Kiến thức
Tu bồi cội phúc
Thứ hai, 05/01/2021 09:20
Đức Phật dạy muốn được an lành, phải tạo thiện nghiệp, làm việc lành. Thiện nghiệp là gì và làm việc lành là làm gì? Phật dạy Tỳ kheo tu hành, đừng bao giờ làm tổn thương bất cứ sinh vật nào.
Tôi có một số suy nghĩ muốn trao đổi với quý vị để việc tu học đạt được kết quả tốt đẹp và không đi lệch hướng chỉ đạo của Giáo hội. Điều quan trọng trước nhất, chúng ta không phân biệt sơn môn hệ phái, tất cả đều là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì Giáo hội này được hình thành do sự đóng góp của Tăng Ni, Phật tử cả nước. Vì thế, chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo hội. Tuy nhiên, muốn làm tốt việc này, Tăng Ni, Phật tử phải hiểu rõ đường lối, chủ trương của Giáo hội được quy định trong Hiến chương và Nội quy của các ban ngành. Nếu quý vị nhận thấy Hiến chương hay Nội quy có những điểm nào không thích hợp với sinh hoạt của địa phương mình, hoặc không thích hợp với giai đoạn đổi mới, phát triển, Ban Trị sự tỉnh có quyền kiến nghị với Hội đồng Trị sự Trung ương để tu sửa Hiến chương, hay Nội quy cho tốt đẹp. Ngoài ra, muốn đóng góp vào việc sửa đổi Hiến chương, Nội quy, Tăng Ni phải hiểu biết giáo lý, cũng như hiểu biết về xã hội; vì Phật giáo tồn tại trong xã hội, nên sinh hoạt của chúng ta phải thích nghi với suy nghĩ, yêu cầu và vận hành của xã hội, của trời đất. Sinh hoạt Phật giáo Việt Nam có lúc vinh quang, cũng có lúc suy đồi. Phật giáo suy đồi là lúc Tăng Ni không hiểu được sự vận hành của trời đất, của xã hội. Suy nghĩ của chúng ta không thích hợp với xã hội, thì bị đào thải. Suy nghĩ của chúng ta không tương ưng với giáo lý thì chúng ta không còn tính chất Phật giáo. Đây là điều mà Tăng Ni cần suy nghĩ để kết hợp được tinh ba của Phật pháp với cuộc sống thực tiễn một cách tốt đẹp.
Thật vậy, nếu sinh hoạt thích hợp với xã hội, nhưng xa rời giáo lý, chúng ta không còn là tu sĩ Phật giáo. Nhưng thích hợp với giáo lý mà xa rời xã hội, chúng ta không thể tồn tại trên cuộc đời. Đức Phật đã dạy trong kinh Viên Giác rằng từ bỏ cuộc đời để đi tìm chân lý thì không khác gì tìm lông rùa, sừng thỏ. Còn kẹt với cuộc đời sanh tử, chúng ta không phải là con nhà họ Thích. Điều trăn trở của chúng ta là làm thế nào thích nghi được với xã hội và đi đúng con đường chân chính của Đức Phật vạch ra.
Trước chúng ta, những người đi đúng con đường của Phật, đã chứng quả vị A la hán, Bích chi Phật, hay bậc Bồ tát giác ngộ, cứu đời. Nhưng cũng có những người sai lầm, không theo đúng chánh pháp, cuộc đời bị mai một, rơi vào khổ đau không ít. Tôi xuất gia từ năm 1950, Hòa thượng Huệ Hà là bạn đồng học với tôi bốn mươi lăm năm trước ở Phật học đường Nam Việt. Lần thăm viếng này, chúng tôi còn gặp nhau, còn làm được Phật sự, chứng tỏ đã đi đúng con đường Phật dạy và sinh hoạt theo sự quy định của Giáo hội. Những huynh đệ sai lầm, không còn giữ được màu áo Phật. Tôi muốn nhắc nhở Tăng Ni cần thực hiện đúng đắn tinh thần Phật dạy, sẽ đạt được kết quả tốt đẹp cho bản thân và làm lợi ích cho cuộc đời. Thử nghĩ điều nào đúng, điều nào sai.
Công đức xuất gia tu hành thật không thể nghĩ bàn
Có thể khẳng định rằng cái đúng trong đạo Phật là giải thoát. Giáo pháp của Phật dạy có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn, vì thế cách tu hành mỗi lúc, mỗi nơi và mỗi người đều khác nhau, nhưng tất cả đều có cùng một mục tiêu chung là hướng về giải thoát. Thượng tọa Thiện Tâm tu theo Nam tông, Hòa thượng Huệ Hà chuyên niệm Phật và tôi chuyên tu Pháp Hoa. Ba pháp tu của chúng tôi tuy khác nhau, nhưng cùng một điểm chung là đạt được giải thoát. Tăng Ni làm bất cứ việc gì cũng phải trụ giải thoát, vì rời giải thoát mà hành đạo là đi vào đường tà. Vì thế, chưa giải thoát mà muốn làm việc này việc nọ, dễ đi sai đường của Phật. Chính Đức Phật khi còn làm Sa môn chưa đắc quả vị Vô thượng Bồ đề, Ngài không quan tâm đến việc gì, chỉ nghĩ làm sao giải thoát khỏi kiếp sanh tử luân hồi, biết được nguyên nhân dẫn đến khổ đau và biết được con đường an lạc vĩnh hằng. Và bước tiến tu cuối cùng, ở Bồ đề đạo tràng, Ngài nhận biết rõ nguyên nhân sanh ra mọi người, mọi loài trên trái đất này, cũng như thấy rõ nguyên nhân dẫn đến khổ đau và con đường an lạc bất tử.
Đạo Nho chủ trương thuyết tam tài, theo đó trời đất sanh ra muôn vật. Nhưng họ không biết trời đất là gì, mà chỉ nghĩ rằng cha là trời, mẹ là đất, sanh ra chúng ta là con; vì trên chúng ta có trời, dưới chúng ta có đất và chúng ta sống ở giữa. Đức Phật không chấp nhận tất cả học thuyết đương thời về nhân sinh và vũ trụ. Ngài khám phá ra chân lý vô cùng quan trọng, rằng từ Không (ngũ ấm) sanh vạn vật và vạn vật trở về với hư không. Vì thế chúng ta thường nghe dạy rằng thân tứ đại cuối cùng rồi cũng trả về cho tứ đại, vì thân tứ đại này do các duyên giả hợp mà thành. Nếu chết, thân tứ đại trả về cho tứ đại thì chúng ta không còn gì hay sao? Theo Phật, thân tứ đại trả về cho tứ đại nghĩa là ta mượn tứ đại để tồn tại trong trời đất, nhưng trả về cho tứ đại thì chúng ta còn có một cái duy nhất gọi là nghiệp. Nghiệp thì có nghiệp thiện, hay nghiệp ác để dẫn chúng ta thọ sanh ở đời kế tiếp, Phật gọi đó là luân hồi sanh tử. Thiện nghiệp sanh, chúng ta đi vào thế giới an lành. Ác nghiệp sanh, chúng ta đi vào thế giới ác. Và Đức Phật cũng quán sát, thấy rõ từng kiếp của Ngài và của mọi người trong thế giới an lành và thế giới khổ đau.
Đức Phật dạy muốn được an lành, phải tạo thiện nghiệp, làm việc lành. Thiện nghiệp là gì và làm việc lành là làm gì? Phật dạy Tỳ kheo tu hành, đừng bao giờ làm tổn thương bất cứ sinh vật nào. Nói cách khác, tuyệt đối không làm buồn lòng người, không gây thù kết oán với người. Ai không làm tổn thương sinh mạng của sinh vật khác là tạo thiện nghiệp, không bị dẫn vào đường ác và chết về cõi Trời. Xa hơn, Tỳ kheo muốn giải thoát luân hồi sanh tử, thì khởi tâm động niệm là ác, giữ tâm thanh tịnh là thiện. Vì thế, người tu Tịnh độ, đầu tiên giữ tâm trong sạch, không cho sanh khởi niệm dữ và kể cả niệm lành cũng không được khởi lên. Tỳ kheo phải giữ tâm yên tĩnh. Tất cả nghiệp ác sanh ra từ động tâm, động niệm. Chúng ta niệm Phật, tu Tịnh độ cũng có nghĩa là giữ tâm thanh tịnh. Hành Thiền cũng từng bước chân đi vào thế giới thanh tịnh. Một số bạn đồng học, đồng tu với tôi, vì khởi tâm động niệm, nên không tạo được thành quả tốt trong đạo.
Các Thầy ra làm Phật sự, có đụng chạm với thực tế, thường sanh ra suy nghĩ này nọ. Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương của Giáo hội chúng ta dặn tôi thăm các trường hạ, nhắc nhở Tăng Ni An cư đừng động niệm khởi tâm. Mọi việc tạm xếp lại để giữ tâm thanh tịnh, như thế mới giữ được đạo. Khởi tâm ác không tốt đã đành, nhưng khởi tâm thiện cũng không tốt, chẳng hạn như khởi lòng từ bi, thương người. Hòa thượng Trí Tịnh khai ngộ tôi rằng "Thầy xem mình có lòng thương người bằng Phật, Bồ tát hay chưa, nhưng tại sao các Ngài không xuất hiện để cứu giúp. Thầy xuất hiện thì nên cẩn thận”. Chúng ta cần suy nghĩ lời dạy vô giá này của Hòa thượng Chủ tịch.
Hòa thượng Thiện Hoa nổi tiếng qua lời dạy rằng nơi nào đạo cần, chúng ta đến, nơi nào chúng sanh cần thì ta đi, không ngại gian lao, không từ khó nhọc. Nhưng không phải vì thế cứ nhắm mắt đi; nhắm mắt mà đi thì huệ mạng tiêu mất như không. Vì thế, chính Đức Phật thường dạy trước khi làm việc gì, cần phải quán sát nhân duyên. Nơi có nhân duyên thì đến hành đạo, người có nhân duyên thì độ. Phật cũng chỉ độ được người có nhân duyên thôi. Ta có tham vọng độ tất cả mọi người chỉ là ảo tưởng. Bình tĩnh và sáng suốt sẽ nhận ra được chỗ nên đến, người đáng độ, việc làm chắc chắn thành công; nếu làm bừa, tự chuốc họa vào thân. Thí dụ tôi đến tỉnh Bạc Liêu, được Tăng Ni tiếp đón nồng hậu, tôi đến thuyết pháp được, thì dù có khó khăn vẫn đi. Đến đây có Hòa thượng Huệ Hà là huynh đệ đã biết nhau, nên làm đạo dễ; còn đến xứ lạ quê người, có biết bao khó khăn phải đối mặt.
Có người thắc mắc tại sao bây giờ tôi mới đến tỉnh Bạc Liêu thăm viếng. Tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp hai mươi bốn năm, nhưng mới đến tỉnh này vài năm gần đây là vì nhân duyên chưa tới. Các Thầy làm đạo phải thấy điều này. Thế nào là đủ duyên? Duyên thứ nhất là duyên Thầy bạn. Ta có duyên đối với nơi đó, người đó thì ta và họ có sự tương kính, quý mến lẫn nhau, đến đó làm đạo được. Còn không suy nghĩ, cứ thấy chùa là vô, sẽ thất bại, vì giữa Trụ trì và ta không có chút cảm tình nào, không phải chỗ ta làm được. Nhân duyên là quyến thuộc Bồ đề từ bao đời bao kiếp, mới thương kính được, hợp tác được. Duyên thứ hai khó hơn, là chính quyền địa phương có ủng hộ Phật giáo hay không. Duyên này cũng quan trọng, chính quyền chấp nhận, ủng hộ, chúng ta mới dễ dàng phát triển sinh hoạt.
Tôi đi thăm viếng các tỉnh thành, nhận thấy những nơi Tăng chúng không hòa hợp, chính quyền không ủng hộ, nghĩa là thiếu duyên, nơi đó sinh hoạt Phật pháp không thể phát triển. Điển hình như mười năm trước, ở tỉnh Bạc Liêu, Tăng Ni chưa thuần thục, Phật giáo Khơ me và Phật giáo Bắc tông nơi đây có những suy nghĩ khác nhau. Giữa các chùa thuộc Bắc tông cũng chưa hài hòa với nhau. Vì thế, sinh hoạt Phật pháp tại tỉnh nhà chúng ta không thể phát triển lúc đó. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu thành lập sau cùng trong các tỉnh miền Nam và từ khi có được tỉnh hội Phật giáo nơi đây, mới có trường Phật học và tổ chức An cư được. Và nhân duyên thuần thục rồi, phải xem lại nhân duyên giữa ta và chỗ đó có làm được hay không. Nếu thiếu trí tuệ và tham lam ích kỷ thì việc làm cũng không đơn giản.
Nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả
Quán sát nhân duyên, thấy rõ tại sao người này làm được, người khác không làm được, người này nói được chấp nhận, người khác nói thì bị bác bỏ. Phải nhớ thúc liễm thân tâm, tiếc mình đức mỏng, không cảm hóa được người. Còn tham vọng lớn chỉ đưa đến tai họa. Đức hạnh của người cao dày, nên quần chúng và chính quyền ủng hộ. Ta chưa làm được, tự biết đức còn kém, nỗ lực tu bồi cội đức của mình. Tu bồi cội đức bằng cách nào? Hãy quán sát xem quần chúng nhân dân nghĩ gĩ, muốn gì, chúng ta đáp ứng yêu cầu của họ, chắc chắn sẽ được ủng hộ để chúng ta làm. Ngày nay, chính quyền ủng hộ chúng ta, vì thấy được quá trình hình thành và đóng góp của Phật giáo trên đất nước này từ nghìn xưa cho đến ngày nay hoàn toàn tốt đẹp, thấy được vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo đối với quần chúng nhân dân theo đạo Phật chiếm đa số. Riêng tôi, lãnh trách nhiệm của Giáo hội giao phó là thăm viếng, sách tấn, giảng dạy, tìm hiểu sinh hoạt của các trường hạ miền Tây. Giáo hội bổ xứ nên tôi phải đi và việc này cũng đúng với ý nguyện của các Phật tử thành phố Hồ Chí Minh muốn tháp tùng theo để cúng dường các trường hạ, thể hiện việc làm của Phật dạy người cư sĩ là hộ đạo, để nuôi lớn căn lành đối với Tam Bảo.
Thiết nghĩ trong mùa An cư là cơ hội tốt nhất để Tăng Ni nỗ lực tu hành, có đức hạnh và sáng suốt quán nhân duyên biết được việc mà nhân dân chấp nhận và Nhà nước ủng hộ thì dấn thân làm. Đó là một số kinh nghiệm tôi xin chia sẻ và mong sao Tăng Ni tỉnh nhà thực hiện đạt được thành quả tốt đẹp để sinh hoạt Phật giáo tỉnh Bạc Liêu được phát triển mạnh, thì Giáo hội chúng ta cũng lớn mạnh theo và giúp cho xã hội ổn định. Làm được như vậy là hoàn thành trách nhiệm chung của người con Phật. Cầu nguyện tất cả quý vị luôn sống trong chánh pháp, làm lợi ích cho mọi người, xứng đáng là đệ tử Phật ở thế kỷ XXI.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Long Phước, tỉnh Bạc Liêu, ngày 20-6-2005)