Phật mãi cũng không thấy Phật, nên chúng ta không tìm Phật qua tượng Phật nữa; mà tìm Phật qua lời dạy của Ngài, nghĩa là đọc tụng kinh điển xem Phật dạy gì là bước thứ hai tìm Phật trong kinh điển.
Tất cả các vị cao tăng đều tìm thấy Phật trong kinh điển; mà mỗi người thấy một điểm gọi là ngộ. Như vậy, tìm Phật không gặp trong chùa, nhưng gặp Phật trong kinh điển bằng cách nào? Có người tụng kinh để mà tụng, thì suốt đời không thấy Phật, khác với tụng kinh mà gặp Phật. Tụng kinh, nhưng không có căn lành là không có hột giống Bồ đề, dù tưới tẩm bao nhiêu cũng không gặp Phật. Vì vậy, tâm Bồ đề là chính, nhờ tâm Bồ đề, chúng ta đọc tụng kinh mới phát hiện ra Phật là bước thứ hai, gặp được Phật.
Tôi tu Pháp Hoa gặp Phật qua các vị Tổ sư, bằng cách đọc sách của các Ngài để lại mà phát hiện ra Phật, gọi là đồng hạnh, đồng nguyện. Gặp được Phật này tu hành, chủ yếu là Thiền tông đặt ra. Tìm Phật bên ngoài không được, chúng ta mới tìm Phật bên trong. Có người nói tìm Phật trong lòng chúng ta. Lòng chúng ta có hai trường hợp. Nếu là Phật hay Bồ tát thị hiện lại, thì tìm trong lòng sẽ thấy Phật, thấy Bồ tát.
Nhưng nếu là phàm phu nghiệp chướng, ác ma thì không thể tìm Phật trong tâm được. Vì vậy, người tu Thiền thuộc hàng thượng căn, tức là Bồ tát thị hiện trở lại cuộc đời này; cho nên các Ngài ngồi yên và tâm yên tĩnh thì thấy Phật xuất hiện, là các Ngài tìm được Phật trong tâm, gọi là Thiền sư ngộ đạo. Còn ngồi yên mà không thấy Phật, chỉ thấy phiền não trần lao nghiệp chướng thì đó là chúng sinh, hay thấy toàn việc ác thì đó là ác ma đời trước hiện lại.