Sách Phật giáo
Tự truyện một người tu (P.1)
Chủ nhật, 28/04/2015 05:36
Tôi có ý nghĩ viết thành tập sách này vào đầu năm nay (1997), nhân kỷ niệm mười năm tôi được xuất gia học đạo. Mười năm thường là cái mốc thời gian đáng nhớ cho những sự cố gì xảy ra trong một đời người. Sự cố ấy mang ý nghĩa của đổi thay dù sự đổi thay đó mang tính cách thế tục hay xuất thế.
LỜI GIỚI THIỆU
Trong mùa An cư kiết hạ năm nay (1997) tôi đang viết tác phẩm thứ 23 về sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam tại Âu châu qua khóa giáo lý kỳ 9 tổ chức tại Dallenholen, gần Munchen, miền Nam nước Đức. Lại nhận được bài và thư của Hạnh Nguyện gởi về từ Ấn Độ. Hạnh Nguyện là đệ tử xuất gia của tôi cách đây mười năm về trước và nay đang ở tại Ấn Độ, tu học tại tu viện Sera theo trường phái Tây Tạng.
Cha mẹ nào không vui khi thấy con cái mình khôn lớn, và thầy cô nào lại không mừng khi thấy đệ tử của mình đã bắt đầu những bước đi vững chãivào trong nền tảng giáo lý của đức Như Lai? Vì vậy cầm tập bản thảo trên tay, tôi cố mở từng trang và đọc lại thật kỹ mấy chương sách này. Đẩu tiên tôi lưu ý đến ý tứ và câu văn, sau đó đến lỗi chính tả, các dấu hỏi, ngã, t, c....
Thầy Hạnh Nguyện xa quê từ nhỏ, nên cách cấu tạo câu văn, viết gồm nhiều mệnh đề phụ, dài lê thê, đọc muốn đứt hơi luôn. Do đó, tôi phải chấm, phẩy thêm nhiều đoạn để chia câu văn ra cho có ý tứ hẳn hoi, để người đọc khỏi mỏi mắt.
Đọc mấy chương nói về mình, thực sự tôi cảm động. Vì những gì mình đã làm cho đệ tử lúc ban đầu, không ngờ trong cái dạy tận tụy ấy, lại kèm theo một sự bất mãn. Nhưng tiếp theo đó, là những sự tìm tòi học hỏi và khi quay lại với chính mình, hóa ra những lời dạy ấy không có thừa và bây giờ đã giúp cho Hạnh Nguyện một hành trang nho nhỏ đi vào đời và muốn mang ý Đạo truyền vào mạch sống tâm linh ấy.
Người xưa thường nói: “Thơ trung hữu ngọc”. Nghĩa là trong sách có chưa nhiều món quý. Món quý đây là giá trị tinh thần mà người viết muốn gửi gắm đến mọi người đọc sách. Khi đọc một quyển sách, chúng ta sẽ tìm ra được nhiều điều hay ẩn tàng nơi đó, nên gọi là ngọc. Những món đồ quý giá thường không nằm khơi khơi trên mặt đất, mà phải đào sâu vào lòng đất mới tìm được. Cũng như thế đó, chúng ta đi tìm đạo giải thoát đâu phải chỉ cần thời gian một ngày, một năm, mười năm hay một đời người mà được, nhiều khi còn đổi cả sinh mạng này, nhưng vẫn chưa tìm ra đạo kia mà! Vì lẽ ấy, người đọc sách và kẻ viết sách là hai tâm hồn giao thoa với nhau, để đôi bên cùng có lợi cho sự hiểu biết của mình,thì quyển sách ấy mới có giá trị.
Đây là quyển sách mà tác giả đã gởi hết tâm tư tình cảm của mình vào đó. Nhất là đã giới thiệu cho những từng lớp trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, một cái nhìn rất thực tế về cuộc đời và môi trường sống; nhất là khi đã có ý định đi xuất gia, thì tập sách cũng chưa phải là kim chỉ nam; nhưng nó sẽ mang lại cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống của người tu hành trong thế giới vật chất ngày nay cũng có được vài một hiểu biết cần thiết.
Tôi không có dịp đọc được hết quyển sách, vì thầy Hạnh Nguyện chỉ gởi về cho tôi mấy chương đầu. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với lối hành văn sáng sủa ấy, các chương sau cũng sẽ gởi đến quý độc giả những điều hữu ích hơn.
Viết lời tựa cho một quyển sách, mà quyển sách ấy lại do đệ tử của mình viết, tôi không nghĩ rằng “mèo lại tự khen mèo dài đuôi”, mà ở đây quý độc giả nên lãnh ý quên lời, dầu cho lời giới thiệu có hay ho, bóng bẩy đi chăng nữa.
Không điều gì quan trọng bằng nội dung của quyển sách mà tác giả muốn gởi đến quý vị và mong muốn rằng sau khi đọc sách xong, gấp sách lại, còn lại cái gì đó nơi cõi lòng của quý vị, điều mà tác giả muốn gửi đến.
Mong lắm thay.
Viết vào ngày sinh nhật 28.06.1997
Tại thư phòng chùa Viên Giác – Đức quốc.
Thích Như Điển
LỜI MỞ ĐẦU
Tôi có ý nghĩ viết thành tập sách này vào đầu năm nay (1997), nhân kỷ niệm mười năm tôi được xuất gia học đạo. Mười năm thường là cái mốc thời gian đáng nhớ cho những sự cố gì xảy ra trong một đời người. Sự cố ấy mang ý nghĩa của đổi thay dù sự đổi thay đó mang tính cách thế tục hay xuất thế. Trong đạo thầy đã dạy tôi rằng: "Sau một thời gian tu tập con cần nên cứu xét lấy mình, ngắn thì mỗi năm, dài thì năm năm, mười năm. Sau khoảng một thời gian dài ấy mà con thấy có niềm tin hơn, ý chí hơn trong sự tu tập thì đó là con đã tiến bộ. Giảm niềm tin, thiếu tinh tấn chính là con đã lui sụt. Tu tập mà không tiến bộ tức là thua sút, yếu hèn, phụ bạc công ơn thầy tổ nuôi nấng và sự thọ nhận cúng dường của đàn na thí chủ".
Ngẫm nghĩ lại tôi cũng thấy mình phải cần nên viết một cuốn sách như thế này dù rằng đời tu tôi chẳng có gì đặc biệt. Viết đây không phải để trình bày cái mình và khoe mình mà viết đây là tôi muốn trình bày tâm trạng và kinh nghiệm của một người trẻ xuất gia ở hải ngoại đã trải qua những chặng đường thử thách của mười năm. Mười năm nếu chỉ tu suốt cùng với thầy trong một ngôi chùa thì chắc cũng chẳng có nhiều để nói, nhưng mười năm qua của tôi là mười năm của một kẻ lãng tử giang hồ lấy phi cơ làm bạn, lấy xứ này chốn kia làm nhà nên người than phiền cũng lắm mà kẻ chê trách cũng nhiều; thế nên viết cũng là một cách nói và kể lại một đoạn đời đã qua. Sách viết về đời tu của một người tăng sĩ tu ở Việt Nam thì cũng đã có một vài cuốn như: Cuộc đời của người tăng sĩ, thầy tôi viết; một vài tập truyện khác: Núi xanh mây hồng, Phương trời cao rộng, Bụi đường, Ngõ thoát v.v... của Vĩnh Hảo, cuốn Như dòng ý thức của Thượng tọa Bảo Lạc bên Úc v.v... Nhưng thật ra chưa có một cuốn nào được viết bởi những tăng sĩ trẻ được xuất gia tu học ở hải ngoại cả.
Họ vì sao xuất gia? Muốn những gì nơi đời sống tu hành? Sống ra sao và có những thử thách thế nào trong đạo cũng như ngoài đời đối với họ? Họ quan niệm thế nào đối với những cám dỗ của cuộc đời? Có phương pháp và cách tu gì để đối trị với những phiền não và vô minh bên trong? Sự khước từ hưởng thụ cuộc đời để đi tu sẽ dẫn đến đâu? Có ích lợi gì.v.v... Đó là những điểm mà tôi muốn viết về mình như là một ví dụ thay cho những người trẻ khác khi có tâm chí xuất trần.
Đời sống của một người xuất gia là một đời sống cao đẹp nhưng rất đầy rẫy những thử thách và cám dỗ. Người xuất gia ở Việt Nam phải chịu đựng sự thử thách với cái khó khăn và nhiều khổ cực trong chùa. Người xuất gia ở hải ngoại thì lại chịu đựng nhiều cái quá tiện nghi và bề bộn công việc trong chùa. Ở hai mặt đều có những tính chất tiêu cực của nó, vì theo tôi đời sống của người xuất gia là đời sống của văn, tư và tu. Văn là sự học hỏi Phật pháp, tư là sự tư duy và chiêm nghiệm những điều đã nghe và học và tu là thường xuyên quán tưởng và đem áp dụng những điều mình đã tư duy chiêm nghiệm ấy vào sự tu tập hành trì của mình trong đời sống hàng ngày. Ba pháp văn tư và tu ấy đòi hỏi bên cạnh một thời gian thư thái, quang cảnh nhẹ nhàng và một vị thầy đầy lòng bi mẫn, thương xót khuyên nhấc đệ tử gắng công tu học. Người ta có thể cho rằng tu thì trong trường hợp nào tu cũng được, dù cực khổ, khó khăn hay bận rộn đến đâu. Nhưng dẫu biết rằng chịu khổ cực cũng là tu, khó khăn cũng là tu, bề bộn công việc cũng là tu, cái gì cũng là tu hết nhưng biết cách tu hơn một chút, có thời gian tư hơn một chút, sống nhẹ nhàng thánh thoát hơn một chút, được nghe Phật pháp, được dạy bảo, khuyên răn nhiều hơn một chút thì sự tu hành sẽ có lẽ tốt đẹp hơn, đỡ nhàm chán hơn và người đó sẽ đủ vững niềm tin hơn để có thể đi suốt đoạn đường tu hành của họ.
Rồi bên cạnh là trăm thứ cám dỗ khác mà người tu phải giáp mặt trong đời sống hàng ngày giữa một xã hội vật chất Tây phương. Cám dỗ thì vô vàn, nhưng đại loại không ngoài những cái chính như: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghĩ tình yêu, tình dục.v.v... Đây là những thứ làm ngươi tu sa ngã và thất bại nhiều nhất trong đời sống tu hành của họ dù người đó có chính thức hoàn tục hay không, nhưng nếu bị đắm nhiễm và vướng vào thì cũng xem như là thất bại rồi.
Những thứ cám dỗ mà tôi viết ra trong sách này không phải là những chỉ trích: chê bai khi mà tất cả con người chúng ta đang sống và đắm nhiễm trong đó. Tôi chỉ viết với những nhận định và cảm tưởng cá nhân của một người tu khi nhìn về nó. Đây là cách nhìn và quán chiêu để tu tập, giữ tâm hầu tránh sự việc là bị đắm nhiễm và vướng mắc vào. Dĩ nhiên trong sự tu hành của một người tu tôi cần phải nhìn những thứ cám dỗ ấy càng tiêu cực, càng xấu xa càng không che mắt được tôi và quyến rũ tôi dưới bất cứ hình thức nào. Vậy nên cái nhìn và sự quán chiếu những thứ cám dỗ ấy là xấu xa, tội lỗi sẽ không phải cái nhìn, quán chiếu và xem những người đang vướng vào những cám dỗ ấy là xấu xa, tội lỗi và đáng khinh thường. Một khi biết rằng tôi đã và đang tróc vây trầy da khi cố gắng vượt thoát những cám dỗ ấy và bao nhiêu người chưa thể vượt thoát được, thì tôi sẽ có lòng cảm thông để tìm cách chia sẻ, khuyên lơn và ban bố những kinh nghiệm khó khăn mà tôi đã vượt qua. Lời thầy Nhất Hạnh nói: "có hiểu mới thương" có lẽ rất đúng trong trường hợp này.
Mục tiêu tối hậu của đời sống xuất gia là sự giải thoát, giải thoát ngay trong đời này chứ không phải là chỉ qua những lời cầu nguyện giải thoát và nghĩ rằng giải thoát chỉ có thể đến với mình vào những kiếp sống tới. Một người xuất gia mà không tin mình có khả năng giải thoát và có thể giải thoát ngay trong đời này là một người xuất gia đáng bị la rầy và khiển trách. Nhưng đối với mục tiêu tối hậu là giải thoát của người xuất gia thì trên con đường đi đến mục tiêu ấy, những công việc mình làm mình nói, mình suy tưởng cũng phải mang những ý nghĩa, giá trị và lợi ích cho mục tiêu giải thoát của mình. Không hàm mang tất cả những điều này thì có thể là ta đã đi chệch hướng mà ta từng phát nguyện lúc ban đầu.
Nếu những người tu sĩ ở Việt Nam trước khi đi xuất gia, họ có những thao thức, băn khoăn về nổi thống khổ, cơ cực của kiếp người, của chúng sinh trong vòng luân hồi, thì những người trẻ ở hải ngoại khi đi xuất gia, họ cũng có những thao thức và băn khoăn về nỗi quá sung sướng, hưởng thụ đến sa đọa đời sống vật chất tiện nghi và biết rằng đây chỉ là mầm của những sự tái sinh thấp kém sau này, thì chúng ta những người xuất gia ở hai phương trời đã có cùng chung một ý thức hướng thượng như nhau. Đó là hướng về sự giải thoát khổ đau, dứt bỏ luân hồi ngay trong kiếp sống này của mình và sẽ tìm cách dứt bỏ luân hồi cho những chúng sanh khác trong tương lai. Dĩ nhiên trong những hoàn cảnh và môi trường nào cũng có những điểm ưu và khó khăn riêng của nó, nhưng cái khó khăn của người xuất gia và tu ở hải ngoại là cái khó khăn giáp mặt và phải đi vào cuộc đời. Họ phải học, phải biết, phải hiểu và cảm nhận nhiều hơn là cái học, hiểu, biết thường tình của thế gian kìa, còn không thì họ không thể sống, tu, làm việc và độ những con người thời đại chỉ tin vào những cái gì mà họ nghe, thấy biết qua chính bản thân họ và phần lớn tin vào đời sống vật chất và sức mạnh của đồng tiền. Người tu ở hải ngoại nếu không có sự biết, hiểu và cảm nhận rõ hơn thế thường thì chính họ cũng sẽ bị xã hội chung quanh, con người và vật chất chung quanh nhận chìm sau khoảng một thời gian tu hành. Cái khó là mình biết mọi sự nhưng không đắm nhiễm, có thể hưởng mọi sự nhưng lại khước từ, có thể và được quyền sống cho mình nhưng hy sinh để sống cho người. Tất cả những việc làm cao quý đây mà mình đang làm không ngoài việc gây nhân cho quả giải thoát giác ngộ sớm được trổ trái và khi nó được trổ trái rồi thì mình sẽ có được lợi lạc và người người cũng sẽ được hưởng phần.
Tôi muốn trình bày nơi đây trong tập sách này một chặng đường đã đi qua với bao thử thách cam go, mà tôi nếu không nhờ có sự hộ trì của chư Phật, của những nhân duyên lành trong quá khứ thì tôi đã sa ngã tự bao giờ. Sa ngã để trở về đời sống phàm tục như xưa thật ra cũng chẳng xấu; nó chỉ nói lên sự thất bại của mình đối với con đường thánh thiện mà mình một thời đã nhất quyết chọn cho được. Kinh nghiệm là một bài học cho ta học hỏi nhất là kinh nghiệm của nhiều sự sai lầm. Nhưng không hiểu sao cuộc đời tu của chính tôi lại có quá nhiều kinh nghiệm sai lầm. Thế nhưng trong nhiều cái sai ấy, tôi được đạo, được các bậc thầy soi sáng để nhìn lại, thấy mình hơn và trong sự nhận chân qua những ăn năn hối cải đó, tôi quyết chí muốn trở thành một con người lương thiện hơn, chân chánh và có phạm hạnh hơn trong đời sống xuất gia tu học của mình.
Thế giới ngày nay là thế giới đang đi lên với đời sống vật chất nhưng lại đi xuống với đời sống tinh thần và giá trị đạo đức, đây là một điều đáng lo ngại. Nhưng trên cái đà tiến thoái bộ ấy, vẫn có những nền văn hóa, đạo đức, triết học, tôn giáo và giá trị sống tâm linh tồn tại và hiện hữu. Một trong những gia tài tâm linh của nhân loại, trong đó có đạo Phật đã và đang phát triển mạnh ở các nước phương Tây vì nó đáp ứng và giải quyết được những bế tắc xung đột nội tâm mà con người ở những xã hội văn minh này dầu có đủ vật chất cũng không tìm ra lối thoát được cho sự mưu cầu đời sống an vui và hạnh phúc của con người. Là một người được cơ duyên sống trong đạo Phật và được huấn luyện tu học từ cách ăn, nói, suy nghĩ cách đi đứng và làm việc, tôi thấy mình có đủ cơ hội để viết lên những kinh nghiệm đã qua, để mọi người khi nhìn vào đạo Phật, nhìn vào người tu sẽ có một sự hiểu biết đúng đắn để thông cảm hơn. Tuy trong tập sách này có thể chưa bao trọn những điều mà độc giả muốn biết về một người tu, nhưng với tôi thì đây cũng là một sự cố gắng lắm rồi khi trình bày rõ nét trong cái phạm vi hiểu biết hạn hẹp của tôi về đời sống của một người tu. Có thể phần trình bày ít nhiều mang tính chủ quan và cá nhân, nhưng ít ra khi đọc qua, độc giả cũng có cơ hội để biết và hiểu thêm về cuộc đời của một người đã đi tu. Có thông cảm và hiểu biết hơn về một người tu thì đó chính là mục tiêu mà tập sách này muốn gửi gắm.
Tôi thì do chưa từng có dịp và năng khiếu về văn chương nên khi nghĩ đến việc viết tập sách này, không khỏi phần e ngại và cùng lúc khi viết tất không tránh khỏi nhiều lỗi lầm và va chạm. Mong người đọc cảm được ý mà bỏ qua cho những sơ suất đáng tiếc.
Lời cuối con xin đê đầu đảnh lễ Thượng tọa Bổn sư thượng Như hạ Điển, người đã ban cho con sự dạy dỗ, thương yêu và tạo cho con nên người như ngày nay. Con cũng xin đê đầu đảnh lễ chư tôn đức trong giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Âu châu, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức tăng, ni khác đã ra công dạy dỗ, khuyên bảo và sách tấn con trên bước đường tu học. Không có thầy, chư vị cao đức thì con mãi mãi sẽ không có ngày hôm nay, ngày mà con đang được mặc chiếc áo xuất gia, được ngồi yên tu học, được những sự hiểu biết của Phật pháp để rồi thấm sâu niềm tin, phát nguyện hạnh lớn và tâm tâm niệm niệm gắng công tu hành để đền đáp ơn quý thầy, chư tổ, mười phương chư Phật cùng khắp tất cả vạn loài chúng sanh. Có những công đức lành nào trong sự tu tập, trong việc viết sách này, con xin hồi hướng đến chư thầy tổ, phụ mẫu và vạn loài hữu tình. Cầu nguyện cho tất cả sớm ngộ được trí tuệ bát nhã trong mình và sớm được giải thoát giác ngộ.
Viết xong vào một ngày mùa mưa tháng 6 năm 1997, tại tu viện Sera, miền nam Ấn Độ.
Thích Hạnh Nguyện
CHƯƠNG MỘT
CHÚT KỶ NIỆM THUỞ ẤU THỜI
Sự trưởng thành của một người là sự trưởng thành tâm thức của họ, và tâm thức ấy không thể lưu xuất ra từ sự không hiểu biết. Sự trưởng thành của một người là sự trưởng thành ý chí của họ, và ý chí ấy không thể lưu xuất ra từ việc không chủ ý.
Sự trưởng thành của một người là sự trưởng thành tác lực muốn làm của họ, và việc muốn làm ấy không thể là kết quả của sự tự nhiên.Gurdjeff (1873-1949)
Tôi không ngờ mình đã trở thành người lớn thật sự khi trở lại xóm làng xưa, và lặng lẽ đứng nhìn những em nhỏ đang nô đùa bên lúm cây, hàng phượng vĩ trong sân trường. Những ánh mất hồn nhiên, những nụ cười đong đẩy vẻ ngây thơ tinh nghịch là hình ảnh của tôi một thời trong dĩ vãng. Với con người tôi, dĩ vãng đã như không muốn còn hiện hữu vì cái ký ức mờ nhạt đến bạc bẽo của tôi gần như không thể cho tôi hình dung hay khái niệm bất cứ một điều gì trong cái quá khứ yên bình thuở ấu thời. Chỉ có về lại thấy người, trông cảnh xưa mới làm cho tôi lưu luyến và hồi tưởng được đôi điều.
Nhớ về một kỷ niệm, có lẽ thường là một kỷ niệm nào đó in đậm trong ký ức nơi mình, ở đó nếu không phải là một kỷ niệm đau buồn thì cũng là một kỷ niệm gì thật thú vị giữa hai cảm giác ấy là một dòng tư tưởng nối dài từ bờ mé hiện tại theo về nẻo quá khứ. Có những lúc hồi tưởng lại tôi thấy mình được sảng khoái đê mê trong những ký ức nhạt nhòa nhưng thật kỳ diệu; nhưng cũng có lúc hồi tưởng lại chỉ để thấy đau nhói nơi con tim, và chút vị mặn chát ươn ướt nơi đầu môi, khoé mắt. Trong tâm cảm ấy đôi khi tôi không muốn nhớ về một kỷ niệm, mà muốn nó hãy nằm sâu trong ký ức dĩ vãng của một thời.
Dòng đời quả là một dòng nước trôi chảy không ngừng nghỉ; nó như thật vô tình và có lúc lãnh đạm gần như đến phũ phàng. Nhớ hồi tôi còn nhỏ, tôi say mê và nhìn ngắm những người lớn như ba tôi, má tôi một cách thèm thuồng.
Đối với tôi người lớn quả là một con người kỳ diệu và phi thường. Người lớn có thể làm ra được tất cả vì người lớn có tiền, có của cải, có đầy đủ sức mạnh của sự hiểu biết và do đó người lớn không cần đi học. Thật tuyệt vời làm sao khi tôi thấy ba tôi và má tôi nào có đi học đâu mà vẫn giỏi quá chừng. Người hiểu biết mọi thứ, am tường đủ mọi chuyện và thường kể cho tôi nghe không biết bao là chuyện thần thoại kể cả chuyện "Ngàn lẻ một đêm,".
Am từ văn phòng quân đội về, tôi thường sà vào lòng, tay bá cổ ba tôi và một hai đòi kể chuyện.
Tôi được ba thương nhất nhà, vì tôi có nét riêng giống ba, giống ngay cả cái nút ruồi nơi rốn. Ba tôi thường đem nó và đưa đó làm đề tài để khoe với má tôi. "Thằng này tôi thương nó nhất nhà vì nó giống tôi, ngay cả cái nốt ruồi nơi rốn này. "Tôi lúc ấy thì càng làm lơn, cởi cả áo ba tôi ra để xem có còn cái gì khác, giống nhau chăng?.
Má tới thì nguýt dài và nói lại ờ! ông thương nó quá mà năm trước khi đi đến nhà người bạn, ông cũng để nó lạc đi đâu mất, làm mọi người trong nhà phải một phen náo loạn. "Thì nó lạc rồi cũng còn đó chứ có ai bắt nó đi đâu mà bà sợ." Ba tôi đáp lại với giọng tỉnh bơ, rõ là thẳng tưng đúng điệu bộ của một kẻ nam nhi, một người trai không để cho những tình cảm thường tình của phụ nữ làm lung lạc".
Còn tôi thì lần lạc năm ấy cũng là một kỷ niệm nhớ đời vì lúc ấy khi ba cùng tôi đi chơi thì gặp một người bạn bên đường, ba tôi đã dừng lại và nói chuyện hăng say với người đó rồi sau bỏ tôi lại và cùng ông ấy mà đi. Tôi loanh quanh lạc lõng và sau đó được người ta đưa về một bốt cảnh sát. Lúc ba tôi về nhà và má tôi hỏi tôi ở đâu, ba tôi mới sực nhớ lại là đã bỏ quên tôi bên đường. Cả nhà tôi quýnh lên và thông báo đến tất cả đồn cảnh sát trong vùng, sau mới biết được tôi đang ở một trạm nọ. Khi ba tôi đem xe ra rước tôi về, lúc ấy hình như tôi cũng còn tỉnh táo lắm, mắt giương tròn xoe nhìn ba với tay khư khư còn kẹp chặt một túi kẹo trên tay.
Ba tôi là một người cha hiền lành nhưng rất nghiêm khắc, ông sống có chừng mực với chính mình, và ngay thẳng với mọi người. Giữa một đời sống không mấy an ổn trong quân đoàn mà ông sống an ổn. Là một người biết đạo và sống say sưa với đạo, ba tôi đôi lúc gần như quên hẳn những việc làm trong văn phòng, và ngay cả lơ đễnh với gia đình. Má tôi đôi khi thấy phải một mình lo lắng chu toàn mọi việc trong nhà, bà bực mình gắt gỏng vì tính vô tâm của ba tôi, nhưng ông chỉ cười xòa cho qua chuyện.
Một thời gian sau, ba tôi tìm được một người giúp việc cho gia đình.
Tôi không biết nhân duyên nào đã đưa ba tôi vào con đường hiểu đạo, và tu tập sống một cuộc đời đạo hạnh như vậy Chỉ nghe má tôi nói lại rằng, ba tôi đã hiểu biết Phật pháp trước khi lập gia đình với má tôi, và người còn muốn cả việc xuất gia đi tu. Má tôi đã khóc lóc nhiều ngày, năn nỉ ba tôi ở lại, và rồi có lẽ không đành lòng với nước mắt của hàng nữ nhi, ba tôi thua cuộc và bỏ ý định đi tu kể từ đó. Những năm sau này khi nghe má tôi kể lại chuyện như vậy tôi mới thấy rằng sự ràng buộc bao giờ cũng có cái giá của nó, nhất là sự ràng buộc vào trong đời sống gia đình vợ con. Một khi đã buộc rồi thì mấy ai có thể thoát được.
Rồi không phải vì có gia đình và bận việc trong quân ngũ, mà ba tôi lơ là với việc đạo, ông cũng dành nhiều thời gian cho sự nghiên cứu học Phật, và thực hành thiền tính mỗi ngày. Ba tôi tu tập rất cao, giảng pháp và làm thơ cũng hay đáo để nên số người theo ba tôi để nghe ông và học đạo cũng nhiều vô ngần. Má tôi ngày nay còn giữ lại hàng mấy trăm bài thơ đạo mà ba tôi đã là lại từ thuở nào. Theo má tôi thì ba tôi có lẽ đã có một sự ấn chứng nào đó nơi đạo, qua đời sống và sự hành trì của người, và bà cũng kể lại rằng trong sự tu tập thiền định, ba tôi đã có lúc nhập định đến ba ngày liền mà không ăn, không uống. Ba tôi thật là giỏi, dưới đôi mắt tôi lúc bấy giờ, ba tôi quả là một con người vĩ đại.
Ngày tôi ra đời cũng là ngày mà ba tôi buộc cả nhà phải ăn chay trường, má tôi kể lại như vậy. Má tôi nói, hôm tôi ra đời những ngọn đèn trong nhà bỗng vụt sáng lên một cách lạ thường, nên ba tôi cho đó là điềm lành và ông đã buộc cả nhà phải ăn chay trường kể từ đó. Sau tôi và các em kế tiếp, cả gia đình tôi đều ăn chay cho đến khi ba tôi mất là năm tôi được 8 tuổi, má và các em tôi mới trở lại việc ăn mặn như trước. Riêng tôi thì không hiểu vì sao vẫn không thể nuốt được những món mặn, nên đã giữ sự chạy lạt ấy mãi cho đến tận bây giờ. Là một con người mẫu mực, ba tôi luôn lấy mình làm gương cho cả gia đình, ông ăn chay thật tình và không hề luyến tiếc những đồ mặn mặc dù có đôi lúc những người lính của ba tôi đem cho một số thịt nai hoặc thịt của một con heo rừng nào đó khi họ đi săn được. Không nể chút tình nào, ba tôi vẫn một lúc chối từ.
Một con người mẫu mực như thế ấy, lại sớm ra đi khỏi cuộc đời tôi khi tôi còn quá bé bỏng. Mới có 8 tuổi đầu tôi có biết gì đâu khi má tôi được hung tin rằng ba tôi đã bị mất tích trong chiến trận, khi một vài người lính chạy thoát khỏi trận đánh ấy trở về và thuật lại. Má tôi thì xỉu khi được nghe tin này, còn tôi lúc ấy nào cảm nhận được những gì rõ rệt lắm đâu, chỉ biết khóc to lên khi mọi người xúm xít lại nâng đỡ má tôi. Kỷ niệm sau cùng của tôi đối với ba là chút kỷ niệm về câu chuyện "Ngàn lẻ một đêm," đoạn một chàng hoàng tử nọ đi dò dẫm trong một khu rừng ma quái từng hóa người thành đá, để cứu công chúa.
Sự mất mát của ba tôi cũng là sự mất mát của tất cả. Tôi cùng anh chị em khác trong nhà không còn được sung sướng sống trong một căn nhà rộng rãi và tiện nghi ấy nữa.
Đó là căn nhà thuê và má tôi buộc lòng phải trả lại, khi không thể trả đủ với số tiền tử tức ít ỏi mà má tôi nhận được sau sự ra đi của ba tôi. Các anh chị tôi trong nhà phải lao đao, làm lụng giúp má tôi buôn bán thêm để kiếm sống qua ngày và sau cùng nhờ trời Phật thương, má tôi cũng tìm mua được một căn nhà nhỏ khác với số tiền tử, và qua tháng năm cực khổ dành dụm trong các việc làm.
Dưới sự hy sinh lớn lao của má, tôi và các anh em trong gia đình vẫn có được một cuộc sống tạm ổn. Sau những tháng năm đầu anh chị tôi phụ giúp má trong các việc buôn bán, mọi chuyện rồi cũng êm và anh em chúng tôi ai nấy đều được đi học lại. Học hành cũng là một truyền thống của gia đình tôi vì ba tôi đã từng một thời làm thầy giáo, và má tôi thì văn thơ lỗi lạc cũng không phải là kém.
Trong những tháng ngày sống và học hành của tuổi thơ, tôi sống và vui đùa hồn nhiên. Chơi thì cũng dữ mà phá phách thì cũng chẳng kém những đứa bạn cùng thời. Trong các trò chơi tôi thích nhất là trò chơi đá dế. Đá dế với tôi là một thú vui ghê gớm nhất là khi phần thắng thuộc về những con dế của tôi. Tôi thường đi bộ rất xa để bắt dế, có ngày đi hàng mười mấy cây số, ra các cánh đồng tìm tòi, đào bới đổ nước vào các kẽ nứt của đám ruộng mà bắt.
Những con dế tôi chọn thường là những con dế lửa đỏ au, hoặc những con dế than màu đen óng ả. Những chiến công mà các chú dế đem về đã là những nguồn vui vô tận. Má tôi thấy tôi đam mê dế quá đôi khi quên cả bữa cơm nên cũng có rầy la: "nhà mình là nhà ăn chay, sao con ác quá vậy để nó cắn nhau, nó chảy máu và chết thì làm sao? "Tôi đâu chịu thua cãi lại má tôi: "Tại vì nó thích cắn nhau nên con để nó cắn nhau chớ bộ! Má xem nề, tôi dơ con dế lên trước mặt má tôi, nó đâu có bị chảy máu đâu. Anh con chơi đá gà nó mới bị chảy máu chứ."
Má tôi nghe tôi lý luận kiểu đó thì chỉ biết cười trừ. Bà thông cảm với cái niềm vui nhỏ nhoi của con bà.
Tôi đam mê chơi trò đá dế bao nhiêu, thì anh tôi mê trò đá gà bấy nhiêu. Những con gà nòi to tướng không biết tự ở đâu mà anh tôi mang về, và chăm sóc nó rất cẩn thận.
Lo cho nó từng miếng ăn, từng nước uống và tắm rửa lau chùi mồ hôi cho nó nữa. Tôi thì không thích những con gà đó vì anh tôi cưng chiều và lo lắng cho nó còn hơn tất cả những anh em trong nhà. Tôi là em kế mà có bao giờ anh ngó đến hoặc hỏi han săn sóc đâu. Vậy mà nó chỉ là một con gà thì lại được chăm sóc, tôi cũng ghét mấy con gà đó vì nó cứ ham đánh nhau, và cứ sau mỗi trận đánh thì thương tích và máu me đầy mình. Anh tôi phải một phen lo lắng như một cô y tá đang thật tình lo lắng cứu chữa cho bệnh nhân. Rồi khi con gà bị đá thua hoặc bị chết, anh rất thương tiếc nó và đem chôn sau vườn. Mấy con dế tôi nuôi cũng vậy, khi nó bị chết tôi cũng đem ra sau vườn chôn cất rất tử tế, và làm cho nó một nấm mồ thật đẹp.
Vào lứa tuổi mười tám, tuy cũng đã là lớn nhưng tôi vẫn chưa có kinh nghiệm gì với cuộc đời. Tất cả đều được má tôi lo và tôi như sống trọn trong sự đùm bọc yêu thương ấy.
Tôi vẫn sống vô tư với những ham muốn tầm thường vặt vãnh. Một chiếc áo mới vào dịp tết, những bao tiền lì xì và đôi khi nghe theo bạn bè lại cố đòi má tôi mua cho được một chiếc xe đạp mới để khoe cùng chúng bạn. Tôi lúc ấy lại chẳng hình dung ra rằng má tôi, một con người có sức nhẫn lớn đã nai lưng ra làm việc bất kể gió mưa để lo cho gia đình tôi được chu toàn, anh chị em tôi được ăn học đầy đủ. Trong một xã hội mà lúc bấy giờ gần như chỉ có những lớp người lớn, đã trưởng thành và có trách nhiệm là chịu cực khổ, còn ở những lớp tuổi học sinh của chúng tôi gần như chỉ biết chơi đùa và học đòi.
Khi thấy đời sống buôn bán có phần khựng lại, má tôi trong cái lanh lẹ cố hữu đã cố tìm cách đưa anh chị tôi đi ra xứ người. Nhờ trời Phật phù hộ, anh chị tôi đã được tàu Đan Mạch vớt và được đi Đan Mạch sau vài tháng tạm trú ở trại Singapore. Sự ra đi thành công của các anh chị tôi là sự thành công của gia đ&igrav