Thứ hai, 20/10/2015 04:57
Hơn ba trăm năm mươi năm du nhập và phát triển, Phật giáo Khánh Hòa luôn gắn bó với đất nước, với dân tộc,với truyền thống văn hóa lâu đời của cha ông, có tinh thần yêu nước, chống áp bức và xâm lược
1.3. Giáo dục Phật giáo ở Khánh Hoà từ đầu thế kỷ XX đến 1975 Sang nửa đầu thế kỷ XX, trong phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra ở Nam kỳ mà trung tâm là vùng Sài Gòn – Gia Định, rồi lan ra Trung kỳ ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, rồi Bình Định, Huế… Riêng ở Khánh Hoà thì Nha Trang là trung tâm của phong trào, mà hồi này chùa Hải Đức, chùa Long Sơn, chùa Hội Phước (chùa Cát)… là những cơ sở của phong trào.
Hơn ba trăm năm mươi năm du nhập và phát triển, Phật giáo Khánh Hòa luôn gắn bó với đất nước, với dân tộc,với truyền thống văn hóa lâu đời của cha ông, có tinh thần yêu nước, chống áp bức và xâm lược. Chính nhờ truyền thống tốt đẹp đó mà khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều nhà sư và phật tử Khánh Hòa đã tham gia phong trào yêu nước của đồng bào trong tỉnh. Các chùa Hội Phước ở Nha Trang, Thiên Bửu ở Ninh Hòa là nơi nhóm họp, hoạt động của những người trong phong trào Cần Vương, Duy Tân. Năm 1900 cuộc khởi nghĩa của nhà sư Võ Trứ ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Định được Tăng Ni và tín đồ Phật giáo Khánh Hòa tích cực hưởng ứng.
Lúc này thực dân Pháp cấu kết với phong kiến tay sai ra sức thi hành chính sách “chia để trị” đã dùng các thủ đoạn lừa dối, mua chuộc nhằm tách Phật giáo khỏi cộng đồng dân tộc. Chúng cho lập ra các tổ chức Phật giáo do chúng chi phối, khai thác mặt tiêu cực như tư tưởng cầu an, mê tín, tư tưởng định mệnh... trong một số tín đồ để lôi kéo họ đứng ngoài cuộc chiến đấu của dân tộc. Nhưng âm mưu của chúng đã thất bại. Một số nhà sư được giác ngộ cách mạng như Hòa thượng Bích Không (còn gọi là Giác Phong đại sư, pháp danh Trừng Đàn, tục danh Hoàng Xuân Đàn, tức Nghè Đàn – có tài liệu ghi Hoàng Hữu Đàng) ở chùa Hải Đức đã hoạt động trước Cách mạng tháng Tám. Trong kháng chiến chống Pháp, ngài đã tham gia Mặt trận Liên Việt Liên khu 4.
Nhiều chùa ở Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh là nơi che giấu cán bộ bí mật, tập họp quần chúng, in truyền đơn và tài liệu cách mạng. Đông đảo nhà sư và tín đồ Phật giáo đã tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành cướp chính quyền trong cuộc khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở Nha Trang. Các nhà sư Thiện Danh, Trừng San, Giác Phong đã huy động tín đồ tham gia cuộc mít-tinh ở sân vận động Nha Trang, chuyển thanh niên Phật tử thành lực lượng dân quân du kích để góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới thành lập. Khi cuộc kháng chiến thực dân Pháp bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh một số nhà sư đã thoát ly theo kháng chiến như sư Giác Phong ở chùa Hải Đức Nha Trang, sư Trừng San ở thị trấn Diên Khánh. Sư Giác Phong đã hy sinh tại Phú Vinh, sư Trừng San bị địch bắt ở Phú Yên. Nhiều nhà sư và Phật tử là cơ sở bí mật của kháng chiến, một số chùa được làm nơi hội họp cất giấu vũ khí, cung cấp lương thực và thuốc men cho bộ
đội. Chùa Nghĩa Phương là cơ sở liên lạc của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tiếp tục truyền thống yêu nước của cuộc kháng chiến chống Pháp, Phật giáo Khánh Hòa đã cùng nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa của Mỹ, chống chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm, chống phân biệt đối xử giữa các tôn giáo. Nhiều Tăng Ni Phật tử là cơ sở cách mạng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đã liên hệ móc nối với cán bộ để hoạt động, một số nhà sư yêu nước đã tích cực tham gia phong trào. Các chùa Thiên Quang, Vạn Thiện, Quang Lộc, Tây Chánh (Diên Khánh), Kim Sơn, Long Sơn (Nha Trang) , Thiên Bửu (Ninh Hòa), Khánh Hội (Tu Bông, Vạn Ninh) là cơ sở tiếp tế, liên lạc của hai cuộc kháng chiến. Đặc biệt chùa Phước Huệ ở Ninh Quang, Ninh Hòa là nơi có vài hầm bí mật, có lúc có trên 10 cán bộ chủ chốt ở tại đây. Ngày 8/5/1963 (tức rằm tháng tư Quý Mão) tại Nha Trang hàng vạn quần chúng trong đó có tăng ni và tín đồ Phật giáo đã xuống đường, kéo về dinh tỉnh trưởng Khánh Hòa với khẩu hiệu: “Yêu cầu Mỹ không hỗ trợ cho chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm”, “Mỹ rút về nước”, “Yêu cầu Mỹ trả lại độc lập cho dân tộc Việt Nam”. Địch khủng bố, bắt giam các nhà sư Đức Minh, Đổng Minh là những người lãnh đạo Phật tử Khánh Hòa để uy hiếp tinh thần quần chúng. Tiếp theo ngày 15/8/1963 quần chúng và Phật tử Ninh Hòa lại biểu tình và Ni cô Thích Nữ Diệu Quang, 27 tuổi đã tự thiêu ở Ninh Hòa để phản đối Mỹ và Ngô Đình Diệm. Trước đó, lần đầu tiên ngày 11/6/1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức, người làng Hội Khánh, Vạn Ninh đã tự thiêu ở ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (Sài Gòn, hiện nay là ngã tư Cách mạng tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) để phản đối chế độ họ Ngô đàn áp Phật giáo. Việc làm đó đã gây xúc động mạnh mẽ trong và ngoài nước, làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng bị cô lập về chính trị.
Sau khi chính quyền họ Ngô bị lật đổ bằng cuộc đảo chính ngày 01/11/1963, phong trào đấu tranh của Phật giáo Khánh Hòa vẫn tiếp tục phát triển. Chỉ tính từ năm 1963 đến năm 1967, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và có tất cả 5 Tăng Ni và Phật tử đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền (Nha Trang: 03 vị ; Ninh Hòa: 01 vị; Vạn Ninh: 01 vị). Dù đế quốc Mỹ và chính quyền thân Mỹ ở miền Nam đã dùng nhiều thủ đoạn để đàn áp, mua chuộc và chia rẽ nhằm làm yếu phong trào nhưng chúng đều thất bại.
Có được những đóng góp trên của Phật giáo Khánh Hoà đối với Đất Nước, theo tôi, chủ yếu là bắt nguồn từ thành quả của giáo dục Phật giáo, biết gắn kết Đạo pháp với Dân tộc.
Nếu bàn riêng về giáo dục Phật giáo thuần tuý thì có thể nói trước và sau năm 1954, tại Nha Trang, các vị danh tăng đã cho thành lập một số Phật học đường và Phật học viện.
|
Chư Tôn Hòa thượng Chứng minh: HT.Thích Trung Hậu, HT.Thích Trí Tâm, HT.Thích Thiện Bình, HT.Thích Như Ý |
Một là, Tăng học đường Nha Trang Tăng học đường Nha Trang được thành lập năm 1952. Đây là trường của Hội Phật giáo Trung phần (hậu thân của Hội An Nam Phật học). Tăng học đường do Thượng toạ Thiện Minh làm cố vấn, Thượng toạ Huyền Quang làm Giám đốc, Thượng toạ Thiện Siêu làm Đốc giáo. Tăng Học Đường Nha Trang là hậu thân của Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn (Huế), từ Phật học đường Báo Quốc chuyển về từ năm 1943. Như vậy, Phật học đường Kim Sơn là bước nối tiếp của Phật học đường Báo Quốc (Huế) được thành lập năm 1935 trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ dưới sự chỉ đạo của Hội An Nam Phật học. Tăng học đường Nha Trang là cơ sở giáo dục Phật giáo tiếp tục duy trì đường hướng giáo dục của Hội Phật giáo Trung phần. Lời diễn từ của Ban Giám đốc Tăng học đường Nha Trang đọc trong dịp lễ mãn khoá năm học 1955 đã khẳng định: “Phật học đường Nha Trang là đứa con chính thống, thừa tự đạo nghiệp của Đại học đường Kim Sơn truyền lại”. Và học đường này chính là tiền thân của Phật học viện Hải Đức được thành lập sau đó không lâu.
Hai là, Phật học viện Trung phần (Phật học viện Hải Đức)
Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Trung hồi nửa đầu thế kỷ XX, bên cạnh hệ thống Sơn môn Học đường do Giáo hội Cổ Sơn môn Tăng già đảm trách, còn có Hội An Nam Phật học với sự hình thành hệ thống An Nam Phật học đường do các vị tân học trong Giáo hội Phật giáo khởi xướng. Các trường An Nam Phật học tại Huế lúc đầu chỉ mở ở bậc tiểu học, về sau phát triển bậc trung học và cao đẳng. Trường đào tạo cả hai chương trình Phật học và thế học nên đã thu hút nhiều học tăng trong cả nước. Tiêu biểu nhất là Phật học đường Trúc Lâm, Phật học đường Tây Thiên, Phật học đường Báo Quốc và Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn. Chính những ngôi trường này là cái nôi đã đào tạo ra những thế hệ cao tăng thạc đức, mà từ thập niên 50 trở đi, các vị đã trở thành những vị lãnh đạo của Phật giáo nước nhà, như các vị danh tăng cố Hoà thượng: Thiện Minh, Thiện Siêu, Trí Quang, Minh Châu… Những vị như cố Hoà thượng Thiện Hoà - nguyên Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang), cố Hoà thượng Thiện Hoa - nguyên Viện trưởng Viện Hoá đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang), cố Hoà thượng Trí Tịnh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều từng theo học từ những ngôi trường Phật học này.
Phật học viện Trung phần được thành lập vào cuối năm 1956, đặt trụ sở tại chùa Hải Đức Nha Trang, toạ lạc trên núi Trại Thuỷ, còn gọi là đồi Thuỷ Xưởng, thuộc phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, chính là bước phát triển nối dài của những trung tâm đào tạo Phật học ở Huế, và là một sự tiếp nối đường hướng giáo dục Phật giáo ở miền Trung trong điều kiện và hoàn cảnh mới. Bấy giờ trong tình hình đất nước bị chia cắt, đời sống kinh tế xã hội gặp khó khăn, nên việc duy trì hoạt động của các trường Phật học gặp nhiều trở ngại, chư vị Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Tăng già và Hội Phật giáo Trung Việt đã thống nhất đi đến quyết định cần phải hợp nhất các Phật học đường ở miền Trung thành một mối, để hình thành Phật học viện Trung phần. Và Nha Trang là địa điểm lý tưởng, hội đủ nhiều điều kiện thuận lợi để chư vị Tôn đức lựa chọn thành lập Phật học viện. Lúc này, Đại lão Hoà thượng Phước Huệ, trú trì Tổ đình Hải Đức Nha Trang đã phát tâm hiến cúng ngôi Tổ đình này và toàn bộ đất đai của chùa cho Giáo hội để thành lập Phật học viện Trung phần đặt tại chùa Hải Đức. Lễ khánh thành và khai giảng khoá đầu tiên đã diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm Đức Phật thành đạo, mồng Tám tháng Chạp năm Bính Thân (1956), dương lịch là ngày 08/01/1957.
Như trên có nói qua,
Phật học viện Trung phần vốn có nguồn gốc từ
Phật học đường Báo Quốc, về sau là
Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn ở Huế và
Tăng học đường Nha Trang.
Lúc mới thành lập, Ban Quản trị được thỉnh cử gồm 06 vị: Viện trưởng: HT Thuyền Tôn (về sau là HT Giác Nhiên), Phó Viện trưởng: TT Trí Quang, Giám viện: TT Trí Thủ, Giáo thọ trưởng: TT Thiện Siêu, Tổng Thư ký: TT Huyền Quang, Tổng thủ quỹ: TT Thiện Minh.
Tôn chỉ và mục đích của Phật học viện là: “đào tạo ra những tu sĩ có giới hạnh nghiêm túc, học vấn quảng bác, tinh thần mềm dẽo, ý chí hùng dũng, an nhiên bình thản khi an cũng như lúc nguy, không chấp cũng không vọng cầu, lấy việc độ sanh làm sự nghiệp, lấy hạnh phúc của chúng sanh làm lẽ sống duy nhất cho đời sống chân thật”.
Khóa đầu tiên quy tụ được 105 học Tăng gồm cả ba cấp Tiểu học, Trung học và Đại học. Chương trình học gồm cả nội điển và ngoại điển. Riêng trong ba tháng an cư kiết hạ, các học Tăng chỉ chuyên tu hành và học nội điển. Chương trình học bằng tiếng Việt, Hán văn là cổ ngữ chính, các môn sinh ngữ phụ gồm: Anh văn, Pháp văn, cổ ngữ Pali và Sankrit. Nội điển gồm kinh, luật, luận, Phật giáo sử, v.v.. Ngoại điển gồm Việt văn và các môn giáo khoa căn bản và cổ ngữ, sinh ngữ.
Giáo thọ sư là những bậc cao tăng tinh thông kinh tạng, học rộng tài cao như các vị: Trí Thủ, Thiện Siêu, Minh Châu, Thiện Ân…, Phật học viện còn mời các học giả cư sĩ trí thức đến giảng dạy như Cao Hữu Đính đảm nhiệm việc giảng giải và biên dịch kinh tạng, dạy Pháp văn và dạy thêm hai môn Sử ký và Địa lý; thi sĩ Quách Tấn, nhà văn Võ Hồng dạy môn Việt văn. Phật học viện còn mời các vị giáo sư từ Sài Gòn ra giảng dạy như Ngô Trọng Anh, Doãn Quốc Sĩ…
Thời gian học tập ở Phật học viện Trung phần là 10 năm gồm một năm dự bị (muốn vào lớp dự bị phải đúng 15 tuổi, học xong Tiểu học), ba năm Tiểu học, ba năm Trung học và ba năm Đại học. Khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo, trình độ ngoại điển của các học Tăng ít nhất là từ Tú tài toàn phần (Tú tài 2) trở lên.
Các ngành đào tạo của Phật học viện gồm: 1. Giáo thọ: Đào tạo những vị tinh thông nội điển, có trách nhiệm giảng dạy giáo lý cho các lớp tiểu học, trung học và đại học tại Phật học viện hoặc được cử đi giảng dạy tại các chi nhánh của Phật học viện. Bên cạnh đó, ngành này còn có trách nhiệm nghiên cứu, dịch thuật, biên soạn những giáo trình cần thiết để phục vụ cho công tác giảng dạy và tham khảo. Đây được xem là ngành đầu não của Phật học viện.
2. Trụ trì: Đào tạo những vị có năng lực về tổ chức hành chính, hướng dẫn phật tử và thông thạo nghi lễ. Các học tăng sau khi tốt nghiệp Phật học viện được phái về thường trú tại các Tự viện các địa phương để hướng dẫn và điều hành Phật sự tổng quát, với tư cách là đại diện cho Phật giáo tại địa phương, phụ trách cả công tác đối nội và đối ngoại. Trú trì cũng có thể đảm trách luôn trách nhiệm giảng sư, nếu địa phương ấy chưa có giảng sư được phái đến.
3. Giảng sư: Đào tạo những vị tinh thông nội điển cũng như những kiến thức xã hội cần thiết, có khả năng diễn thuyết trước quần chúng, đảm trách giảng dạy Phật pháp cho quần chúng phật tử tại các địa phương. Khác với trú trì, giảng sự không thường trú tại các địa phương mà được thuyên chuyển liên tục. Lãnh đạo Phật Học Viện và Tổng Hội Phật giáo còn lên kế hoạch đưa học tăng đi tham học và giảng pháp ở nước ngoài.
4. Giáo sư tư thục: đào tạo những vị hội đủ điều kiện năng lực để đảm trách giảng dạy giáo lý và chương trình ngoại điển ở các cấp tại các trường tư thục Phật giáo, cụ thể là Trường Bồ Đề các cấp và dạy giáo lý cho GĐPT tại các địa phương. Ngoài ra, các vị giáo sư còn hợp lực với Giáo thọ để biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy.
5. Kinh tài: Với quy mô tổ chức lớn như vậy, Phật học viện cần phải có một kế hoạch sinh tài có hiệu quả để duy trì mọi sinh hoạt của Phật học viện, như kiến thiết trường sở, cung ứng những nhu cầu tối thiểu cho học tăng trong quá trình theo học tại Viện. Vì vậy, Ban quản trị quyết định thành lập ngành kinh tài, giao cho những vị thiệp thế, có sáng kiến, có khả năng kinh tài và đã được đào tạo chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phụ trách. Người được Ban quản trị tin tưởng và giao trọng trách này chính là Thượng toạ Đổng Minh. Các cơ sở kinh tài của Phật học viện gồm có Nhà xuất bản Hoa Sen, nhà in Liên Hoa, hãng vị trai Lá Bồ Đề và Hương Giải Thoát, xưởng sản xuất Đèn sáp Giác Ngộ, Thuốc tẩy Phiền não, xà phòng Chân Như… được mở tại Nha Trang và Huế.
Ba là, Tăng học viện Phật giáo Cổ truyền Trung phần (chùa Phước Huệ)
Học viện đặt tại số 27 đường Phước Huệ, khóm Tây Bắc, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, do cố Hoà thượng Thích Bích Lâm thành lập vào năm Kỷ Hợi (1959), với mục đích làm nơi lưu trú, đào tạo tăng tài cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền (Sơn môn Tăng già). Nhân lễ khánh tạ lạc thành Học viện vào năm Canh Tý (1960), Ban Đại diện Phật giáo Cổ truyền Trung phần đã tổ chức Đại giới đàn, suy tôn Hoà thượng Thích Bích Lâm làm Hoà thượng đàn đầu truyền giới. Đồng thời Ban Đại diện cũng đã thành lập Ban điều hành Học viện gồm:
Chứng minh đạo sư
gồm 3 vị: Hoà thượng Trí Thắng, trụ trì Tổ đình Thiên Hưng, Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Tăng cang Hoà thượng Huệ Pháp, trụ trì Sắc tứ Minh Tịnh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hoà thượng Phước Huy, trụ trì chùa Liên Hoa, tỉnh Quảng Ngãi.
Giám đốc Học viện
là Hoà thượng Bích Lâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, Nha Trang, Khánh Hoà.
Giám viện là Đại đức Trí Tâm. Tri sự kiêm Quản chúng là Đại đức Trí Giác.
Học viện khai giảng khoá học đầu tiên vắn năm Canh Tý (1960) có gần 50 vị ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên theo học.
Sau hơn mười năm hoạt động, Học viện đã đào tạo được nhiều vị có đủ trình độ khả dĩ có thể đảm nhận được những công việc Phật sự và đã có nhiều vị được bổ nhiệm trong Ban Trị sự các tỉnh, huyện, thị, thành phố và trụ trì các chùa. Hiện nay một số vị đang đảm nhiệm công tác Phật sự ở trong và ngoài nước. Bên cạnh học viện với nhiệm vụ đào tạo tăng tài, năm Mậu Thân (1968), Hoà thượng Giám đốc Học viện còn cho xây dựng trường Nghĩa thục Vạn Hạnh tại Học viện để dạy dỗ, giáo dục con em nghèo tại Đồng Đế (Vĩnh Hải) Nha Trang, do thầy Trí Bửu làm Hiệu trưởng.
Về sau, do Hoà thượng Bích Lâm do tuổi cao sức yếu, Học viện lại thiếu người điều hành, bởi một số vị được Giáo hội cử đi du học hoặc làm nhiệm vụ trụ trì nơi tự viện khác, nên Hoà thượng đã đưa Tăng chúng về tu học tại Tổ đình Nghĩa Phương. Và Học viện lúc này được đặt tên là chùa Phước Huệ, nhằm tưởng niệm thâm ân của Bổn sư, tức Đại lão Tăng cang Hoà thượng Phước Huệ (Sư ông Hải Đức) là người đã truyền dạy và khuyến khích cố Hoà thượng Bích Lâm trong công việc xây dựng ngôi Tăng học viện.
Bốn là, hệ thống các Trường Bồ Đề Song hành với các Phật học đường, Phật học viện, từ trước 1975 ở các tỉnh miền Nam nói chung và tại Khánh Hoà nói riêng còn có các trường Bồ Đề của Giáo hội Phật giáo với ba cấp học: Tiểu học, Trung học đệ Nhất cấp và Trung học đệ Nhị cấp đặt tại các trung tâm huyện thị: Nha Trang, Ninh Hoà, Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm. Tại các trường này, về chương trình nhà trường giảng dạy theo chương trình khung của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định, đồng thời mỗi tuần có 2 tiết học giáo lý Phật giáo. Đây là đặc thù của trường mà các trường Bồ Đề trong toàn miền Nam phải tuân theo.
|
Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa |
2.
Đến Trường Trung cấp Phật học Khánh Hoà Từ sau 1975 đến trước 1990, trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử - xã hội bấy giờ, có thể nói giáo dục Phật giáo Việt Nam nói chung, giáo dục Phật giáo ở Khánh Hoà nói riêng phần nào bị gián đoạn (nhưng không bị đứt gãy) bởi hoạt động này chỉ diễn ra lặng lẽ nơi các Thiền môn.
Đến năm 1990, cùng với sự đổi mới của Đất Nước, trên cơ sở đề xuất của Ban Giáo dục Tăng Ni trung ương Giáo hội Phật giáo, Hệ thống giáo dục Phật giáo được Nhà nước cho phép tái thành lập bởi công đầu do ngài Hoà thượng Giáo sư Tiến sĩ Thích Minh Châu sáng lập (ngài nguyên là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất) thì từ đó tại các tỉnh thành trong cả nước đã khởi động xin phép lãnh đạo Ban Tôn giáo và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành cho thành lập các trường Cơ bản, Trung cấp, Cao đẳng và Trường Cao cấp Phật học.
Được sự chấp thuận của HĐTS GHPGVN và của UBND tỉnh, Trường Phật học Khánh Hòa, nay là Trường TCPH Khánh Hoà đã được thành lập vào năm 1990, cơ sở đặt tại chùa Long Sơn, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hoà.
|
HT.Thích Trí Tâm nguyên Hiệu trưởng |
Hồi mới thành lập, Hoà thượng Trí Tâm được Giáo hội suy cử cương vị Hiệu trưởng; Thượng toạ Minh Thông giữ cương vị Giám học (giờ Hoà thượng Minh Thông là đương kim Hiệu trưởng). Chương trình học bấy giờ là 4 năm. Những ngày đầu mới thành lập nhà trường không phải là không có thuận lợi, bởi đã có kinh nghiệm giáo dục và tổ chức từ truyền thống của Phật học viện Trung phần trước đó, nhưng khó khăn không phải là ít.
Khoá học đầu tiên năm 1990 được khai giảng trang nghiêm và long trọng tại Chánh điện chùa Long Sơn, dưới sự chứng minh của chư Tôn đức Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Giáo dục Tăng Ni trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh hòa cùng lãnh đạo Chính quyền các cấp. Lúc này, do thiếu thốn về cơ sở vật chất, chưa có giảng đường, lớp học nên phải chia làm hai lớp Tăng và Ni học riêng tại hai nơi. Lớp Tăng học tại Tổ đình Nghĩa Phương, và lớp Ni học tại Ni viện Diệu Quang. Từ khoá 3 trở đi mới tập trung học chung tại giảng đường của trường tại chừa Long Sơn.
Hồi ấy, không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất mà còn thiếu thốn cả về phương tiện dạy và học, thiếu cả tài liệu tham khảo và giáo trình. Về chương trình khung và chương trình cụ thể thì dạy và học theo chương trình do Ban Giáo dục Tăng Ni biên soạn. Vì chưa có giáo trình chính thức nên các vị Giáo thọ sư soạn giảng theo nhận thức riêng của mình.
Khoá đầu tiên được dạy và học trong hoàn cảnh rất thiếu thốn và nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự động viên của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, của chư vị trong Ban Giám hiệu, và sự quyết tâm vượt khó của thầy và trò nên khóa học đầu tiên đã kết thúc viên mãn trong sự hân hoan của chư vị Tôn đức và tăng, ni sinh. Sau 4 năm đào tạo, khoá này tốt nghiệp nhà trường mới được phép tuyển sinh khoá tiếp theo. Đến nay có 6 khoá đã được tốt nghiệp, và đang đào tạo khoá thứ 7 với chương trình đào tạo 3 năm theo quy định mới của Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư. Nhiều vị tốt nghiệp từ ngôi trường này, tiếp tục vào Tp.Hồ Chí Minh hoặc ra Huế học tiếp tại các Học viện lấy bằng Cử nhân Phật học, có vị được du học ở Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, trong đó có nhiều vị đã nhận được bằng Tiến sĩ và có vị trở về quê hương, phục vụ giảng dạy tại ngôi trường này.
|
PGs.Ts Nguyễn Công Lý nhận quà lưu niệm |
Giờ đây, sau 25 năm phấn đấu, Trường TCPH Khánh Hoà đã trưởng thành, cơ sở vật chất khang trang hơn, đội ngũ giáo thọ sư ngày càng có nhiều kinh nghiệm và vững vàng hơn, tủ sách ở Thư viện ngày càng dày dặn và phong phú hơn. Còn gì hân hoan hơn trước sự trưởng thành nhanh chóng này của ngôi trường Phật học thân yêu của chúng ta!
Riêng với bản thân tôi, ngay từ đầu lúc mới thành lập, tôi có cơ duyên được chư Tôn đức lãnh đạo trường mời về giảng dạy ba môn: Văn học, Tập làm văn và Hán Nôm cho tăng ni sinh. Tôi cộng tác với trường từ khoá đầu cho đến hết khoá 3 thì mới nghỉ, bởi từ tháng 2 năm 2004, tôi được Nhà nước điều động về công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, tôi thấm hiểu được những khó khăn gian khổ của nhà trường trong những năm tháng đầu tiên mà thầy và trò đã trải qua.
Nhớ lại hồi ấy dù được phân công giảng dạy các môn thế học, nhưng khi soạn giảng, bên cạnh soạn bài theo nội chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tôi luôn luôn lồng ghép những vấn đề Phật học vào trong bài giảng. Những minh hoạ dẫn chứng cho môn Tập làm văn, những bài khoá môn Hán Nôm, thường thì tôi lấy từ kinh sách Phật giáo, những phân tích văn chương thường tôi lấy từ thi kệ, ngữ lục của các vị Thiền sư Việt Nam hay Trung Quốc. Bởi theo thiển nghĩ của tôi, có như thế mới thể hiện được tính đặc thù của giáo dục Phật giáo. Đây là một khó khăn mà nếu người dạy không có kinh nghiệm và bản lĩnh thì khó có thể thực hiện thành công.
Cũng xin nói thêm, có một Phật sự khác cách đây gần 25 năm, mà việc này không gắn với với Trường Trung cấp Phật học nhưng lại gắn với Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà, mà theo tôi đây là một công việc vừa rất vinh dự lại vừa đầy trách nhiệm và vượt quá sức của bản thân, đó là việc tham gia huấn luyện lớp Dịch Đại tạng kinh Hán tạng sang Việt văn dưới sự chỉ đạo của Hoà thượng Đổng Minh. Bây giờ nhớ lại những ngày tháng ban đầu tham gia công việc này, tôi thấy hồi ấy sao mình liều lĩnh thế! Hồi ấy, Hoà thượng Đổng Minh cho người gọi điện thoại gọi tôi lên Long Sơn gặp ngài có việc. Tôi sắp xếp đến chùa gặp Thầy ngay. Hoà thượng nêu yêu cầu công việc, cụ thể là hướng dẫn các vị Thượng toạ, Đại đức - những người đã có trình độ Hán văn và Phật học, hay đã tốt nghiệp Cao cấp Phật học về cách dịch bộ A Hàm Hán tạng sang tiếng Việt. Tôi ngần ngại không dám nhận, tôi thưa: “Bạch thầy, ở Giáo hội có nhiều vị giỏi Hán văn và Phật học sao thầy không nhờ các vị này, trong khi việc này con lại không am tường cho lắm”, nhưng sau đó Hoà thượng phân tích, động viên và dứt khoát đề nghị tôi phải nhận lời, với lý do tôi có hiểu chút ít về Phật học, biết Hán học và lại là thầy giáo dạy Văn nên có đủ điều kiện để giúp Giáo hội. Tôi đành nhận lời. Ngài còn dặn thêm, khi chuẩn bị bài giảng, nếu gặp khó khăn vướng mắc gì thì cứ tranh thủ gọi điện thoại hay trực tiếp trao đổi, ngài sẽ giúp. Hoà thượng còn đưa cho tôi trọn bộ Phật Quang đại từ điển để tra cứu khi đọc dịch. Tôi có đề nghị trước mắt sẽ lên lớp mỗi tuần một buổi trong 3 tiết. Thú thật, để có thể giảng trong 3 tiết này, tôi phải mất 3, 4 đêm ròng để đọc và nghiên cứu, nghiền ngẫm văn bản, suy nghĩ về cách dịch sao cho đạt, tín và nhã những tư tưởng uyên áo, vi diệu mà Đức Thế tôn đã thuyết giảng trong kinh văn. Vài tháng đầu có bỡ ngỡ, nhưng sau mấy tháng tự học, tự nghiên cứu và khi công việc quen dần, thì tôi đề nghị Hoà thượng cho phép lên lớp một tuần hai buổi. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu này mà sau một năm làm việc dưới sự dìu dắt của Hoà thượng, tôi thấy mình trưởng thành nhiều về tri thức Phật học, về Hán văn, mà có lần tôi thưa với Hoà thượng “Bạch thầy, sau thời gian làm việc, giờ con cảm thấy mình ít nhiều có ‘nội lực tương đối thâm hậu’!”. Ngài cười và bảo: “Nếu quyết tâm và biết phương pháp thì không việc gì không làm được!”. Trong thâm tâm, tôi thầm cảm phục và biết ơn Hoà thượng, dù hiện giờ ngài đã an nhiên thong dong nơi miền Cực lạc.
Đến nay, tôi đã có gần 40 năm nghiên cứu về văn học Phật giáo và trong đó đã gắn bó với giáo dục Phật giáo trên 25 năm. Thú thật với Quý vị, cũng nhờ sự gắn bó này mà hơn mười năm nay, khi vào Sài Gòn, tôi có may mắn được phục vụ giảng dạy các môn văn học Phật giáo Việt Nam ở hệ Cử nhân và hướng dẫn vài luận văn Thạc sĩ Phật học khoá đầu tiên ở Học viện Phật giáo tại Tp.Hồ Chí Minh. Cũng nhờ gắn bó với Phật giáo mà bên cạnh giảng dạy các môn học hay chuyên đề cho các hệ Cử nhân, Cao học và Nghiên cứu sinh về Văn học cổ điển Việt Nam, trong đó có môn văn học Phật giáo Việt Nam ở Khoa Văn học và Ngôn ngữ, thì tôi còn được lãnh đạo các khoa Triết học, Văn hoá học, Đông Phương học của Trường ĐHKHXH & NV – ĐHQG Tp.HCM mời giảng dạy các môn như Tư tưởng kinh văn Đại thừa Phật giáo; Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ; Tư tưởng kinh văn Veda và Upanishad; Phật giáo Việt Nam; Văn hoá Phật giáo…Tại ngôi trường danh tiếng này, tôi đã hướng dẫn trên 40 luận văn Thạc sĩ và gần 10 luận án Tiến sĩ, trong đó có trên 15 luận văn và 04 luận án đều gắn với văn học Phật giáo, văn hoá Phật giáo và tư tưởng minh triết đạo Phật, mà luận án Tiến sĩ Văn học đầu tiên nghiên cứu về tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm được tôi hướng dẫn đã bảo vệ thành công trước Hội đồng cấp Nhà nước là luận án của Thượng toạ Phước Đạt, hiện đang là Phó ban Giáo dục Tăng Ni, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh.
|
Ảnh Kỷ niệm 25 năm thành lập trường TCPH Khánh Hòa |
Tôi nghĩ, phải chăng đó cũng là cái Duyên đối với Giáo hội Phật giáo! Điều tôi muốn lưu ý là đến nay, sau mấy chục năm hoạt động, Ban Giáo dục Tăng Ni và các Học viện Phật giáo vẫn chưa có những bộ giáo trình chính thức dùng chung trong toàn quốc cho từng môn học trong chương trình đào tạo Phật học ở các cấp: Cơ bản, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học. Việc này, từ hai năm nay, Ban Giáo dục Tăng Ni đã và đang khởi động, nhưng xem ra vẫn còn chậm, và chỉ mới bước đầu biên soạn giáo trình cho hệ Trung cấp Phật học, mà tôi được biết đến nay chỉ mới nghiệm thu và chỉ mới xuất bản được một, hai giáo trình! Riêng bản thân tôi, hiện đang mắc nợ Ban Giáo dục Tăng Ni đến hai, ba giáo trình. Mà trong thâm tâm của tôi món nợ này dứt khoát phải trả cho xong vào cuối năm nay, để Tăng Ni sinh có tài liệu chính thức khi học tập và tham khảo.
Cuối cùng xin cám ơn Ban Giám hiệu Trường Phật học Khánh Hòa và Ban Tổ chức lễ kỷ niệm đã tạo điều kiện cho tôi có dịp về lại quê hương, về lại mái trường xưa và cho tôi thời gian có đôi lời thưa cùng Quý vị. Kính chúc chư vị Tôn đức an lạc, kiết tường. Kính chúc Trường TCPH Khánh Hoà ngày càng phát triển bền vững.
Nhân đây, xin kính biếu Thư viện nhà trường một số sách nghiên cứu về Phật học do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo của Trường ĐHKHXH & NV phối hợp với Viện NCPH Việt Nam thực hiện trong mấy năm vừa qua.
Xin cám ơn tất cả.
PGs.Ts.Nguyễn Công Lý, Tp.HCM, đêm 21/9/2015
[1] - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM;
- Sáng lập viên kiêm Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo – Viện NCPH Việt Nam;
- Cố vấn Phân ban Giáo dục; Cố vấn Phân ban Văn hoá hệ phái PG Nam tông Khmer-GHPGVN.
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Trường TCPH Khánh Hòa và truyền thống giáo dục Phật học
Trí Bửu