Kiến thức
Từ tướng dữ thành tướng hiền nhờ tu tập Phật pháp
Thứ hai, 20/09/2023 01:30
Tướng dữ thường bắt nguồn từ tâm sân hận. Nếu trong lòng mình có sự sân hận, bực bội thì điều đó sẽ thể hiện ra bên ngoài qua khuôn mặt và hành động như: đỏ mặt tía tai, phùng mang trợn mắt, nghiến răng nghiến lợi, nói lời thô lỗ, dọa nạt uy hiếp, chửi rủa đánh đập,…
Phật dạy tham, sân, si là gốc của đau khổ, tội lỗi và sa đọa. Ngày nay, chúng ta biết tu học Phật pháp, biết tâm sân là một trong ba nguồn gốc dẫn đến phiền não và khổ đau thì phải cố gắng hạn chế sân hận. Bởi vì:
Sân hận như lửa dữ,
Làm hư hoại dung nhan,
Thiêu đốt cả tâm can,
Cháy tan rừng công đức.
Cái hại của bực tức,
Gây khổ mình và người,
Hiện đời không an lạc,
Thác đọa ba đường ác. [1]
“Sân hận như lửa dữ, làm hư hoại dung nhan”. Có lẽ ai cũng thấy rằng khi giận dữ biểu hiện ra bên ngoài, gương mặt sẽ trở nên xấu đi. Người nào nổi giận thì trông rất dễ sợ:
Mặt em như hoa,
Giận lên thấy già, .
Nhăn nheo, xấu xí,
Còn gì là hoa?
Mặt em đẹp xinh,
Giận lên thấy kinh,
Phùng mang, trợn mắt,
Chẳng ai dám nhìn.
Mặt em hiền lành,
Giận lên dữ dằn, Giống như La Sát,
Chẳng khác bà chằn.
Bình thường gương mặt ai cũng tươi đẹp, nhưng khi sân giận nổi lên, nó xấu xí và hung dữ chẳng khác nào bà chằn. Lửa sân bùng phát còn “thiêu đốt cả tâm can”, làm ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể. Nếu quý vị không tin thì thử nghĩ lại mà xem. Những khi giận lên, tự nhiên người mình cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt không yên như có lửa đốt ở trong lòng. Vì ai cũng đã từng sân giận nên có lẽ chúng ta đều biết rõ điều này.
Một ngọn lửa sân có thể làm “cháy tan rừng công đức”, thiêu sạch tất cả những gì quý giá, tốt đẹp nhất mà bấy lâu nay ta đã dày công gây dựng. Các cụ xưa có câu: “Đốn củi ba năm, thiêu một giờ” chính là ý này. Ba năm mình gom góp củi, thế mà chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể đốt sạch cả đống củi lớn. Thí dụ, khi cơn giận nổi lên, con người thường không làm chủ được lời nói và hành động. Nhất là lúc cơn giận đã lên tới đỉnh điểm thì người ta có thể chửi mắng, đánh đập, thậm chí giết người. Sự tai hại do sân hận mang đến là rất lớn, không những gây ra đau khổ cho mình mà còn gây nguy hại đến tính mạng của người khác. Làm người khác đau khổ như thế cũng chính là làm bản thân mình đau khổ, bởi vì sớm hay muộn chúng ta cũng phải nhận lấy quả báo do những hành động bất nhân mà mình đã gây. Ngài Dhammananda có nói một câu rất hay: “Một số sinh vật không thể nhìn thấy vào ban ngày, trong khi một số sinh vật khác không thể nhìn thấy vào ban đêm. Còn người nóng giận đến cực độ không nhìn thấy gì hết, dù là ban ngày hay ban đêm”[3]. Sân hận sẽ làm mờ lý trí khiến người ta chỉ còn hành động theo bản năng, và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cho nên: “Cái hại của bực tức/ Gây khổ mình và người/ Hiện đời không an lạc/ Thác đọa ba đường ác”. Chúng ta đã biết những tướng dữ chính là biểu hiện của tâm sân, mà như đã nói, tâm sân mang đến rất nhiều tai hại. Đã biết được điều này rồi, chúng ta nên cố gắng bớt dần tâm sân của mình. Đó là tu. Khi tâm quý vị không còn sân hận mà luôn hỷ xả, thương yêu thì gương mặt sẽ trở nên hiền lành, dễ thương, ai nhìn thấy cũng hoan hỷ và muốn thân cận.