Kiến thức
Tu trong cảnh động mà lòng không động - Đó mới thực sự tu hành!
Thứ năm, 25/06/2022 09:14
Tu hành, không nhất thiết phải ở trong cảnh tịnh, cũng có thể tu trong cảnh động, cảnh động nhưng lòng không động, đó mới thực sự tu hành.
Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai”, nghĩa là tất cả các bậc Thánh hiền có thể chuyển được vạn vật mà không hề bị vạn vật chuyển, tùy tâm được tự tại, chốn chốn đều chân như.
Kẻ phàm phu chúng ta bị vọng tưởng làm chướng ngại, nên mới bị cảnh chuyển, giống như ngọn cỏ đầu tường, khi gió đông thổi lại thì ngã về hướng tây, gió tây thổi qua thì ngã về hướng đông, không thể tự làm chủ được mình.
Có người suốt ngày nhởn nhơ biếng nhác, không để tâm đến việc tu đạo; tuy cũng hành trì nhưng lúc có lúc không, ngày chồi ngày hụp, thường lẩn quẩn trong vòng mừng giận, buồn vui, phải trái, não phiền.
Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt, sáu căn luôn rong ruổi theo sáu trần, chưa từng tỉnh giác phản chiếu lại mình; niệm niệm chạy theo nào là xanh vàng đỏ trắng, già trẻ trai gái v.v..
Không bị hình tướng bên ngoài đánh lừa, ta sẽ không đau khổ
Gặp điều vừa ý hợp nhãn khởi tâm vui mừng tham đắm; đụng chuyện trái ý nghịch lòng sanh tâm buồn phiền chán ghét, lòng thường khởi lên vọng tưởng.
Người vọng tưởng nhẹ, còn có thể để tâm tu đạo, làm thiện sự; người vọng tưởng quá nặng, sanh khởi vô số niệm tà bất chánh, lòng đầy uế trược, loạn tạp, đến nỗi không còn thuốc chữa.
Trong Kinh Kim Cang cũng nói: “Ưng như thị giáng phục kỳ tâm” (nên như thế mà giáng phục tâm mình – tức trụ tâm vào không chỗ trụ).
Hay như cách nói của Nho gia: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị.” (Tâm không đặt vào đó thì tuy nhìn nhưng không thấy, tuy nghe nhưng không biết, tuy ăn nhưng không cảm nhận mùi vị của thức ăn).
Nhà Nho khi nổi giận còn có thể làm chủ được mình, không để cho cảnh chuyển như thế; huống chi chúng ta là con nhà Phật, sao không nghĩ đến việc sanh tử cấp thiết như cứu lửa cháy đầu mà buông bỏ các duyên, tinh tấn tu đạo, lợi dụng cảnh động để rèn luyện, khảo nghiệm bản thân cho đến khi tâm không còn chạy theo trần cảnh, có được thành tựu trong sự hành trì.
Tu hành, không nhất thiết phải ở trong cảnh tịnh, cũng có thể tu trong cảnh động, cảnh động nhưng lòng không động, đó mới thực sự tu hành.