Sống an vui
Tìm sự an lạc khi bệnh tật bằng cách nào?
Thứ sáu, 11/08/2023 12:12
Thật tình cờ khi nhận tin từ một người thân quen, cô Hồ thị Hoài, cựu giáo viên của một trương tiểu học, đồng thời là giáo viên dạy cho các em mồ côi tại Trung tâm nuôi dưỡng mồ côi - chùa Đức Sơn, thành phố Huế.
Tôi vui khi biết mặc dù đang sống từng ngày với nhiều bệnh như thấp khớp, tim mạch, tiểu đường…Cô vẫn hiểu rằng bệnh hoạn là điều không tránh được. Nhân đây xin mạo muội đôi dòng đến Cô.
Tất cả chúng ta đều phải bệnh. Người may mắn thì bệnh ít, còn không may thì bệnh nhiều hơn. Một khi ta đã được sinh ra trong vòng luân hồi với thân, thì ta phải chịu ảnh hưởngcủa những xung đột tâm lý và nghiệp, bệnh là điều chắc chắn phải xảy ra. Đó là bản chất của thân - nó già đi và bệnh.
Những phương cách để đối phó với bệnh khi nó xảy ra là gì? Bình thường phản ứng của chúng ta là cảm thấy thương thân mỗi khi bệnh tật đến, có khi trách người và sân hận. Các phản ứng này chỉ khiến bản thân chúng ta và người thân chung quanh khổ sở. Nhưng những phản ứng này có chữa được bệnh không? Không, dĩ nhiên là không. Đức Phật khuyên chúng ta nhìn bệnh từ một quan điểm rộng rãi hơn, đó là dầu ta có tìm được phương thuốc phù hợp để chữa bệnh, ta cũng cần tìm hiểu nguồn gốc của bệnh. Bệnh xảy ra khi con người phải sinh ra trong vòng luân hồi. Mỗi thân phận sinh ra đều có bệnh, trừ khi cái chết đến trước. Nguyên nhân khiến con người tái sinh trong vòng luân hồi là gì? Chính là các hành động ở thân, miệng và ý. Những thứ này hợp lại để thành nguyên nhân chính, là sự bám víu vào Ngã (vô minh). Phải chăng vô minh khiến ta không hiểu bản chất của thực tại? Vậy điều tiên quyết là giải thoát bản thân khỏi sự vô minh này..
Theo tìm hiểu có những cách quen thuộc để đối phó với bệnh.
1. Bấm nút dừng sợ hãi:
Hãy quan sát tâm và nhìn xem chúng ta phản ứng như thế nào với bệnh. Khi bệnh, đa số chúng ta ai cũng rất sợ hãi và thường nghĩ đến "tình trạng tệ hại nhất". Ví dụ, khi có cảm giác lạ ở ngực liền nghĩ rằng sẽ bị đột quỵ. Liệu rằng khi có vấn đề như vậy ai sẽ đưa mình đến bệnh viện, liệu có kịp thời gian để chữa trị hay không? Có tốn nhiều tiền không? Bảo hiểm có chi trả khồng?...hay liệu bệnh tim này có đe dọa tính mạng không? Vô vàn câu hỏi được đặt ra khi cơ thể ta có một triệu chứng lạ. Tâm của bạn có trở nên hoang dại và tạo ra những câu chuyện khủng khiếp như thế không?
Lúc bắt đầu, chỉ là một cảm giác khó chịu trong thân - một cảm giác vật lý. Tùy thuộc vào việc chúng ta xem cảm giác vật lý đó như thế nào, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều khổ tâm. Nếu chúng ta có thể bấm nút "Dừng lại" trên tâm sợ hãi và chỉ ý thức về cảm giác vật lý, ta sẽ không tạo ra phiền não cho tâm. Đó chỉ là cảm giác, không có gì đáng sợ. Chúng ta không phải căng thẳng, cảm giác chỉ là cảm giác. Nếu ta gán cho mình một cảm giác là "đau", thì mọi thứ bắt đầu đau. Tuy nhiên, nếu ta chỉ nói "cảm giác" và không tạo ra một cái tưởng mạnh mẽ hay hình dung trong tâm của mình, thì nó chỉ là cảm giác. Hãy quán niệm và hiểu cho rõ đâu là cảm giác? Đâu là thân?
Hãy thử nghiệm nhiều cách với cái đau nơi thân, thay vì căng thẳng hay sợ hãi.
2. Điều gì khiến cảm giác này là "của tôi"?
Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì đã khiến bạn căng thẳng, sợ hãi khi bạn trải nghiệm một cảm giác nào đó? Nếu quán sát, ta sẽ thấy đó là vì ta gán cho nó là của tôi. "Tôi đau chỗ này, tôi đau chỗ kia…" Ngay khi được dán nhãn "của tôi" thì một cảm giác mạnh mẽ về "cái tôi" phát khởi và cảm giác đau đó trở nên kinh khủng. "Cái tôi" và "của tôi" có hiện hữu đúng như ta tưởng không? Từ đó ta quán về sự không có mặt của một hiện hữu độc lập hay một chủ thể thường hằng.
3. Hãy nghĩ "Tốt, bệnh cũng tốt"
Đức Phật khuyên chúng ta làm ngược lại với những gì mà bản ngã muốn làm. Nên nhỡ khi có bệnh ta nên tự nhủ: "Tốt, có bệnh tôi cũng vui" Nghe ngớ ngẩn phải không? Làm sao có thể nói tôi vui khi bệnh? Nếu hiểu được rằng: bệnh là do nghiệp xấu mà ta đã tạo ra trong quá khứ, giờ thì nghiệp đó đã ra quả dưới hình thức bệnh, nó không còn che mờ tâm trí ta nữa. Có thể nghiệp xấu đó có năng lực khiến ta phải tái sinh đọa vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh..trong một thời gian dài, thì còn khổ hơn. Vậy thì căn bệnh ta đang mang thực sự trở nên bình thường, không đến nỗi tồi tệ, nếu so với một kiếp sống đọa đày.trong chốn ngạ quỷ, địa ngục, thì việc bệnh tật chỉ như cơn gió nhẹ. Nếu nhìn sự việc như thế, ta sẽ thấy căn bệnh hay cái đau mình đang mang thực sự không quá tệ.
4. Hãy tử tế với người
Khi bệnh ta hay cáu gắt với moi người chung quanh và cáu gắt ngay với bản thân. Điều này không lợi chút nào. Cố gắng tử tế với mọi người. Một khi đã quyết tâm sống tử tế, bạn sẽ trở nên bình an. Khi đã chấp nhận bệnh của mình, ngoài việc chữa trị theo chỉ dẫn thuốc men của bác sĩ ta nên có phương thức hành động là sống tử tế. Có thể chia sẽ sự tử tế để cải thiện chất lượng cuộc sống.
5. Luyện tâm để sống cho xứng đáng
Đừng bao giờ nghĩ mình là người vô dụng. Có sức khỏe thì cống hiến hết mình. Nếu nhỡ may bệnh tật cứ xem đây là cơ hội để ta nhiếp tâm, quán chiếu rõ hơn quy luật vô thường. Dĩ nhiên có sức khỏe tốt thì việc sẽ dễ dàng hơn trong cuộc sống và trong cả việc tu tập, tuy nhiên nếu bệnh, ta vẫn có thể sử dụng bất cứ thời gian nào, năng lực nào còn lại để tu hành. Ngay cả khi ta nhói tim không thở nỗi, hay khi ta không thể ngồi dậy nổi, phải nằm liệt giường, ngay cả khi ta bị hôn mê, yếu sức….tâm ta luôn nghĩ đến những điều thiện lành và quán tưởng đến bản chất thực sự của thực tại. Ta có thể an trú trong ngôi Tam Bảo và quán chiếu về nghiệp. Khi ta lợi dụng hoàn cảnh bệnh tật để thực hành những lời Phật dạy, khiến cuộc sống của ta ý nghĩa hơn rất nhiều.
Đừng nghĩ rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi bạn đang bận rộn với công việc, sở hữu bao nhiêu thứ, có biết bao bạn bè, của cải, tài sản… Nhìn bề ngoài ta thấy vậy mà không phải vậy. Vì trong quá trình tạo ra chúng, có thể ta đã tạo ra bao nghiệp xấu ác. Nghiệp xấu đó không phải là sản phẩm hữu ích trong các hoạt động của ta. Ví dụ, do có nhiều ham muốn hay tham vọng danh tiếng, chúng ta có thể dối trá, lường gạt người khác….Dù ta có thỏa mãn ước vọng của mình, tất cả những dấu hiệu thành công bên ngoài sẽ phai nhòa, đến khi ra đi, chỉ có nghiệp đi theo ta mà thôi.
Tóm lại, chúng có thể có nhiều bệnh cùng lúc như khớp, tim mạch, tiểu đường, thậm chí nằm một chỗ…nếu chúng ta dùng tâm mình để tạo ra những nghiệp xây dựng tích cực là tạo nhân cho sự tái sinh tốt đẹp. Được như vậy, dù thân bệnh nhưng tâm ta gần gũi hơn với giác ngộ, giải thoát, điều này làm cho cuộc sống của chúng ta vô cùng ý nghĩa.
Chớ coi thường sức mạnh của tâm. Tâm rất dũng mãnh. Ngay cả khi ta bệnh, uy lực của những tư tưởng tích cực mà ta tạo tác có thể ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. Những tư tưởng và tình cảm tử tế khôn ngoan cũng có thể mang đến sự tái sinh tốt đẹp và đưa ta đến con đường giác ngộ.