Hỏi - Đáp
Uẩn khúc trong Kinh Thánh Cầu
Thứ năm, 04/03/2024 12:00
Hỏi: Tôi đọc kinh Trung Bộ có đoạn: “… Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta…”. Tôi thắc mắc vì sao Phật mà còn than “khổ não” và “bực mình”. Mong được giải thích.
Đáp:
Kinh Thánh Cầu (kinh số 26, Trung Bộ I, HT.Thích Minh Châu dịch) ghi lại sự phân vân, do dự của đức Thế Tôn trước khi khởi vận bánh xe Pháp, nguyên văn như sau: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y tánh Duyên khởi pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!". Nhà nghiên cứu Bình Anson sau khi hiệu đính kinh này, dựa theo bản Anh ngữ The Middle Length Discourses of the Buddha, Tỳ kheo Anamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, 1995, cũng giữ nguyên văn bản dịch của HT.Thích Minh Châu.
Tuy nhiên, ngài Narada trong tác phẩm The Buddha anh His Teachings (Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, NXB TPHCM, tr.70) diễn dịch đoạn kinh trên thoáng và thanh hơn “khổ não”, “bực mình” như sau: "Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ còn bậc thiện trí mới thấu hiểu. Chúng sanh còn luyến ái trong nhục dục ngũ trần. Lý nhân quả tương quan ‘Tùy Thuộc Phát Sanh’, là một đề mục rất khó lãnh hội, và Niết Bàn-trạng thái chấm dứt mọi hiện tượng phát sanh có điều kiện, từ bỏ mọi khát vọng, tiêu diệt mọi tham ái, không luyến ái và chấm dứt-cũng là một vấn đề không phải dễ lãnh hội. Nếu Như Lai truyền dạy Giáo Pháp ấy, kẻ khác ắt không thể hiểu được. Thật là phí công vô ích, thật là phí công vô ích".
Đối chiếu hai bản dịch, đoạn “thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta” và “Thật là phí công vô ích, thật là phí công vô ích” chúng ta có thể thấy bản Việt ngữ của HT.Thích Minh Châu dịch “nghĩa” và bản Anh ngữ của ngài Narada dịch “ý”, để diễn đạt sự do dự của Thế Tôn trước khi truyền bá giáo pháp.
Phật là bậc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn khỏi sự chi phối của phiền não nên chắc chắn rằng Ngài không bao giờ khổ não và bực mình. Vậy thì vì sao Phật lại biểu lộ phân vân, đợi đến khi Phạm Thiên Sahampati, sau ba lần cung thỉnh Ngài thuyết pháp rồi mới chuyển pháp luân?
Theo Kinh Trung Bộ I (Tóm tắt và chú giải) của Thích Nữ Trí Hải, sở dĩ Phật có sự do dự, không muốn thuyết pháp vì: “Sau khi đắc đạo, Ngài mới thấy rõ sức mạnh của vô minh phiền não trong tâm chúng sanh, và sự sâu xa vi diệu của giáo pháp. Hơn nữa, Ngài chờ Phạm Thiên thỉnh cầu mới nói ra giáo pháp là cốt cho những người thờ Phạm Thiên thấy được giá trị của Pháp, mới mong mỏi lắng nghe”.
Như vậy, đoạn kinh “thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta” (lập trường dịch bám sát văn nghĩa của dịch giả) cần hiểu theo ý nghĩa của chú giải như đã trích dẫn. Đó chính là phương tiện thiện xảo của các bậc Giác ngộ. Tất cả những biểu hiện của Ngài đều được dẫn dắt bởi tuệ giác và tâm từ bi vô lượng, nhằm cứu khổ, chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh.