Chùa Việt

Trầm mặc chùa Tòa Sen, Vĩnh Long

Thứ bảy, 16/08/2018 10:23

Nhiều du khách đến chùa Tòa Sen toạ lạc tại ấp Hoá Thành, xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long dều có chung nhận xét: “Ngôi chùa này rất cổ kính, uy thiêng, thoáng đãng và mang theo nhiều câu chuyện tâm linh đầy ý nghĩa nhân văn để khuyên răn con người làm nhiều điều thiện, lánh xa cái ác, biết sống có ích cho đời”.

 
Ông Thạch Chung, người dân tộc Khmer, hiện ngụ tại địa phương cho biết thêm: “chúng tôi thường xuyên đến đây hành lễ, luôn bảo nhau làm điều tốt, xây dựng quê hương giàu đẹp, gia đình hạnh phúc, không sa vào các loại tội phạm xã hội và chung tay gìn giữ ngôi chùa đã được nhà nước công nhận Di tích cấp Quốc gia”.

Chùa Tòa Sen được xây dựng vào năm 1800, lúc đầu xây dựng đơn sơ, mái lợp lá, cột gỗ, vách ván với tên gọi là Chắc Bai có nghĩa là “đổ cơm”. Chùa có tổng diện tích gần 18.000 mét vuông, có khuôn viên rộng rãi thoáng mát, có vườn cây cổ thụ và cây ăn trái, nhiều nhất là cam sành và nhãn. Các công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Hiện nay, chùa có tên gọi Sensary Satthiaram, thường gọi là chùa Tòa Sen. Chùa đã được công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 8/4/2004.
 
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chùa Tòa Sen là cơ sở cách mạng, là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị bám trụ hoạt động cách mạng. Nhiều lần giặc Pháp rồi đến Mỹ - Ngụy mở nhiều cuộc càn quét vào đây để đánh phá cơ sở nhưng đều thất bại trước sự che chở của sư sãi chùa và bà con phật tử địa phương.

Bà Kim Than, 87 tuổi, ngụ ấp Hóa Thành 1 kể thêm: “Hồi đó chiến tranh ác liệt lắm, người dân Khmer chúng tôi tổ chức đấu tranh không cho địch đốt phá chùa, bắt bớ sư sãi. Nhờ đó mà rất nhiều cán bộ “Việt Cộng” hoạt động trong lòng chùa rất an toàn”.

Điều đặc biệt là hiện nay tại chùa Tòa Sen còn có phòng trưng bày các tác phẩm được chế từ những gốc cây khô thành những hình tượng nghệ thuật với các đề tài thiên về giáo dục, lịch sử văn hóa và thần thoại cổ tích rất hấp dẫn, lạ lẫm với nhiều câu chuyện rất lạ thường.

Phan Thị Anh Thư
loading...