Kiến thức
Tổ Ấn Quang khai thị về chép kinh Phật
Thứ năm, 30/09/2022 04:26
Nay tôi sẽ đem những điều hay – dở của cách thực hiện và lấy sự chứng nghiệm của tiền nhân để trình bày đại lược một hai điều về chép kinh Phật: Trích huyết chép kinh có người chỉ dùng máu để chép, có người pha thêm vàng, thêm chất son, hay mực. Chuyện pha vàng chúng ta không đủ sức làm.
Hám Sơn đại sư chép kinh được hoàng thái hậu cung cấp giấy và vàng. Chép bằng chữ vàng thì phải dùng giấy màu lam mới nổi chữ, giấy trắng không hiện rõ. Dù là giấy lam chữ vàng vẫn không rõ bằng giấy trắng mực đen và chữ son, Quang từng đã thấy qua. Nếu trộn chung vàng, mực, son v.v… thì chỉ có chút máu để biểu lộ lòng chí thành.
Như ngài Hám Sơn ở am Diệu Đức, núi Ngũ Đài, rạch lưỡi lấy máu pha vàng chép kinh Hoa Nghiêm. Ngài Diệu Phong mỗi ngày khứa lưỡi trích máu hai phần, một phần hòa son để chép kinh Hoa Nghiêm, một phần dành để soạn nghi thức Mông Sơn Thí Thực, thí cho quỷ thần.
Ngài Nam Hồ Kỳ thiền sư của Cao Ly thấy cuốn Di Đà Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích muốn lưu thông rộng rãi, bèn khứa lưỡi lấy máu hòa mực chép Yếu Giải để làm bản mẫu khắc in, ngõ hầu sách này lưu thông trọn khắp pháp giới đến tận cùng đời vị lai. Cứ viết một chữ lại lạy ba lạy, nhiễu ba vòng, xưng mười hai tiếng Phật hiệu, có thể nói là thấy biết siêu quần, tu trì tinh chuyên vậy.
Ba vị này khứa lưỡi trích máu chẳng làm cách nào khác cả, máu trích ra bèn hòa ngay với vàng, son, mực để chép ngay. Quyết chẳng phải là thuần dùng huyết, pha thêm nước vào. Nếu chuyên dùng máu để viết thì lúc trích máu phải để sẵn chén nhỏ để hứng, dùng kim dài tận lực khuấy để loại gân máu ngõ hầu máu chẳng quánh ngọn bút mới hòng tùy ý biên chép. Nếu chẳng loại những sợi gân máu ra, bút sẽ bị những sợi gân máu bó cứng chẳng thể viết được.
Xưa có người trích máu chép Hoa Nghiêm, gân máu ngày ngày tích lại đem đắp thành tượng Phật, cao hơn một tấc. Thêm nữa, tánh của máu là trong và nhạt, dính giấy liền lan ra, trọn không thành nét bút, mà thành một đốm máu. Giấy ấy trước hết phải dùng phèn trắng xát lên mới có thể dùng được. Giấy bôi phèn xong không thấm, đỡ hao máu, trong những tiệm bán giấy lớn có bán loại này, không cần phải tự chế.
Loại giấy này dành cho người vẽ theo lối tỉ mỉ từng nét bút sử dụng. Giấy đã nhúng phèn đặc biệt dầy nặng, lại còn để được lâu. Như giấy vàng đã nhuộm phèn bèn cứng chắc, giấy chưa nhuộm thì khô giòn. Cổ nhân trích huyết từ lưỡi hoặc ngón tay, hoặc cánh tay, hoặc trước ngực không nhất định. Nếu trích trên thân thì từ tim trở xuống trọn chẳng được dùng. Nếu dùng sẽ mắc tội chẳng cạn!
Không biết tọa hạ tính nên chép kinh gì. Nếu là bộ kinh nhỏ thì máu nơi lưỡi cũng đủ dùng. Nếu là bộ kinh lớn và dùng thuần máu để chép e rằng máu nơi lưỡi khó đủ! Phải dùng máu nơi ngón tay và cánh tay mới hòng đủ được. Do lưỡi là chót ngọn của tim, nếu lấy máu quá nhiều sợ rằng tâm lực bị tổn thương, khó thể tấn tu.
Quang thấy những người trích máu chép kinh Phật gần đây đúng là tạo nghiệp, trọn chẳng cung kính. Mỗi lần trích máu quá nhiều, nhằm tiết Xuân, tiết Thu, hai ba ngày sau bèn trở mùi, mùa Hạ chỉ nửa ngày là hôi, cứ dùng để chép. Lại có kẻ còn đem máu phơi khô, mỗi lúc chép dùng nước hòa máu khô để viết. Lại còn chép nguệch ngoạc, chẳng cung kính mảy may, đúng là trò đùa trẻ nít, chẳng phải là dùng máu để biểu lộ chí thành, mà là dùng máu chép kinh hòng chuốc cái danh chân tâm tu hành.
Tôi trộm nghĩ: Máu nơi ngón tay, máu nơi lưỡi, mỗi lần chẳng được trích quá nhiều. Nếu ở cánh tay, mỗi lần trích máu có thể hứng chừng nửa chén. Còn như máu đã hôi vẫn dùng và máu phơi khô nghiền ra dùng thì chẳng bằng lúc ban đầu hòa huyết với son làm thành thỏi, phơi khô để dùng, vừa không phí máu, lại chẳng bị máu hôi làm ô uế kinh, tiện lợi đôi bề!
Nhưng thỏi son máu này không có chất keo, sợ lâu ngày son sẽ rã ra, lúc trộn nên trộn thêm Bạch Cập (chất cầm máu trong Đông y ) để khỏi bị rã. Thêm nữa, nếu sắp trích huyết thì trước đó mấy ngày nên bớt ăn muối và những thứ nêm nhiều gia vị. Nếu không kiêng những thứ đó trước thì máu sẽ tanh tưởi; nếu kiêng những thứ ấy máu sẽ không có mùi tanh.
Vả nữa, chép kinh chẳng giống như viết bình cốt sao diễn đạt được cái thần, [viết bình] không cần phải tề chỉnh, nắn nót. Nếu viết kinh hãy nên như chàng tiến sĩ viết bài văn sách, mỗi một nét bút chẳng được cẩu thả, viết tắt. Kiểu chữ dùng phải tuân theo thể loại chánh thức. Nếu tọa hạ dùng kiểu chữ viết trát thì không thể được!
Xưa nay, người ta đa số dùng lối Hành Thư, Thảo Thư để viết kinh, Quang trọn chẳng tán thành. Bởi lẽ, thầy Khoan Huệ ở Dương Châu phát tâm chép kinh Hoa Nghiêm, đã chép được hơn sáu mươi quyển, nét bút luông tuồng. Người biết đẹp – xấu trọn chẳng muốn xem. Quang cực lực chê trách, bảo mỗi một nét bút, mỗi một vạch phải cung, phải kính, lại còn bảo thầy ấy viết bài ký trách lỗi để nêu lỗi mình hòng giãi bày cùng người đọc.
Ông ta nhờ Quang viết giùm, nên tôi chép thêm vào trong cuốn Văn Sao dở tệ này. Muốn dùng cách [chép kinh] này để đoạn phiền hoặc, liễu sanh tử, độ chúng sanh, thành Phật đạo, há có nên biến thành trò đùa ư? Phàm chép kinh là muốn chuyển cái tâm thức phàm phu thành trí huệ Như Lai, giống như chàng tân tiến sĩ vào trường thi trong đền vua, phải nghiêm cung, dè dặt, không giải đãi, coi thường chút nào. Làm được như thế ắt mới có thể biến cái tâm nghiệp thức thành Như Lai Tạng, mới hòng đậu Trạng Nguyên trong trường thi tuyển Phật.
Người hiện thời chép kinh, mặc tình ngoáy bút, không phải là chép kinh mà chỉ là nhờ vào việc này để luyện chữ, cũng như muốn lưu lại bút tích cho hậu thế mà thôi! Chép kinh như vậy không phải là hoàn toàn vô ích, bất quá chỉ thành cái nhân đắc độ trong vị lai, nhưng cái tội khinh nhờn cũng chẳng cạn nhỏ!