Kinh Phật
Từ kinh Vô lượng nghĩa nhìn về kinh Nguyên thủy
Thứ năm, 07/03/2021 10:05
Tất cả giáo lý Phật không nằm ngoài ba việc chính yếu là đạo đức, trí tuệ và làm lợi ích cho cuộc đời và được ghi rõ trong kinh Vô lượng nghĩa; nói cách khác, 84.000 pháp môn tu của Phật đều quy về một. Kinh Hoa nghiêm triển khai yếu lý này, nói rằng một là tất cả và tất cả là một.
Một là tất cả và “một” được các kinh điển Đại thừa diễn tả là bất biến để đáp ứng vạn biến là sai biệt, hay “tất cả”. Thực hiện yếu lý này trong cuộc sống, người có trí sống ở hoàn cảnh nào cũng được, còn người cố chấp phải thiệt thân.
Như phần trên đã trình bày, Hòa thượng Um Sum nói với tôi rằng ngài tu theo Phật giáo Nguyên thủy, nhưng tin Đại thừa. Vì vậy, khi Pôn Pốt nắm quyền, ngài biết họ tiêu diệt đạo Phật, giết hết tu sĩ, nên ngài không mặc áo tu và đợi đến khi Phật giáo Việt Nam phục hồi Phật giáo Campuchia, ngài xin thọ giới lại. Rõ ràng người có trí tuệ mới vượt qua được tất cả chướng nạn, người không có trí tuệ thì khó giữ được mạng sống.
Phật giáo Ấn Độ bị tiêu diệt vì cố chấp rằng thà chết chứ không phạm giới, bằng cách ngồi yên cho Hồi giáo giết. Chỉ có 200 lính Hồi giáo mà chém chết hai vạn tu sĩ Phật giáo, thật là cách ứng xử quá chua xót.
Phải qua cánh cửa Vô lượng nghĩa trước, cho nên trước khi Phật nói Pháp hoa, Ngài nói kinh Vô lượng nghĩa, mà kinh Vô lượng nghĩa là Nhứt thừa kinh, tức tất cả các kinh Phật nói trong một đời là phương tiện, nhưng không phải chỉ nói thôi, mà phải tam chuyển pháp luân, nghĩa là Phật nói Tứ Thánh đế ba lần.
Từ kinh Pháp hoa nhìn về kinh Nguyên thủy
Muốn tu, quý vị phải học Tứ Thánh đế trước, là chuyển pháp luân lần thứ nhất, Phật nói đây là khổ và nguyên nhân của khổ, đây là giải thoát và con đường giải thoát.
Chúng ta phải phá thân phiền não, nghiệp chướng, trần lao thì Pháp thân hiện ra, bằng cách sử dụng Đạo đế. Phật đã dạy rõ như vậy, nhưng chúng ta chỉ học lý thuyết suông, không thực hành Đạo đế trong cuộc đời tu của mình, làm sao được giải thoát. Và tệ hơn nữa, muốn được mau, nên rớt qua ngoại đạo, tà giáo.
Theo Phật, phải thực tập Đạo đế mới giải thoát, để chứng được Diệt đế. Phật nói Ngài cũng nhờ tu Đạo đế mà thành tựu quả vị Phật, đó là lần chuyển pháp luân thứ hai.
Thành tựu quả vị Phật thì có gì khác. Có khác là trước khi chứng Diệt đế, năm anh em Kiều Trần Như coi thường Ngài là kẻ bỏ cuộc, không tu khổ hạnh nổi, nhưng Phật chứng Diệt đế, họ kính trọng Ngài, tin tưởng Ngài là bậc Thầy, xin Ngài độ họ. Kết quả của lần chuyển pháp luân thứ ba này, Phật dạy chúng ta phải thực tập, tu chứng Đạo đế, không phải nói suông Đạo đế.
Khi năm anh em Kiều Trần Như kính nể Phật, muốn học được như Phật thì Ngài mới nói. Học theo Phật, trên bước đường truyền giáo, chúng ta không nên nói với người không muốn nghe. Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi ý này rằng với người cầu pháp không tiếc thân mạng thì mới có pháp. Nói cách khác, tu hành đến cùng tột sự sống, gọi là sơn cùng thủy tận, tuyệt mạng tuyệt thể, không còn cách xoay xở thì Phật, Bồ-tát hiện ra. Tới chỗ này là ranh giới để chúng ta thành Phật, nhưng ít ai dám đến, mà thường quay lại.
Phật giáo Đại thừa là gì? Có khác biệt gì với Phật giáo Nguyên thủy?
Tạm ví như câu chuyện Tam Tạng đi thỉnh kinh, đến dòng sông thấy chiếc thuyền không đáy, Ngài không dám bước xuống. Tôn Ngộ Không liền xô Ngài té xuống chiếc thuyền này thì Ngài chứng Thánh quả, thấy thân tứ đại của Ngài trôi lềnh bềnh. Hòa thượng Thiện Hoa nói đây là tuyệt mạng tuyệt thể, tức đời sống của thân phiền não, nghiệp chướng, trần lao này hết rồi, vì đã trải qua 81 nạn yêu quái, chỉ cho kiến hoặc và tư hoặc chấm dứt. Những yêu quái này từ tâm chúng ta mà xuất hiện, nhưng đến đây thì chấm dứt thân ngũ uẩn, chân thân mới hiện ra.
Phật nói kinh Vô lượng nghĩa rồi nhập Vô lượng nghĩa xứ định. Có thể hiểu rằng kinh Vô lượng nghĩa là một hình thức biến dạng của kinh Nguyên thủy.
Thật vậy, kinh Vô lượng nghĩa đã diễn tả toàn bộ cuộc đời của Đức Phật, không có gì khác hơn. Tuy nhiên, cuộc đời của Phật nếu hiểu theo con người phàm phu thì thấy rằng Sĩ Đạt Ta đi tu, thành Phật, rồi đi khắp nơi giáo hóa chúng sanh trong 45 năm, hay 49 năm. Sau đó, Ngài nhập diệt dưới cây Sa-la. Người đời chỉ thấy Phật như thế thôi.
Nhưng theo cái nhìn của Nhị thừa và của Bồ-tát thấy Phật không phải chỉ tầm thường như thế. Vì Nhị thừa và Bồ-tát thấy được con người thật bên trong của Phật, mà ngày nay, chúng ta đi theo lộ trình của Phật, tất yếu cũng cần phát hiện được con người thật của Phật, để chúng ta thực tập theo.
Điều quan trọng là Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội, không phải chỉ nói kinh Vô lượng nghĩa thôi. Nói kinh Vô lượng nghĩa không khó, nhập Vô lượng nghĩa xứ định thì không phải ai cũng làm được. Cũng như nói “bất biến” thì dễ, nhưng ứng được “vạn biến”, mấy ai làm được.
Nhập Vô lượng nghĩa xứ định nhằm chỉ phải thực tập mới biết được áo nghĩa của kinh. Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng muốn biết thực chất của đạo, phải cạo đầu, ăn chay, niệm Phật, thiền định rồi biết. Còn biết theo hình thức thì muôn đời không vào cánh cửa đạo được đâu. Vì vậy, cả đời Hòa thượng thực tập lý này trong thiền thất và ai có nhân duyên, ngài mới nói, không phải ai ngài cũng nói, vì theo ngài, Phật pháp đâu phải cá ươn mà nài ép bán. Người ta cầu tìm, nhưng thấy họ không có duyên, chưa độ được, cũng phải tránh mặt.
Vì vậy, điều quan trọng là nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội, nói đúng hơn là trong đạo Phật, quan trọng ở hai chữ Tam muội. Người tu khác nhau ở điểm có Tam muội hay không.
Thiên ma, ngoại đạo cũng có Tam muội, gọi là bùa chú. Tôi có người bạn ở trên núi chuyên luyện bùa. Ông này nhịn đói lâu ngày cũng không thấy đói. Người thầy cho ông lá bùa và câu thần chú. Ông vô hang động đọc thần chú và nhìn vào lá bùa, đến khi thấy bùa sáng lên là đắc rồi. Như vậy cũng là Tam muội do định, nhưng là tà định.
Tôi cũng có bạn là chánh khách, khi có việc khó khăn không giải quyết được, ông đóng cửa, không tiếp khách. Ngồi yên để tâm thật yên tĩnh, việc tự sáng ra, đây là thế gian định. Ý này cũng được Phật dạy chúng ta rằng tâm tán loạn thì không thấy chính xác, tâm định, tức tập trung sẽ thấy vấn đề sáng lên.
Trên bước đường tu, tôi thực tập pháp này trước, bằng cách nhìn chăm chú vào một vật để cho tâm tập trung. Về sau, tôi nhìn tượng Phật để tập trung. Và tiến xa hơn, tôi nhìn một ý tưởng trong kinh sách để tập trung, thì khi nghiên cứu một tác phẩm dài, không đủ thì giờ đọc hết, tôi đọc bằng tư tưởng, bằng tâm linh, chỉ đọc cái tên thôi. Thí dụ, tôi đọc lịch sử kinh Hoa nghiêm và đọc các nhà trước tác, biên dịch là tôi đã biết tổng quát, sau đó, tôi xếp kinh lại, ngồi tập trung vào những gì vừa đọc về lịch sử và các tác giả, tự nhiên lòng sáng ra. Còn học thuộc lòng thì sau dễ quên. Không học thuộc lòng, nhưng tập trung được, không bao giờ quên, đó là điều quan trọng mà tôi muốn chia sẻ với quý vị về cách học Phật.
Con đường vào đạo cần có tâm hồn tập trung mới lãnh hội được pháp chân thật. Chỉ nghe bằng tai thôi, không thể lãnh hội ý sâu sắc của Phật. Nói suông về kinh thì dễ, nhưng làm Hiền thánh rất khó.
Những tương đồng giữa kinh Đại thừa và kinh Nguyên thủy
Có nhiều định để thực tập, riêng kinh nghiệm của tôi khi thực tập là tôi tập trung vào các thoại đầu, vào một bộ sách, vào một tư tưởng. Do tập trung mà có cái nhìn sáng hơn và thấy đúng. Tập trung như vậy, tôi nhận ra ý nghĩa đầu tiên của kinh Pháp hoa nói là Triền Đà-la-ni, sẽ có trí tuệ, mới sử dụng được hiểu biết đúng đắn.
Vì vậy, Phật dạy rằng có trí tuệ thì giải được, không có trí tuệ vô lậu, tự buộc mình vào phiền não. Triền Đà-la-ni là huệ học do tập trung thì cái gì sáng ra trong đầu không bao giờ mất. Và trở về định Vô lượng nghĩa, Đức Phật đã thể hiện điều này.
Nhập được Vô lượng nghĩa xứ định rồi, sự vật đổi khác, kinh diễn tả là mưa hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa để cúng dường Phật và tứ chúng. Điều này cho thấy ý quan trọng rằng trước khi nói kinh Pháp hoa, phải có hai loại hoa này có tác dụng làm tâm đại chúng an tịnh và vui trong yên lặng, trong thiền định.
Học lý này, trước khi thuyết pháp, phải làm hội trường yên tĩnh, hội chúng thanh tịnh mới có pháp. Nghĩa là phải có con người an vui và giải thoát hết lòng cầu đạo mới lãnh hội được pháp chân thật. Không được như vậy, nói gì cũng thành tà pháp.
Nói kinh Vô lượng nghĩa thì phải nhập Vô lượng nghĩa xứ định, tức phải chuyển hóa mình trở thành người đạo đức, hiểu biết đúng đắn và làm lợi ích cho cuộc đời, người ta mới nghe theo.
Tóm lại, tiến tu theo lộ trình Phật dạy đúng như pháp, mở ra cho chúng ta tầm nhìn xuyên suốt từ Phật giáo Nguyên thủy sang Phật giáo Đại thừa và từ Đại thừa nhìn ngược lại Nguyên thủy cũng nhận thấy có sự thống nhất hoàn hảo. Đó chính là nền tảng kiên cố, bất hoại giúp cho mạng mạch Phật giáo trường tồn trải qua hơn 25 thế kỷ, mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại xây dựng cuộc sống an lạc, hiểu biết, phát triển, hòa hợp.