Kiến thức

Tu tâm là gì?

Thứ hai, 19/09/2023 03:00

Có nhiều người thường nói tôi không cần tụng kinh niệm Phật..., chỉ "tu tâm" thôi! Vậy xin hỏi: Tu tâm là gì?

Mới nghe nói tưởng như đơn giản, song đến lúc bị người hỏi nghiệm lại thì không biết đáp sao?Hóa ra, chỉ biết nói còn hiểu thì chưa thực hiểu. Cho nên, chúng ta cần phải suy gẫm để nhận hiểu ý nghĩa thiết thực của việc tu tâm.

Suy xét kỹ, thì tất cả tội lỗi của con người đều phát xuất từ tâm.

Tâm là gốc, là nơi phát sinh ra các thứ tội lỗi.

Do đó, nếu ứng dụng tu hành mà không tu từ gốc tâm căn bản thì làm sao hết tội được.

Thí dụ, người đi ăn trộm cắp hoặc chửi mắng người khác, hay giận hờn đủ thứ thì những việc làm, lời nói và trạng thái tâm lý trên từ đâu mà có?

Tâm là chủ nhân của bao điều họa phúc

01

Ăn trộm là do không dừng tâm tham nên mới phát sinh hành động trộm cắp.

Rồi nóng giận, chửi mắng cũng vậy.

Do tâm nóng giận mới có chửi mắng, hoặc là có tâm tà dâm mới thành nghiệp tà dâm.

Như có người trộm cắp, biết mình sai nên mỗi tối đến chùa sám hối hoặc lạy 108 hồng danh chư Phật, như vậy hết tội ăn trộm chưa?

Nếu người đó không dừng được tâm tham, thì ngày khác đủ duyên cũng sẽ ăn trộm nữa.

Hoặc có vị tạo khẩu nghiệp chửi mắng người rồi cũng vào lễ Phật sám hối.

Nếu không dừng được gặp chuyện, thói quen sân phát sinh lại chửi mắng nữa, thành ra không hết tội được.

Thế nên, người muốn sạch mọi tội lỗi thì phải dừng tâm tham…, trừ tham tận gốc thì tội mới sạch.

Vì không hiểu nên có những trường hợp tu lộn ngược.

Như xưa, ở nước Kosala có một Bà-la-môn chuyên tu khổ hạnh. Người này quan niệm vì có thân nên có tội lỗi, nay muốn hết tội thì phải sửa từ thân.

Nghĩ như vậy nên Bà-la-môn liền dùng năm lò lửa để đốt nướng hành thân mình hết sức khốn khổ, cho rằng làm như vậy mới tiêu mòn nghiệp khổ.

Lâu ngày, đầu tóc khô giòn, môi miệng nứt nẻ, người thế gian gọi ông là La Hạt Chích, vì trông giống như cây cải bông nướng.

Có một cô ni nghe tin đồn tìm đến. Cô nhìn thấy lối tu của Bà-la-môn như vậy nên thương xót, nói với ông:

“Cái đáng thiêu mà ông không thiêu, lại đi thiêu lầm cái không đáng thiêu, sao mà si mê vậy?”

Tức là cái đáng thiêu mà không chịu thiêu, còn cái không đáng lại lo đi thiêu, như vậy là lầm lẫn, si mê.

Vừa nghe, lửa sân trong tâm ông phừng lên, giận dữ mắng:

“Đồ con lừa, ngươi nói cái gì là cái đáng thiêu?”

Cô ni bảo: “Cái đáng thiêu chính là cái tâm nóng giận của ông đó”.

Nghĩa là cái đáng thiêu thật sự chính là tâm nóng giận của ông, ông thiêu cháy được tâm nóng giận đó mới hay.

Chứ còn ông lo đốt nướng thân này mà tâm sân không hết thì tuy có sự dụng công nhưng khổ não vẫn còn nguyên không tiến bộ.

Cho nên, nếu ai thiêu cháy được các thứ tâm nóng giận… thì mới thật sự thiêu sạch tội lỗi.

Giống như chiếc xe không đi, thì đánh trâu chứ ai mà lại đánh chiếc xe.

Cũng vậy, phải đánh cái tâm kia, thiêu cháy tâm kia thì thân mới hết bị dày vò, đau khổ.

Bà-la-môn tỉnh ngộ, quỳ lại cô ni.

Nhiều khi, chúng ta không thấu suốt được lẽ thật, khi nghe nói hoặc là thấy người ta làm thì bắt chước làm theo.

Vì vậy, có nhiều trường hợp, người dụng công tu khổ hạnh rất công phu nhưng không đúng pháp nên tu lâu mà không hết tội.

Cũng như Bà-la-môn này tuy có tâm tu hành muốn dứt khổ nhưng vì không rõ pháp tu chỉ lo đốt thân còn tâm không chịu đốt, nên sân hận vẫn còn nguyên vừa gặp duyên là nó phừng cháy nổi giận mắng người liền.

Chúng ta cũng vậy, vì muốn sạch nghiệp nên ép thân tu các pháp khổ hạnh như uống nước lạnh.

Tuy uống nước lạnh, nhưng tâm không lạnh mà vẫn còn nóng như thường.

Đây gọi là tu gốc ngọn lộn ngược, tội lỗi không bao giờ hết.

Gốc của tội sanh từ tâm, không tu ngay gốc mà chỉ lo hành thân xác, trong khi thân này đâu có lỗi gì, thật là tội cho nó.

Như cái miệng nó đâu có biết nói bậy, nhưng chúng ta thường đổ thừa cái miệng nói bậy.

Cái miệng này là hai miếng da bọc thịt hợp lại thì đâu biết nói bậy?

Nói bậy là do tâm, từ tâm dấy khởi rồi tác động lên cái miệng.

Nên miệng chỉ là cơ quan phát chứ không phải chủ động mà lại đổ lỗi tại cái miệng nói bậy.

Nếu không trừ được cái gốc bên trong mà đổ thừa cái miệng, đó cũng là một cách trốn tránh trách nhiệm.

Nên tu là phải thấy ngược trở lại, trừ được tận gốc thì tội mới sạch.

Xưa, có vị sa-môn muốn độ hai vợ chồng nghèo ở Xá-vệ, nên ngài đến nhà họ khất thực.

Gặp lúc ông chồng đi vắng, bà vợ ra thấy thầy sa-môn là liền ghét bèn mắng chửi, đuổi:

“Ông dù có ốm yếu đến nỗi đứng chết ngay tại chỗ tôi cũng không cho thức ăn, huống nữa là còn mạnh khỏe như vầy mà xin ăn cái gì?”

Bà vừa dứt lời, vị sa-môn liền dùng thần thông chết đứng ngay tại chỗ, chỉ giây lát thây chết sình trướng bay mùi hôi.

Bà hoảng sợ bỏ chạy la hớt hãi.

Sau đó, vị sa-môn thâu thần thông hiện lại tướng cũ, đi đến ngồi dưới gốc cây xa xa.

Khi chồng về, nghe vợ kể lại lấy làm tức giận hỏi sa-môn đâu.

Bà vợ mách chỉ, ông lập tức đeo cung tên, xách dao đi định tìm giết vị sa-môn này.

Thấy ông đến, vị sa-môn ấy hóa ra một thành pha lê trong suốt bao phủ toàn thân, nên mặc dù thấy vị sa-môn ngồi đó nhưng ông không chạm vào được.

Ông đi vòng vòng không biết làm sao, mới nói:

“Này đạo sĩ! Sao không mở cửa ra?”

Sa-môn bảo:

“Ngươi hãy buông dao, cung tên xuống đi thì tôi sẽ mở cửa”.

Người chồng nghĩ mình khỏe mạnh dùng tay không đánh sa-môn ấy cũng chết cần gì vũ khí, nên buông hết cung tên xuống.

Nhưng khi buông xong vẫn thấy vị sa-môn ấy trơ trơ không mở cửa, ông liền hỏi thì sa-môn ấy bảo:

“Tôi muốn nói ông hãy buông dao và tên ác trong tâm của ông, chứ không phải là dao, tên ở trong tay”.

Người chồng nghe nói giật mình, không biết vì sao sa-môn này thấu biết được tâm ý của mình, nên hoảng sợ, sau tỉnh ngộ cầu xin xám hối.

Sa-môn nói pháp độ người chồng kia.

Ý nghĩa câu chuyện trên giúp chúng ta thấy, chính dao, tên ở trong tâm người mới nguy hiểm, mới là cái gốc để tạo thành tội lỗi.

Vì nếu có dao, cung tên ở ngoài mà không có dao, cung tên ở bên trong thì đâu thành vấn đề, nhiều khi còn có lợi.

Ví dụ như chúng ta không có tâm ác độc, hay không có tâm dao búa thì dùng dao… có ích lợi như giúp xắt thức ăn, chẻ củi…

Nhưng vì có tâm dao búa nên khi sử dụng chúng thật là nguy hiểm.

Sa-môn nói buông là buông dao trong tâm, chứ không phải là buông dao ở ngoài, hiểu như vậy mới thấy được cái gốc của sự tu.

Tu tâm là pháp gốc, nếu khéo tu ngay pháp này thì sẽ thông suốt được tất cả pháp, vì tu tâm là pháp tu căn bản. Nhưng nếu chỉ hiểu tâm là gốc, tu căn bản từ tâm thì cũng chưa đến đâu.

Điều trọng yếu là phải biết rõ tâm là gì.

Quý vị biết chưa?

Nó ở gần chúng ta nhất mà không biết, và nếu người không biết thì không lẽ không có tâm sao?

Tâm là biết.

Chính từ cái biết này mới tạo thành bao nhiêu nghiệp lành, nghiệp dữ… ở thế gian, cho đến cả nghiệp vô lậu xuất thế gian cũng từ cái biết này.

Ví dụ như nhìn thấy thỏi vàng, bởi biết nó là thỏi vàng nên mới sanh tâm trộm vàng, hoặc tranh đoạt vàng.

Cũng vậy, vì có tâm nhận biết tội, phước mới bỏ tội, làm phước mà tu hành và chính do tâm biết nên mới đến đây ngồi nghe pháp…

Nhưng trong tất cả cái biết đó cũng cần phân biệt rõ, nếu không khéo chỉ nhận cái biết buồn thương, giận ghét để tu thì sự tu hành cũng theo đó đi xuống.

Có cái biết trong sáng, có cái biết không trong sáng; cái biết vô minh và cái biết giác ngộ.

Nghĩa là cái biết theo duyên theo cảnh, phân biệt hơn thua, yêu ghét là cái biết còn mang nặng cái tôi trong đó, thuận với tôi thì tôi yêu, nghịch với tôi thì tôi ghét… cái biết đó là cái biết có mang vô minh, chấp ngã, gọi đó là cái biết phiền não, vô minh.

Bởi tâm biết cái này, cái nọ, cái kia đủ thứ hết, nhưng chỉ biết bao quanh cái ngã hư dối nên từ đó sinh ra bao nhiêu thứ nghiệp đấu tranh gây đau khổ cho nhau, chỉ vì sống thu hẹp trong cái tôi.

Còn cái biết giác ngộ, tức cái biết quên duyên, cái biết mới mẻ, tinh khôi, cái biết vô niệm, nó không mang màu sắc của cái tôi thì đó là cái biết thanh tịnh, trong sáng, đó mới là cái biết giải thoát khổ đau.

Tu là phải khéo tu ngay cái biết này.

Phải hiểu thấu được ý đó, mới thấy được chỗ tu hành của mình.

Nếu chỉ nói tu tâm mà không biết tâm là gì thì làm sao tu, hóa ra cũng là nói trên chữ nghĩa.

Điểm nữa là khi hiểu được tâm là cái biết trong sáng như trên đã nêu.

Nhưng cái biết đó nó ở ngay nơi chính mình, nên người khéo tu tâm phải thường thấy lại mình hơn là thấy ra bên ngoài, vì tu tâm mà!

Nếu nói tu tâm mà cứ lo nhìn bên ngoài, lo nhìn người này, người kia thì không đúng.

Cho nên, tu là phải khéo thấy lại mình, có thấy lại mình thì mới biết sai để sửa và thức tỉnh.

Kế nữa, nếu chúng ta không khéo soi lại mình thì không thấy được tâm, tâm mình không chịu thấy lại lo đi thấy bên ngoài, nếu chỉ thấy người bên ngoài thì làm sao sửa lỗi, làm sao tỉnh giác!

loading...