Kiến thức
“Trang nghiêm cõi Phật”
Thứ bảy, 23/12/2023 11:57
“Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp” (tất cả pháp đều là pháp Phật) không có nghĩa là các pháp đều do Phật… làm ra, mà chỉ muốn nói một sự thật là tất cả các pháp đều vô ngã!
Vô ngã bởi vô thường, bởi duyên sanh. Bởi không có tự tính riêng biệt. Nó được tạo ra do những điều kiện như một phản ứng hóa học nhờ một xúc tác, nhờ nhiệt độ, áp suất nào đó… của tâm. Khi hợp khi tan, khi còn khi mất. Như ráng chiều, như mưa sớm, như tia chớp, như sương mai. Tâm vô thường. Pháp vô ngã. Phật là phàm phu giác ngộ, thấy biết cái chuyện hiển nhiên đó nên thoát khổ. Còn ta, ta cũng thấy, cũng biết mà sao cứ mãi loay hoay? Bởi thấy đó mà quên đó. Không chịu “sửa”, không chịu “tu”, không chịu uốn nắn cái tâm mình nên mới sinh sự, mới khổ, mới mệt, mới vất vả. Đáng đời ta! Còn người có tu, có sửa, thấy đựơc cái “nó vậy đó” rồi thì sẽ vui, sẽ hạnh phúc, vì đã “đặt gánh nặng xuống” rồi vậy! Một xã hội mà ai ai cũng vui, cũng hạnh phúc hóa ra là Niết-bàn ư? Sao không! Cái đó có thể gọi là cõi Phật, là Phật quốc, Phật độ. Niết-bàn có ngay ở đây và bây giờ nếu ta biết làm cho “cõi người ta” trở thành “cõi Phật” đó vậy!
Có lẽ thính chúng - những trai thiện, những gái lành - được nghe bài học trong buổi truyền trao Kim cang “gươm báu” hôm đó đã mường tượng ngay ra một cảnh “thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái, lửng lờ khe yến cá nghe kinh…”(Chu Mạnh Trinh), nên ai cũng háo hức muốn ra tay làm cái gì đó, sắp đặt, bày biện cái gì đó, để tạo dựng nên một thế giới an bình thanh tịnh cho mọi người, cũng có người nghĩ đến chuyện phất cờ gióng trống nhằm thu hút “chúng sanh” để có cơ hội mà… “vị tha nhơn thuyết”!
Phật như “đi guốc” trong bụng mọi người bèn nghiêm khắc bảo: “Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm!”. Trang nghiêm cõi Phật ư? Chẳng phải trang nghiêm mới thực là trang nghiêm!
Bởi trang nghiêm mà chăm bẵm, mà cố tình vẽ vời, kiểu cọ… thì đã bị dính bị mắc. Như người thầy thuốc kém chuyên môn dễ bày biện những đồ nghề loảng xoảng để hù dọa bệnh nhân, dễ châm hàng tràng tiếng Latinh để “nhiếp phục” người bệnh! Thầy thuốc giỏi thì không cần phải vậy. Không cần bày vẽ, không cần hù dọa. Cho nên trang nghiêm đúng nghĩa thì không cần phải trang nghiệm mà vẫn cứ là trang nghiêm! Trang nghiệm tự bên trong kia! Bồ-tát tu lục độ vạn hạnh cho đàng hoàng, tới nơi tới chốn rồi thì không cần phải trang nghiêm mà vẫn là trang nghiêm đó vậy! Nhưng, coi thường trang nghiêm, bảo không cần trang nghiêm thì cũng không phải. Thì quay về núi, ngồi dưới gốc cây, “hỏi không đáp” cho xong!
Tôi thường lang thang thăm thú các chùa chiền nơi này nơi khác. Lang thang và nhìn ngắm, hít thở, học hỏi. Có nơi, xưa là chốn u nhàn, thanh tĩnh, chơn chất, tự dưng thấy lòng sảng khoái, lâng lâng, nay “cơ chế thị trường” đã tô son trét phấn, thếp vàng dát bạc, tự dưng thấy lòng hoang mang, bỡ ngỡ. Nhưng nghĩ lại, tại mình. Không phải tại phướn, cũng chẳng phải tại gió! Cất chùa, xây tháp, đắp tượng, đúc chuông… cần lắm chứ. Gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật… cần lắm chứ. Gõ mõ tụng kinh cho đến nhất tâm bất loạn chẳng phải là định, là huệ sao? Cầu nguyện cho đến mức thấy mình… tan rã cùng tượng đá chẳng phải là… thiền sao? Lạy Phật mà đúng cách, đúng kỹ thuật, theo cùng hơi thở chánh niệm thì chẳng những không còn đau lưng sưng khớp mà còn giúp cho máu huyết lưu thông, tăng cường sức đề kháng, sức dẻo dai cho cơ thể đó chứ!
Một khung cảnh “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lờ khe yến cá nghe kinh/ Vẳng bên tai một tiếng chày kình…” cũng khiến cho “Khách tang hải giật mình trong giấc mộng!” (CMT) đó chứ! Làm cho người ta giật mình cũng cần lắm chứ! Giật mình mới sực tỉnh được! Tỉnh rồi mới ngộ được chứ! Chuyện hình thức đâu có thể coi thường!
Không có Hàn San tự kia thì sao có tiếng chuông chùa làm nao lòng lữ khách giữa đêm khuya tự ngàn năm cũ?
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Trương Kế)
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(Tản Đà dịch)
Nhưng do đâu mà lữ khách rúng động vì tiếng chuông chùa Hàn San? Hay chỉ vì trăng tà, tiếng quạ, sương khuya, lửa chài, cây bến… đã bày biện cho lữ khách một cõi tâm hồn, một cõi “trang nghiêm”, một cuộc dọn mình để tiếp nhận tiếng chuông chùa vang vọng giữa đêm khuya? Người thỉnh chuông có ý gì đâu? Tiếng chuông có ý gì đâu?
Học Kim cang tôi cứ giật mình đánh thót. Đang hào hứng thì bị “dội” ngay một gáo nước lạnh, đang mơ màng thì bị giựt tóc mai, đang ngon trớn thì bỗng khựng lại, vừa định chê bai thì vỗ đùi, thì ra thế, vừa định gật gù thì cốc đầu, không phải vậy!
Nghiền ngẫm, học hỏi rồi mới thấy Kim cang thực ra có hai phần rõ rệt, mà trộn lẫn vào nhau, đan chéo lấy nhau. Hai mà một, một mà hai. Chẳng phải một mà cũng chẳng phải khác! Phần đầu dạy “ly tướng”, đừng trụ vào đâu cả để mà sanh tâm, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm; phần sau dạy “ly niệm” (vô niệm), cứ sanh tâm đi miễn là đừng trụ vào đâu cả! Ưng sanh kỳ tâm nhi… vô sở trụ, hay nói cách khác là “Ưng sanh vô sở trụ tâm”. Một đằng, dạy không để bị cuốn hút vào những màu sắc, những âm thanh, mùi vị… Bồ-tát mà còn cứ chăm bẵm “dĩ sắc, dĩ thanh âm” thì… đang “hành tà đạo”. Tâm thông thì thuyết mới thông! Dù có mở cờ gióng trống đi nữa chẳng qua cũng chỉ là cái cớ, cái duyên, chẳng cầu, chẳng bận. Cứ rèn luyện nội công cho thâm hậu đi, đừng nóng vội khoe khoang chiêu thức! Người mới học võ nào cũng ham, cũng mê chiêu thức! Khi nội công thâm hậu rồi thì một cái búng tay, một cái giở chân, một tiếng đàn, tiếng sáo… chẳng phải là tuyệt chiêu đó sao?