Chùa Việt
Trở lại chùa Phật Học 2
Thứ bảy, 03/06/2018 12:09
Chúng tôi trở lại chùa Phật Học 2 (tọa lạc tại Phường 8, Tp.Sóc Trăng) để chiêm ngưỡng thêm những nét đẹp văn hóa uy thiêng mà lần trước không đủ thời gian thực hiện ý nguyện của mình.
Nhớ lần trước về đây, chúng tôi có dịp tiếp xúc với ông Hà Gia Phủ, ngụ Tp.Bắc Kinh, Trung Quốc và đã được nghe ông nhận xét rất chân tình khi thăm các chùa ở Việt Nam: “Trước đây, chúng tôi thường đi viếng các chùa ở Bạc Liêu, An Giang; hôm nay được tham quan chùa Phật Học 2 rất to rộng, khang trang, nhiều cảnh quan kỳ thú được thiết kế rất công phu mang đầy tính nghệ thuật điêu khắc. Đây quả là điểm đến rất thú vị cho phật tử và du khách”.
Dù cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, lượng khách đến tham quan rất lớn, đa phần là du khách ở xa đến như: Tp.HCM, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long… Ngoài không gian yên tĩnh, dịu mát, chỉ cách Tp.Sóc Trăng khoảng 5 km, chùa Phật Học 2 với diện tích hàng chục ha được bố trí rất hài hòa, đẹp mắt nên được nhiều người yêu thích.
Du khách sẽ được ngắm những bức tượng Phật Thích Ca, Như Lai, Di Lặc, Phật Bà Quan Âm... thiết kế rất cao lớn, tinh xảo với những tiểu tiết hoa văn rất độc đáo, tái hiện lại cuộc đời đến với đường tu để cứu khổ chúng sinh. Trong đó có nhiều câu chuyện kể rất cảm động và sâu sắc để giáo hóa cộng đồng. Trên chiếc ao to rộng được bố trí tại trung tâm chùa, du khách có thể nhìn ngắm chiếc thuyền Bát Nhã được thiết kế khá uy thiêng như một điểm nhấn tiêu biểu của chùa. Mọi người còn nghe lòng thư thái nhẹ nhàng, khi tự tay cho hàng ngàn con cá óng ánh dưới ao ăn. Nhìn chúng tung mình trên mặt nước như một điệu vũ hòa bình, nhân ái.
Phía sau Chính điện là một khoảng không gian mát dịu, uy thiêng với rất nhiều tượng đá được sắp xếp rất đẹp mắt. Mỗi tiểu cảnh đều tái hiện những câu chuyện kể dân gian đầy ý nghĩa về sự hy sinh của các đức Phật, về tình thương yêu con người, biểu hiện cái thiện thắng cái ác. Cạnh đó là nhiều câu chuyện minh họa cho tình yêu thương gia đình, sự thủy chung, lòng nhân ái của loài người như: hình tượng thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, sự tích trầu cau, Thạch Sanh chém chằn, cây tre trăm đốt. Cạnh đó là sự có mặt của rất nhiều loài thú như: chim muông, hươu, nai, khỉ, mãng xà, cọp, rồng…
Bên cạnh những ngọn núi cao sừng sững, những dòng thác nước chày ào ạt đêm ngày và những đóa hoa sen đỏ thắm góc trời càng làm phong phú thêm nét đẹp cho không gian yên tĩnh của ngôi chùa. Du khách còn được nghỉ ngơi trên hàng trăm chiếc võng dưới những tàng cây mát dịu, được mượn nón lá để tham quan, được giữ xe miễn phí và nhiều tiện ích khác mà không phải trả tiền.
Đến với chùa Phật Học 2, du khách sẽ có cảm giác như mình vừa lạc vào công viên giải trí đầy thơ mộng, m. Một thế giới nhân gian đầy huyền ảo, tùy tâm cảnh chuyển, tùy duyên mà cảm nhận, du khách tự lựa chọn cảnh giới mình yêu thích như: câu chuyện nhân quả báo ứng, những câu ca dao tục ngữ, bức tranh đề thơ minh họa giáo dục về tình yêu thương gia đình, lòng thủy chung son sắt.
Hay những bảng nội quy thể hiện dưới dạng một bài thơ đầy ước lệ, đánh vào ý thức tự giác của con người, những tiểu cảnh mang câu chuyện cổ tích dân gian, toát lên ý nghĩa nhân sinh như: sự tích trầu cau, thằng bờm và phú ông, cây tre trăm đốt, Thạch Sanh chém chằn…; hay trở về nguồn cội, lật lại trang sử vàng của những vị anh hùng dân tộc vĩ đại.
Hay những bảng nội quy thể hiện dưới dạng một bài thơ đầy ước lệ, đánh vào ý thức tự giác của con người, những tiểu cảnh mang câu chuyện cổ tích dân gian, toát lên ý nghĩa nhân sinh như: sự tích trầu cau, thằng bờm và phú ông, cây tre trăm đốt, Thạch Sanh chém chằn…; hay trở về nguồn cội, lật lại trang sử vàng của những vị anh hùng dân tộc vĩ đại.
Ông Kim San Sum, du khách người Hàn Quốc vui vẻ nói: “Chúng tôi rất vui và hài lòng khi đến chùa. Nơi đây thật thanh bình, không có lực lượng bảo vệ, không mua bán mất trật tự, không mê tín dị đoan. Đây là điều rất đặc biệt, không phải ở đâu cũng có được”.
Trầm mặc, uy thiêng, thân thiện, gần gũi, đó là cảm giác chung của chúng tôi khi trở lại chùa Phật Học 2 hôm nay.
Trần Trấn Giang