Đức Phật
Trước Phật Thích Ca, bạc vàng chức trọng cũng chỉ là hư vô
Thứ bảy, 18/05/2019 03:00
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm, con trai của vua Tịnh Phạn, sống tại thành Ca Tỳ La Vệ cách đây hơn 2500 năm. Ngài vốn có cuộc sống trong nhung lụa sung sướng nhưng lại từ bỏ tất cả để tìm kiếm sự giác ngộ.
Nỗi lòng đau đáu với cảnh khổ ở đời
Một hôm, thái tử xin vua cha cho người hướng dẫn đi dạo ra ngoài cửa thành ngắm cảnh, ra đến cửa Đông, Ngài thấy một ông già đầu bạc trắng, lưng còng, răng rụng, lần bước đi một cách khó khăn. Đến cửa Nam, Ngài thấy một người nằm co quắp trên cỏ đang kêu la đau đớn. Đến cửa Tây, Ngài thấy một người chết nằm bên đường. Thấy ba cảnh tang thương ấy, thái tử nhận rõ bộ mặt thật của cuộc đời là khổ, những cảnh xa hoa trong hoàng cung chỉ là giả dối.
Mấy ngày sau, thái tử lại xin đi dạo chơi, lần này ra cửa Bắc, Ngài thấy một người ngồi kết già dưới gốc cây, thản nhiên không để ý các người qua lại. Thấy vậy, Ngài có một sự cảm mến với vị ấy và hé nảy sinh con đường cứu bệnh khổ già chết trong tâm tư, Ngài liền trở về cung thưa với vua cha xin xuất gia học đạo, nhưng bị từ khước.
Thái tử trình vua bốn sự việc nếu vua giải quyết được, Ngài sẽ bỏ việc học đạo, đó là: Làm sao mọi người trẻ mãi không già. Làm sao mọi người khỏe mãi không bệnh. Làm sao mọi người sống mãi không chết và Làm sao mọi người hết khổ. Vua nghe Ngài hỏi như thế, buồn rầu không giải quyết được và nói: “Những việc đó là thường ở đời, đương nhiên phải già, bệnh, khổ, chết, không có cách nào giải quyết được, đành chịu mà thôi”.
Lúc này, Vua lại tìm đủ cách để giữ chân thái tử, nhưng từ khi thấy bốn cảnh ở bốn cửa thành, Ngài đã nghiệm ra: “Ở đời là khổ, tất cả chỉ là tạm bợ, ngay cả cái thân ta mai này cũng sẽ vào cát bụi. Ta phải tìm chân lý để cứu mình và cứu tất cả chúng sinh”. Ngài đã nhất quyết trong lòng con đường tìm chân lý giải thoát. Cung vàng điện ngọc, địa vị giàu sang, vợ đẹp con ngoan, sống sung sướng…không thể sánh với sự giải thoát to lớn và cứu độ chúng sanh khỏi khổ đau.
Trong một đêm khuya, mọi người đương giấc ngủ say, Thái tử nhìn vợ con đang an giấc, rồi cùng với người giữ ngựa lặng lẽ rời khỏi hoàng thành trong đêm tối. Lúc đó Ngài 29 tuổi, tuổi tráng niên cường lực nhưng dứt bỏ hết để ra đi tìm đạo với hai bàn tay trắng, để sống một cuộc đời chưa biết sẽ ra sao.
Vượt muôn ngàn khó khăn tu thành chánh quả
Sáng hôm sau Ngài dừng chân trên bãi cát, dùng thanh kiếm sắc bén tự cạo râu tóc xong trao áo mão kiếm cho người giữ ngựa đem trở về trình vua. Ngài khoác vào mình tấm vải vàng cam làm áo, tự nguyện sống đời tu sĩ và chấp nhận mọi sự thiếu thốn vật chất.
Từ một người sống trong nhung lụa giàu sang quyền qúy, bỗng nhiên trở thành người đi lang thang trong nóng nực, lạnh lẽo, như người bất định trong sương gió. Đầu đội trời, chân đạp đất, không giày dép mũ nón, chỉ một mảnh vải che thân, không nhà không cửa. Đạo sĩ Cồ Đàm lấy bóng cây, hang đá là nhà để tránh nắng che mưa, trú dông bão tố, mang bát đi khất thực để sống.
Từ một thân hình cường tráng khỏe mạnh dần dần cho đến một thân hình chỉ còn da bọc xương, dùng vô số phương tiện của khổ hạnh để tu, Ngài chỉ ăn rau cỏ để thiền, nhịn thở để thiền, chỉ ăn một vài hạt đậu và một ít nước mỗi ngày để thiền v.v…
Thân hình đạo sĩ Cồ Đàm trở nên gầy còm đến nỗi xương bàn tọa ngồi như móng con lừa, xương sống như xâu chuỗi hột, lưng còng xuống, xương sườn phơi ra tựa như sườn nhà bị đổ, hai mắt hõm vào như sao dưới đáy giếng sâu thẳm. Khi sờ da bụng lại đụng xương sống, đi lại không vững, màu sạm đen như da người chết.
Sau khi trải qua thời gian dài khổ hạnh, cái chết đã gần kề, đạo qủa chân lý chẳng thấy đâu, trí thức suy giảm, tinh thần mệt mỏi, Ngài quyết định dứt khoát từ bỏ lối tu khổ hạnh. Vì cần có một thân hình khỏe mạnh, một trí óc sáng suốt để suy gẫm đạt chân lý, nên Ngài bắt đầu dùng vật thực thô sơ trở lại.
Quyết định từ bỏ lối sống khổ hạnh, nhưng Ngài cũng không quay lại lối sống lợi dưỡng, mà vạch ra đường lối tu Trung đạo, Ngài biết rằng tu bằng đường Trung đạo sẽ tác thành nhẫn, tác thành trí tự tại, tác thành định đưa đến trí, sẽ đưa đến giác ngộ.
Năm vị đạo sĩ đồng tu thấy thế liền chê trách: “Đạo sĩ Cồ Đàm không đủ kiên nhẫn”, họ liền bỏ đi; không vì thế mà thối chí ngã lòng, một mình Ngài trong chốn rừng sâu tu tập.
Bấy giờ, đạo sĩ Cồ Đàm nghĩ rằng: “Ta đã đi tìm hết các nơi, không có một ai đủ khả năng dẫn dắt ta thành tựu mục tiêu mà ta mong muốn, vì chưa ai ra khỏi sự vô minh”. Ngài bèn đi đến vùng ngoại thànhVương Xá nước Ma Kiệt tự tu tập một mình, nơi có dòng sông trong mát, cây cối xanh thẳm, hoa lá tốt tươi.
Đi đến dưới gốc cây Bồ Đề lấy cỏ làm nệm ngồi thiền định, Ngài thề nguyện rằng: “Nếu không đạt chân lý dù thịt nát xương tan ta cũng không rời khỏi chỗ này”. Ngài đã liên tiếp trải qua nhiều gian nan thử thách về nội tâm tham, sân, si, mạn, nghi…, rồi sau lại phải chiến đấu với ngoại cảnh Thiên ma dùng đủ mọi tà pháp hòng cản trở Ngài việc thiền định. Cuối cùng, Ngài chiến thắng cả nội tâm lẫn ngoại cảnh, tâm trí được yên ổn trong thiền định.
Trong đêm thứ 49, vào khoảng 10 giờ lúc canh hai, Ngài chứng “Túc mệnh minh”, thấy rõ tất cả các đời qúa khứ một đời, hai đời, ba đời, mười đời, trăm đời, nghìn đời; sinh chỗ này, tên là gì, cuộc sống ra sao, chết sinh vào đâu..., tất cả đều biết hết. Tiếp tục thiền định, tới khoảng nửa đêm lúc canh ba, Ngài chứng “Thiên nhãn minh”, thấy được tất cả bản thể vũ trụ, biết cấu tạo thế giới vũ trụ thành trụ hoại diệt như thế nào, đều biết hết thảy. Vẫn kiên định hành thiền tam muội, đến khoảng 2 giờ sáng lúc canh tư, Ngài chứng “Lậu tận minh”, vô lậu, sạch hết ô nhiễm.
Biết rõ Khổ, nguồn gốc của đau khổ, cách trừ đau khổ, và con đường đạo qủa viên mãn. Ngài tự biết: “Ta đã giải thoát, không còn tái sinh nữa, tu hành viên mãn, việc làm đã xong, không còn trở lại trạng thái khi xưa nữa”.
Ngài từ từ mở mắt to ra chợt thấy sao Mai lấp lánh, hốt nhiên “Toàn Ngộ”, thấu triệt cùng khắp chân lý vũ trụ, thần thông quảng đại, Ngài đạt Đạo Vô Thượng, thành bậc “Chính Đẳng Chính Giác” nên được gọi là bậc Toàn Giác, Như Lai, hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni.