Sống an vui

Tùy duyên phải bất biến

Thứ bảy, 31/10/2023 08:44

Tùy duyên còn là thái độ biết tận dụng những nhân duyên mới mẻ đang hội tụ ở hiện tại để giải quyết vấn đề hay tạo nên những đột phá tốt đẹp hơn, đồng thời sẵn sàng bỏ qua những dự tính, kể cả những khuôn thước đã được đặt để.

Thái độ này thường có ở những người có bản lĩnh và thật sự vững chãi để đảm bảo phẩm chất không những không bị thay đổi mà còn tuyệt vời hơn trước khi hành động. Nó khác hẵn với sự nông nỗi của cảm xúc.

Có hai huynh đệ nọ trên đường du phương hóa độ bỗng thấy một cô gái đang loay hoay tìm cách bước qua dòng suối chảy xiết. Người sư huynh liền tiến tới hỏi: “Này cô, cô muốn tôi cõng qua bờ bên kia không?” Cô gái vô cùng mừng rỡ gật đầu đồng ý ngay. Sau khi qua con suối rồi hai huynh đệ từ giả cô gái và tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng đi chưa được bao xa, người sư đệ không kềm chế nổi sự bức xúc liền lên tiếng trách: “Sao sư huynh lại làm như vậy?”. Người sư huynh ngạc nhiên hỏi: “Làm chuyện gì?” “Thì chuyện cõng cô gái hồi nãy đó, chúng ta là người xuất gia tu hành mà!”- người sư đệ hơi bực tức. Người sư huynh mỉm cười vỗ vai người sư đệ: “Ta đã để cô ấy ở lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây!”.

Người sư đệ không giúp cô gái qua sông thì không có gì sai, vì trình độ tu tập của người sư đệ còn yếu kém, cần phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh để tâm hồn không bị khuấy động mà chuyên tâm thiền định. Nhưng cái sai của người sư đệ là nghĩ sao người sư huynh củng cùng trình độ như mình, cũng phải giữ sự thực tập như mình, nên đã bất mãn với việc sư huynh giúp đỡ cô gái. Đành rằng sự thanh tịnh tâm hồn là điều kiện bắt buộc đối với người xuất gia tu hành, nhưng đó không phải là cứu cánh của sự tu hành. Tu hành đâu phải cốt để bảo vệ giới luật cho thật trong sáng, còn ai khổ mặc ai. Giới luật là chỉ bảo vệ cho mỗi sự thanh tịnh thôi thì giới luật ấy chỉ dành cho những kẻ sống cho bản thân hay còn yếu kém, nó không có giá trị thích ứng cho những người đã có đủ bản lĩnh bất động trước những xáo trộn của hoàn cảnh. Cho nên ta không thể căn cứ hiện tượng bên ngoài để thẩm định mà không suy xét đến động cơ và kết quả. Vấn đề là sau hành động đột phá ấy thì họ đánh mất chính mình hay nâng cao phẩm chất hơn.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Câu nói: “Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây” đã khẳng định trình độ phần nào bất nhiễm của vị sư huynh. Tất nhiên cần phải có thêm những kiểm chứng thực tế khác thì ta mới đủ tin vào khả năng tùy duyên mà không thay đổi phẩm chất của một người nào đó. Bởi có nhiều người rất thích đột phá, luôn muốn dùng hết năng lực của mình để nắm bắt những nhân duyên trong hiện tại mà làm nên kỳ tích, nhưng số người thành công luôn rất hạn chế. Hầu hết sụ thất bại là do họ quá tin, đánh giá thấp hoàn cảnh, bị tham vọng chi phối, bị thói quen thay đổi lập trường kích động, hay chiếu heo sự tùy hứng nhất thời. Cho nên họ cũng tùy duyên nhưng lại …biến mất.

Thay đổi chiến lược bất ngờ, vượt qua nguyên tắc quan trọng, bất chấp sự cản trở của những người chung quanh, nhưng cuối cùng họ không đạt được mục đích mà còn phải trả những cái giá rất đắt thì đó là vết thương rất nặng của tâm lý. Vết thương ấy sẽ khiến họ đánh mất niềm tin nơi bản thân và trở nên rất dị ứng với những thay đổi sau này. Chính vì hậu quả khó lường nên người từng trải chỉ thích lối sống bình thường, giữ theo khuôn thước cho yên ổn. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng bình thường. có lúc bắt buộc ta phải vượt khỏi sự bình thường ấy để cứu vãn bản thân hay giúp đỡ kẻ khác. Nếu ta không trang bị sẵn khả năng ứng phó trước mọi hoàn cảnh thì ta sẽ dễ dàng thất bại.

Thiền sư Trần Nhân Tông thời nhà Trần của Việt Nam đã từng khuyên: “Ở đời vui đạo phải tùy duyên. Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền” (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên – Cư trần lạc đạo). Nghệ thuật giữ gìn sự thanh thản trong tâm hồn ngay giữa bao sự phiền nhiễu của đời thường chính là thái độ tùy duyên.

Theo Thiền sư Trần Nhân Tông, tùy duyên có nghĩa là đói thì ăn, mệt thì ngủ, ăn ra ăn và ngủ ra ngủ. Việc nào ra việc ấy, không trộn lẫn nhau, không thấy việc nào quan trọng hơn việc nào, việc nào đến trước thì hết lòng tiếp xúc trước, không nôn nóng, không bâng khuâng. Mới nghe thật dễ, nhưng làm được rất khó. Ngay cả những người sống trong chốn u nhàn cũng vẫn còn đầy những khắc khoải mong cầu, thì nói chi ta đang sống trong chốn lao xao. Lẽ dĩ nhiên, không ai bắt buộc ta phải tùy duyên, nhưng khả năng của tùy duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng lớn. Nếu ta vẫn tiếp tục đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài thì chắc chắn ta sẽ mãi còn mong muốn và áp đặt nhân duyên thuận theo ý mình. Còn khi ta đã tìm thấy giá trị hạnh phúc chân thật nơi chính mình thì ta sẽ chấp nhận được tất cả. Hòa nhập vào mọi hoàn cành để giúp người giúp đời mà không bị hòa tan thì đó chính là mẫu người lý tưởng nhất của xã hội trong mọi thời đại.

Đến đi trong thanh thản

Không chọn lựa nhân duyên

Đông tàn rồi xuân lại

Không bớt cũng không thêm.

loading...