Chùa Việt

Trùng tu, tôn tạo chùa Đà Hưng

Chủ nhật, 22/04/2015 01:54

6 giờ chiều, ánh nắng của mùa hè đã có phần dịu mát, nhưng không khí lao động khẩn trương của mọi người nơi đây vẫn đang hăng say làm việc. Tiếng cười nói, tiếng hát về đức Phật của bộ loa đặt dưới gốc cây nhãn gần tượng Quan Âm Bồ tát như hòa quyện vào nhau tạo nên động lực tinh thần cho nhân dân và phật tử nơi đây lao động. 

Chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi tổ chức đón nhận Bằng công nhận di tích cấp tỉnh chùa Đà Hưng, thuộc thôn Kim Húc, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Mới đầu giờ chiều ngày đầu tuần, chúng tôi nhận được điện báo của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hồng Đức báo tin vui: “Cán bộ, nhân dân và phật tử thôn Kim Húc phấn khởi quá anh ạ! Khi được Đại đức Thích Tuệ Nhật đứng ra vận động, phát tâm công đức để tu bổ, tôn tạo chùa Đà Hưng. Hiện nay nhân dân và phật tử đang tích cực lao động dọn mặt bằng để xây dựng thêm các hạng mục trong khuôn viên chùa trước sự cho phép và đồng ý của các cấp lãnh đạo, ban ngành đoàn thể từ tỉnh xuống địa phương. Anh thu xếp về động viên và phản ánh anh nhé!...”. Cuộc điện thoại ngắn ngủi của ông Nguyễn Văn Bão khiến cho chúng tôi ngập tràn niềm vui và khấp khởi trong lòng. Chuẩn bị xong tư trang, chúng tôi có mặt tại chùa Đà Hưng sau khi vượt qua quãng đường dài gần 30 km giữa nắng nóng như đổ lửa của những ngày tháng 4. 
 
 
Đúng như lời nói trong điện thoại của ông Bí thư, một không khí nhộn nhịp, đông vui, tất bật của cán bộ và nhân dân làng Kim Húc đang tích cực lao động giải phóng mặt bằng tại chùa Đà Hưng. Cái nắng oi bức của những ngày tháng 4 không làm nản lòng mọi người dân và phật tử nơi đây. Gần 4 giờ chiều mà không ai chịu nghỉ giải lao giữa giờ, ai cũng muốn làm thật nhanh nhất để lấy mặt bằng chuẩn bị xây nhà Tổ và nhà Mẫu. Vừa gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, bác Lê Thị Lượt vui vẻ cho biết: Lãnh đạo xã, thôn thông báo sư thầy Thích Tuệ Nhật sẽ về phát tâm công đức để xây dựng, tu bổ và tôn tạo chùa, ai ở trong làng này cũng vui sướng. Biết bao nhiêu năm nay, cả dân làng đều mong ngóng và có chung tâm nguyện là được nâng cấp ngôi chùa, trước sự xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ. Nay thì đã thành sự thật rồi. 

Cùng chung niềm vui của nhân dân và phật tử gần xa, bác Nguyễn Phú Bình - Trưởng Ban quản lý chùa vui vẻ cho biết: Hơn 3 ngày nay, nhân dân trong địa phương bắt đầu tiến hành lao động tháo dỡ các công trình đã được Ban quản lý chùa mua lại của 4 hộ dân để mở rộng diện tích và khuôn viên chùa. Đến nay, diện tích của chùa Đà Hưng gần 1000 m2. Bác Bình cũng cho biết thêm: Đây là lao động tự nguyện, lao động công đức, nên Ban quản lý không giao chỉ tiêu và thông báo rộng rãi trong địa phương. Ai đến lao động cũng được miễn là mang tâm đức với chùa là điều đáng quý. 
 
Buông câu chuyện với chúng tôi, bác Bình lại tất bật trở lại nơi nhân dân đang lao động để động viên và hướng dẫn mọi người. Mỗi người một việc, từ dỡ bỏ gạch, chuẩn bị xe cải tiến, đến vận chuyển những vật liệu ra điểm tập kết đều được nhân dân và phật tử tự giác làm trong niềm vui hoan hỉ của nhà Phật. Điều khiến chúng vui và ấm áp hơn, rất nhiều các cụ già cao tuổi, các cháu nhỏ cũng ra lao động.  

Chùa Đà Hưng được khởi dựng từ khá sớm, có quy mô, kiến trúc khá lớn. Chùa được toạ lạc trên một khu đất cao, thoáng và rộng, được xây bít đốc nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Với nhiều hạng mục công trình như: nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và các công trình phụ trợ. Chùa Đà Hưng  là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, đây là thiền phái phổ biến nhất ở miền Bắc. Nơi đây là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của nhân dân thôn Kim Húc nói riêng và nhân dân xã Hồng Đức nói chung. Bên cạnh đó, chùa Đà Hưng còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá cho các thế hệ trẻ đương thời và những thế hệ mai sau nhằm hướng con người phát triển toàn diện Chân – Thiện Mỹ. 
 
 
Trong những năm kháng chiến, chùa Đà Hưng như một nhân chứng sống của lịch sử, nơi nuôi dấu chiến sĩ Việt Minh, cơ sở cách mạng. Tháng 3/1940 tại ngôi chùa này là địa điểm tổ chức thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên – tiền thân của Đảng bộ xã Hồng Đức ngày nay. Từ năm 1946 -1947 chùa Đà Hưng tổ chức các lớp bình dân học vụ cho nhân dân địa phương. Năm 1948, 1949 đơn vị bộ đội Quang Trung của huyện Ninh Giang về đóng quân, hội họp và là nơi cứu chữa thương binh sau những trận càn của thực dân Pháp. Hoà bình lập lại, chùa Đà Hưng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá tâm linh của nhân dân trong làng. 

Trải qua những trăm trầm của lịch sử, sự biến thiên của thời gian và do cuộc chiến tranh tàn phá, chùa Đà Hưng bị hư hỏng một số công trình. Tuy nhiên chùa Đà Hưng vẫn là một công trình lịch sử văn hoá, mang trên mình nhiều dấu ấn của thời gian vẫn còn hiện hữu đến ngày nay.

Hiện nay chùa Đà Hưng gồm các công trình: Tam quan, chùa chính, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ. Hiện tại, chùa Đà Hưng còn lưu giữ được khá nhiều tượng và được bố trí thành 6 lớp tượng chính thờ tại toà Thượng điện. Và lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: bức Đại tự Từ bi quảng đại năm Canh Tý, niên hiệu Thành Thái (1900); chuông đồng được đúc năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân (1907), bát hương đá, niên hiệu Kỷ Mùi (1919). Là một ngôi chùa thuộc Đồng bằng châu thổ sông Hồng, cho nên ngoài những ngày tuần tiết, chùa Đà Hưng có đủ các ngày lễ lớn trong năm như: Lễ Thượng nguyên (15 tháng Giêng); Giỗ Mẫu, ngày vào chùa, ngày mở hội (3/3); Lễ Phật đản (8/4); Lễ Vu lan báo hiếu (15/7). 
 
 
Trước sự xuống cấp của ngôi chùa, cuối năm 2014, được sự đồng ý và cho phép của chính quyền địa phương và bằng duyên Phật Pháp. Đại đức Thích Tuệ Nhật đa phát tâm công đức để trùng tu, tôn tạo và nâng cấp chùa. Tập trung vào một số hạng mục như: Nâng chùa Đà Hưng lên 12 m gần tượng phật Quan Thế Âm Bồ tát. Dỡ bỏ những cột bị mối mọt đục rỗng, các xà gồ bị gẫy được thay thế mới dựa trên những nét hoa văn cổ kính. Toàn bộ cột và hoa văn đục đẽo do thợ của làng mộc Cúc Bồ đảm nhận. Bên cạnh đó xây dựng các công trình như: nhà Tổ, nhà Mẫu, hồ bán nguyệt, nhà khách và các công trình phụ trợ khác. Đến nay, 5 vạn gạch để xây móng và gạch Bát Tràng xây tường đã được nhận dân tập kết. Với phương châm: không làm hư hại đến kiến trúc và khuôn viên chùa cổ Đà Hưng, với tổng kinh phí trên dự tính khoảng trên 10 tỷ đồng. Toàn bộ số kinh phí này sẽ do Thầy Tuệ Nhật vận động quyên góp và sự phát tâm công đức của con dân cháu làng. Dự tính công trình hoàn thành trong tháng 8 năm 2015. 

6 giờ chiều, ánh nắng của mùa hè đã có phần dịu mát, nhưng không khí lao động khẩn trương của mọi người nơi đây vẫn đang hăng say làm việc. Tiếng cười nói, tiếng hát về đức Phật của bộ loa đặt dưới gốc cây nhãn gần tượng Quan Âm Bồ tát như hòa quyện vào nhau tạo nên động lực tinh thần cho nhân dân và phật tử nơi đây lao động. Họ lao động cho chính quê hương, bản thân họ, cho niềm tin nơi nhà Phật. Và chúng tôi hiểu rằng: Dù bất cứ ở đâu, làm gì trên đất nước con Lạc cháu Hồng.

Dù nơi phồn hoa đô thị, nơi nông thôn hẻo lánh thì ánh sáng của đức Phật luôn sáng soi tâm hồn, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, suy nghĩ, việc làm và tính hướng Thiện của chúng sinh.

Đức Tuỳ
loading...