Đức Phật
Trải nghiệm tuổi trẻ của Đức Phật
Thứ sáu, 20/11/2021 10:22
Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là tuổi có công lực mạnh mẽ nhất để có thể làm nên sự nghiệp cho một đời người. Chính bản thân Đức Phật, Ngài thoát khỏi ngục vàng “khi tuổi còn trẻ, tóc đen nhánh, với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống”
Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là tuổi có công lực mạnh mẽ nhất để có thể làm nên sự nghiệp cho một đời người. Chính bản thân Đức Phật, Ngài thoát khỏi ngục vàng “khi tuổi còn trẻ, tóc đen nhánh, với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống” (Trường bộ kinh, số 4: Sonadanta; số 5: Kutadanta), là một điển hình sinh động về tiềm năng của tuổi trẻ. Sự mô tả này còn có thể gặp trong kinh Thánh cầu, Trung bộ kinh số 26, rằng “khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.”
Với tuổi trẻ, Ngài có thể trải qua 6 năm ròng thực hành khổ hạnh đến cùng cực. Thử nhớ lại những hình thức khổ hạnh được Đức Phật diễn tả lại trong Đại kinh sư tử hống, số 12 Trung bộ kinh, như ngày ăn một hạt đậu hoặc một hạt mè (Ngài còn nhắc là đừng có tưởng hạt đậu, hạt mè thời ấy lớn hơn hạt đậu, hạt mè bây giờ, nó cũng giống vậy thôi), thì chỉ có sức trẻ mới chịu đựng nổi.
Những bài học rút ra từ cuộc đời Đức Phật
Với tuổi trẻ, cùng nỗ lực phi thường một cách có nghệ thuật, để rồi Ngài chứng đạt chân lý giải thoát. Ngài đã ngồi yên dưới cội bồ đề theo sự mô tả trong kinh sách là suốt 49 ngày đêm, để vượt qua già, bệnh, chết, sầu, ô nhiễm và chứng đạt “vô thượng an ổn khỏi các khổ ách” (Kinh Thánh Cầu, trung bộ kinh số 26). Với sức trẻ, Ngài nỗ lực tinh chuyên thiền định, tu tập thân và tâm đúng theo pháp của bậc thánh (Đại kinh Saccaka, kinh số 36 Trung bộ kinh).
Với tuổi trẻ, Ngài thành lập ra một tôn giáo giải thoát cho đời và lan truyền rộng rãi khắp nơi vượt qua không gian và thời gian. Đạo Phật hình thành trên đất Ấn với chủ trương công bằng, bình đẳng xã hội, bình đẳng giới tính, đặt trọng tâm vào nỗ lực cá nhân… như một cuộc cách mạng vĩ đại thời ấy. Do vậy, Ngài gặp vô số chướng ngại trên con đường hoằng hóa từ nội bộ đệ tử cũng như từ ngoại đạo. Với sức trẻ, Ngài kiên định trên bước chân hoằng hóa và tuyên bố “ta không tranh cãi với đời” (Kinh Trung bộ, tập I, Kinh số 18: Kinh Mật hoàn). Mỗi ngày, Ngài đều tinh tấn trên bước chân du hóa. Nếu gặp người nào có duyên hỏi đạo, hoặc ngươi nào Ngài thấy đủ duyên để độ, Ngài liền đến đó để nói pháp giáo hóa. Thế đấy, Ngài ra đi, mặc cho cái nắng chói chang như đổ lửa trên đầu, Ngài vẫn cứ kiên trì giữa bụi đường mù mịt. Mãi cho đến chiều tối, Ngài dừng bước nghỉ ngơi. Nếu có ngôi làng hay ngôi rừng nào gần đấy có thể nghỉ tạm qua đêm, Ngài nghỉ ở đấy, có lúc Ngài lót lá trong rừng nghỉ lưng như vậy trong tiết mùa đông lạnh giá với cảnh màn trời chiếu đất (Kinh Tăng chi bộ, tập I, chương 3 pháp, phẩm 4, mục 34: Về Alavī).
Với sự cống hiến của sức trẻ, Đức Phật đã làm một sa môn học đạo, tu đạo, thành đạo và hành đạo một cách hiệu quả. Từ kinh nghiệm bản thân, Ngài dạy rằng “Còn với tỳ kheo trẻ ; Nồng cháy với nhiệt tình, Nhưng không con, không cái, Không của cải truyền thừa, Không con, không thừa tự, Như thân cây tala.” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương III, Phẩm 1, mục 1). Do đó, trong giáo lý Ngài dạy, chúng ta thấy Ngài rất coi trọng về tuổi trẻ. Ngài nói có bốn thứ trẻ không nên coi thường, đó là: vua trẻ tuổi, tỳ kheo trẻ tuổi, đóm lửa nhỏ và con rắn nhỏ” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương III, Phẩm 1, mục 1).