Chùa Việt
Truy tìm bí ẩn cột đá chùa Dạm
Chủ nhật, 13/12/2018 04:11
Cột đá có kiến trúc độc đáo nằm tạo chùa Dạm vẫn mang trong mình những bí ẩn cùng với những câu chuyện ly kỳ tạo nên sức hút kỳ diệu đối với du khách thập phương.
Đại Lãm Thần Quang Tự là tên chữ của chùa Dạm, ngôi chùa 1.000 năm tuổi nằm trên dãy núi Lãm Sơn (xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đây từng là trung tâm Phật giáo lớn, đại danh lam thắng cảnh thời nhà Lý (1009 - 1225), được đích thân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan chọn đất và cho xây dựng từ năm 1086, hoàn thành vào năm 1094.
Những nét hoa văn từ thời Lý còn để lại dấu ấn trên từng công trình còn lưu sót lại ở đây. Dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, trải qua các đời Lý, Trần, Lê… chùa Dạm đã được trùng tu, xây dựng lại nhưng quy mô và giá trị nghệ thuật của ngôi chùa xưa vẫn như trường tồn cùng dòng chảy của lịch sử.
Ban đầu chùa có 12 tòa nhà, thời sau được tôn tạo lại với quy mô rất lớn lên tới hơn 100 gian. Qua nhiều biến cố thời gian, hầu hết mọi công trình kiến trúc cổ xưa của chùa Dạm đã không còn nhưng những vết tích còn lại vẫn đủ để gợi nhắc về vẻ đẹp hoành tráng của ngôi đại tự cổ.
Trong đó, nguyên vẹn nhất phải kể đến cây cột đá ngàn năm sừng sững nằm ở ngoài khuôn viên của chùa. Cột đá này cao khoảng 5 mét, lưng dựa vào núi Đại Lãm (núi Dạm) mặt hướng về phía Đông với cấu trúc gồm 2 phần: phần gốc hình vuông với tiết diện dài gần 2m; phần ngọn hình tròn có đường kính lên tới gần 1,5m.
Điểm nhấn độc đáo nhất trên trụ đá là đôi rồng thời Lý tuyệt đẹp được chạm nổi. Đầu rồng uy nghi với mào lửa vươn cao chầu ngọc. Thân rồng uyển chuyển uốn khúc hình chữ s quấn quanh cột hai đuôi ngoắc vào nhau. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như vảy rồng, chân rồng với móng sắc nhọn cũng được người xưa chạm khắc rất chi tiết, tỉ mỉ.
Suốt nhiều năm qua, vấn đề giải mã ý nghĩa biểu tượng cột đá này đã diễn ra sôi nổi. Trong số các ý kiến đưa ra thì có hai giả thuyết chủ yếu. Thứ nhất, cột đá chùa Dạm là một chiếc linga (dương vật) mang tinh thần của tín ngưỡng phồn thực của người Việt trong sự giao thoa với văn hóa Chămpa - Ấn Độ. Thứ hai, cột đá chùa Dạm là một phế tích còn lại của kiến trúc Liên hoa đài của chùa Dạm thuở ban đầu.
Dù có nhiều giả thuyết khác nhau nhưng hơn hết tất cả đều chung quan điểm, chiếc cột đá tuyệt đẹp này là công trình kiến trúc hoàng tráng, đặc sắc của thời Lý còn lưu lại cho hậu thế. Qua thời gian gần 1000 năm, cột đá có kiến trúc đặc sắc được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Để chiêm ngưỡng những hình ảnh, những thước phim đẹp ghi lại những khoảnh khắc của những ngôi chùa, quý Phật tử đọc thêm tại mục MEDIA của phatgiao.org.vn.
Để chứng minh tính chân thực về quy mô chùa Dạm đã được ghi chép trong các tài liệu lịch sử, từ năm 2011, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các cơ quan chuyên môn tiến hành khai quật khảo cổ học chùa Dạm. Kết quả sau đó khiến không ít người ngỡ ngàng về tầm vóc của ngôi Quốc tự xưa kia. Quần thể kiến trúc chùa Dạm xưa gồm bốn lớp xây cao dần theo độ cao sườn núi Lãm Sơn. Các kiến trúc tháp đá, cột đá nằm ở cấp nền 2 trong tổng thể chung của khu di tích. Ngoài ra, việc tìm thấy các trụ sỏi lớn có đường kính trên 1m chứng tỏ công trình rất đồ sộ. Hơn nữa, theo giới chuyên môn, số trụ sỏi tìm thấy còn khá nguyên vẹn, giống với những trụ sỏi đã tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long. Bên cạnh đó, hàng loạt di vật xây dựng như: Gạch đất nung có hình hoa cúc, những đầu rồng nhỏ được tìm thấy ở đây cũng có sự tương đồng về nghệ thuật với một số vật liệu xây dựng ở Hoàng Thành Thăng Long.
Với những dấu tích mà khảo cổ học tìm thấy ở chùa Dạm, các nhà khoa học đã khẳng định chùa Dạm có kiến trúc đúng như những gì được ghi trong lịch sử. Đây là công trình mang đậm dấu ấn Hoàng gia thời Lý, có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu, trang trí tinh xảo vào bậc nhất so với tất cả các ngôi chùa cổ ở Việt Nam.