Kiến thức
Tư cách hành giả Pháp Hoa
Thứ bảy, 21/12/2023 12:45
Người trì kinh không gặp tai nạn, vì với lòng Từ luôn nghĩ đến cách làm cho tha nhân vui sướng, không làm họ bớt vui, huống chi nói đến làm khổ. Tâm Từ thực sự trải rộng như Phật thì muông thú còn tìm đến dâng cúng, huống là nhân thiên.
Vào đời với tư cách hành giả Pháp Hoa, phải thương người thuận và thương người nghịch nhiều hơn. Nói đúng hơn, là sứ giả Như Lai phải mang thông điệp tình thương của Như Lai đến muôn loài. Trong tâm hành giả không còn trạng thái thương ghét, tất cả mọi loài đều là quyến thuộc phải hộ trì.
Tâm Từ mở rộng đến cùng tột, tương ưng được với tâm Từ của Như Lai, thì huệ lực của Như Lai mới truyền cho hành giả và lời nói của hành giả mới làm chúng sanh mát lòng. Khi tâm Từ không đủ, hành giả mất tư cách hộ trì chánh pháp. Nếu tự xưng là sứ giả Như Lai, sẽ mắc tội đại vọng ngữ, quả báo không lường được.
Muốn nối gót chư Phật mười phương, phải xét lại tư cách mình có giống Phật hay không. Chúng ta có tạo dòng suối mát cho nhân gian chưa, có vắt đất ra nước để làm mát lòng người hay chưa. Nói cách khác, tình thương chúng sanh và việc cứu độ họ chưa tròn đủ, thì đừng mong gì có Pháp Hoa. Chúng ta tự hỏi lòng mình, trên quá trình tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, lòng từ bi của ta tới vị trí nào, còn ở đất khô, hay đất ướt, đất bùn hay đã gặp nước.
Tam thân của Đức Phật theo kinh Pháp Hoa
Nếu truyền bá Pháp Hoa, bị người chỉ trích, phải nghĩ rằng vì tình thương của chúng ta đối với họ chưa trọn vẹn. Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải tăng trưởng tâm từ bi. Chính lòng từ hóa giải tâm ác của người. Người trì kinh không gặp tai nạn, vì với lòng Từ luôn nghĩ đến cách làm cho tha nhân vui sướng, không làm họ bớt vui, huống chi nói đến làm khổ. Tâm Từ thực sự trải rộng như Phật thì muông thú còn tìm đến dâng cúng, huống là nhân thiên.
Tăng trưởng lòng Từ đến cao độ bằng chư Phật mới chính thức vào nhà Như Lai. Thực sự đã vào nhà Như Lai, là sứ giả của Như Lai, chắc chắn không ai xâm hại được, nhưng vì chúng ta còn là phàm phu đầy nghiệp lực, nên phải gặp nhiều chướng duyên. Tâm Từ và tâm Bi của hành giả phải được nuôi dưỡng và an trú liên tục trong Phật đạo. Nếu có kẽ hở, sẽ sanh phiền não và bị quả báo.
Trên bước đường tu hành, đột nhiên ta thấy một người ác, hoặc một việc không bằng lòng hiện ra trên thực tế hay trong tiềm thức, ta nhận biết ngay mình đã đánh mất tâm từ bi. Thật vậy, Phật dạy chúng ta phải thúc liễm sơ tâm, giữ cho tâm lúc nào cũng tốt đẹp, dũng mãnh như tâm ban đầu. Đừng dại khờ đánh mất tâm thanh tịnh ban đầu, sẽ bị bùn nhơ chúng sanh đổ trút lên chôn vùi ta. Cứu khổ ban vui cho chúng sanh là chánh hạnh của Bồ tát. Bồ tát thể nhập vào tâm chúng sanh đến độ quên mất bản ngã, coi chúng sanh là mình và mình là chúng sanh.