Sách Phật giáo

Tư hữu phát sinh từ đâu?

Thứ ba, 31/10/2016 04:47

Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống. Điều này cần phải quán chiếu kỹ mới có thể hiểu được. 

Tư hữu phát sinh từ đâu?

Tư hữu dẫn đến cạnh tranh. Cạnh tranh dẫn đến mâu thuẫn xã hội. Vậy, cạnh tranh phát sinh từ đâu?

Xét trên phương diện triết lý, nó là biểu hiện thực tế của ngã và ngã sở. Trẻ con mới sinh ra chưa có ngã sở cũng chưa có khái niệm về ngã. Cho đến một lúc nào đó, nó biết đây là ba, đây là má, đây là tôi, đây là người khác, cái khác… và một lúc nào đó nó biết rằng cái này là của nó, là của ba, của anh, của chị… thì nó bắt đầu phát sinh ý niệm chiếm hữu. Càng lớn lên, ham muốn chiếm hữu càng phát triển. Khả năng ít thì chiếm hữu chỉ một gia đình nhỏ, khả năng lớn hơn thì chiếm hữu làm ấp trưởng, xã trưởng…, chiếm hữu lớn nữa thì làm một hoàng đế. Trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta không dứt trừ được ý niệm tư hữu là ý niệm gần gũi nhất, thì không bao giờ chúng ta đạt đến vô ngã được. Ngã và ngã sở là ý niệm trừu tượng không thấy nhưng nó cụ thể hằng ngày; đó là cái tích lũy tư hữu cho ngã và ngã sở. Sự tồn tại của tăng y trên đời sống không có tư hữu. Thực hành Thánh đạo cơ bản là đời sống không tư hữu.

Đây là nói theo ý nghĩa kinh tế, ý nghĩa xã hội học, chứ không đứng trên lập trường thắng nghĩa đế của kinh điển mà nói. Nếu không dựa trên đời sống phi tư hữu thì cũng không thể có lục hòa được. 

Bây giờ, chúng ta đã nói tổng quát tương đối đầy đủ về khái niệm luật, tại sao có luật? Luật không phải học những điều khoản cấm kỵ từ trên trời rơi xuống. Tất nhiên, chúng ta học để biết và tôn trọng luật. Ngày xưa, các Ngài có xu hướng giải thích, phàm những điều luật Phật đặt ra nếu vi phạm điều này thì đọa địa ngục, vi phạm điều kia thì đọa súc sinh… gọi đó là sự trừng phạt. Nhưng, như đã nói, vi phạm luật là vi phạm khế ước hợp đồng xã hội thì phải chịu hậu quả trừng phạt của xã hội, mà trừng phạt chỗ nào phải xác định cho rõ. Không có luật nào đặt ra mà không có sự xử trị và trừng phạt. Sự trừng phạt của chúng ta trong luật Tỳ kheo có hai phần: Phạm giới gọi là phạm học xứ (giới là học xứ) và phạm nghiệp. Phạm nghiệp nặng, thí dụ như giết cha, giết mẹ là phạm tội sát sinh; phạm giới như vậy thì bị trục xuất Ba-la-di. Nhưng có những vi phạm như phá hòa hiệp Tăng thuộc tội ngũ  nghịch, nghiệp ngang bằng tội nghiệp giết cha nhưng trong học xứ chỉ là Tăng-già-bà-thi-sa.
 
Cần phải nhớ, phạm Tăng-già-bà-thi-sa ngang tội giết cha, giết mẹ, là đoạn thiện căn, theo nghiệp mà bị đọa địa ngục, không bao giờ tồn tại được trong tăng, phải bị trục xuất. Phá hòa hiệp tăng như Đề-bà-đạt-đa ngang với tội giết cha, giết mẹ lại không bị trục xuất khỏi giáo hội, mà chỉ phạm Tăng-già-bà-thi-sa, sám hối được. Đó là sự khác nhau giữa phạm giới (học xứ) và phạm nghiệp. Phạm Ba-la-di là phạm luật của tăng, Tăng xử. Thí dụ, phạm Ba-la-di ăn trộm, có ảnh hưởng đến quyền lợi xã hội, mang tính xã hội. Ăn trộm mà phạm tới mức Ba-la-di thì không thể chấp nhận được, vì với người ăn trộm, án tù có thể hết nhưng lý lịch ăn trộm thì không thể xóa đi trong tâm trí người đời. Tăng không thể bao che một vết bẩn mà với người đời không bao giờ tẩy sạch. Nhưng phạm giới dâm đối với Tỳ kheo còn tàm quý thì cho thọ lại học giới, vì đây là phạm nghiệp có thể đọa địa ngục nhưng không làm ảnh hưởng đến Tăng trọn đời chúng như tội ăn cắp mức đại hình. Rõ ràng hai cái khác nhau, tội nghiệp tuy bằng nhau. Thậm chí tội hành dâm còn nặng hơn vì là pháp chướng đạo nhưng không làm ảnh hưởng đến tiếng xấu của Tăng chúng suốt đời, trong khi tội ăn cắp ảnh hưởng khó tẩy xóa đến cả tập thể tăng chúng, nên phải đuổi. Như vậy, đối với sự phạm giới, chúng ta phải nhận xét là phạm nghiệp hay phạm học xứ.

Ở đây, tôi muốn nhắc lại là không có luật nào mà không có phép  xử trị. Nhưng chúng ta học luật xử trị theo luật cộng đồng. Phạm một điều luật đã được qui định cho cộng đồng, nó phá vỡ những giao ước với cộng đồng trong cuộc sống, tất phải bị cộng đồng trừng phạt bằng cách loại trừ, còn nghiệp làm thì cá nhân phải chịu, nặng nhẹ tùy theo mức độ hành động của mình. Phạm nghiệp thì không thể sám hối được; vì không ai có thể xóa nghiệp xấu của một người, nhưng tăng cho sám hối là để dắt dẫn người phạm tự nỗ lực tu tập cho tới khi chứng quả A-la-hán, bấy giờ tất cả nghiệp đó có thể giải. Nghĩa là, theo đức từ bi của Phật, tăng luôn luôn tìm cách để cứu vớt người phạm dù người đó rơi xuống tận địa ngục A-tỳ. Nghiệp đã làm thì không có cách sám hối nào hết được mà phải trả thôi. Nghiệp đã làm như đã chặt ngón tay thì không có cách sám hối nào cho ngón tay mọc lại được hết, nhưng biết cách băng bó chữa trị thì vẫn còn cơ hội cứu vãn.

Thành ra trong pháp sám hối, vấn đề rất tế nhị. Tuy cùng phạm một tội nhưng tùy trường hợp hoặc cần ra trước tập thể sám hối, có khi không cần.

Đây là phần thứ nhứt nói tổng quát về nguồn gốc của luật và tại sao có luật? Vừa rồi, chúng ta có nói tới giới và luật, nhân đây chúng ta phân biệt thêm.

Luật là gì?

Từ luật và luật pháp trong thế gian, như chúng ta đã nghe nhiều. Luật trong Phật giáo một cách tổng quát cũng cùng ý nghĩa như thế gian nhưng vì mục đích khác cho nên nội dung cũng phải khác. Mục đích của Phật đặt ra luật là gì? Là để tạo điều kiện cho một Tỳ-kheo, một phật tử, đạt đến Thánh đạo, chứng quả Niết-bàn. Mục đích luật của thế gian là gì? Là lập trật tự cộng đồng, để cho thịnh vượng và hạnh phúc, để hưởng thụ vật dục trong thế gian. Mục đích khác nhau nhưng bên nào cũng cần luật. Từ luật, mỗi nơi sử dụng khác nhau nhưng ý nghĩa của luật là phổ quát. Luật là luật pháp. Trong Phật giáo chữ luật trong kinh điển gọi là vinaya (âm Tì-nại-da, hay tì-ni), do gốc động từ vi-nī: vinayati, dắt dẫn, hướng dẫn. Vinaya, nghĩa cơ bản là dắt dẫn, hướng dẫn, từ đó hiểu qua nghĩa bóng là huấn luyện; chữ Hán dịch là điều phục. Điều phục chính là huấn luyện; mà huấn luyện thì phải có kỷ luật. Như người học nghề v.v… nghề nghiệp nào cũng cần có kỷ luật. Tất cả đều có luật của nó để hướng dẫn việc làm. Thành ra theo ý nghĩa trong kinh, luật là điều phục, mà điều phục đây đương nhiên là điều phục tâm. Nhưng trong điều phục của luật có hai phần: Điều phục tập thể và điều phục cá nhân. Tổng quát Phật chế luật với 10 mục đích, gọi là “Thập cú nghĩa” (Pali: dasa atthavase paṭicca). Trong những mục đích này, cơ bản là tạo sự hòa thuận giữa tăng (Pl.: saṅghasuṭṭhuyāya) và đem lại sự an lạc cho tăng (saṅghaphāsutāya), tức nhân và quả thành hai điều.

Thứ nhất là tạo sự hòa thuận, đây là một trật tự hòa thuận. Hòa thuận là gì? Nghĩa là tăng chúng thì phải có trật tự. Một Tỳ-kheo và các Tỳ-kheo sống trong một cộng đồng, khi đi đứng nằm ngồi, ra vào phải có khuôn phép trật tự chứ không thể tự tiện. Có luật thì có trật tự, tăng chúng mới ổn định được. Ngoài ra, người ta vẫn thường nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong một tập thể mà có một thầy Tỳ-kheo sống nghênh ngang thì uy tín của Tăng nhất định bị ảnh hưởng. Thời Phật, hai Tỳ kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa (Pl. Assaji-Punabhasu), sống trong một tụ lạc mà quan hệ với thế tục không theo khuôn phép của tăng, nên khi ngài Xá-lợi-phất dẫn đệ tử đến không được ở đó có thiện cảm, không ai cúng dường gì cả, nên khất thực mà bưng bình bát không trở về. Ngài biết rằng, ở đó có vị Tỳ-kheo nào đó sống ô-tha-gia, làm ác hành, sống không đúng tư cách nên tuy rằng đạo đức như ngài Xá-lợi-phất ôm bình bát đi khất thực mà không ai đặt bát cho. Sau đó sự việc được biết rõ, Phật khiến các Tỳ-kheo tác pháp đã đuổi hai ông ấy đi chỗ khác. Chính là phải có những quy luật như vậy để ràng buộc thì mới có trật tự trong Tăng. Điều đó có nghĩa luật tạo trật tự trong cuộc sống của tăng. Có trật tự thì mới có an lạc, tức là Tăng an lạc. Mà có an lạc thì các Tỳ-kheo trong tập thể đó mới có điều kiện tu hành. Trong một tập thể nào mà trong đó tăng chúng thuần tịnh, đi đứng có nề nếp, giờ giấc tu hành nghiêm chỉnh thì cá nhân Tỳ-kheo mới yên ổn tu tập được, mặc dù mỗi người tu theo cách riêng của mình. Đây là ý nghĩa điều phục tập thể. Điều phục này có nghĩa là luật ràng buộc để tạo trật tự, đem lại sự an ổn và an lạc trong tăng.

Thứ hai là điều phục cá nhân. Điều phục này gọi là trừng trị những kẻ ngoan cố, tức là điều phục những kẻ chưa điều phục và kẻ đã được điều phục thì làm cho phát triển. Tức là những người sống vô kỷ luật khi vào tăng chúng được khép vào kỷ luật. Chính điều này cũng quan trọng, bởi vì khi độ người xuất gia chúng ta đâu biết rằng người ấy là Thánh hay phàm, chân hay giả, mà chỉ biết sự chân thành ở mặt ngoài thôi. Ngay trong thời Phật cũng có kẻ xuất gia chỉ vì mục đích kiếm ăn hay trà trộn vào để phá tăng. Người ấy sau khi xuất gia, bị bắt buộc học luật trong tất cả mọi oai nghi đi đứng, nằm, ngồi, quan hệ, tọa thiền v.v… trong tất cả mọi sinh hoạt tu học, một thời gian sau quen với đời sống đó, hiểu đời sống đó, thì từ một con người xấu xa, gian xảo quỷ quyệt được trà trộn vào để kiếm ăn hay phá hoại, cuối cùng cũng trở thành con người tốt. Đó là sự cảm hóa vi diệu của chánh pháp.

Thích Tuệ Sỹ
loading...