Sống an vui
Tu Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc
Thứ sáu, 29/05/2023 11:12
Nguời ta bỏ “khổ” tìm “lạc”, rồi thì cái “lạc” này lại trở nên “khổ”, tiếp tục đi tìm “lạc” khác... một vòng tròn luẩn quẩn đưa ta đến nấm mồ luôn mà không bao giờ tìm ra được cái “lạc” thực sự.
Tu Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc. Xin lưu ý cho: Khổ và Lạc chính là căn bản của phiền não! Bỏ khổ tìm lạc là cách hiểu phổ thông về đạo Phật. Nó sai trật, sai lầm.
Sai trật, sai lầm không biết từ thời nào, khi người ta dịch chữ dukkha là khổ. Chữ dukkha rất rộng nghĩa, khi viết về Tam pháp ấn tôi không dùng chữ “khổ”, mà dùng “vô thường - dukkha - vô ngã” vì thế này: Tất cả những biến đổi về thể chất ở nơi thân như sanh, già, bệnh chết, đau nhức tê ngứa, tóc bạc, da nhăn, răng rụng... là dukkha. Tất cả những sự diễn tiến các trạng thái tâm lý nó biến đổi không chừng mực, sáng nắng chiều mưa, từ thương ra ghét, từ ghét ra hận, các trạng thái vui, khổ sầu buồn... là dukkha.
Rồi thì toàn bộ ước mơ của đời người không toại nguyện, xã hội khi thịnh khi suy, khi còn khi mất, của cải tài sản thì bấp bênh, vợ chồng con cái có lúc hội tụ, sum họp rồi phân ly, tan rã... Toàn bộ đó là dukkha, trong đó có chữ khổ nào đâu, cho nên người ta hiểu lầm là tu để rời khổ tìm lạc, tìm thường lạc ngã tịnh, như thế là còn nằm trong hai vế, còn đối đãi nhị nguyên, bỏ bên này nắm bên kia thì vẫn còn trôi lăn sinh tử.
Có cái “lạc” nào tồn tại mãi đâu, tồn tại quá lâu như “thường lạc” thì làm sao mà chịu nổi? Uống vài ly bia với người bạn thì vui, uống vài két bia thử coi có còn vui nữa không? Lâu ngày gặp người quen thì mừng, nếu họ cười bên mình cả tuần, cả tháng... thì chắc chết. Thuở thanh niên yêu say đắm một cô gái, nhớ ngày nhớ đêm, sau này cưới nhau về rồi lục đục, nặng nhẹ, bất hòa thì còn hạnh phúc nữa không?
Tân hôn là “lạc”, nhưng mà cứ mãi “thường lạc tân hôn” thì không ổn! Những niềm vui, đam mê, mơ ước trong đời cũng phải biến hoại, đổi thay, sinh diệt theo lý vô thường; đó là quy luật, là định luật tất yếu của vạn pháp. Từ biến đổi vật chất thân thể, biến đổi tâm lý, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tăng hội... tất cả là dukkha.
Nguời ta bỏ “khổ” tìm “lạc”, rồi thì cái “lạc” này lại trở nên “khổ”, tiếp tục đi tìm “lạc” khác... một vòng tròn luẩn quẩn đưa ta đến nấm mồ luôn mà không bao giờ tìm ra được cái “lạc” thực sự.
Có một cụm từ tồn tại trong những thời khoá kinh tụng, ở đây chắc một số chư vị thuộc lòng, đó là: “Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc”. Xin thưa, cụm từ ấy có thể tạm đúng theo “thường ngữ” nhưng theo “pháp ngữ” thì nó trật đường rây tu tập. Theo nghĩa đệ nhất đế, không có chuyện “chuyển cái mê ra cái ngộ” được, ví như “không thể chuyển bóng tối ra ánh sáng” được. Ngộ đến thì mê tự lui, ánh sáng đến thì bóng tối tự lui.
Nên Đức Phật có nói, minh hiện thì vô minh diệt, cùng một nghĩa. Còn “ly khố đắc lạc”, rời khổ được lạc - thì hoàn toàn hỏng rồi như đã dẫn lược.
Trích: Pháp Thoại Vấn Đáp - HT. Giới Đức