Chùa Việt

“Tình cây và đất” nơi tổ đình Quán Thế Âm

Chủ nhật, 18/05/2015 08:24

“Đất cùng Cây” cảm thấu khôn cùng, để không ai bảo ai, cùng nâng niu, tương hỗ lẫn nhau, hình thành chất tình bền chặt, mặc cho những khắc nghiệt khí hậu, những phong hóa thời gian thường trực từng giờ…

Cội Bồ Đề hai chạc, mỗi chạc đường kính chừng 15-20cm từ phần thân cây Bồ Đề ở sân trước bên phải, sát cổng Tam Quan, rễ mọc bám chắc một phần gác mái.

Hình ảnh không quá lạ, nhưng tôi cảm nhận nơi đây có sức mạnh nào đó, kì diệu khó bề diễn tả. Nguồn sức mạnh tâm linh mạnh mẽ, xua tan mọi mảng bám trần ai nơi người lữ khách. Bên cạnh đó, một sức sống mãnh liệt, bất chấp không gian, thời gian…

Qua một đạo hữu giới thiệu, chúng tôi về thăm tổ đình Quán Thế Âm, ở số 90 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Được biết, đây là là ngôi chùa thứ 32, nơi trụ trì cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức - một danh tăng của Việt Nam.



Cổng Tam Quan

Gần trưa, đường phố Sài Gòn nắng rát. Dừng xe trước cửa nhà chùa, tôi đã nghe tiếng máy móc cơ khí vọng ra. Cứ nghĩ nhà chùa đang sửa sang gì lớn, nhưng chỉ có hai người đang cắt đá (loại đá tráng men lát nền).











Bên trong Chính điện Tam Bảo

Không nhiều thời gian, theo cầu thang bên trái tiền sảnh, chúng tôi cùng lên đảnh lễ Tam Bảo. Gian Chính điện thiết kế đơn giản nhưng tinh xảo, rồng uốn quanh thân hai hàng cột trụ, hình ảnh thật uy nghiêm.

Chính giữa thờ tôn tượng Đức Phật Bổn Sư, bên phải là ban Địa Tạng, bên trái thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nơi thờ tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát phía trái bên ngoài gian Chính điện

Ban thờ ngay lối lên cầu thang về Chính điện

Phía trái bên ngoài gian Chính điện, một khoảng riêng thời tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá nguyên khối, lần đầu tôi được chiêm bái. Gian thờ có kiến trúc núi đá tự nhiên khá lạ mắt.

Khoảng 5-7 phút, chúng tôi khám phá xong thượng tầng nhà chùa. Ra hành lang trước gian Tam Bảo, tôi chụp thêm vài kiểu ảnh rồi về lại sân chính.

Gian thờ Tổ

Không gian tĩnh lặng bao chùm. Lúc này, tôi mới thực sự có thời gian ngắm nghía thật kỹ cội rễ Bồ Đề đang bám chặt gác mái cổng Tam Quan. Nhánh rễ lớn trỉa xuống như thế “gọng kìm” vững chắc. Từng chùm rễ nhỏ tua tủa, có nhánh dài đến cả mét.

Tôi quan sát kỹ, nhành rễ nào cũng căng tràn nhựa sống. Chạc rễ sát gờ gác mái nhìn vững trãi vậy, nhưng bên dưới là một lớp đệm mô thực vật sống khá dày, nên không ảnh hưởng đến vôi tường.

Thường thấy, những cây mọc cao, rễ cọc dài, trỉa sang lấn sân các gác mái chùa, mái đình, sẽ làm bong tróc tường, trơ vôi, vữa. Nhưng, phần gác mái cổng Tam Quan tổ đình Quán Thế Âm dường như không hề suy chuyển. Cũng lạ!

Một phần gác mái trước gian Chính điện

Đang mông lung, làn gió thanh mát lạ thường từ đâu ùa đến. Bất giác, tôi cảm niệm sâu sắc những cảm xúc khó tả ban đầu. Dường như, Bồ Tát Thích Quảng Đức luôn hiện hữu: Những gì thiêng liêng nhất về Ngài mà tôi chỉ có thể cảm nhận từ tâm. Từ lực vô hình nơi Ngài bao trùm rộng khắp nơi tổ đình, như tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho cảnh quan, sự vật. Điều đặc biệt, những sức sống mạnh mẽ thách thức không gian, thời gian lại rất bình dị, tràn đầy niềm thương cảm, nâng niu, trân trọng… dù là cộng sinh như cội rễ và gờ tường kia.

Tôi thoáng nhớ đến khúc hát:
Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở,
cây thiếu đất cây sống sống với ai.
Chuyện trăm năm ân tình cây và đất,
cây bám rễ sâu, đất ôm chặt tận đáy lòng…
(trích lời ca khúc Tình cây và đất)

Lúc này, tôi chợt hiểu, tình thương nhân loại bao la, tình Đạo Phật vô bờ nơi Bồ Tát Thích Quảng Đức luôn sống mãi với thời gian, lan tỏa muôn nơi. Và gần nhất, nơi Ngài từng gắn bó, “Đất cùng Cây” cảm thấu khôn cùng, để không ai bảo ai, cùng nâng niu, tương hỗ lẫn nhau, hình thành chất tình bền chặt, mặc cho những khắc nghiệt khí hậu, những phong hóa thời gian thường trực từng giờ…

Thường Nguyên
loading...