Hỏi - Đáp

Tinh tấn tu hành có thay đổi được tướng số nhân quả không?

Thứ bảy, 20/10/2019 09:41

Nếu giác ngộ thì tốt, chưa giác ngộ thì chưa tốt, người có tâm xấu, biết giác ngộ tu hành sẽ thành người tốt không khó.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Tu hành 

Hỏi: Con thường hay nghe mọi người nói rằng “Tướng tự tâm sanh, tướng tùng tâm diệt” có nghĩa là người có tâm tốt thì tướng tốt và ngược lại. Điều này là có đúng không? Con thấy có nhiều người nhìn rất đẹp, nói lời hoa nhã hiền từ, gương mặt trông rất thánh thiện nhưng sự thật lại là người xấu, chuyên lừa đảo thủ đoạn. Ngược lại có người nhìn rất xấu, tướng mạo không đẹp nhưng lúc nào cũng giúp người, nghĩ tốt về người khác.

Có bạn nói rằng tướng do tâm hoàn toàn đúng như các vị thầy xuất gia, nhìn tướng mạo ai cũng đẹp, như là hiện tướng. Nhưng con cũng thấy có nhiều thầy nhìn tướng rất hảo quang minh rồi một thời gian lại không thấy tu hành gì cả, gây ra rất nhiều chuyện xấu mang tai tiếng cho cả chùa và giáo hội. Vậy để hoàn thiện tướng mạo con người nên làm thế nào? Có phải tu hành đúng thì sẽ thay đổi được tướng mạo không? Việc mà mọi người hay nhìn tướng số dung mạo là có đúng không? Con xin cảm ơn thầy.

Đáp:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

I. Những câu hỏi về tâm tưởng, tướng của tâm, tâm sanh các tướng trạng, hiện tượng có bốn câu: Thứ nhất là tướng tốt xuất hiện từ tâm tốt - thứ hai tâm xấu thì xuất hiện tướng xấu - thứ ba có người tướng tốt nhìn rất đẹp nói chuyện rất hiền từ, nhưng có tâm xấu - thứ tư là người xuất hiện tướng xấu nhưng tâm rất tốt?

Câu tướng tự tâm sanh, tướng tùng tâm diệt, tất cả các tướng trạng tốt, xấu, phải, quấy, thiện, ác, cao thấp, bằng phẳng, lồi lõm, trong thế giới quan, nhân sanh quan được sanh ra đều do tâm. Ngược lại các thế giới và nhân sanh cũng từ nơi tâm mà diệt. Nhìn chung tâm sanh thì tướng sanh, tâm diệt thì tướng diệt, sanh diệt là hiện tượng lẽ thường trên thế gian. Theo sách xưa là: “Tướng tùy tâm sanh, tướng tùy tâm diệt”; nói khác đi cho đúng là “tướng tự tâm sanh, tướng tùy tâm diệt”

Bình thường trên gương mặt Bạn, trên việc làm của Bạn cũng thế, tâm Bạn nhiều suy nghĩ những việc tốt, những việc thăng hoa trong cuộc đời thì gương mặt Bạn tươi sáng, đỏ hồng lên như đóa sen hồng tây vức; làm việc gì cũng tốt đẹp mọi người ủng hộ việc của Bạn thành công. Tâm Bạn nhiều suy nghĩ xấu ác, muốn làm những việc ác thì những đen tối u ám hiện lên sắc mặt Bạn, thường thì xúi Bạn làm những điều không tốt trong thế gian, và không việc nào thành tựu.

Bài liên quan

Trong kinh Viện Giác, Phật dạy: “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Tâm chúng sanh tu hành dứt phiền não mê lầm, thân khẩu ý trong sạch, không khởi ác, không nói ác, không làm ác, không tham sân si thì những cảnh giới thanh tịnh xuất hiện trên cõi nhân gian, thành thế giới Cực lạc, Niết bàn. Tâm chúng sanh mê lầm thì thế giới phiền não mê lầm xuất hiện. Việc tu hành trong thế giới nhà Phật là như vậy, tu là để cải sửa những cái xấu ác của phàm phu trở thành những cái tốt, rồi lần lượt làm tốt, làm việc thiện để đi đến cõi tốt lành của Phật thánh, tiến đến giải thoát. Ta có thể suy ra thêm, nếu ta có thể tạo cho tâm ta trở thành thế giới an lạc, thì ta cũng có khả năng tạo cho thế giới ta bà thành Cực lạc, Niết bàn. Đó là bức thông điệp của Đức Phật Thích Ca từng tuyên bố các đây trên 26 thế kỷ rồi.

Ta có thể hiểu cụ thể hơn, trong gia đình người chủ nhà không là người tiêu biểu, thì không đủ phong độ làm chồng, làm cha, làm chủ hộ, khiến cho gia cang mất hạnh phúc, gia đình tan hàng, con cái thất học, trở thành gia đình nghèo nàn dốt nát, truyền tử lưu tôn từ đời nầy sang đời khác cho đến khi chấm dứt dòng họ. Trường hợp trong quá trình xây dựng gia đình, nếu có người con hay cháu nào biết tích thiện, làm lành lánh dữ, biết tu hành, tức là cải sửa những cái xấu ác xưa nay trong quá khứ thì gia đình bắt đầu gầy dựng lại, làm lại cho tốt, con đường hạnh phúc tiếp tục trở lại với dòng họ

Có thể hiểu ý tưởng khác về câu tâm tịnh Phật độ tịnh: một vị vua sống trong nhung lụa, cao sang quyền quý nhưng biết lo cho dân, nâng đỡ người nghèo thành giàu, không phân biệt kẻ thân người sơ, lúc nào cũng đối xư bình đẳng nam nữ, giàu nghèo, không phân biệt ngu dốt hay trí tuệ, làm cho dân tin yêu, lúc nào cũng hướng về nhà vua, người dân không hổ thẹn khi sống trong vương quốc có vị vua xem dân như con đẻ, vua không để dân đói khổ lầm than. Vua có trí tuệ biết lo trị thủy, tri vũ, trị bão giúp cho dân lành an cư lạc nghiệp...thì xứ sở đó là xứ sở của thiên đường, cực lạc. Vua trị vì trăm họ, trăm họ phục tùng, trăm họ vì vua, trăm họ ngoan ngoãn theo vua bảo vệ dòng họ nhà vua và triều đình ngày càng hưng và đời đời không họai diệt.

Làm Phật tử, Bạn đã có trau giồi rèn luyện trí tuệ. Tâm Bạn rảnh rang, thì các pháp lành sanh khởi, như: tụng kinh niệm Phật, phát tâm thọ trì tam quy ngũ giới, tu thập thiện, một ngày niệm Phật, tu pháp bá nhựt trì danh. Hằng ngày bạn phải tự rèn luyện, tu sửa thân khẩu ý, giữ cho tâm liêm khiết, giảm lần vọng niệm không cho sanh khởi, vọng chấp không còn, gia đình Bạn trở nên hạnh phúc, thế giới Cực lạc xuất hiện.

Niết bàn Cực lạc là đây

Giữ thân trong sạch, tâm nầy đừng quên

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

II. Tâm mà không tướng trạng tức là tâm không sanh, tâm không sanh tức là tâm siêu thoát. Câu hỏi của Bạn ở trên, chúng ta có thể hiểu thêm một thành ngữ thông dụng khác như câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, nghĩa là có tâm không tướng, tướng tự tâm mà sanh. Có tướng, nhưng không có tâm, tướng sẽ theo tâm không đó mà diệt đi.

Nói về tâm thì không hình bóng, tướng trạng nên gọi vô sanh, cái hình hài không sanh, vong bặt các tướng, nên các tướng đẹp xấu, phải quấy, phiền não cũng không xuất hiện. Các tướng xuất phát từ tâm sanh, nhưng tâm vốn vô sanh, thì tướng đó cũng theo tâm mà diệt.

Thánh Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948), nhà cách mạng “bất bạo động” lỗi lạc của Ấn Độ, họat động trên đất Nam Phi, giành độc lập cho xứ sở, Ông đã thành công sự nghiệp cách mạng của mình, Ông bị ám sát chết trước những ngày tháng độc lập nước Cộng Hòa Ấn Độ, Ông nói:

Hãy canh chừng những tư tưởng của bạn

Nó sẽ trở thành lời nói.

Hãy canh chừng lời nói

Chúng sẽ phát ra thành hành động.

Hãy canh chừng hành động

Chúng sẽ thành thói quen.

Hãy canh chừng thói quen của bạn

Chúng sẽ tạo nên nhân cách.

Hãy coi chừng nhân cách bạn

Nó sẽ trở thành số mệnh của bạn đó”

Bài liên quan

Với bài thơ trên, Bạn có thấy không thật là trác việt. Thánh Ghanddi không phải là người tu Phật mà ông có những lời khuyên quá hơn bậc thánh triết xuất thế gian. Hằng ngày đừng để tâm vọng khởi ác, tâm vọng thì xui khiến nói lời ác, biết nói lời ác thì sẽ có hành động ác. Dần dần, hành động sẽ trở thành thói quen xấu, nó sẽ trở thành Bạn mất rồi và rồi Bạn sẽ có những hành vi xấu ác, quả báo xấu ác sẽ đến với Bạn không tránh khỏi nhân quả họa tai. Và nếu Bạn giữ tư tưởng Bạn sanh khởi việc tốt lành thì quả báo lành đến với Bạn và là bạn đồng hành suốt đời, Bạn sẽ hạnh phúc.

Theo Duy Thức Học nói: “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức”, hoặc câu: “Nhứt thiết duy tâm tạo”. Tất cả các pháp trên thế gian, ràng buộc hay giải thoát cũng đều do tâm, tâm tạo nên một thân khẩu ý thiện mỹ, hay ác độc, nhưng dù gì đi nữa các Bạn phải thường xuyên “phòng ý”. “Phòng ý” sẽ trở thành thói quen, một tập quán, một thói quen tốt. Tâm linh cũng sẽ dẫn Bạn đến quả báo cực kỳ thỏa mãn. Nếu Bạn làm việc thiện, việc thánh hiền và ngược lại sẽ đau khổ vô cùng tận. Những hiện tượng đổi thay từ cũ đến mới, từ hư đốn của trẻ thơ đến đứa trẻ đường hoàng tử tế, từ sự buông bỏ của người tu tiến đến giải thoát, cụ thể là hành trình nhân quả, con đường ray của tâm luôn thẳng tiến với một tương lai tươi sáng, làm cho thân tâm Bạn đạt đến “hỷ tâm” giúp cho nhẹ nhàng thanh thản, nên có câu:

"Càng buông bỏ dưới chân này

Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao".

III. Chuyện thế gian

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Thế gian có câu: “Họa hổ họa bì, nan hoa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”. Theo nghĩa đen thì: “Vẽ cọp vẽ da, khó vẽ xương, biết người, biết mặt, nhưng khó biết lòng. Biết được người thì xây dựng điều chỉnh được người. Muốn xây dựng người mà không biết được người thì khó làm. Theo nghĩa bóng thì tâm người đời luôn có hai mặt khi nghĩ phải khi nghĩ trái, khi nghĩ vầy khi nghĩ khác, khi đúng với người thì sai với mình, khi đúng với mình thì sai với người. Có khi nghĩ tốt, khi nghĩ xấu, khi thì hiền thật hiền, khi thì dữ thật dữ, khó mà lường trước được lòng người. Dù cho bạn thân chí cốt bao nhiêu, một đôi khi cũng không thể lay chuyển tâm lòng của bạn, nếu bạn mình thay đổi tánh tình do hoàn cảnh từ tốt thành xấu. Ở thế gian việc ác dễ làm việc tốt khó thực hiện. Như có hai bạn thân, bạn của Bạn ít gần gũi mình, nhưng lại gần gũi người nghiện hút sách, chắc chắn lần lượt bạn của Bạn sẽ xa rời Bạn thôi. Một đứa trẻ lúc còn nhỏ thì ngoan hiền, nhưng đến khi 15 tuổi do ảnh hưởng xã hội, đi bụi đời, cha mẹ không còn ấp ủ con trai nữa, không còn có những nụ hôn nồng ấm, trong lòng mẹ cha. Con bạn ngày càng hung dữ thành một đứa con hoang hung hiểm sống trong gia đình hiền hậu, tức là Bạn không còn kềm chế con mình. Một câu nói sẽ giáng lên gia đình Bạn: “Sanh con khá dễ sanh lòng”, tức là chúng ta bất lực trong việc giáo hóa trẻ con tại gia đình. Đó là do tập tánh con Bạn, hiện tượng nầy có khi trở thành báo chướng, tạo nên nghiệp nhân sanh trong nhà Bạn làm cho gia phong dòng họ hỗ danh với người đời.

Khổng Phu tử nói: “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện, tánh tương cận tập tương viễn.” Ban sơ bản tánh con người vốn là thiện, tánh con người thì gần, vốn sanh ra thì vô tư lương thiện, nhưng ngày càng lớn lên đi xa rời tánh tốt, tập khí những cái thiện ác trong cuộc đời, ác thì nhiều mà lành thì ít, nên không còn như xưa, tức là bản tánh ban sơ không còn.

Đối với người đời

Bên ngoài nói tốt nhưng tâm không tốt lại cũng có người bên ngoài xấu xí nhưng bên trong nội tâm rất tốt. Tất cả là tật tánh chúng sanh, bên trong ai cũng có tánh nầy tánh khác hoặc ít hoặc nhiều nhưng chỉ là một. Có người đôi khi phát ngôn bừa bãi vô lối chửi bới thiên hạ hay người đối diện, nhưng bên trong lại muốn giúp người cho thoát nạn tai. Có người tuy bên ngoài nói năng không nhã nhặn, không có tình cảm với bất cứ ai, dù kẻ thân người sơ họ cũng vẫn thẳng thắn bộc trực. Họ nói ra lời nói không sợ đối phương buồn bực khổ não, nhưng bên trong có tâm từ bi muốn cứu giúp một tập thể, một việc đại sự, giải tỏa những khổ đau oằn ọai người đời, nên có câu:

Nhân gian khẩu Phật tâm xà.

Trắng đen thay đổi thật là gớm ghê.

Sau lưng dè xẻn khinh chê.

Còn khi đối mặt mọi bề vuốt ve.

Sự đời ngẫm nghĩ mà nghe.

Người ta tranh đấu mà đè lên nhau.

Chữ tình là chính đứng sau

(Vườn Thơ “Trò Đời” tác giả Nguyễn Tâm)

Đối với người đạo

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Người tu sĩ cũng thế thôi, nếu là thật tu thì hiện tướng Phật tướng hảo quang minh, từ bi chí đức. Nếu giả tu thì hiện tướng ma, mặt mày đen đúa như cát bụi mệt mỏi không khác, hung dữ như ma mãnh. Thật ra thì thời mạt pháp, pháp nhược ma cường, việc hung dữ diễn ra thì nhiều, việc hiền lành không ai đòi học. Tu sĩ cũng là những người phàm phu tu Phật, nếu phải duyên xưa, túc căn Phật pháp thì đắc đạo trở thành Thầy Tổ. Nếu tu lơ mơ thì thành những người “khẩu Phật tâm xà” bên ngoài tỏ vẻ đường hoàng, nhưng bên trong hiểm độc, mọi người dễ lầm lạc. Những người thế tục lợi dụng đạo pháp vào cửa thiền thành Thầy tu “rởm” hằng ngày lơ láo cơm cháu cửa thiền dối gạt đàn na, hủy giới phá trai lung tung làm bại họai chánh pháp.

Giáo pháp Phật được chia thành ba thời kỳ, thời kỳ chánh pháp (người tu thực thể và thành Phật thánh), thời kỳ tượng pháp (chánh pháp chỉ còn là mường tượng giông giống chứ không như Phật) và thời kỳ mạt pháp (xa rời chánh pháp, đôi khi không còn giống Phật pháp chút nào). Thời mạt pháp thì nơi cửa thiền tranh đấu đấu tránh không ngừng, chế tác phân chia tước quyền phân cấp lẫn nhau, bày trò mê tín dị đoan, bủa vây người con Phật không lối thoát. Có nơi đúc Phật cao to, xây chùa lớn, nhưng tổ chức tu hành thì giới hạn, không dạy đệ tử tu hành chỉ lo việc rước khách thập phương, thu tóm tài sản của đàn việt làm lợi lạc riêng cho bản thân, thậm chí có khi lo đến gia đình, cho nên có câu: “Bồ-đề kiên tâm bất thối chuyển, lâm-vồ tranh đấu không ngừng nghỉ,” là vậy.

Tâm tốt và xấu tuy hai mà là một

Bài liên quan

Những lời sau cùng, để đáp ứng sự hiểu biết của quý Phật tử về pháp tướng và tâm không phải hai mà là một. Nếu giác ngộ thì tốt, chưa giác ngộ thì chưa tốt, người có tâm xấu, biết giác ngộ tu hành sẽ thành người tốt không khó. Các Bạn là người tu hành chân chánh sẽ thay đổi tướng mạo từ tướng xấu thành tốt, từ phàm phu đến thánh thiện, từ cõi địa ngục biến thành niết bàn tịch tĩnh, từ thế giới ta bà trở thành Cực lạc Tây phương.

Các Bạn không nên nhận xét sâu vào đời sống Tăng già. Bạn cần phát nguyện bảo vệ chánh pháp bằng cách: “Nhập từ bi quán”: Người tu như một chiến binh ra sa trường giết giặc. Nếu chiến binh trước ngã gục trước những tham sân si, thói hư tật xấu, thì chiến binh sau đứng lên nhằm nối thừa bảo vệ “Tam Bảo”, bảo vệ “Chánh Pháp...”

Cửa thiền hợp tác cùng nhau

Chư Tăng, Cư sĩ giữ sao cho bền

Chánh pháp, Tam bảo cao trên

Tứ chúng nhớ mãi không quên Phật đà

loading...