Kiến thức
Tình thầy trò - tương lai Đạo Pháp
Chủ nhật, 07/09/2020 09:06
Ở ngoài đời hay trong nẻo đạo tình yêu của cha mẹ dành cho con, hay tình thầy dành cho trò tương tợ giống nhau, không khác. Cha mẹ thương con như thế nào thì thầy thương trò cũng như thế ấy, có khi còn sâu đậm hơn là khác.
Yêu thương là mạch nguồn nuôi dưỡng tình thầy trò, huynh đệ
Sinh hoạt trong Giáo hội mấy mươi năm, chứng kiến rất nhiều buổi bổ nhiệm trụ trì, có những buổi bổ nhiệm dạt dào cảm xúc. Hình ảnh một vị thầy già quỳ trước chư tôn đức lãnh đạo thưa, xin được nghỉ hưu và giới thiệu đệ tử mình thay mình trụ trì ngôi chùa hiện hữu.
Ở ngoài đời cha mẹ nuôi con thương con là vì con mình sinh ra, huyết thống của mình nên mình thương, còn trong nẻo đạo nuôi đệ tử là con của người khác vậy mà vì tương lai Đạo Pháp sự kế thừa giòng giống của Phật, quý thầy thương đệ tử của mình vô bờ bến.
Nhịn ăn nhịn mặc để nuôi chúng điệu, lo cho học hành đến nơi đến chốn, rèn cặp cho thành người tài đức, rồi một ngày đẹp trời hội đủ yếu tố đưa đệ tử lên thay mình trụ trì chùa, hoằng pháp lợi sinh. Có những vị thầy rất dễ dàng nuôi đệ tử và nuôi rất đông, còn có thầy không nuôi đệ tử được. Hòa thượng NĐ ở Huế chùa nghèo nhưng đệ tử rất đông, đến đâu, nơi nào gặp các cháu bé con nhà Phật tử thì Ôn đều rủ đi tu, Ôn MC một cao tăng Phật giáo cố đô, gởi đệ tử mình đi du học nước ngoài, học đến năm thứ ba đại học thì nghe tin đệ tử mình (là một vị tăng trẻ) có một sinh viên nữ đem lòng thương mến, Ôn hốt hoảng điện về ở bên cạnh mình tu học rồi từ từ tính tiếp.
Cuối năm 1980 tôi ra Huế thọ giới lớn, đầu năm 1981 đại giới đàn Báo Quốc tổ chức tại chùa Báo Quốc, do vậy tôi được ăn tết ở Huế một năm, mồng hai tết tại tổ đình TV, Hòa thượng Thích Trí Thủ nói chuyện với chư tôn đức tổ đình, hôm đó có cả thầy Trí Siêu – Lê Mạnh Thát nữa Ôn nói: “Các thầy nên lưu tâm nuôi chúng điệu, ăn cháo ăn khoai cũng nên dành dụm nuôi điệu, ở ngoài đời nhà nghèo há lẽ không sinh con đẻ cái”.
Mối tình tri kỷ giữa thầy và trò
Hòa thượng Thích Phúc Hộ một cao tăng Phật giáo ở tỉnh Phú Yên, trước năm 1975 chùa Bửu Tịnh có Phật Học Viện mở ở đó, một buổi trưa tăng sinh đánh bóng bàn gần liêu thất của Ngài, ồn ào quá Ngài không nghỉ được ra la mắng tăng sinh với lời lẽ dịu dàng: “Thiếu gì lúc các ông chơi, tôi già rồi buổi trưa cho tôi nghỉ một chút chớ”. Chỉ rầy la như thế thôi, nhưng sau đó Ngài về phòng đem bánh kẹo, trái cây phân phát cho tăng sinh. Ngài rất mực thương tăng chúng, nhưng đệ tử của Ngài rất ít.
Chư tôn đức, quý thầy trong đạo Phật khi nuôi đệ tử chỉ mong ước có người truyền đăng tiếp nối, để cho mạng mạch của đạo được luân lưu tuôn chảy mãi hoài trong thế gian này. Hạnh phúc nhất trong đời tu phụng sự đạo của quý Ôn, quý Ngài, quý thầy là ngày chính thức bổ nhiệm trụ trì cho đệ tử mình, tre tàn măng mọc, ngọn đèn dầu này vừa hết dầu sắp tắt, thì được tiếp dầu thắp sáng lên, truyền đăng tục diệm là từ Hán Việt thường dùng, thường nhắc đến trong trường hợp này.
Trong thời đại thông tin bùng nổ hôm nay, Phật giáo gặp nhiều thử thách, vấn nạn và cả kiếp nạn nữa...Do vậy niềm tin của bà con Phật tử có sút giảm, nhưng nếu các gia đình Phật tử còn cho con mình đi xuất gia, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi của Phật giáo còn có ý hướng dưỡng nuôi các em bé mồ côi thành các chú tiểu, thì mạng mạch của đạo Phật vẫn còn hiện hữu ở thế gian này, bởi luôn có người truyền đăng tiếp nối.
Tất cả chúng ta – những người con Phật xuất gia và tại gia xin hướng về đạo pháp ngày mai mà cùng chắp tay cầu nguyện.