Hỏi - Đáp
Tu bát quan trai nghĩa là gì? Thời khóa tu tập ở các chùa một ngày như thế nào?
Thứ sáu, 31/12/2019 08:42
Bát Quan Trai là pháp tu truyền thống của Phật tử có từ thời Đức Phật, khi đó pháp tu thường là dành cho các vị thần dân quý phái, gia đình rảnh rang, các cụ già còn sức khỏe, các vua chúa, hoàng hậu, các quan chốn hoàng triều tham dự tu hành Bát Quan Trai giới.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy
Vấn: Tuần trước, con có duyên được vào chùa tu Bát Quan Trai một ngày. Con chỉ làm theo những gì được các bạn chỉ dẫn. Sau một ngày tu con cũng cảm thấy vui vẻ, an lạc. Tuy nhiên, đến giờ con vẫn chưa hiểu tu Bát Quan Trai là như thế nào, tại sao phải tu một ngày một đêm và Bát Quan Trai Giới bắt đầu khi nào? Có những lần ở chùa ngày thường con cũng thường thấy chư tăng ni công phu tụng kinh rất nhiều thời trong một ngày như là tụng kinh A Di Đà, kinh Lăng Nghiêm, thời Tịnh Độ, kinh Địa Tạng nhưng không hiểu tại sao như vậy. Xin Sư cho con biết các thời khóa tu trong chùa trong một ngày là như thế nào và ý nghĩa của các thời khóa trì tụng ấy ra sao. Tại sao trong chùa phải cúng cháo buổi sáng và cúng chè buổi tối? Các vị Phật và Bồ Tát đã giác ngộ đâu còn có cái ham muốn ăn uống như chúng sanh tại sao phải cúng đồ ăn cho các Ngài? Con xin cảm ơn Sư.
Đáp:
I. Bát Quan Trai là pháp tu dành cho người Phật tử đã thọ tam quy, ngũ giới. Bạn có thọ tam quy, ngũ giới rồi mới được thọ Bát Quan Trai giới. Người Phật tử thọ tam quy, ngũ giới nếu là nam thì gọi là Ưu Bà Tắc, nữ gọi là Ưu Bà Di.
Bát Quan Trai là tám cửa bước vào sự trong sạch tinh khiết; người Phật tử ngày thường tu tại gia giữ năm giới: - Không sát sanh - Không trộm cắp - Không tà dâm - Không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa sả - Không uống rượu, tham lam, sân giận, si mê; đến ngày vọng (15 âl), ngày sóc (30 âl) về chùa, phát tâm thọ thêm 03 giới nữa là: - Không nghe xem múa hát, đờn kèn, chổ yến tiệc vui đông - Không trang điểm phấn son, dầu hoa và áo quần hàng lụa tươi tốt - Không ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai, phải ăn chay. Đó là tám giới pháp của Phật ban truyền, quý Phật tử thọ trì và giữ gìn nghiêm túc từ sáu giờ sáng ngày 14 đến 6 giờ sáng ngày 15, tức một ngày một đêm.
Bát Quan Trai là pháp tu truyền thống của Phật tử có từ thời Đức Phật, khi đó pháp tu thường là dành cho các vị thần dân quý phái, gia đình rảnh rang, các cụ già còn sức khỏe, các vua chúa, hoàng hậu, các quan chốn hoàng triều tham dự tu hành Bát Quan Trai giới.
Thời gian:
Ngày xưa, mỗi tháng có 6 ngày thọ giới là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30. Hoặc 8 ngày, nêu thêm mồng 7 và 22. Trong truyền thuyết tín ngưỡng cổ xưa ở Ấn Độ, người đời tin rằng vào các ngày đó ma quỷ thường quấy nhiễu loài người, và cũng là những ngày mà Thiên đế và bốn vị Hộ thế Thiên vương đi tuần hành nhân gian để giúp đỡ những ai làm điều thiện. Vì thế người đời bấy giờ mới bày ra chuyện dâng cúng phẩm vật, cầu khẩn thần linh phò hộ, trừ ma quỷ, ban cho nhiều điều phước, nhiều tài lộc, may mắn. Người tin Phật không tin vào những chuyện hối lộ Thần thánh kiểu đó; chỉ tin vào những nghiệp thiện ác do chính mình làm, và những hậu quả lành dữ của nó. Cho nên, thay vì cúng bái, cầu khẩn, chúng ta tu tập bát quan trai giới.
Mặc khác, người chưa sống ở miền quê thì chưa thấy được tác dụng của ngày âm lịch. Người miền quê qua nhiều thế hệ có kinh nghiệm nhận thấy rằng tính tình con người thường thay đổi theo từng mùa trăng, từng con trăng. Con trăng thay đổi, khi tròn khi khuyết, tánh tình theo đó cũng ít nhiều biến đổi, hiền hòa hơn hay hung dữ hơn; dễ vui hơn hay dễ cáu gắt hơn. Thọ giới vào những ngày này có tác dụng rất lớn đối với sự tu tập thân tâm.
Ngày nay, đời sống hàng ngày tập trung vào các đô thị lớn, nhật thực nguyệt thực đều ít khi biết nên chu kỳ trăng không cần thiết. Đời sống càng ngày càng xã hội hóa, tại các thành phố chỉ có chu kỳ xã hội, cho nên đến ngày thứ Sáu, hay thứ Bảy trong tuần thì con người có cảm giác khác với các ngày thường khác, cảm giác ngày chủ nhật cũng khác liền. Vậy không nhất thiết phải theo mùa trăng, mà ngày chủ nhật thọ giới cũng được.
Trai Kinh:
Trong bản kinh “Trai Kinh”: ...Một thời đức Phật ngự tại thành Vương Xá nơi điện riêng của Đông Thừa Tướng. Mẹ quan Thừa Tướng tên là Duy Da dậy sớm, tắm gội, mặc áo lụa màu, cùng các cô con dâu đều đi ra, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi qua một phía. Phật hỏi Duy Da: Sao bà tắm gội sớm thế?
- Thưa: Con muốn cùng các con dâu đều thọ trai giới.
- Phật nói: Trai giới của Phật pháp là dạy đệ tử vào sáu ngày chay mỗi tháng, thọ tám giới. Tám giới là:
Giới thứ nhất, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, chẳng có ý giết hại, lòng từ nghĩ đến chúng sanh, chẳng được sát hại những loài bò trườn, cựa quậy, chẳng dùng đao trượng động đến chúng, nghĩ muốn khiến cho chúng được an vui lợi lạc, chẳng giết hại nữa. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ hai, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không có ý tham lấy, suy nghĩ bố thí, nên hoan hỷ cho, tự tay cho, cho một cách trong sạch, cho một cách cung kính, cho mà không mong cầu, khi cho dứt tuyệt ý keo kiệt tham lam. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ ba, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không có ý dâm, chẳng nghĩ đến chuyện ăn nằm, giữ gìn phạm hạnh, chẳng khởi tâm tà dục, chẳng tham sắc. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ tư, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không có ý nói dối, suy nghĩ chí thành, ăn nói an định, từ tốn, chẳng dối trá, tâm và miệng tương ứng. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ năm, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, không uống rượu, không say sưa, không mê loạn, không mất lý trí, trừ khử ý niệm buông lung. Một lòng tu tập giới thành tựu như thế.
Giới thứ sáu, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, giữ yên ý niệm không mong cầu, không dùng hoa hương, không bôi son phấn, không ca múa tấu nhạc. Một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ bảy, giữ trọn một ngày một đêm, tâm như chân nhân, giữ yên ý niệm không mong cầu, chẳng nằm giường tốt; nằm giường thô chiếu cỏ, trừ bỏ ngủ nghỉ, suy nghĩ kinh đạo, một lòng tu tập giới thanh tịnh như thế.
Giới thứ tám, giữ một ngày một đêm, tâm như chân nhân, ăn đúng thời theo pháp, ăn ít, ước chế thân mình, không ăn quá Ngọ. Một lòng giữ giới thanh tịnh như thế.
Thời Phật sanh tiền, người Phật tử thọ Bát Quan Trai giới ngoài ra còn hành trì thêm pháp ngũ niệm: Niệm Phật - niệm Pháp - niệm Tăng - niệm giới - thiện thiên (tức là tụng kinh niệm Phật). Đây chính là thời khóa tu của các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ngày xưa (Đời Ngô, cư sĩ Chi Khiêm xứ Nhục Chi dịch từ Phạn sang Hán , chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa)
II. Kinh Đại phương Tiện Phật Báo Ân, nói về Bát Quan Trai:
Ưu Ba Ly lại hỏi Phật: Pháp thọ “Bát quan trai”, không được ăn quá Ngọ. Nhưng không ăn quá Ngọ là giới thứ chín, vậy tại sao không nói là “Cửu quan trai”, mà gọi là “Bát quan trai”?
Phật đáp: Phàm phép ăn chay là lấy sự không ăn quá Ngọ làm thể. Tám giới cùng giúp đỡ cho thành cái “thể” của phép ăn chay, gọi là “Trai pháp Bát Chi” cho nên nói Tám giới mà không gọi là Chín giới vậy.
Ưu Ba Ly hỏi: Người thọ Bát quan trai giới, trong bảy chúng, họ thuộc chúng nào?
Phật trả lời: Tuy không thọ giới trọn đời, nhưng vì họ giữ giới trong một ngày đêm; thì cũng có thể gọi là Ưu Bà Tắc.
Ưu Ba Ly lại hỏi: Ngoài bảy chúng ra, có giới Ba La Đề Mộc Xoa không?
Phật đáp: Có Bát trai giới đó. Lấy đấy mà suy, thì nếu thọ Bát trai giới, không thuộc vào bảy chúng vậy. Phép thọ Bát trai giới, chỉ nói không sát sanh trong một ngày, một đêm thôi, ngoài ra không cấm. Cho nên đừng lầm lẫn với giới tướng trọn đời. Ưu Ba Ly hỏi: Phép thọ Bát trai giới, có được thọ một lúc trong hai ngày, ba ngày cho đến mười ngày không?
Phật trả lời: Phật đã chế ra giới một ngày, một đêm, thì không được quá hạn. Nếu có sức thọ được, thì một ngày xong rồi, lại lần lượt thọ lại, cứ như thế tùy sức nhiều hay ít, chứ đừng tính số ngày. Phàm thọ Bát trai pháp, là phải theo người khác dạy mới được thọ.
Ưu Ba Ly hỏi: Theo người nào mà thọ?
Phật trả lời: Theo người trong năm chúng xuất gia mà thọ. Đã thụ Tám giới, mà đánh đập chúng sanh thì không được thanh tịnh. Tuy ngay hôm thọ giới, không đánh đập nhưng hôm sau mà đánh đập chúng sanh, cũng không được thanh tịnh.
Nói tóm lại, nếu thân, khẩu, ý làm những việc trái uy nghi, tuy không phạm giới, nhưng cũng mất thanh tịnh. Nếu thân, khẩu thanh tịnh, nhưng tâm lại khởi lên những ý tưởng tham dục, sân hận và não hại, thì cũng không được thanh tịnh.
Nếu thân, khẩu, ý ba nghiệp đều thanh tịnh, nhưng lại không tu sáu niệm, thì cũng mất thanh tịnh.
Thọ Tám giới rồi, siêng tu sáu niệm, mới được gọi là trai pháp thanh tịnh.
Nếu làm đến Vua cõi Diêm Phù Đề, giàu có tự tại, vàng bạc, của báu, không thiếu thứ gì. Tuy có những công đức như thế, nhưng nếu đem chia ra làm mười sáu phần, thì công đức của Vua Diêm Phù Đề không bằng một phần công đức giữ Bát quan trai giới được hoàn toàn thanh tịnh.
Nếu người muốn thọ pháp Bát quan trai nhưng trước khi thọ, làm những điều phóng túng, như ham mê sắc dục, đàn địch, ca hát, ăn thịt, uống rượu và bày mọi trò vui, phóng tâm làm những việc ấy rồi, sau mới thọ Bát trai giới, như thế bất luận trước sau, đều không thành trai giới.
Nếu người trong tâm không định thọ giới Bát trai, mà làm các việc phóng túng ấy, sau gặp Thiện trí thức dạy cho, liền thọ Bát trai giới, thì bất luận trước sau, đều thành được trai giới.
Nếu người muốn thọ Bát trai giới, mà gặp nhiều việc khó khăn, chướng ngại, không được tự tại, nhưng sau giải quyết xong các việc khó khăn, rồi thọ Bát trai giới, thì bất luận trước sau, đều thành trai giới.
III. Giới Bát Quan Trai được Phật ban hành từ thời Đức Phật, là pháp tu giúp cho những vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di có căn lành với Phật, nhưng do gia duyên bận buộc, quý vị công nhân viên thỉnh thoảng có thời gian đi chùa, nghỉ ca làm xí nghiệp phát tâm thọ giới luật Phật, gieo bòn phước đức cho gia đình, con cháu hôm nay cũng như muôn đời sau noi theo.
Giới đã được ngài Ưu Ba Ly rất quan tâm, nên trong cuộc vấn đạo, Ưu Ba Ly quyết định dành thời gian nhiều hơn để bàn đến giới Bát Quan Trai. Giới Bát Quan Trai cũng là giới bán xuất gia, giúp cho người Cư sĩ có ý thức về sự giải thoát cao sâu hơn. Vì trong ngày xuất gia đó, các vị Cư sĩ sẽ làm hết các việc tu hành của người xuất gia, học pháp xuất gia, hành pháp xuất gia, tu pháp xuất gia, hiểu theo cách hiểu của người xuất gia, đi lại như người xuất gia.
Ngày nay, ngoài pháp tu Bát Quan Trai, còn có các pháp tu khác như ngày cúng hội (hệ phái Khất sĩ); khóa tu một ngày an lạc, khóa tu một ngày niệm Phật, khóa tu mùa hè, khóa tu đạo tràng Pháp Hoa, Đạo tràng Thiền Học, Đạo tràng Tịnh Độ... nhưng không pháp tu nào có truyền thống bằng khóa tu Bát Quan Trai, suốt mấy nghìn năm lịch sử Phật giáo nhưng pháp tu Bát Quan Trai không hề thay đổi, không làm mất bản sắc tu học, không thay đổi giới luật, nội dung giới luật, thời khóa tu học và thời gian tu học như Phật ban hành.
Theo truyền thống, Quan Âm tu viện (Biên Hòa) từ năm 1958 đến nay có tổ chức nhiều khóa tu, như: Lễ bái niệm Phật ba tháng, tụng hồng danh sám hối ba tháng, nhập thất ba tháng, tụng thần chú Chuẩn đề ba tháng, khóa niệm Phật Bá Nhựt Trì danh, khóa tu 7 ngày tụng chú Đại Bi, lễ bái ngũ bách danh Quan Thế Âm... nhưng tu viện không bỏ truyền thống tu Bát Quan Trai giới.
Khóa tu Bát Quan Trai tại Quan Âm tu viện được tổ chức từ ngày 19 tháng giêng, năm 1988 đến nay là 26 năm, mỗi năm có 24 khóa, mỗi tháng có 02 khóa, tổng cộng có 624 khóa tu, mỗi khóa đông nhất là 300 nam nữ Phật tử, ít nhất là 120 Phật tử tham dự thọ giới, không tính lượng Phật tử các nơi đến thính pháp.
IV. Các thời khóa công phu tại các chùa Việt Nam:
Qua hai bài kinh trên cho chúng ta thấy Đạo Phật không thiên về nghi lễ cúng kính linh đình, mà chú trọng vào pháp tu dành cho tín đồ có cơ hội phát huy phần trí tuệ trong mỗi con người, giúp cho người có cơ hội bước lên bờ giác, tức là thành tựu sự nghiệp nhân thân, chính đó là bản hoài của ba đời chư Phật.
Phật giáo Việt Nam có nhiều môn phong pháp phái tu hành rất thực tiển, môn phong nào cũng có kỹ cương của môn phong pháp phái đó, nhất là thường được bảo vệ truyền thống tu hành, như: Lâm tế tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Luật Tông, Mật Tông; Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, các trường phái như Nguyên Thiều Siêu Bạch, Thiệt Diệu Liễu Quán, Thiên Thai, các môn phong như Tổ đình Long Thiền, Thiền viện Thường Chiếu (Thiền tông), Quan Âm tu viện (Tịnh độ tông)... đều được xiển dương và rất phát triển tại Việt Nam.
Về nghi thức của khóa tu ở mỗi môn phong có khác, khắp 45.000 chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá, tịnh thất, thiền thất, tịnh viện, Niệm Phật đường trong nước, đại để phân ra làm 4 pháp tu: Pháp tu của Thiền tông, pháp tu của Tịnh độ tông, Pháp tu của Nam tông, Pháp tu của Khất sĩ. Thiền tông thì tu thiền, Tịnh độ thì tụng kinh niệm Phật, Nam tông thì tu thiền đi khất thực, Khất sĩ thì tu thiền và niệm Phật đi khất thực.
Ngọai trừ các chùa Nam tông và Tịnh xá Khất sĩ, đa phần các chùa, tu viện, tịnh thất, niệm Phật đường đếu có tụng kinh Công phu chiều - Công phu tối - Công phu khuya gọi là tam thời nhựt khóa. Có chùa khai khóa tụng thêm thời kinh Pháp Hoa vào lúc 08 giờ 00 sáng, gọi là tứ thời nhựt khóa. Có chùa tụng thời công phu chiều và Công phu khuya, nên gọi Nhị thời nhựt khóa.
Ngày nay, các chùa có triển khai nhiều phương pháp tu hành, khai nhiều khóa tu dành cho tập thể chư Tăng Ni, hay Đạo tràng Phật tử tham dự tu học, như: khai khóa tụng Pháp Hoa, Dược Sư, Phổ Hiền, Hoa Nghiêm, Niết Bàn... Đến 01 tháng 07 âl khai kinh Vu Lan, ngày rằm tháng 07 khai Kinh Địa Tạng.
Như đã giảng ở trên, Đạo Phật là Đạo giác ngộ, không phải là tổ chức tín ngưỡng cúng kiến linh đình. Quý Sư Thầy là những người Thầy của Trời Người, mang lại nguồn vui tươi hạnh phúc cho thế gian, giúp chúng sanh và con người giải thoát luân hồi sanh tử, không phải như những tổ chức cúng kiến của các Thầy tế lễ ngọai đạo.
Các chùa xưa thường là cúng xôi chè dâng lên Phật vào lúc 19 giờ vào các ngày vọng (15 âl), ngày sóc (30 âl); ngày mùng 02, ngày 16 âl vào lúc 16 giờ thì cúng thí cháo cho cô hồn trước chùa. Việc cúng cháo buổi sáng, cúng chè buổi chiều là do một số chùa thường xuyên cúng cô hồn, các vong không ai thờ cúng... do đó các chùa có cúng là vì lòng từ bi nên mới cúng như vậy; ngoài ra không có tục lệ cúng chè (tối), cúng cháo (sáng) nào cả.