Sống an vui

Trông vậy, thấy vậy, nhưng không phải vậy

Thứ hai, 12/03/2024 10:13

Trước khi kết luận về hành vi ứng xử của một ai đó, tôi thường suy nghĩ liệu cái gốc của hành động đó có thể xuất phát từ tình thương không...

Audio

Cổ học tinh hoa có tích về Nhan Hồi, học trò của Khổng Tử, được giao việc nấu cơm. Một hôm, Khổng Tử nhìn xuống bếp và thấy Nhan Hồi cúi trên nồi cơm đang mở vung, lấy đũa xới một nắm, lén lút nhìn quanh rồi cho vào mồm. Khổng Tử rất giận và quyết định sẽ răn dạy Nhan Hồi trước tất cả học trò.

Lúc mọi người tề tựu đông đủ trước giờ ăn, Khổng Tử hỏi liệu ông có nên xới cơm mang cúng không. Tất cả đều đồng thanh bảo có, riêng Nhan Hồi bảo không, rồi cúi đầu lí nhí xin lỗi Thầy, giải thích rằng trong lúc nấu cơm, một cơn gió thổi bồ hóng rớt vào nồi cơm đúng lúc Nhan Hồi mở nắp. Sợ Thầy và các bạn thiếu phần, Nhan Hồi không dám bỏ đi mà đã ăn trước phần cơm bẩn, vậy nên xin Thầy không cúng cơm và cũng xin không ăn thêm nữa.

Nghe chuyện, Khổng Tử đã ngước mặt lên trời mà than rằng: “Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”.

*

1. Hồi ở Hà Nội, tôi dạy ở một trường đại học cách nhà 30 phút xe máy. Mùa đông Hà Nội tê tái lạnh, tiết học đầu tiên lại bắt đầu lúc 7h15 nên tôi khá vất vả lo cho con nhỏ buổi sáng rồi chạy vội vàng. Gần nhà có một quán phở nhỏ đúng chất Hà Nội, sáng nào trước lúc đến trường tôi cũng ghé đó vì không có thời gian chọn lựa.

Một hôm vừa chuẩn bị ăn, tôi thấy một người đánh giày gầy gò nhếch nhác bước vào. Anh đặt thùng đồ nghề lên bậc tam cấp, ngồi luôn ở đó và đưa cho cô hàng phở một tờ 2.000 đồng. Cô ấy cho vào tô một ít bánh phở, một nhúm hành và chan ít nước, rồi thôi. Tôi nhìn lại tô phở đầy thịt trước mặt, tự dưng không ăn được nữa. Tôi nói cô bỏ thêm thịt vào tô phở của anh đánh giày rồi mình sẽ trả tiền. Anh đánh giày cũng ăn tô phở đó, vừa ăn vừa lén nhìn tôi, cũng không nói tiếng cảm ơn nào.

Hôm sau ghé quán, ăn một lúc thì anh đánh giày lại đi ngang qua. Anh đứng ngoài nhớn nhác nhìn vào thấy tôi ngồi đúng bàn cũ. Tôi thoáng thấy nét phấn khởi trên gương mặt trông khổ sở ấy khi anh lại ngồi xuống bậc tam cấp. Cảnh cũ lại diễn ra: anh vừa ăn tô phở 2.000đ vừa lén nhìn mình. Tôi hơi khó chịu, nghĩ thầm anh này lại muốn lợi dụng lòng tốt của mình. Tôi quay đi hướng khác tiếp tục ăn, rồi rời quán, cố tình tỏ vẻ không hề để ý.

Ngày hôm sau cũng lại cảnh cũ diễn ra. Lần này tôi giận mình đã tử tế không đúng chỗ, giận người đánh giày không biết điều. Tôi quyết tâm sẽ bỏ quán phở quen thuộc cho khỏi bực mình và sẽ rút được bài học cho những lần tử tế về sau. Tuy nhiên, tôi muốn tốt thêm lần cuối cho đỡ áy náy lương tâm nên vẫn bảo cô chủ quán cho thêm thịt vào tô của anh như lần trước. Nhưng anh lắc đầu từ chối và bảo mình: “Cảm ơn chị. Trước đến giờ chưa có ai tốt với tôi kiểu ấy nên tôi rất ngạc nhiên. Mấy hôm nay tôi ghé quán là để mong nhìn thấy chị chứ không phải vì bát phở có thêm thịt”.

Xấu hổ và ăn năn là cảm xúc của tôi lúc đó. Tôi đã đánh giá một con người bằng góc nhìn của một kẻ ban ơn, và tôi đã vội vàng suy diễn từ những điều thấy bằng mắt nhưng không cảm bằng trái tim thấu hiểu.

suy-nghi-tich-cuc598884543347

2. Trong một lần lên lớp, tôi có lần đã suýt mất bình tĩnh và khiển trách sinh viên vì các em không tập trung trong giờ học, cứ chuyền nhau một cái gì đó, rồi thì thầm to nhỏ, có khi rúc rích cười.

Tôi nhắc nhở mấy lần, rồi mất hết kiên nhẫn và cảm thấy tổn thương. 

Tôi định yêu cầu các em phải tôn trọng cô giáo đang đứng lớp để giữ trật tự nếu các em không muốn học, bởi đó là phép lịch sự tối thiểu trong môi trường giáo dục. Nhưng rồi tôi đã lặng im rời lớp học với tâm trạng phiền muộn.

Hôm sau, theo lịch dạy vẫn là lớp học đó. Buổi sáng đến trường tôi cảm thấy nặng nề, không có chút động lực nào để đi qua mấy giờ dằng dặc với những học trò như thế.

Tuy nhiên, tôi đã lặng đi trong xúc động khi đón chào cô giáo là những gương mặt tươi cười. Tất cả các em cùng đứng dậy, hát bài chúc mừng sinh nhật cô thật ấm áp. Thì ra hôm qua các em đã chuyền tay nhau tấm thiệp sẽ gửi tặng cho cô, để mỗi em ghi vào một câu chúc của riêng mình.

3. Từ đó tôi càng cẩn trọng hơn, không ngần ngại khi nói những lời tích cực, động viên nhưng dè dặt với những phát biểu tiêu cực, phê bình. Trước khi kết luận về hành vi ứng xử của một ai đó, tôi thường suy nghĩ liệu cái gốc của hành động đó có thể xuất phát từ tình thương không, bởi trong rất nhiều trường hợp, ta trông vậy, thấy vậy nhưng không phải vậy.

______

(*) Tác giả là giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Tư duy biện luận tại Đại học Quốc tế và Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

loading...