Lời Phật dạy

Trung đạo là bát chánh đạo

Thứ năm, 16/12/2022 08:00

Khi Thế Tôn rời khỏi Bồ Đề đạo tràng đến vườn Nai, lời vàng đầu tiên của Ngài là tu tập trung đạo, tránh xa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnh ép xác. Như vậy, đắm say theo những tham vọng trần tục hay chịu cực khổ quá mức đều không phải chánh đạo, không liên hệ đến mục đích giải thoát.

Audio

Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ kheo:

-Có hai cực đoan này, này các Tỷ kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành trí, đưa đến an tịnh, giác ngộ, Niết bàn.

-Này các Tỷ kheo, thế nào là con đường Trung đạo? Chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành trí, đưa đến an tịnh, giác ngộ, Niết bàn.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Chuyển pháp luân, phần Như Lai thuyết [trích], Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.610)

Phương pháp giải trừ vô minh là con đường bát chánh đạo

1

Lời bàn: 

Khi Thế Tôn rời khỏi Bồ Đề đạo tràng đến vườn Nai, lời vàng đầu tiên của Ngài là tu tập trung đạo, tránh xa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnh ép xác. Như vậy, đắm say theo những tham vọng trần tục hay chịu cực khổ quá mức đều không phải chánh đạo, không liên hệ đến mục đích giải thoát. Đây cũng là kim chỉ nam tu tập cho tất cả những người con Phật, nhất là hàng xuất gia.

Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay chúng ta xác định như thế nào là tránh xa hai cực đoan “đắm say trong các dục” và “tự hành khổ mình”? Thời bấy giờ, khi Thế Tôn tắm rửa và thọ thực (bát cháo sữa do nàng Sujata dâng cúng) đã bị nhóm đạo sĩ Kiều Trần Như cho là hưởng thọ dục lạc. Có thể sự “hưởng dục” ấy, ngày nay không chừng lại bị xem là khổ hạnh, ép xác.

Như vậy, trong chừng mực nào đó, trung đạo chính là thiết lập sự quân bình, trung dung tuơng ứng với mức sống của xã hội hiện tại trong tinh thần thiểu dục tri túc. Ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, nhờ đó mà chùa chiền xây dựng to lớn, đời sống của hàng xuất gia được nâng cao với nhiều tiện nghi, nếu như không rơi vào tân thời, sang trọng và xa hoa (chỉ tầm tầm bậc trung) thì có thể xem đó là lối sống trung đạo. Vì thế, chúng ta cần hiểu lời dạy của Thế Tôn một cách linh động về phương diện này.

Quan trọng hơn, Thế Tôn đã nói rõ tinh thần trung đạo của Ngài chính là Bát Thánh đạo. Như vậy, tránh xa hai cực đoan là tránh dẹp những chướng duyên có tính thái quá, cố chấp, dính mắc và rơi vào những thái cực để phát huy và thành tựu Thánh đạo, đó cũng chính là Trung đạo. Cốt tủy của con đường Thánh này là thành tựu chánh kiến, thấu triệt sự thật về tính duyên sanh của thân, tâm và thế giới, vượt thoát tham ái và chấp thủ, chứng đạt giải thoát.

loading...