Đức Phật
Tu theo Phật trước hết phải hiểu Phật (II)
Thứ bảy, 05/03/2020 02:01
Chúng ta là đệ tử Phật, tu theo Phật, Phật là Thầy, là bậc hướng đạo của chúng ta. Đệ tử thì luôn luôn quý kính Thầy, nguyện đi theo con đường thầy đã đi, làm theo những hạnh nguyện Thầy đã làm.
Con người khổ chỉ vì tự dối, không việc nào ra việc nào cho rõ ràng. Vì vậy không cần phải hỏi ai về cách giải quyết những tồn đọng trong lòng mình. Rất rõ thôi, một là giữ, hai là buông, nhận cho ra mình muốn cái gì thì thực hiện theo ý muốn đó. Và dĩ nhiên kết quả tốt xấu sẽ đi theo sự lựa chọn của mình. Như bây giờ không muốn buồn thì không buồn, chứ không có lươn ươn không muốn buồn mà vẫn cứ buồn. Dứt khoát như vậy, vọng tưởng mới rút lui. Nếu chúng ta yếu yếu thì không chiến thắng nổi nội ma. Nội ma đã thua thì ngoại ma kéo đến là bị bủa vây liền. Chiến thắng nội ma chính là tự chiến thắng mình, Phật gọi đây là chiến công oanh liệt nhất.
Trong nhà thiền có câu chuyện rất hay. Một vị thiền khách đến tham vấn thiền sư:
- Bạch Hòa thượng, làm sao để bỏ sanh lão bệnh tử?
Thiền sư đáp:
- Thì cứ bỏ.
- Con bỏ không được, lúc nào cũng nghĩ về nó.
- Nếu bỏ không được thì quải nó đi.
Những dấu hiệu của một người đã tu Phật từ kiếp trước
Rất là chính xác. Ta tự trói mình với sanh lão bệnh tử, chớ nó câu có trói ta. Ta mà còn tự dối mình thì ai có thể thành thật với mình, cho nên đừng than trên đời này không ai thiệt với tôi, mình không thiệt với mình thì ai thiệt với mình cho nổi. Mình không hiểu mình thì ai hiểu mình? Chính mình còn phải quay cuồng với mình, không biết khúc nào là đầu khúc nào là đuôi, khúc nào vui khúc nào buồn. Một cái tâm vô thường mà chấp là thường thì khổ. Vọng tưởng là bóng dáng của các trần còn đọng lại trong tiềm thức. Nó không thật vì là bóng. Bóng của một hình ảnh không thật, nên tới hai lần giả. Giống như chúng ta xem ti vi, bám vào những hình ảnh không thật trong đó mà khóc mà cười. Vì vậy Phật nói chúng sanh si mê, rất đáng thương xót.
Tu theo Phật trước hết phải hiểu Phật
Tu là quán sát biết rõ mọi trạng thái của tâm. Khi giận biết đang giận, cơn giận tự nhiên giảm xuống và tan biến từ từ. Đơn giản như vậy. Tiến thêm một bước nữa, ta biết giữa hai trạng thái giận và không giận, không giận khỏe hơn thì chọn không giận. Không phải chỉ chọn bằng ý thức mà chọn bằng thực hành. Thái độ này hoàn toàn do chúng ta quyết định, không ai xen vào được. Chuyện trong tâm rất là bí mật, độc lập. Chỉ trừ khi mình không hiểu mình muốn cái gì thì thôi, chấp nhận thần kinh không ổn vậy.
Phật bảo ngôi vị chánh giác không phải riêng của chư Phật, mà là của chung tất cả chúng hữu tình giác ngộ. Nó không ở bên ngoài mà ở trong tâm ta. Ngôi của ai người đó ngồi. Ta có quyền làm Phật mà tại bỏ ngôi vị của mình, ham đi chơi thôi. Chơi xa quá, lâu quá nên quên đường về, thành ra kẻ tha hương, nhưng trong lòng vẫn biết mình có nhà. Phật tạm chia chúng sanh có hai tâm: tâm vọng tưởng và tâm chân thật. Tâm vọng tưởng thoát ly không được mà tâm chân thật nhận cũng không ra. Đó chính là lý do tạo sao chúng sanh đi trong sanh tử.
Đối với nhà Phật biết được mình là biết được tất cả. Làm chủ được mình là làm chủ được tất cả, vì khi đó ta có đủ năng lực để giải quyết mọi chuyện, kể cả trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Trí tuệ chân thật lưu xuất từ thiền định, cho nên năng lực ấy vô tận. Như các nhà khoa học, khi phát minh điều gì là do tự trầm lắng suy tư, nghiên cứu, chớ không học từ ai. Bằng chính trí tuệ của mình, nhưng các nhà khoa học xoay ra ngoài vũ trụ vạn vật, lấy nó làm đối tượng nghiên cứu của mình. Trong khi đạo Phật xoay vào trong, lấy cái không sanh không diệt, không hình không tướng có sẵn nơi mình làm nhân, để nhận và sống với nó, nên quả nếu thành tựu cũng không sanh không diệt, không hình không tướng và dĩ nhiên là vô tận. Bởi nó không hạn cuộc trong thời gian, không gian. Cho nên các phát minh của khoa học không thể so sánh với phát minh của các hành giả tu Phật. Một bên hữu hình và một bên vô hình, làm sao có thể so sánh được!
Người tu Phật là người tìm về nguồn an lạc giải thoát
Như vậy ta biết năng lực của tâm rất lớn, thậm thâm vi diệu. Nếu chúng ta quay về nhận lại toàn bộ gia sản nhà mình thì năng lực bấy giờ là vô song. Đức Phật đã sử dụng trí tuệ của ngài phát minh và vận hành được nguồn năng lực của tâm, nên Ngài thoát ly sanh tử, vĩnh viễn ra khỏi ba cõi, chấm dứt khổ đau, độ vô lượng chúng sanh ra khỏi biển khổ. Cho nên biết năng lực của tâm chính là nguồn trí tuệ vô tận, có công năng chiếu phá tận căn để mầm mống vô minh.
Khi thành đạo rồi, đức Phật nhìn vào một bát nước, thấy vô số vi trùng. Ngài nói điều đó chẳng ai tin. Tại sao không tin? Tại vì không thấy. Người đương thời không tin không có nghĩa là chuyện ấy không có, chỉ vì năng lực chưa tới nên không thể có cái thấy của bậc giác ngộ, trí tuệ siêu xuất thế gian. Cho tới bây giờ, chuyện nhìn thấy vi trùng trong bát nước không còn lạ lẫm với mọi người nữa, thì đức Phật đã nhập diệt. Tuy nhiên, nhà khoa học không nhìn thấy trực tiếp bằng Phật nhãn như Thế Tôn, mà phải nhờ kính hiển vi, nhờ dụng cụ khoa học. Điều này chứng tỏ đôi mắt của nhà khoa học còn cách rất xa đối với đôi mắt Phật.
Phật nhìn vào vũ trụ thấy vô số thế giới, không thể tính kể. Ngày xưa người ta cũng không tin điều này, bây giờ thiên văn học đã thấy được các hành tinh trong vũ trụ, nhưng có thấy y như Phật không thì chưa biết. Chúng ta chỉ biết chắc một điều, những gì Phật nói là không sai. Cho nên chúng ta tin chắc mình có chủng tử Phật, có cả khả năng thành Phật, nếu tu tập giống như Phật đã chỉ dạy. Con người cứ nghiên cứu bên ngoài mà không nghiên cứu lại chính mình thì không thể biết được năng lực của mình. Nghiên cứu các pháp sanh diệt, thì kết quả nghiên cứu ấy cũng phải sanh diệt. Phật nghiên cứu một cái không sanh diệt thì kết quả cũng sẽ không sanh diệt.
Phật nói chúng sanh có bản tâm chân thật hằng hữu, chỉ cần xoay lại nhận thì trí tuệ viên mãn, nhìn thông suốt không kẹt gì cả. Nhìn thấy rõ thân, tâm và sự vật bên ngoài. Cho nên sau khi chứng đạo dưới cội Tất-bát-la, đức Phật có đủ Tam Minh. Minh thứ nhất là Túc Mạng Minh, thấy biết rõ từ vô lượng vô lượng đời trước của Phật và tất cả chúng sanh. Minh thứ hai là Thiên Nhãn Minh, thấy biết rõ những đời sau của vô lượng chúng sanh. Minh thứ ba là Lậu Tận Minh, thấy biết rõ nguyên nhân nào chúng sanh trôi dạt từ nơi này đến nơi khác, con đường nào để chấm dứt sự trôi dạt ấy. Phật còn nói: Những gì ta thấy biết giống như lá cây trong rừng, những gì ta nói lại chỉ như lá trong bàn tay. Tại sao Phật không nói hết? Tại vì nói ra chúng sanh cũng không tin, càng làm cho họ bối rối, không biết đường tu, không có lợi ích. Những gì cần nói Phật mới nói, không cần nói, dù có biết cũng không nói. Chẳng giống mình, biết không biết gì cũng cứ nói!
Chúng ta ngán tu vì thấy khó. Đó là một cái chướng. Khó thì khó nhưng không ngán, càng khó càng thích tu. Phật tử tu không nhất thiết phải đầu tròn áo vuông như quý thầy cô. Phật dạy tu ở trong tâm.
Như chúng ta ngồi đây chăm chú nghe pháp, tâm không dong ruổi đầu trên xóm dưới, nếu nó phóng chạy mình kéo lại. Đó là tu.
Trên thực tế, năm khi mười họa chúng ta mới để tâm vô hiện tại. Thường thì cứ phóng tới tương lai hay lui về quá khứ, giây phút hiện tại lại đánh mất. Chúng ta sống bằng vọng tưởng nhiều hơn hiện thực, mà vọng tưởng luôn bất đồng nên con người khó thông cảm, khó tìm được điểm chung, ngoại trừ bản tâm chân thật. Bản tâm chân thật lại bị bỏ quên, lu mờ nên chúng ta gặp nhau phiền não nhiều hơn an vui, bất đồng nhiều hơn đồng thuận.
Có lần tôi dạy học cho chư Ni, một cô nhìn tôi thật chăm chú, thỉnh thoảng trố mắt to lên như tâm đắc điều gì. Tôi cũng vui vì nghĩ cô thông cảm điều mình đã nói. Sau khi giảng xong, cô xuống phòng tôi ngay. Ngạc nhiên vì sự nhiệt tình này, song tôi cũng chưa biết cô muốn gì. Không đợi lâu, cô nói liền:
- Thưa Cô, đến hôm nay con mới biết cách vô cổ áo tràng. Cô có thể hoan hỷ cho con xem lại cái áo không ạ? Lúc đó tôi bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ tâm hành, rồi cười xòa và trao chiếc áo cho cô học trò. Thật là hóm hỉnh khi phát hiện ra hai luồng tư tưởng bất đồng đến không ngờ. Thật ra cuộc đời này luôn so le như vậy. Cho nên Hòa thượng Ân sư có làm bài kệ Mộng, mà đa số chúng đệ tử của Ngài đều thuộc. Trong đó có hai câu “Mộng tan rồi, cười vỡ mộng”, rất đúng trong tình cảnh vừa kể trên.
Chúng ta sống và hiểu lầm nhau rất nhiều, do hiểu lầm mà ghét, do hiểu lầm mà thương. Nhìn nhân ảnh trong khoảnh khắc lại cho là toàn thể, tưởng người đó như vậy nhưng thật ra không phải. Thế là trơ tràng mộng. Mắt ta nhìn thấy người khác mà không thấy được mình, nhưng hay một điều là ta có thể thấy được mình qua người khác. Thường những ai nóng nảy thấy người nóng nảy rất ghét, tại vì đó là nhân ảnh của chính mình. Mình hay nổi cáu nên thấy ai nổi cáu là nhập vai liền. Vì mẫu mã đó nằm trong bụng, nên mình biết nhanh lắm.
Do tính tương ưng, nên ta có thể nhận ra những ưu khuyết của mình thông qua đường nét của người khác. Như người hay khóc thấy kẻ khác khóc là khóc theo liền, người hay buồn thấy người khác buồn là buồn theo liền. Chưa chắc mình hiểu được tâm trạng của người ta, nhưng vì hạt giống này đã có nơi mình, nên gặp duyên phù hợp là bén rễ ngay. Tại sao biết người ta buồn mà mình tội nghiệp, tại vì mình đã từng buồn. Người ta khóc tới đâu, mình khóc tới đó nhưng khóc theo tâm trạng của mình. Ta ghét cái tật nào nhất là biết ta vướng cái tật đó nhiều nhất. Đa phần người nói nhiều không thích người nói nhiều mà thích người nói ít. Người thật thà hay đi kè với kẻ lanh lợi. Chúng ta có thể tự soi rọi mình qua những hình ảnh đó mà sửa đổi, tu tập.
Nhận ra tập khí nào xấu, chúng ta trừ đi thì nó hết. Chủng tử xấu không còn sẽ hiển lộ tâm thanh tịnh, trong sáng của mình. Thật ra lực tu chưa mạnh nên mình không dám buông. Vì quá chấp, ta không chịu tháo gỡ, buông bỏ, làm cho nghiệp tập càng sâu, sự việc càng rối. Sống trong gia đình gây gỗ giận nhau liên miên, do vì các Phật tử không ứng dụng lời Phật dạy. Ta biết mình là chủ nhân tạo nghiệp và lãnh quả, vậy sao không tạo nghiệp tốt? Nếu sống trong sự tỉnh thức, bản thân mình an vui, gia đình cũng an vui, đó là nhờ Phật chất toát ra trong cuộc sống.
Chúng ta tu theo Phật trước phải đem lại sự an lạc cho bản thân, phải điều được hơi thở của mình. Hơi thở đã vì mình làm việc bao nhiêu năm nay, xin cho nó có những giây phút bình lặng. Ta hãy thở từ từ, đừng có dồn hơi thở vào đường cùng, tội nghiệp nó. Trái tim ta cũng vậy, cần được điều hòa để làm việc dài lâu, đừng ép nó đập nhanh quá. Đừng để cơn giận làm chết thân tâm, trong khi cơn giận đó là giả, ta không giận cũng được. Tâm lý con người vô cùng phức tạp, trong khi không cần thiết phải như thế. Cứ đơn giản đi cho dễ chịu. Ví như hai huynh đệ giận nhau, thật ra người nào cũng muốn hòa. Nhưng khi gặp gỡ, sắp nói lời hòa, bỗng dưng tự ái xen vô nên cả hai đều làm mặt lạnh. Trong lòng muốn xử sự với nhau thật trí tuệ, nhưng đối duyên xúc cảnh lại si mê. Sao ta lại để vô minh lấn lướt trí tuệ, sao không mạnh dạn lấy ánh sáng soi đường, tội gì mà đi trong đêm tối như thế.
Người tu Phật phải là kẻ chán đời chăng?
Cho nên giữa hai vị giận nhau, ai xin lỗi trước, người đó thắng. Thắng đây là thắng cái bản ngã của mình. Thử hỏi ta là gì giữa cuộc đời này, chẳng qua cũng chỉ là cát bụi hợp thành, có giá trị chi mà lại làm cao như thế. Cho nên chỉ cần mở rộng tâm ra thì sống rất an lạc, hạnh phúc. Một khi ánh sáng trí tuệ thắp lên, thì tập khí bao đời đều được tiêu trừ.
Chỉ cần tỉnh giác thắp lên ánh sáng trí tuệ chúng ta sẽ sống được với hiện thực, không đánh mất chính mình.
Chúng ta có duyên gặp nhau trong hội Phật, học Phật, tu theo Phật chưa đủ mà còn phải hiểu Phật. Hiểu Phật không chỉ hiểu trên giáo pháp Phật dạy, mà còn hiểu lại chính mình. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật, vâng làm theo lời Phật dạy, cố gắng tu tập để thành tựu giác ngộ giải thoát như đức Từ phụ.