Kiến thức
“Tứ y” là gì?
Thứ năm, 25/03/2022 01:56
Trong Phật học chúng ta có bốn nguyên tắc để căn cứ gọi là tứ y...
1. Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh:
Chỉ căn cứ vào kinh liễu nghĩa và không căn cứ vào kinh không liễu nghĩa.
Chúng ta có thể dùng kinh bất liễu nhưng đừng nên cho nó là kinh liễu nghĩa.
2. Y pháp bất y nhân:
Căn cứ vào pháp, đừng nên căn cứ vào người.
Đôi khi có một người tuy đã là giáo thọ nhưng sự thực tập của vị ấy không biểu lộ được Pháp một cách hoàn mỹ.
Có thể vị ấy giảng về uy nghi rất hay nhưng chính vị ấy lại thực tập uy nghi chưa hay gì mấy, thậm chí vị ấy còn hơi khó chịu, nhưng vì vị ấy nắm vững được giáo lý nên mình phải chịu khó nhẫn nại để học cho được giáo pháp mà vị ấy đang có.
Nương vào pháp mà đừng nương vào người, nếu chê người thì mình sẽ mất pháp.
Khi giảng về “y pháp bất y nhân” các Tổ dùng một hình ảnh rất vui: Trong một thùng rác có một viên ngọc. Nếu muốn có viên ngọc thì mình phải chịu, thọc hai bàn tay vào thùng rác bẩn để lấy viên ngọc ra.
Hồi còn là sa di tôi đã được học y pháp mà không y nhân, y vào kinh liễu nghĩa mà không y vào những kinh bất liễu nghĩa.
3. Y nghĩa bất y ngữ:
Nương vào nghĩa lý của kinh mà đừng bị kẹt vào danh từ.
Phải nghe và hiểu được ý nghĩa tiềm tàng trong lời nói.
4. Y trí bất y thức:
Thức là nhận thức, là tâm thức của mình.
Tâm thức đó có thể bị màn phiền não vô minh che lấp nên nó không thật trong sáng.
Khi đã lấy đi được sự giận hờn, si mê, ganh tị thì mình có trí, mình sáng suốt hơn nhiều.
Học hay nghiên cứu kinh bằng tâm thức còn mang nặng đam mê, giận hờn thì sẽ không đạt được.
Vì vậy trong khi học kinh chúng ta phải dùng trí nhiều hơn dùng thức.
Đó là bốn nguyên tắc nương tựa trong khi học kinh gọi là tứ y.
Chúng ta đã nghe nói về phương pháp học hỏi, nghiên cứu.
Người đời gọi là phương pháp học.
Nắm vững được phương pháp chúng ta mới có thể đi sâu và đi xa.
Trích trong : Giảng Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại