Kinh Phật
Tự ngã trong thân?
Thứ sáu, 02/08/2022 09:20
Tất cả chúng sanh có sanh mạng, phải có một chủ thể nhận thức nương gá ở trong thân, nhờ thế mới có thể thấy sắc bằng mắt, nghe tiếng bằng tai, ngửi hương bằng mũi v.v...Nghĩa là tự ngã ấy có thể thấy được ngoại cảnh bên ngoài qua sáu cửa sổ giác quan vậy.
Đức vua hỏi:
- Tất cả mọi nhận thức, hiểu biết dường như là do một tự ngã ở trong thân, phải vậy không, đại đức?
- Đại vương hiểu điều đó như thế nào, có thể nói rộng ra được chăng?
- Trẫm nhận thấy thế này. Tất cả chúng sanh có sanh mạng, phải có một chủ thể nhận thức nương gá ở trong thân, nhờ thế mới có thể thấy sắc bằng mắt, nghe tiếng bằng tai, ngửi hương bằng mũi v.v...Nghĩa là tự ngã ấy có thể thấy được ngoại cảnh bên ngoài qua sáu cửa sổ giác quan vậy. Ví như chúng ta đang ngồi trong bảo điện này, nếu muốn nhìn thấy cảnh phía đông, ta mở cửa phía đông, muốn nhìn cảnh phía tây, phía nam, phía bắc thì ta mở cửa phía tây, phía nam, phía bắc. Mở bốn cửa sổ ở bốn hướng ta nhìn thấy ngoại vật như thế nào, thì tự ngã ở trong thân nhìn thấy ngoại vật qua sáu giác quan cũng y như thế. Đấy là ví dụ của trẫm, không biết có đúng chăng?
- Bần tăng đã hiểu. Như bốn cửa sổ ở bốn hướng này, ta muốn xem hướng nào thì mở hướng ấy?
- Đúng thế.
- Nếu tự ngã muốn thấy sắc thì nó mở nhãn môn để thấy sắc?
- Đúng thế.
- Vậy thì tự ngã ấy có thể thấy sắc bằng nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý môn được chăng?
- Không thể.
- Có thể nghe âm thanh bằng mắt, mũi, lưỡi, thân và ý chăng?
- Không thể.
- Có thể ngửi được mùi hương bằng mắt, tai, lưỡi, thân và ý chăng?
- Không thể.
- Tương tự như thế, nếm vị bằng mắt, tai, thân và ý? Xúc chạm bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và ý? Và suy nghĩ bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và thân?
- Không thể.
- Vậy tại sao đại vương lại bảo là muốn thấy hướng nào thì mở cửa hướng ấy bằng ví dụ những cửa sổ? Sáu giác quan mà ví dụ là sáu cửa sổ, ấy là thí dụ không thích đáng, không tương hợp chút nào cả. Đại vương có thấy như thế chăng?
- Trẫm đã thấy.
- Các cửa sổ ở cung điện này nếu được mở rộng ra thì ta có thể thấy ngoại cảnh xa rộng hơn. Nhưng mắt mà được khoét rộng ra thì có thể thấy ngoại cảnh xa rộng hơn chăng?
- Không thể.
- Tương tự như thế ấy. Nếu tai, mũi, lưỡi, thân, ý mở rộng ra thì ta có thể nào nghe xa rộng, ngửi xa rộng, nếm xa rộng, xúc xa rộng, suy nghĩ xa rộng được chăng?
- Thật không thể được.
- Như vậy chứng tỏ luận cứ của đại vương là không tương hợp, không thích đáng. Lại nữa, ví dụ đại vương đứng ở cổng thành bố thí cho dân nghèo, một người ở hướng đông đến, nhận vật bố thí rồi đi, đại vương có thấy chăng?
- Dĩ nhiên là trẫm thấy.
- Một người ở hướng tây lại, nhận của bố thí xong, người ấy không đi mà đứng yên trước mặt đại vương, thế đại vương có thấy chăng?
- Có thấy.
- Tương tự như vậy, khi lưỡi nếm vị, cái lưỡi biết rõ ấy là vị chua, ngọt, béo, bùi chăng?
- Dĩ nhiên là biết.
- Nhưng nếu cái vị ấy chưa đến lưỡi, còn đứng ở ngoài lưỡi, thì đại vương có thể nào biết nó là đắng, chát, ngọt, bùi không?
- Không thể biết được.
- Như vậy, rõ ràng là lối ví dụ so sánh của đại vương là không tương hợp, không thích đáng. Lại nữa, nếu ta đem mật ong đổ đầy trong lu lớn, bắt một người nằm vào trong và bịt kín miệng người đó lại, thì y có thể nào biết được cái ngọt của mật chăng?
- Không nếm thì làm sao biết được.
- Như vậy, thêm một lần nữa, đại vương biết rõ đâu là không tương hợp, không thích đáng.
Đức vua Mi-lan-đà suy nghĩ hồi lâu:
- Bây giờ trẫm đã thấy rõ sự kém cỏi, nông cạn của mình, xin đại đức giảng giải cặn kẽ cho trẫm nghe thêm.
Na-tiên tỳ khưu bèn thuyết như sau:
- Tâu đại vương! Con mắt tiếp xúc với sắc nhưng chưa chắc con mắt ấy biết rõ sắc ấy là xanh, đỏ, trắng, vàng đâu, nếu không có nhãn thức. Và nhãn thức ấy cũng không phải là một tự ngã, một chủ thể. Nhãn thức sanh lên khi căn xúc với trần, nhưng nó không phải sanh khởi một mình, nó có những
tâm sở đồng sanh khác, gọi là biến hành tâm sở: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn.
• xúc là xúc chạm trần cảnh,
• tác ý là khởi ý đến trần cảnh,
• thọ là cảm giác,
• tưởng là tri giác, nhận biết,
• tư là tư tác do tham sân hoặc bất động,
• nhất tâm làm cho các tâm sở được liên tục
• mạng căn duy trì mạng sống của một tiến trình tâm.
Và nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng được hiểu như thế.
Tất cả căn, trần, thức, và những tâm sở đồng sanh ấy chúng tương quan tương duyên với nhau. Như vậy thì thức, cái nhận biết, đâu phải là chủ thể, đâu phải là cái độc lập, đâu phải là tự ngã thường hằng nương gá ở trong
thân? Đại vương có biết rằng luận cứ của đại vương đã rơi vào thường kiến, một tà kiến nguy hiểm cho những người học Phật chăng?
- Cảm ơn đại đức, cái tự ngã ấy chỉ là ảo giác, ảo tưởng, trẫm đã rõ rồi.