Kiến thức
Tính nhân bản của Phật giáo
Thứ hai, 17/03/2021 01:18
Phật giáo luôn đề cao nỗ lực và ý chí của bản thân con người. Tinh tấn là một trong những đức tính quyết định việc thành tựu đạo quả Bồ Đề. Đến bờ giác ngộ chẳng bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng, bạc nhược.
Điểm căn bản nhất mà chúng ta nhận thấy được ở chân lý Phật giáo là, Vị giáo chủ không phải là một thần linh, không phải là một thượng đế đầy quyền uy thưởng phạt, mà là một con người thật sự như bao nhiêu con người khác tên là Tất Đạt Đa, ngài thuộc giai cấp Sát Đế Lợi, dòng dõi vua chúa, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da.
Ngài sinh ra, lớn lên, đi học. Vợ của ngài là công chúa Da Du Đà La, con của ngài là La Hầu La. Ngài thấu rõ nỗi thống khổ của sinh, lão, bịnh, tử, ngài chứng kiến những lầm than cơ cực của dân chúng trước những bất công của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Ngài đã một mình ra đi tìm phương pháp giải quyết những vấn đề trên. Sau những tháng năm học đạo với các đạo sĩ nổi tiếng mà kết quả vẫn không làm vị đạo sĩ trẻ tuổi, thông minh Tất Đạt Đa giải quyết những vấn đề bức xúc trong lòng.
Cuối cùng ngài quyết định tự mình tham cứu. Suốt 49 ngày tham thiền nhập định dưới cội cây Bồ đề. Ngày cuối cùng, khi sao mai vừa mới mọc, ngài đã thấu đạt được Chân lý, rõ được chân tướng của vạn pháp. Ngài đã giác ngộ và thành đạo, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Tính chất Trí tuệ và Nhân bản, vị tha của Đạo Phật
Sự kiện trên đây đã hình thành một khái niệm về tính nhân bản của Phật giáo. Đạo Phật quan niệm, con người là trung tâm điểm, hay nói cách khác, không có nhân loại thì không có chân lý Phật giáo hiện hữu trên cõi đời này.
Trong thế giới quan của đạo Phật, chủng loại chúng sinh được chia thành sáu bậc: Thiên, Nhân, Atula, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Trong sáu giới ấy, con người được coi là hội đủ điều kiện tốt nhất để đạt đến các quả vị tu chứng trí tuệ trong Phật giáo.
Chân lý Phật giáo giải thích rằng: Ở cõi Thiên thì khó nhận thức được khổ đau vì cuộc sống của họ quá ư sung sướng. Trái lại, các cõi Atula, Địa ngục, Súc sinh, Ngạ quỷ, chúng sanh quá si mê, ngu dốt trong hoàn cảnh tối tăm đọa đày nên cũng không dễ nắm bắt được Chân lý Phật Đà.
Duy chỉ có cõi Nhân, bản thân con người mới có hoàn cảnh nhận thức được khổ đau của cuộc sống (đây là điều kiện thích ứng để dễ dàng khai sáng) và có khả năng khai sáng được ngọn đèn trí tuệ nơi chính tấm thân nhỏ bé này.
Trong quan niệm Chân lý Phật giáo, con người là chủ nhân của mọi hành vi của chính bản thân mình ở cả ba thời: Quá khứ, hiện tại và vị lai, là thượng đế duy nhất có toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình. Ngoài mình ra không ai hoặc bất cứ thần linh nào có khả năng đưa mình lên thiên đàng hay ném mình xuống địa ngục. Trong Kinh Pháp Cú, câu 145, Đức Phật dạy rằng:
"Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch"..
Phật giáo nhìn nhận vấn đề giàu nghèo như thế nào?
Lại nữa, Phật giáo luôn đề cao nỗ lực và ý chí của bản thân con người. Tinh tấn là một trong những đức tính quyết định việc thành tựu đạo quả Bồ Đề. Đến bờ giác ngộ chẳng bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng, bạc nhược.
Với những tâm hồn khát khao tự do và giải thoát tuyệt đối, dốc hết sức bình sinh cùng với sự hiểu biết Chân lý của đạo Phật, mỗi chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trên bước đường tu học tập và nhập thế. Nhược bằng ngược lại, cho dù có ngàn vị Phật giang tay tế độ cũng không làm sao đưa chúng ta thoát khỏi biển trần lao đầy thống khổ này.
Ngoài ra, Phật giáo còn đề cập đến những trường hợp của những người thời chưa có Đức Phật ra đời. Có những con người tự lực, tự vận dụng triệt để ý chí, khả năng của chính mình trong quá trình tư duy, chiêm nghiệm và tu tập đúng đắn, quán tưởng và thấu rõ lý vô thường của vạn pháp vẫn có thể bừng sáng được Chân lý. Đức Phật công nhận những người này là Bích Chi Phật.
Tính nhân bản đã được thể hiện mạnh mẽ ở điểm này. Đây là một điểm ưu việt của Chân lý đạo Phật mà chúng ta khó tìm thấy ở một giáo lý của bất cứ tôn giáo nào khác: Một vị giáo chủ lại đề cao khả năng của con người một cách khách quan hiện thực như vậy. Xuất phát từ tính nhân bản này, nhân cách con người được tôn trọng triệt để trong đạo Phật: Quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng đều có một giá trị đích thực.
Điều đáng nói nhất là khả năng của con người mà Phật giáo luôn nhấn mạnh, đó chính là trí tuệ chính mình tự có. Đây là khả năng tối cao của nhân loại, là di sản vô cùng quý báu mà bất kỳ ai cũng có, nếu biết vận dụng và phát huy đúng đắn, thì có thể tiêu diệt mọi khổ đau, đạt đến bến bờ hạnh phúc.
Điều này đã được minh chứng cụ thể qua đời sống của Đức Phật cũng như những bậc tiền nhân kế thừa trong lịch sử đạo Phật. Đức Phật đã tuyên bố: "Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật".
Kinh Pháp hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình
Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, từ cuộc sống thô sơ lạc hậu từ xa xưa cho đến hôm nay, những phát minh khoa học cùng với thành quả của nó đã đưa nhân loại đến thời kỳ vàng son của sự tối tân hiện đại. Kết quả ấy có được là do khả năng khối óc của con người.
Dù vậy, theo phân tích của Chân lý Phật giáo khả năng đó chỉ mới là một phần nhỏ giới hạn của trí tuệ, hay nói cách khác, con người khoa học chỉ mới vận dụng được một phần trí sáng thế gian của mình, chứ chưa phải là toàn bộ trí tuệ của mỗi con người từ nơi tâm thanh tịnh nơi chính mình sẵn có.
Như Đức Phật đã chỉ rõ trong giáo điển, thuật ngữ đó tạm gọi là trí tuệ Bát Nhã, và chính trí tuệ ấy là chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa Vô Sanh Niết Bàn Tịnh Tĩnh hạnh phúc.
Đối với Phật giáo, con người vốn là một chúng sanh ưu việt, có rất nhiều tiềm năng phi thường, nếu chúng ta khéo triển khai, thì không gì không thể thực hiện được trên cõi đời này.
Như vậy, ta có thể nói rằng: Phật giáo là đạo của con người, xuất phát từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài là một đấng giác ngộ nhưng ngài chính là một con người, ngài đã cất tiếng nói và có một đời sống của con người, vì con người mà ngài khai thị Chân lý, hướng dẫn con người đi đến cuộc sống thực sự an vui, hạnh phúc.