Kiến thức
Tịnh chư nghiệp chướng
Chủ nhật, 23/07/2021 02:39
Muốn tịnh chư nghiệp chướng, con đường duy nhất là ta phải tu theo những phương pháp tu hành của chư Phật; nếu không khéo thì con đường ta đang đi có thể không phải là đường về đất Phật.
Muốn tiêu nghiệp chướng phải cảm ơn người hủy báng ta
Thời đại chúng ta đang sống, có thể nói là một thời đại cực thịnh của văn minh vật chất. Thời mà tiếng nói con người chỉ vài giây sau là vang đi khắp hoàn cầu. Thời đại mà hầu như ở hang cùng ngỏ hẻm nào cũng đều có sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình và điện thoại. Tuy nhiên, tiếng nói của hôm nay không còn là ái ngữ của hôm qua; không còn là tiếng nói mộc mạc, nhưng đầy tình cảm nữa. Ngược lại, nó ồn ào, vọng động và mang đầy chướng ngại của não phiền. Tại sao lại như vậy?
Đáng lý đúng nghĩa của văn minh phải là những gì sáng sủa và đẹp đẽ hơn chứ; thế nhưng sự thể hầu như hoàn toàn ngược lại. Theo Kinh Viên Giác, trong phẩm Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Đức Thế Tôn đã nói rõ cho tứ chúng biết rằng tự thuở giờ cái tâm "Viên Giác" vốn thanh tịnh, nhưng vô minh mê muội đã khiến chúng sanh càng ngày càng xa lìa "Viên Giác," khiến cho chúng sanh thay vì ái ngữ, lợi hành; lại đi nói lời ác ngữ, hành ác nghiệp.
Theo đạo Phật, giác tâm bản tánh vốn thanh tịnh, nghĩa là không tội lỗi không yếu hèn, không gì cả. Tuy nhiên, do bởi phiền não và nghiệp chướng của Ngã, Nhơn, Chúng Sanh và Thọ Giả mà sanh ra đủ thứ loạn động, vọng che mất chơn, tà che lấp chánh, ác lướt thiện, vô minh che mất Bồ Đề.
Thế nào là Vọng Ngã?
Từ vô thỉ chúng sanh đã lăn trôi trong luân hồi sanh tử; hết kiếp nầy đến kiếp khác; không còn trí huệ đâu nữa để thấy rằng thân nầy là giả tạm, chẳng khác chi hoa nở, hoa tàn. Do bởi không thấy, không biết nên chấp thân nầy là ta, rồi từ đó ghét ghét, thương thương, vui vui, buồn buồn. Thế rồi từ sai lầm vọng động nầy, ta đi đến sai lầm vọng động khác; từ vọng ngữ ta đi đến ác ngữ; từ suy nghĩ ác ta đi đến hành động ác...
Phật dạy rằng nếu lấy cái thân tâm phàm phu vọng ngã nầy mà cầu đạo, thì ta sẽ chẳng bao giờ thành tựu. Với cái tâm nầy, người tu sẽ khởi tâm khinh ghét những người không tu; những người ăn chay khinh mạn những kẻ ăn mặn; cho rằng ăn mặn như vậy thì làm sao năng chứng năng ngộ được? Tu mà còn vướng mắc như vậy thì làm gì có viên giác? Tu mà còn mang nặng cái tâm năng chứng năng ngộ như vậy thì sở chướng tràn đầy, làm sao mà hướng thượng đây? Hãy nhớ lời Phật dạy, hễ muốn tu đạo giải thoát thì có lúc chánh pháp thượng xả.
Như vậy muốn tu đạo rốt ráo như các đấng Như Lai, thì ngay những ý niệm giải thoát và Niết Bàn cũng cần phải buông bỏ.
Thế nào là Nhân Tướng?
Làm thế nào để hóa giải nghiệp chướng, mê tín dị đoan trong gia đình?
Nhân tướng là chấp vào những cái mình biết, rồi cho rằng mình đã ngộ nầy, ngộ nọ. Vì nhân tướng mà ta mới coi trời không bằng vung, mục hạ vô nhân. Chính cái nhân tướng đã đưa chúng sanh từ chỗ tự kiêu hãnh đến chỗ ngã mạn cống cao. Nhưng Phật tử ơi! Nên nhớ rằng hãy còn biết mình ngộ là mình thật sự chưa ngộ gì cả. Như vậy người con Phật luôn nhớ tự thân hành trì, mà không khởi tâm chứng ngộ, ấy là đường về Niết Bàn thật sự vậy. Ấy là con đường chân chính nhất của đạo Bồ Đề, Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Thế nào là Chúng Sanh Tướng?
Chúng sanh tướng là cái ngã tướng ẩn thức một cách vi tế nơi con người của mình. Vì ngã tướng mà ta cho rằng ta đã chứng ngộ, đã tới một từng trời mà chúng sanh khác chưa tới được. Chính cái chúng sanh tướng là một trở ngại lớn lao, là một thứ ma Ba Tuần làm trì trệ bước đường tu tập của ta.
Thế nào là Thọ Giả Tướng?
Thấy mình đã ngộ là chưa ngộ; thấy mình đã chứng là chưa chứng; thấy mình đã đắc, là chưa đắc...Giống như con mắt mà nói thấy được con mắt là điều phi lý vậy! bởi vậy cho nên người vọng động có khi nào cho rằng mình vọng động đâu?
Đức Phật đã chỉ dạy một cách cặn kẻ trong kinh điển là chỉ vì bốn trở ngại lớn lao trên mà thân tâm ta chẳng bao giờ được thanh tịnh. Chính vì chúng mà ái ngữ nhường chỗ cho ác ngữ, lợi tha nhường chỗ cho ích kỷ... Muốn tịnh chư nghiệp chướng, con đường duy nhất là ta phải tu theo những phương pháp tu hành của chư Phật; nếu không khéo thì con đường ta đang đi có thể không phải là đường về đất Phật. Xin hãy buông bỏ đi những ý tưởng chứng ngộ, để cho tâm trí chúng ta được sáng suốt hơn. Hãy buông bỏ những chấp nê và tham ái để thân tâm ta không vướng mắc. Phật tử chân chánh luôn nhớ rằng hễ một phút nào mình còn cho rằng mình hơn người, mình chứng nầy ngộ nọ, là phút đó ta còn đang đi về phía địa ngục. Chỉ có những kẻ sanh tâm ganh tị và ngã kiến mới tự xưng chứng đắc, chứ người chân tu cứ thầm thầm mà tinh tấn hàng phục phiền não và chiến thắng nội ma, ngoại chướng một cách dũng mãnh. Do đó, dù chưa dứt trọn được phiền não, cuộc sống ta cũng là an lạc lắm vậy. Cuộc tu của ta, dù chưa đến Niết Bàn, nhưng thân tâm nầy đã trống vắng phiền não và tịnh tịch có thua chi cõi Tây Phương Cực Lạc.
Thiện Phúc