Kiến thức

Từ bi hỷ xả không phải là ước muốn, mà là sự thực tập

Thứ ba, 05/07/2023 12:45

Con người ngụp lặn trong khổ đau vì trong đời sống hằng ngày tình thương của họ còn rất nhiều tính chất hệ lụy và vướng mắc. Cho nên chúng ta phải khơi mở một dòng tình thương từ sự thực tập đạo Bụt.

Tu học đích thực luôn luôn mang tới hạnh phúc, niềm tin và niềm vui. Bụt nói đi nói lại nhiều lần là giáo pháp của người là để thực tập và có hạnh phúc ngay trong khi thực tập, chứ không phải là thực tập xong rồi năm bảy năm sau mới hạnh phúc. Đó là phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú: lạc trú ngay trong giờ phút hiện tại. Trong đạo lý Thất Giác Chi, tức là bảy yếu tố giác ngộ, chúng ta có hai yếu tố, Khinh An là nhẹ nhàng, và Hỷ là vui mừng. Bảy phần gồm Trạch Pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh An, và Niệm, Định, và Tuệ gọi là Thất Giác Chi, hay là Thất Bồ Đề Phần. Trong bảy yếu tố đưa tới giác ngộ đã có hai giác chi về hạnh phúc, đó là Hỷ và Khinh An. Điều đó chứng tỏ trong sự tu học hằng ngày, chúng ta phải có hạnh phúc, và niềm vui. Nếu không thì không phải đích thực là pháp môn của Bụt. Chúng ta sẽ phải nhấn mạnh tới điểm này nhiều hơn.

Đạo lý về tình thương trong đạo Bụt là một đề tài rất lớn cần được khai thị cho thế giới bây giờ. Loài người ngụp lặn trong khổ đau vì trong đời sống hằng ngày tình thương của họ còn rất nhiều tính chất hệ lụy và vướng mắc. Cho nên chúng ta phải khơi mở một dòng tình thương từ sự thực tập đạo Bụt.

Lấy từ bi hỷ xả làm gốc để lòng an vui hơn

02

Giáo lý về tình thương được gọi là Tứ Phạm Trú, Brahmavihara. Brahma có nghĩa là Phạm Thiên hay là cao quý. Vihara là chỗ ở, là cƯ xá, có khi được dịch là tu viện. Đó là nơi cư trú của Bụt và Bồ Tát. Nếu ta muốn có hạnh phúc thì ta hãy xin vào ở cư xá đó để sống chung với Bụt, với Bồ tát. Tứ Phạm Trú tức là Từ, Bi, Hỷ, và Xả mà chúng ta gọi là bốn tâm vô lượng. Nếu có ai hỏi: ‘‘Địa chỉ của ông ở đâu?’’ Ta trả lời: ‘‘Địa chỉ của tôi là ở cư xá Brahmavihara, Tứ Vô lượng Tâm.’’ Ta có bổn phận phải xây thêm những cư xá như vậy. Vô lượng tức là không thể đo được, có thể phát huy đến vô cùng. Bốn tâm không có biên giới là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, và tâm Xả.

Trước hết là tâm Từ. Chữ Phạn là Maitri, chữ Pali là Metta. Maitri có nghĩa là khả năng hiến tặng niềm vui, hiến tặng hạnh phúc. Đức Bụt sắp ra đời để nối tiếp sự nghiệp của Bụt Thích Ca tên là Maitreya, đức Bụt của tình thương.

Thứ hai là Bi, Karuna, có nghĩa là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Nó gồm ý chí muốn làm vơi đi nỗi khổ, muốn chuyển hóa nỗi khổ của người; và gồm cả phương pháp và khả năng chuyển hóa nỗi khổ.

Hỷ tức là Mudita, là niềm vui. Tình thương đích thực, có Từ, có Bi, sẽ đem tới sự nhẹ nhõm, và niềm tươi vui. Tình thương mà chứa chất sầu đau thì không phải là tình thương trong đạo Bụt. Cho nên Mudita là một yếu tố của tình thương đích thực. Tình thương có thể đem lại cho người thương và người được thương hạnh phúc thì mới đúng là tình thương trong đạo Bụt. Còn thứ tình thương mỗi ngày gây khổ đau và vướng mắc cho nhau, thì không phải là tình thương của đạo Bụt. Hỷ là yếu tố thứ ba của tình thương ấy.

Và sau cùng, Xả (Upeksa) là sự nhẹ nhàng, thư thái, tự do và không kỳ thị. Thương như thế nào mà ta còn giữ được tự do cho ta và cho người ta thương thì mới đích thực là tình thương đạo Bụt. Thương như thế nào mà hai người không dìu nhau vào trong ngục tù. Tình cha con, tình thầy trò, tình anh em, tình yêu nam nữ cũng vậy.

Trong đạo Bụt có một giáo lý rất đầy đủ và thâm sâu về tình thương. Tình thương này có năng lượng trị liệu.

Từ, Bi, Hỷ, Xả không phải là những ước muốn, những mục tiêu xa xôi, mà là sự thực tập. Từ không phải chỉ là ước muốn đem lại hạnh phúc cho người. Chính sự thực tập Từ đem lại hạnh phúc cho người. Có người càng thương thì càng làm cho người kia khổ. Thương như vậy chưa phải là Từ. Có ý chí thương nhưng không có khả năng thương. Bi cũng vậy. Bi là ước muốn và cũng là khả năng làm vơi nỗi khổ. Hỷ là ước muốn và khả năng tạo hạnh phúc cho mình, và cho người. Và Xả tức là ước muốn và khả năng hiến tặng tự do và sự không kỳ thị cho người và cho chính mình .

loading...