Kiến thức
Tượng Đức Phật Dược Sư và những điều Phật tử nên biết
Thứ hai, 16/09/2020 02:22
Tượng Đức Phật Dược Sư không phải là việc ngẫu hứng thích là mua, thỉnh được. Việc mua, thỉnh tượng Đức Phật Dược Sư phải xuất phát từ sự thành tâm của gia chủ muốn thỉnh tượng Đức Phật Dược Sư về nhà để thờ.
Đức Phật Dược Sư là ai?
Theo Phật Giáo tất cả chư Phật, Bồ Tát ứng thân thị hiện ra đời vì lòng thương cứu độ chúng sinh chìm đắm trong biển khổ sinh tử. Vì chúng sinh vô lượng vô biên nên chư Phật cũng thị hiện vô số, tùy theo nghiệp lực, căn tánh của chúng sinh mà các Ngài kiến tạo quốc độ và lập đại nguyện để giáo hóa, đưa chúng sinh thoát khỏi phiền não khổ đau, có đời sống an lạc tự tại. Đức Phật Dược Sư là 1 trong vô số chư Phật có quốc độ và hạnh nguyện riêng của mình.
Dược Sư Như Lai tiếng Phạm gọi là: Bhaisajya-guru Vaidurya-prabharajyah, gọi đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, người ta thường gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Phật. Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chép: “về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.
Hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư
Vì sao có tên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai? Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, nhờ trong khi tu hành Bồ tát đạo phát 12 đại nguyện giải trừ hết thảy bệnh khổ cho chúng sinh, khiến họ đầy đủ căn lành và hướng về giải thoát nên khi thành Phật, Ngài trụ ở thế giới Tịnh lưu ly, trang nghiêm như thế giới Cực lạc, cùng với 2 vị Đại Bồ tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu làm quyến thuộc để giáo hóa chúng sinh.
Bổn nguyện của Đức Phật Dược Sư là trị tất cả trọng bệnh phiền não vè thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ đau. Vì Dược Sư Như Lai có bổn nguyện thanh tịnh như vậy nên ánh sáng trong suốt hoàn toàn thanh tịnh (Lưu Ly Quang) như lưu ly vô ngại hiển hiện trên thân của Ngài, và quốc độ của Ngài cũng như vậy nên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang.
Cũng như các Đức Phật trong mười phương, Đức Dược Sư có đầy đủ thập hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.
Hình tượng Đức Phật Dược Sư
Đức Phật Dược Sư là Tôn chủ của thế giới Tịnh Độ Lưu Ly ở phương Đông. Đức Phật Dược Sư thường được thờ chung với Phật Thích Ca Mâu Ni và A Di Đà, trong đó Phật Dược Sư đứng bên trái còn Phật A Di Đà đứng bên phải Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài có một mặt, hai tay, thân màu sắc xanh lưu ly. Đức Dược Sư Phật an toạ trong tư thế Kim Cương, trên bảo toà nguyệt luân, hoa sen, Ngài có 32 tướng tốt và tám mưới vẻ đẹp.
Ngài khoác trên mình ba tấm y giải thoát. Tay phải trong thế Thí nguyện ấn trì giữ thảo dược, tay trái để ngửa trì giữ bình bát chứa đựng thần dược đem diệu cam lồ diệt trừ vô lượng tật khổ cho hết thảy chúng sinh, thành tựu viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh.
Ý nghĩa danh hiệu Đức Phật Dược Sư và 12 đại nguyện
Bảy tôn tướng của Đức Phật Dược Sư
Đức Phật Dược Sư là một đấng giác ngộ có lòng bi mẫn vô biên đối với hết thảy chúng sinh. Ngài hộ trì chúng sinh tránh khỏi những đớn đau về tâm hồn và thể xác, khỏi những hiểm nguy và chướng ngại, và giúp họ trừ diệt ba độc tố - tham trước, sân hận và si mê – cội nguồn của mọi bệnh tật và nguy hại. Ngài là đấng Y vương Toàn giác.
Theo các Kinh điển Phật Giáo thì Đức Dược Sư Như Lai có 7 tôn tượng. Có thuyết cho là mỗi vị có mỗi đại nguyện và ứng thân riêng từng vị. Có thuyết cho là các Ngài từ nhất thể là Đức Dược Sư Như Lai mà phân thân ứng hiện (ứng thân), danh hiệu của các Ngài là: Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai; Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai; Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai; Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai; Pháp Hải Lôi Âm Như Lai; Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như lai; Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Công đức tạc dựng tôn tượng Đức Phật Dược Sư
Công đức tạc dựng tôn tượng Đức Phật Dược Sư là không thể nghĩ bàn. Tạc dựng tôn tượng Đức Phật Dược sư và trì niệm danh hiệu ngài sẽ diệt đi sự tham lam mà phát tâm bố thí, mở rộng tấm lòng, không còn tham lam, ích kỷ chỉ lo tích cóp cho riêng mình đồng thời luôn chia sẻ, ca ngợi và thực hành bố thí, phát tâm tu học, diệt trừ khổ não, thành tựu giải thoát.
Ngoài ra, nhờ năng lực bổn nguyện của Phật Dược Sư, những chúng sinh tạc dựng tôn tượng và thọ trì danh hiệu Ngài được tiêu trừ tất cả bệnh khổ và thành tựu mọi sở nguyện, sở cầu.
Đức Phật Dược Sư và nghiệp chữa bệnh
Hướng dẫn Phật tử thỉnh tôn tượng Đức Phật Dược Sư
Tôn tượng Đức Phật Dược Sư không phải là việc ngẫu hứng thích là mua, thỉnh được. Việc mua, thỉnh tượng Đức Phật Dược Sư phải xuất phát từ sự thành tâm của gia chủ muốn thỉnh tượng Đức Phật Dược Sư về nhà để thờ. Thờ Đức Phật Dược Sư với tâm hướng luôn luôn mong mỏi lĩnh hội được ngọn đèn trí tuệ của Ngài. Để biết điều đúng sai, một lòng hướng thiện giúp ích cho đời. Chứ không phải để cầu ban phước trừ họa.
Phật tử có thể mua, thỉnh tượng Đức Phật Dược Sư bằng gỗ, bằng gốm sứ, bằng đồng… đều được. Trước khi thỉnh tượng Đức Phật Dược Sư về nhà nên gửi vào chùa làm lễ khai quang điểm nhãn, sau đó rước tôn tượng Đức Phật Dược Sư và làm lễ an vị. Trong những ngày thực hiện việc thỉnh tôn tượng Đức Phật Dược Sư, gia chủ nên ăn chay thanh tịnh, trì tụng thập chú, kinh Phật sau đó thỉnh rước tượng Đức Phật Dược Sư về tôn thờ tại gia.
Mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược Sư
Thờ Đức Phật Dược Sư thì bàn thờ phải trang nghiêm, hàng ngày cần quét dọn, rút bớt chân hương, nếu hoa quả khô héo thì nên thay mới để cúng dường. Vào những ngày sóc vọng (ba mươi, mùng một - mười bốn, mười lăm âm lịch hàng tháng) thì nên sắm sinh nhang đèn, hoa trái trang nghiêm dâng cúng.
Không nhất thiết phải lau tượng mỗi ngày. Chỉ khi nào nhận thấy tượng Đức Phật Dược Sư bị khói bụi bám vào thì mới “tắm” tượng. Dùng một chiếc khăn sạch mới tinh lau tôn tượng Ngài theo hướng từ trên xuống cho đến khi sạch sẽ.
Không nên xức các loại nước hoa thơm cho tượng Đức Phật Dược Sư. Vì đó là những sản phẩm với hương vị đặc thù tạo ra sự dính mắc, trói buộc và mê đắm cho thế gian, nói chung là “mùi thơm bất tịnh”.
Thờ Đức Phật Dược Sư phải thành tâm. Gia chủ phải giữ gìn Ngũ giới, đặc biệt là không sát sinh tại tư gia. Giữ gìn thân - khẩu - ý trong sạch, tham thiền, niệm Phật, lạy sám hối, làm lành lánh dữ…