Sách Phật giáo

Trường TCPH Khánh Hòa và truyền thống giáo dục Phật học

Thứ bảy, 13/10/2015 04:05

Ở Ninh Hòa có chùa Bửu Phong (Phong Ap, Ninh Bình) tạo dựng vào năm 1683. Chùa Thiên Bửu (thị trấn Ninh Hòa, được gọi là Thiên Bửu hạ) và chùa Thiên Bửu (Ninh Đông, được gọi là Thiên Bửu thượng) xây dựng khoảng năm 1740-1747 và cùng một vị thiền sư tạo lập

PGs Ts. Nguyễn Công Lý phát biểu tham luận tại Hội thảo Trường TCPH Khánh Hòa 26/9/2015

Thời gian như bóng ngựa chạy qua cửa sổ (bạch câu quá khích). Nhớ lại mới ngày nào nhà trường được Hội đồng Trị sự và Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư GHPGVN cùng UBND tỉnh cho phép thành lập và được tuyển sinh khoá đầu tiên (1990), vậy mà giờ đây ngôi trường này đã trải qua một phần tư thế kỷ. Với bề dày hai mươi lăm năm tồn tại, phát triển của một ngôi trường thì chưa phải là dài, nhưng so với vòng đời của một kiếp người thì không phải là ngắn. Từ Trường Cơ bản Phật học đến Trường TCPH Khánh Hoà lớn mạnh như hôm nay là cả một chặng đường dài phấn đấu, đánh dấu một bước trưởng thành của nhà trường, đồng thời thể hiện một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của chư vị Hòa thượng, Thượng toạ tiền nhiệm và đương nhiệm trong Ban Giám hiệu, Ban Giáo thọ, các phòng ban chức năng của nhà trường và đồng thời cũng là sự cố gắng học tập rèn luyện tu dưỡng của các lớp tăng, ni sinh được đào tạo từ ngôi trường này từ khoá I cho đến khoá VII hiện nay.

1. Từ truyền thống giáo dục Phật giáo
1.1. Thử tìm về cội nguồn giáo dục

Theo các bộ sử phong kiến Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư thì Nho học cùng với Hán tự truyền vào sớm nhất là thời Bắc thuộc lần thứ nhất (111 TCN-39 SCN) với công lao của các quan cai trị người Trung Hoa. Lúc này, Tích Quang (đầu đời Đông Hán) làm Thái thú quận Giao Chỉ dạy cho dân ta biết những điều tín, nghĩa, phép tắc, giao thiệp “đã lấy lễ nghĩa dạy dân”[2]; tiếp theo, Nhâm Diên làm Thái thú quận Cửu Chân (năm 29 - năm 33 SCN) dạy cho dân ta cấy cày, biết lễ cưới hỏi, dựng vợ gã chồng: “dạy dân khai khẩn ruộng đất để cày cấy, dân nghèo không có sính lễ cưới vợ, Diên bảo các trưởng lại trở xuống bớt bổng lộc ra để giúp đỡ, cùng một lúc lấy vợ đến 2000 người”[3]. Bên cạnh việc truyền bá lễ nghĩa, các quan cai trị còn mở trường khuyến khích việc học. Điều này quan Thái thú đất Hợp Phố là Tiết Tổng có viết bài sớ tâu lên vua Ngô Tôn Quyền vào năm 231 như sau: “Triệu Đà nổi dậy ở Phiên Ngung, vỗ về thần phục được vua Bách Việt, đó là phần đất về phía Nam quận Châu Nhai, vua Hiếu Vũ nhà Hán đã giết Lữ Gia, mở 9 quận đặt chức Thứ sử ở Giao Chỉ, dời những người phạm tội ở Trung Quốc sang ở lẫn vào các nơi ấy, cho học sách vở ít nhiều, hơi thông lễ hoá. Đến khi Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân, dựng nhà học, dẫn dắt bằng lễ nghĩa. Từ đấy trở đi (tức từ sau thời Triệu Đà) hơn 400 năm, dân tựa hồ đã có quy củ”[4]. Đặc biệt, Sĩ Nhiếp khi làm Thái thú quận Giao Châu (187-226) có công chăm lo việc học hành, truyền bá chữ Hán cùng sách vở Nho học vào nước ta, nên được các nhà Nho tôn vinh là Nam giao học tổ, là Sĩ vương như Đại Việt sử ký toàn thư có ghi “Nước ta thông Thi, Thư, học Lễ, Nhạc làm một nước văn hiến là bắt đầu từ thời Sĩ vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đến đời sau, há chẳng lớn sao?”[5]. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, những gì vừa nêu trên có thể là do các sử gia Việt Nam ngày ấy quá tôn sùng Nho học, quá vọng ngoại, sùng ngoại, chịu ảnh hưởng nặng nề và sâu đậm văn hoá Hán nên mới viết như thế. Mặc dù, ta đã thừa nhận rằng, các quan cai trị người Hán hồi ấy ít nhiều đã có công truyền bá Nho học vào nước ta, nhưng chẳng lẽ phải nhờ các quan cai trị Trung Quốc thì nước ta mới có nền giáo dục, mới có sự giáo hoá, giáo huấn hay sao? Thực tế là Tổ tiên ta từ xa xưa đã có một nền giáo dục lâu đời, mà nền giáo dục này khởi phát từ thời đại các vua Hùng dựng nước và mở nước cho đến lúc ta bị mất nước vào năm 111 TCN dưới thời Thuật Dương Vương nhà Triệu[6]. Hơn nữa, giáo dục có nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ là việc mở trường dạy học. Chuyện lễ nghĩa cưới xin từ thời các vua Hùng, dân ta đã có tục lệ tốt đẹp đậm tình thắm nghĩa rồi, cần gì phải chờ đợi các quan cai trị phương Bắc như Tích Quang, Nhâm Diên đem đến? Câu chuyện Sự tích Trầu Cau chẳng phải là một minh chứng đầy sức thuyết phục đó sao? Và nếu không có phương thức giáo dục mang đậm bản sắc của người Việt phương Nam với nền văn hoá văn minh lúa nước này thì có lẽ ta đã bị mất gốc bởi chính sách đồng hoá và diệt chủng đầy thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của đế chế phương Bắc trong hơn nghìn năm lệ thuộc rồi! Bởi vì hồi ấy ta bị mất nước nhưng không mất làng, mà làng là nơi bảo tồn và truyền phát văn hoá, nhờ thế mà dân tộc ta không bị mất văn hoá cội nguồn. 

Trong suốt một thời gian dài và có thể trước đó, bản sắc văn hoá Việt vốn rộng mở, linh hoạt, mềm dẻo nên đã mở cửa đón nhận những luồng tư tưởng từ nước ngoài như tư tưởng Phật giáo, một hệ tư tưởng rất rộng mở, dân chủ và từ bi từ Ấn Độ trực tiếp truyền sang bằng con đường hoà bình. Tiếp theo, cha ông ta còn tiếp thu cả Lão - Trang, Khổng - Mạnh từ phương Bắc đưa xuống, trên cơ sở dung hoà Việt hóa ba hệ tư tưởng trên, mà hồi này, Phật giáo có phần vượt trội, ảnh hưởng sâu đậm trong mạch sống dân tộc hơn cả nên các Thiền viện, Tự viện ngày ấy chính là nơi có vai trò quan trọng và tích cực trong sự nghiệp giáo dục.

Trong hơn 1000 năm lệ thuộc phương Bắc, bên cạnh những trường học Nho giáo do các quan cai trị tổ chức, thì bấy giờ tại trung tâm Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo lớn mạnh. Trung tâm này không chỉ là nơi dịch kinh mà còn là nơi đào tạo tăng tài, giảng dạy ngoại ngữ cho các nhà sư. Hồi ấy, các vị sư từ Ấn Độ hay Nam Á muốn sang Trung Quốc truyền giảng Phật pháp thì thường ghé vào Giao Châu, đến trung tâm này để học Hán ngữ; Còn các nhà sư Việt Nam, Trung Quốc muốn sang Ấn Độ thì cũng đến đây để học Pali và Sankrit ngữ. Theo hai học giả Nguyễn Lang và Lê Mạnh Thát thì bấy giờ, Phật giáo từ trung tâm Luy Lâu ở Giao Châu đã truyền sang trung tâm Bành Thành và trung tâm Lạc Dương ở Trung Quốc[7]. Bên cạnh trung tâm Luy Lâu, còn có các Tổ đình lớn của hai dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông như Pháp Vân, Lục Tổ, v.v.. về sau còn có Vĩnh Nghiêm, Siêu Loại, Yên Tử v.v.. của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử với Giáo hội Phật giáo Nhất tông đời Trần, thì tất cả đều là những đạo tràng, những cơ sở giáo dục đào tạo tăng tài, xiển dương Phật pháp. Chúng tôi cho rằng trước và trong khi giáo dục Nho giáo được truyền bá ở nước ta theo con đường áp đặt và bảo trợ bởi các quan cai trị phương Bắc thì chính những Thiền viện, Tự viện của Phật giáo lúc bấy giờ là nơi có vai trò quan trọng và tích cực trong sự nghiệp giáo dục Phật giáo là vì vậy. Vai trò này vẫn còn tiếp diễn cho đến khi ta giành được độc lập tự chủ vào đầu thế kỷ thứ X và phát triển ở các thế kỷ tiếp theo dưới các triều đại nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý và thời thịnh Trần (từ thế kỷ X cho đến giữa thế kỷ XIV). Các vị Tăng thống, Quốc sư được các triều đại tôn vinh với vai trò cố vấn chính trị của triều đình, làm nhiệm vụ hộ quốc an dân như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Trí Không, Thông Biện, Thường Chiếu, Pháp Loa, Huyền Quang, và còn rất nhiều vị nữa đều là những vị cao tăng thạc đức được đào tạo từ những Tổ đình lớn này. Chính các vị là chiếc cầu nối giữa Đạo pháp - Dân tộc và Đất nước, để tạo nên một Đạo Phật nhập thế tích cực, Đạo với Đời là một.  
Gs.Ts.Nguyễn Công Lý nhận bằng Tuyên dương công đức (người đứng thứ 3 từ trái sang phải)

1.2. Giáo dục Phật giáo ở Khánh Hoà thời kỳ đầu

Từ giữa thế kỷ XVI (1558), Nguyễn Hoàng (1558-1613) được vua Lê Anh Tông (1556-1573) và Thái sư Trịnh Kiểm (1545-1569) cho vào trấn nhậm đất Thuận Hoá, rồi 12 năm sau được kiêm quản cả xứ Quảng Nam (1570), thì từ đây, với tầm nhìn xa trông rộng, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cõi phương Nam, cai quản cả khu vực Phú Yên vào năm 1611. Đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) và các vị chúa tiếp theo tiếp tục sự nghiệp Nam tiến. Cùng đi theo bước chân Nam tiến là việc truyền bá Phật giáo ở phương Nam. Từ Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đến Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), rồi đến Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)… các vị đều sùng mộ đạo Phật, quy y thọ giới, biệt đãi tăng sĩ, cho sứ giả đi rước những danh tăng ở Hoa Nam - Trung Quốc về truyền đạo, lập nhiều chùa chiền từ Thuận Hóa (Bình Trị Thiên) trở vào, có vị thọ Bồ tát giới, nhận pháp hiệu như Nguyễn Phúc Chu… Và đây là chính nguyên nhân chủ yếu giúp cho Phật giáo xứ Đàng Trong giai đoạn đầu hưng thịnh[8]. Có lẽ trong thâm ý của các chúa Nguyễn và cũng là để đối lập quan điểm tư tưởng với vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nên các chúa Nguyễn đã dùng Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần trong quá trình mở cõi lập quốc. Lúc này, những Tổ đình lớn như Thiên Mụ, Báo Quốc, Ấn Tôn, Quốc Ân, Thiền Lâm… ở Huế, đặc biệt là Thiền Tĩnh viện do ngài Hương Hải sáng lập năm 1665, v.v..; như Chúc Thánh, Tam Thai… ở Quảng Nam; như Thiên Ấn… ở Quảng Ngãi; như Thập Tháp… ở Bình Định; như Hội Tông ở Phú Yên… Những Tổ đình này đa phần là do các thiền sư đến từ Hoa Nam khai sơn sáng lập. Đây không chỉ là nơi hoằng dương Phật pháp mà còn là những cơ sở giáo dục đào tạo tăng tài cho Giáo hội và cũng là cho Đất Nước.

Nối tiếp truyền thống giáo dục Phật giáo vùng Thuận - Quảng, vào giữa thế kỷ XVII (1658), theo bước chân Nam tiến của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần và Cai cơ Hùng Lộc Hầu cùng các vị chúa sau này giúp sức với tư cách là hộ pháp vương, Phật giáo đã truyền phát trên vùng đất cực nam Trung bộ này. Cũng như ở vùng Thuận - Quảng, những ngôi Tổ đình ở Khánh Hoà chính là cơ sở giáo dục Phật giáo. Có thể liệt kê những Tổ đình lớn ở Khánh Hoà như sau:

Ở Nha Trang có chùa Cát (Hội Phước tự), ban đầu có tên là chùa Phước Am nằm trên đồi Hoa Sơn (núi Một), xây dựng từ năm 1680, đến đầu thế kỷ XVIII mới dời về Phương Sài hiện nay. Chùa Kim Sơn (Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc) tạo dựng khoảng năm 1732-1735. Chùa Liên Hoa (tên cũ là chùa Linh Phong trước ở thôn Xuân Phong, sau dời về thôn Xuân Lạc, Vĩnh Ngọc), được xây dựng năm 1734 hoặc trước đó, bởi hiện chùa còn giữ một câu đối liên do chúa Nguyễn Phúc Khoát ngự bút viết năm 1734. Chùa Bửu Phong (còn gọi là chùa Núi, chùa Quan Thánh, ở phường Phước Hải) tạo dựng năm 1753 hoặc trước đó, vì hiện còn một quả đại hồng chung đúc năm 1753. Chùa An Dưỡng (Vĩnh Thái) cũng được xây dựng khoảng thời gian trên. Chùa Hải Đức (Phương Sơn) tạo dựng vào cuối triều Tự Đức (1847-1883) và sau đó xây dựng lại tại địa điểm mới ở đồi Trại Thủy (Phương Sơn) vào những năm 1943-1945. Đây cũng chính là Phật học viện Trung phần trước năm 1975. Chùa Nghĩa Phương (Vạn Thạnh) do Thiền sư Phổ Quang tạo dựng năm 1890. Chùa Long Sơn (trước ở làng Phước Hải, nay thuộc phường Phương Sơn) được tạo lập năm 1889 dưới chân đồi Trại Thủy. Đây là trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa và trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa, đồng thời là danh thắng nổi tiếng với tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 01,60 mét, nặng đến 700 ký và Thích Ca Phật đài cao 39 mét xây trên đỉnh đồi Trại Thủy (riêng phần tượng cao 18,50 mét, bao gồm tượng Phật cao 11,50 mét và tòa sen hình bát giác cao 7 mét). Cả cụm công trình này được xây dựng bằng bê tông cốt thép, khởi công từ công năm 1964, sau ngày pháp nạn, và hoàn thành váo năm 1965, do Thượng tọa Đức Minh, lúc này là Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa và điêu khắc gia Kim Điền thực hiện.

Ở Ninh Hòa có chùa Bửu Phong (Phong Ap, Ninh Bình) tạo dựng vào năm 1683. Chùa Thiên Bửu (thị trấn Ninh Hòa, được gọi là Thiên Bửu hạ) và chùa Thiên Bửu (Ninh Đông, được gọi là Thiên Bửu thượng) xây dựng khoảng năm 1740-1747 và cùng một vị thiền sư tạo lập. Chùa Phổ Hóa (Bình Thành, Ninh Bình) được tạo dựng cùng thời với chùa Thiên Bửu. Chùa Thanh Lương (Nhĩ Sự, Ninh Thân) xây dựng năm 1747 hoặc trước đó, bởi hiện còn quả đại hồng chung đúc năm 1747 do hòa thượng Tế Hiển trụ trì chùa Thiên Bửu chứng minh. Chùa Phước Huệ (Thạnh Mỹ, Ninh Quang) xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII lúc Nguyễn Ánh và Tây Sơn giao tranh (1790-1796), xưa gọi là chùa Gạch và là nơi Nguyễn Ánh (Gia Long) tá túc dưỡng bệnh một thời gian, sau khi bị Tây Sơn đánh bại ở Hòn Khói, Ninh Hòa. Chùa Thiên Đức (Bình Tây, Ninh Hải) tạo dựng năm 1820. Chùa Thiên Phước (Phú  Nghĩa, Ninh Đông) tạo dựng năm 1847. Chùa Thiền Sơn (dân địa phương quen gọi là chùa Lỗ Mây, ở Tân Hưng, Ninh Hưng) tạo lập năm 1844. Chùa Phụng Sơn (Phụng Cang, Ninh Hưng) xây dựng cùng thời với chùa Thiền Sơn. Chùa Bảo Long (Thuận Mỹ, Ninh Quang) xây dựng năm 1886 nổi tiếng với huyền thoại về quả đại hồng chung vớt lên từ bầu Nổi mà Quách Tấn trong Xứ Trầm Hương, Nguyễn Đình Tư trong Non Nước Khánh Hòa có chép lại. Chùa Kim Long ở Phú Hoà, Ninh Quang và chùa Long Phước ở Thạch Thành, Ninh Quang cũng được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX. Riêng chùa Long Phước từng được Bồ tát Hòa thượng Thích Quảng Đức trụ trì trước khi Ngài vào Sài Gòn tự thiêu trong pháp nạn 1963.

Ở Vạn Ninh nổi tiếng với chùa Linh Sơn (thôn Hiền Lương) xây dựng năm 1761, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 triều vua Lê Hiển Tông.

Ở Diên Khánh có chùa Linh Sơn (nay là chùa Tân Long ) tạo lập khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Chùa Vạn Thiện (còn gọi là chùa Linh Phù, ở An Ninh, Diên An) tạo dựng khoảng 1740-1786 dưới triều vua Lê Hiển Tông. Chùa Thiên Lộc (Phú An Nam, Diên An) tạo lập năm Đinh Sửu tức năm 1757 đời Lê Hiển Tông hoặc năm 1817 đời Nguyễn Gia Long, hiện niên đại chưa xác định rõ, chỉ biết được trùng tu vào năm 1856. Chùa Hoa Tiên (Phú Ân Nam, Diên An) xây dựng năm 1811 đời vua Gia Long.

Tất cả những Tổ đình trên đều là nơi truyền bá chánh pháp, nơi đào tạo tăng tài cho Giáo hội và là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, nơi diễn ra những lễ hội địa phương, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của con người trên mảnh đất cực nam Trung bộ này.

(Còn tiếp Phần 2)

 PGS.TS. Nguyễn Công Lý[1]
(Trích Tham luận tại Hội thảo Giáo dục TCPH – Thực trạng và giải pháp)


[1] - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM;

  - Sáng lập viên kiêm Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo – Viện NCPH Việt Nam;

  - Cố vấn Phân ban Giáo dục; Cố vấn Phân ban Văn hoá hệ phái PG Nam tông Khmer-GHPGVN.

[2] Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, bản dịch, Nxb KHXH, HN, 1971.

[3] Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, bản dịch, Nxb KHXH, HN, 1971.

[4] Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, bản dịch, Nxb KHXH, HN, 1971, tr. 157.

[5] Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, bản dịch, Nxb KHXH, HN, 1971, tr. 157.

[6] Theo ghi chép ở Đại Việt sử ký toàn thư thì nước Nam Việt của Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) trải qua các đời vua như sau: Triệu Vũ Đế (208-137 TCN); Triệu Văn Vương (136-125 TCN, tên là Triệu Hổ, ông là con của Trọng Thuỷ, cháu nội của Triệu Đà); Triệu Minh Vương (124-113 TCN, tên là Triệu Anh Tề, ông là con trưởng của Triệu Hổ); Triệu Ai Vương (112 TCN, tên là Triệu Hưng, con thứ của Triệu Anh Tế); Thuật Dương Vương (111 TCN, tên là Triệu Kiến Đức, con trưởng của Triệu Anh Tề). 

[7] Xin xem: - Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1972.

                  - Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, cảo bản in ronéo, Tu thư Vạn Hạnh, 1976, Nxb Thuận Hoá, 1999.

[8] Xin xem: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1973, Nxb Văn học, HN, tb,1994, phần viết về Phật giáo xứ Đàng Trong.

loading...