Kiến thức

Trí tuệ của Phật

Thứ ba, 27/04/2023 04:57

Tâm, ý thức của Như Lai rất khó lường, in như hư không làm chỗ nương cho tất cả. Trí của Như Lai làm chỗ nương cho trí thế gian và xuất thế gian. Ví như pháp giới thanh tịnh thường làm chỗ nương dựa giải thoát cho Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát.

Tâm, ý thức của Như Lai rất khó lường, in như hư không làm chỗ nương cho tất cả. Trí của Như Lai làm chỗ nương cho trí thế gian và xuất thế gian. Ví như pháp giới thanh tịnh thường làm chỗ nương dựa giải thoát cho Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát. Ví như nước biển cả chảy thấm nhuần khắp đất bốn thiên hạ. Trí của Như Lai trong sạch sáng suốt, bình đẳng không hai, không có phân biệt. Nhưng chỉ tùy theo chỗ sai khác tâm hành của chúng sanh, nên chỗ được trí huệ đều chẳng đồng vậy. 

Đức Như Lai thành quả chánh giác với tất cả nghĩa: không còn quan sát pháp bình đẳng, không còn chỗ nghi hoặc; không hình, không tướng, không đi cũng không đứng, không lường không ngăn, lìa hai bên, trụ trung đạo, vượt ra ngoài tất cả văn tự ngữ ngôn; mà biết tất cả bản tánh ưa muốn, tâm nghĩ, chỗ làm và những phiền não tập nhiễm của chúng sanh; với trong một niệm biết hết tất cả các pháp trong ba đời, in như biển cả, có bấy nhiêu thân sắc hình tượng của chúng sanh trong bốn thiên hạ đều có thể ẩn hiện trong biển ấy vậy.

Cõi nước trong sạch ở phương đông có Đức Phật hiệu Nhựt Nguyệt Quang. Vị Phạm Thiên Tư Ích bái hào quang của Đức Phật, rồi đến chỗ Phật mà thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi nay muốn đến thế giới Ta bà để lễ bái Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cúng dường thân cận?

Phật Nhựt Nguyệt Quang bằng lòng và bảo: Cõi Ta bà hiện nay đang tập hội rất đông Bồ tát, ngươi nên dùng 10 pháp mà đến cõi kia:

1. Với việc chê khen, tâm chớ thêm bớt

2. Nghe được thiện ác, tâm đừng phân biệt

3. Với kẻ ngu kẻ trí đều đem lòng thương mà giao tiếp

4. Với ba bậc chúng sanh thượng, trung, hạ, ý thường bình đẳng

5. Việc cúng dường không nên hai lòng

6. Họ có khuyết điểm, đừng chấp chỗ lỗi

7. Với các Thừa chỉ thấy Nhất thừa

8. Nghe tên ba ác đạo, đừng sợ hãi

9. Thấy các Bồ tát nên tưởng đó là Như Lai

10. Đức Phật bên ấy, xuất hiện nhằm đời năm món đục vẩn, nên tưởng là hiếm có

Người, nên lấy mười pháp nầy mà qua bên ấy.

Ngài Phạm Thiên Tư Ích thưa: Tôi nay xin đi, nhờ Phật biết cho và hộ niệm. Kinh Phạm Thiên Tư Ích Sở Vấn

Huệ sáng chói không lường, thân như núi Chơn Kim, sắc vàng màu chói sáng, khắp soi các thế giới, theo vật hiện màu sắc, vậy nên cúi đầu lễ. Luận Thập Trụ Tì Bà Ta

Thí như mặt trời xuất hiện cõi Diêm Phù Đề, trước chiếu núi Tu di và các núi cao cả, thứ chiếu núi Bắc Sơn, thứ nữa chiếu gò cao, nhiên hậu mới chiếu tất cả đại địa. Nhưng mặt trời không có quan niệm sai biệt chiếu chỗ nầy trước nơi nọ sau, mà bởi chốn đại địa có cao thấp, nên mới có sự chiếu soi trước sau sai khác.

Đức Như Lai thuyết pháp cũng giống như thế. Đã trọn nên bánh xe trí huệ vô lượng pháp giới, thường phóng ra trí huệ chói sáng không ngăn ngại, trước chiếu các Bồ Tát là bậc Đại sơn vương, thứ chiếu Duyên Giác, thứ nữa chiếu Thanh Văn và sau cùng mới chiếu soi những chúng sanh có căn lành quyết định, tùy theo tâm lượng, mà hiện trí rộng lớn; nhiên hậu mới chiếu soi khắp tất cả chúng sanh cho đến những kẻ tu tà định cũng đều soi tới.

Nhưng đại trí Nhựt Quang của Như Lai chẳng bao giờ nghĩ sai khác như vậy, chỉ phóng yến sáng bình đẳng chiếu soi khắp cả, không có ngăn ngại; mà vì tâm trí chúng sanh có cao thấp, nên sự chiếu soi mới có trước sau sai khác vậy thôi. 

Ví như mặt, trời mọc sáng soi mà kẻ mù chẳng từng thấy, vì không mắt từ trong bụng mẹ, tuy không thấy, nhưng họ vẫn được hưởng lợi ích ánh sáng của mặt trời. Trí quang cũng như vậy. Những chúng sanh mù không tin, không hiểu, phá giới, sống lối sống tà mạng, vì không có con mắt tin, chẳng thấy vầng huệ nhựt của các đức Phật; nhưng cũng được trí nhật của các đức Phật làm lợi ích cho. Tại sao? Vì các Phật Như Lai dùng sức thành tựu khiến chúng sanh có bấy nhiêu khổ nơi thân và phiền não nơi tâm, cùng những nhơn khổ vị lai đều tiêu dứt mà được căn lành vậy. 

Đức Phật:

1. Có chúng sanh chuyên tâm nhớ nghĩ, thời hiện trước mặt

2. Có chúng sanh, thân tâm điều thuận, vì hiện nói pháp

3. Có chúng sanh, hay sanh tịnh trí, quyết được căn lành vô lượng

4. Có chúng sanh, hay vào ngôi pháp, đều khiến hiện chứng hiểu rõ

5. Có chúng sanh, thời giáo hóa không biết nhàm mỏi

6. Dạo nước các đức Phật qua lại không ngại

7. Vì lòng đại bi, nên chẳng bỏ một chúng sanh nào

8. Hiện thân biến hóa, hằng chẳng dứt bặt

9. Thần thông tự tại, chưa từng ngừng nghĩ

10. An trụ pháp giới mà năng quan sát 

loading...