Kiến thức

Tinh thần tu hành của người Phật tử đối với đạo lý Phật dạy qua con đường Thiền

Thứ ba, 25/04/2021 08:39

Người tu thiền cũng giống như người học bơi lội. Người học bơi lội được huấn luyện viên chỉ về phương pháp và kỹ thuật căn bản, sau đó hoàn toàn tùy thuộc y.

Tu là sống và sống là tu

Nếu như y không chịu nhảy xuống nước tập bơi thì y không bao giờ bơi được. Cách học duy nhất là y phải nhảy xuống nước và bắt đầu thực hành theo lời huấn luyện viên đã dạy. Nếu y chăm chỉ thực hành thì y có thể trở thành tay bơi cừ khôi. Nếu chỉ học hiểu mà không thực hành thì làm sao trở thành tay bơi cừ khôi được?

Lời dạy này bình thường mà rất hiện thực. Chúng ta muốn được giác ngộ, muốn được thành Phật hay được hết khổ thì phải tu, phải thực hành. Học hiểu là một giai đoạn không thể thiếu, nhưng hành trì là một giai đoạn quyết định sự học hiểu của chúng ta. Đường lối trong thiền tông cũng vậy, nếu chúng ta muốn được giác ngộ thì phải tìm đến ông thầy để lãnh hội lời chỉ giáo. Sau khi nhận được sự chỉ giáo rồi, quan trọng nhất là phải thực hành. Qua thực hành chúng ta mới có thể giác ngộ. Thực hành là việc của chính bản thân mỗi người.

Phật dạy là tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật.

Phật dạy là tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật.

Chúng ta có duyên gặp được thầy, có kinh điển, có tất cả những trợ duyên cần thiết để làm thành kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên bản thân chúng ta không thực hành, chỉ hiểu biết rồi đọc tụng rao giảng, chưa thể nghiệm thực đối với giáo lý Phật dạy, đối với pháp thiền thì chúng ta chưa thể có cái nhìn thấu suốt được. Đối với pháp tu thiền đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn thấu suốt và thể nghiệm thật. Nếu muốn hết khổ, được giải thoát, có trí tuệ thì phải thực hành.

Phật dạy là tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật. Liệu mình có tin một cách khẳng định như vậy chưa? Đây là điều chúng tôi nêu lên để khẳng định cho pháp tu, sự hành trì và công phu của chúng ta. Đức Phật cũng là người, máu Ngài cũng đỏ, nước mắt cũng mặn, thân và tâm Ngài cũng không khác ta xa lắm. Trước lúc giác ngộ, Ngài cũng có những ưu tư, xung đột và nghi ngờ. Song nhờ trí tuệ mà Ngài tự đào luyện và khám phá ra Phật tánh của mình và được giác ngộ. Tất cả chúng ta cũng có khả năng, có chất liệu đó nhưng liệu xem ta đã quyết tâm phấn đấu chưa? Đây là những điều cụ thể mà ta không thể nào cất trong tủ khóa kín lại, mong một ngày nào đó có vị thánh thần đến ban cho mình được thành Phật, được giác ngộ.

Tu đúng thì dụng công ít mà kết quả lại thù thắng

Là người con Phật, ngày kỷ niệm này tuy cách chúng ta hơn hai ngàn năm trăm năm nhưng lời dạy và sự thể nghiệm của Ngài còn đó. Nếu chúng ta chịu làm chịu thể nghiệm thì kết quả y nhiên như vậy. Chúng ta chịu mở cửa phát huy hướng đến tâm tuệ, nhận khả năng giác ngộ của mình một cách cụ thể chính xác thì việc thực hiện được sẽ đạt kết quả không nghi.

Trong đạo Phật rất dè dặt đối với những cái gọi là siêu nghiệm, thần thông. Vì thần thông có khi nó làm mờ đi trí giác. Ở đây chỉ muốn nói những cái gì hiện thực trong đời sống của chúng ta. Được sống trong hoàn cảnh này chúng ta chỉ cố gắng tu thôi. Tu nghĩa là sửa, những gì còn xấu dở chúng ta loại bỏ nó ra, buông nó đi. Ai chịu sửa là người đó biết tu. Nếu mình còn cố chấp chưa chịu bỏ cái dở là chưa chịu tu, dù hình thức bề ngoài đẹp thế nào mà bên trong chưa trừ bỏ các chủng tử nghiệp xấu cũng chưa phải là tu.

loading...