Sách Phật giáo

Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh truyền bá giáo lý Phật giáo

Thứ hai, 22/02/2018 12:48

Giáo lý của đạo Phật không ngoài mục đích muốn cho chúng sinh “ngộ nhập tri kiến Phật”, hay “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”. Đức Phật cũng đã dạy tùy từng thời điểm, từng quốc độ, từng phương tiện với mục đích duy nhất giúp chúng sinh giác ngộ được “tri kiến” Phật. Và, trong thời hiện tại này cũng thế, chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp phát triển, đặc biệt Công nghệ thông tin (CNTT) bùng nổ và phát triển mạnh mẽ.

CNTT được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người. Và trong Phật giáo cũng vậy, đạo Phật đi vào cuộc đời, gắn liền với đời sống con người giúp họ vơi đi nỗi khổ niềm đau bằng cách hướng dẫn những ai có nhân duyên, chỉ cho họ thấy nguyên nhân họ đang đau khổ và khai thị cho những người đó để họ biết cách tu tập, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của chính mình trong cuộc đời giả tạm này. 

Trên tinh thần đó, hiện nay những người phật tử xuất gia và tại gia đã áp dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp của Phật giáo khá rộng rãi. Cách truyền bá đó tương đối đơn giản, nhanh nhạy và hiệu quả cao nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những bất cập đáng lo ngại. Vậy để hiểu rõ hơn về vấn đề này chúng ta hãy cùng đi vào phân tích thực trạng tốt xấu, nguyên nhân và tìm giải pháp để khắc phục mặt chưa tốt của nó.

1. Tìm hiểu công nghệ thông tin

Trước hết, ta cần hiểu “Công nghệ thông tin” là gì? Công nghệ thông tin (IT – Information Technology ) là một thuật ngữ bao gồm phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Một cách dễ hiểu hơn, Công nghệ thông tin là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin.
 
2. Sự hình thành và phát triển của thông tin - lợi ích của công nghệ

Chúng ta hãy cùng nhìn về thời quá khứ, ngày xưa khi chưa có thiết bị công nghệ hiện đại người ta truyền bá kiến thức bằng hình thức truyền miệng nói chung hay đức Phật và các đệ tử của Ngài phải đi khắp các vùng miền để giáo hóa, chỉ dạy cho mọi người bằng kim khẩu của mình nói riêng. Nhưng nhìn chung thì phương thức truyền miệng rất khó nhớ, nhiều dị bản khi lưu lại đời sau, để truyền đi xa rất khó, vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức. 

Sau này, tiến bộ hơn một chút có chữ viết, khắc chữ vào bản gỗ để in, viết vào lá bối, sau thì giấy mực ra đời thì họ truyền bá bằng chữ viết có thể lưu lại cho con cháu đời sau. Hình thức này tuy tiến bộ nhưng vẫn còn một số nhược điểm là dễ mai một, bản khắc di chuyển nặng nề, giấy bị mục nát, chữ viết nhòe theo thời gian, muốn sao chép thành nhiều bản rất tốn công sức, mất nhiều thời gian, thậm chí là cả về kinh tế. 

Nhưng khi có những thiết bị công nghệ thông tin hiện đại chúng ta có thể dễ dàng xem, lưu trữ, tìm kiếm… Chẳng hạn như 1 bộ sách kinh quý, theo thời gian sẽ bị hỏng, mục nát nhưng nếu được soạn thảo, lưu trữ dưới dạng file word và pdf thì ta có thể sao chép thành rất nhiều bản trong thời gian ngắn, không tốn nhiều công sức và đặc biệt khi bộ kinh đó được đăng tải trên các trang mạng thì sẽ được bảo quản lâu, rất khó mai một, có vô số người được tiếp cận, được đọc vì thế mà được lưu trữ lâu dài. Như vậy đó là lợi ích, ưu điểm số 1 của việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc truyền bá chính pháp của đức Thế Tôn mà chúng ta dễ dàng thấy được.

Bên cạnh đó, việc đăng tải các video, bài pháp thoại của các vị thầy đức hạnh, tu chân chính có khả năng diễn giải một cách dễ hiểu giáo lí của đức Phật trên mạng xã hội hay đơn giản chỉ là những bài chia sẻ kinh nghiệm tu tập của các vị tôn túc trên kênh Youtube, website.... khi đăng tải như vậy sẽ có hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem với mỗi video và như thế số người được xem, được tiếp cận, được mở rộng một cách đáng kể, ngoại mục (khi họ có trong tay thiết bị điện thoại thông minh hay cái máy tính có kết nối internet với vài đúp chuột rất đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng ngay cả khi ở nhà hay bất cứ nơi đâu) số lượng người được thấy biết rất lớn chứ không còn gò bó, giới hạn chỉ 100 người hay vài chục người tham dự khi chỉ diễn ra trong hội trường, giảng đường vì điều kiện cơ sở vật chất
không cho phép. 

Hoặc khi diễn ra buổi pháp thoại đó có những người vì bận công việc, vì gia duyên, vì khoảng cách địa lí… họ không thể đến tham dự được nhưng nếu bài pháp thoại đó được đăng tải trên mạng thì họ vẫn có thể xem, học tập những gì mà vị thầy đã truyền dạy. Thêm vào đó là những người đã tham dự buổi pháp thoại hôm ấy về nhà họ vẫn có thể xem lại nhiều lần, có thời gian để nghiền ngẫm, suy nghĩ kĩ hơn về những điều đã được truyền dạy, thậm chí khi những vị đó không còn đủ sức khỏe để đi giảng dạy hay đã tịch thì thế hệ sau vẫn được nghe những lời chỉ dạy của người. Ví dụ như các bài pháp thoại của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Hòa thượng Tịnh Không…

Không những thế, ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp của Phật giáo còn là việc sử dụng trang cá nhân Facebook của mình để phát trực tiếp (livestream) những thời tụng kinh, tu tập ở các đạo tràng giúp cho mọi người có thể tham dự vào thời tụng niệm đó cùng thời điểm mặc dù không cùng địa điểm, khoảng cách địa lí đã bị xóa tan thay vào đó họ được gặp nhau trong những tâm niệm hướng đến sự thánh thiện, cùng sách tấn nhau tu tập. 

Hay như việc quý sư thầy, quý sư cô sử dụng facebook của mình để đăng tải những dòng trạng thái tích cực, truyền năng lượng bình an đến với những người hữu duyên đọc được..., Và cũng có thể là việc chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đại chúng tu tập, chia sẻ một bài kinh ý nghĩa trên trang facebook của mình để biết đâu có ai đó họ đang buồn, đang đau khổ về những điều không mong muốn trong cuộc sống họ đọc được những điều này và từ đó nhận chân ra được sự thật về cuộc đời và có những suy nghĩ tích cực hơn giúp họ vơi đi phần nào nỗi khổ niềm đau do nghiệp mình đã tạo từ nhiều đời trước hoặc sẽ mạnh mẽ hơn để đương đầu với nghiệp.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truyền bá chính pháp

Internet đã giúp chúng ta có một cộng đồng lớn mạnh rộng rãi mang tính chất có tổ chức. Ngày xưa khi chưa có các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại gần như chùa nào biết chùa đó, phân chia Bắc Nam, bị giới hạn bởi khoảng cách địa lí nhưng nay khi có ứng dụng của CNTT tất cả đã được quy chung thành một cộng đồng những người con Phật có sức lan tỏa ảnh hưởng rộng rãi. Tất cả những ai tôn thờ đức Phật, ngưỡng mộ, quý kính, biết ơn, muốn tìm hiểu giáo lí giác ngộ của Ngài đều có thể kết bạn, kết nối với nhau trên khắp nơi, không những trong nước mà cả ngoại quốc. 

Họ cùng sách tấn nhau tu tập, chia sẻ kinh nghiệm, bài học quý báu khi họ học tập, trải nghiệm nhờ giáo lí siêu tuyệt của đức Phật và các vị tổ sư. Họ tạo nên những trang, nhóm trên mạng xã hội để cùng nhau thực tập lời Phật dạy, cùng nhau giúp đỡ và sẻ chia với những người khó khăn hơn mình vì thế những ý nghĩ, cử chỉ, lời nói tốt đẹp của họ làm nên sức tác động, lan tỏa lớn đến suy nghĩ, thái độ, hành động của mọi người trong xã hội, giúp mọi người có cái nhìn, đánh giá khách quan, đúng đắn về đạo Phật và giáo lí của Ngài cũng như giúp cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn, phát triển hơn.
 
Hay khi muốn tổ chức một chương trình thiện nguyện với tinh thần sẻ chia, bố thí như Pháp của Phật dạy khi có ứng dụng của CNTT sẽ tạo được sức lan tỏa đến nhiều người được biết nếu họ có chung ý muốn được làm công việc thiện nguyện như vậy sẽ có nhiều người tham gia hơn, có một lực lượng tham gia đông đảo, có sự gắn kết mạnh mẽ khiến mọi người đều hưởng chung năng lượng yêu thương của tình người, tình đạo. Khi người khác nhìn vào hành động đó có thể cái THIỆN trong họ được đánh thức, biết đâu sẽ có thêm những thành viên trong đại gia đình những người con Phật qua những việc làm tốt đẹp đó.

Thêm nữa, việc giảng dạy giáo lí của đức Thế Tôn sẽ gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu tạo sức lôi cuốn hơn khi vị giảng sư biết sử dụng máy chiếu, soạn các bài giảng PowerPoint ấn tượng để trình bày bài giảng với những hình ảnh, âm thanh, video sống động, gần gũi chân thực để từ đó mọi người không bị nhàm chán, trái lại có thể dễ dàng áp dụng vào đời sống thường nhật của mình khi mà những giáo lí siêu tuyệt, chân thật của đức Phật đã đi sâu vào lòng người và khoảng cách không gian, thời gian được xóa nhòa.

Trên mạng xã hội bây giờ đã có rất nhiều trang website riêng cùa chùa trong tỉnh như trang: chuatuxuyen.org.vn, chuathuongdien.com,… và nhiều trang facebook của chùa đăng tải những thông tin hữu ích về Phật pháp cũng như công tác phật sự giúp nhiều người tìm hiểu nhanh hơn.

Ngày trước, khi muốn tìm một cuốn sách chúng ta phải tìm hết thư viện này đến quán sách khác. Nhưng giờ chỉ cần gõ vào ‘‘Google” là tìm ngay được thông tin chúng ta cần tìm. Nhiều quý giảng sư vì điều kiện xa xôi còn có những cách như: vấn đáp trực tuyến, hay gửi thư điện tử mail... Đều giúp người học Phật thắc mắc điều gì thì đều có thể trả lời nhanh chóng mà không phải lặn lội tới tận chùa để hỏi…

Trên đây là một số những lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp của Phật giáo. Từ đó chúng ta có thể thấy CNTT đang mang đến rất nhiều ích lợi, giá trị to lớn và đang được cộng đồng xã hội hưởng ứng hết sức nhiệt tình và được ứng dụng rộng rãi. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truyền bá chính pháp của đức Phật.

4. Hạn chế của việc ứng dụng công nghệ thông tin

Bởi lẽ, mạng xã hội không dành riêng cho ai, ai cũng có quyền đăng tải và xem bất cứ cái gì trên đó khi được để chế độ công khai (public) vì thế mà có một số kẻ xấu đã lợi dụng để trà trộn vào, lồng ghép vào những giáo điều sai trái, truyền bá tư tưởng phản động làm sai lệch đi ý nghĩa thánh thiện giải thoát của kinh điển. Hay những bài giảng đăng tải một số thầy sư học và trải nghiệm chưa đủ để thuyết pháp, còn thuyết giảng với tư tưởng, suy nghĩ, quan điểm của cá nhân và cho rằng đó là ý của Phật vì thế làm sai lệch, mất đi giá trị giải thoát của những bài pháp thoại theo đúng nghĩa của nó. 

Từ đó khiến những người sơ cơ học đạo, mới tìm hiểu về giáo lí giác ngộ của đức Phật bị mơ hồ, nghi hoặc, chao đảo thậm chí làm thối lui tâm bồ đề ban đầu của họ bởi thật giả lẫn lộn hay dẫn đến những tư tưởng lệch lạc cho rất nhiều người vì họ chưa đủ sức để phân biệt đâu là chính pháp đâu là tà pháp và tất cả những video đó tràn lan không có sự xác nhận đâu là chính pháp, đâu là tà pháp bởi không có sự quản lí chuyên nhất. Hậu quả thật khôn lường!

Không những thế, sử dụng internet phần lớn là những người xuất gia trẻ, là học sinh, sinh viên - những người cả tin, luôn tò mò muốn biết mọi thứ nhưng họ chưa có kinh nghiệm sống, còn non nớt, thiếu chín chắn, luôn quyết định và hành động nhanh, hấp tấp, vội vàng vì thế mà rất dễ bị lợi dụng niềm tin tôn giáo, lôi kéo, dụ dỗ đi theo tà giáo, mê tín dị đoan hay những nhóm người lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để “buôn thần bán thánh” chuộc lợi cá nhân. Như xem sao, đoán mộng, kiết hung, vận hạn, bói toán, đoán biết tương lai,… làm lòng người thêm hoang mang, lo sợ.

Thêm vào đó là sự giả mạo trang facebook của chùa, quý sư thầy, sư cô có uy tín để lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người khác nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân ích kỉ như phá hoại thanh danh, lừa tiền của của những người hảo tâm. Chẳng hạn như: hiện nay có rất nhiều trang facebook mang tên Thích Thiện Thuận hay một số trang (page) mang tên “fanpage sư phụ Thích Thiện Thuận” hay “Thầy Thích Thiện Thuận”… mặc dù chỉ có 1 trang fanpage chính thức duy nhất đăng tải đúng thông tin và được sự cho phép của Thượng tọa Thích Thiện Thuận do cô phật tử Diệu Thanh làm admin, đó là trang “Thích Thiện Thuận fanpage” để đăng các bài thuyết pháp cũng như thông tin hoằng pháp, lịch giảng của thầy vì thầy không sử dụng facebook. 

Như vậy có thể thấy chỉ có 1 trang fanpage chính thức do phật tử lập ra và quản lí dưới sự cho phép của Thượng tọa nhưng đã có rất nhiều dị bản, sao chép, giả mạo tên thầy để phá hoại thanh danh, vì những mục đích cá nhân, lợi dụng lòng tin của những người phật tử mới bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật nói chung và pháp thoại của Thượng tọa nói riêng. 

Họ sao chép các bài đăng từ trang chính thức về trang giả mạo của mình mà không ghi rõ nguồn bài viết được lấy từ đâu, họ tùy tiện trả lời những dòng bình luận (comment) với danh xưng “thầy” với “con” làm người khác lầm tưởng rằng đó là quý Thầy, hay vị thầy mình quý kính đang trả lời câu hỏi của mình. Và như thế họ đang bị lừa dối mà không hề hay biết và hiểu sai về thầy mình. Thật đáng buồn vì điều đó! Bởi lẽ những người giả mạo được một lần sẽ có lần hai và họ thấy việc giả mạo đó không khó, không bị pháp luật trừng trị nên ngang nhiên tiếp diễn hành động xấu xa đó.

Tương tự như vậy, là các nhóm từ thiện, thiện nguyện nhằm mục đích lừa đảo được ẩn giấu dưới danh xưng mang khuynh hướng Phật giáo như nhóm “Những câu chuyện kể về luật nhân quả” trên facebook. Nhóm đó chuyên đăng tải hình ảnh và câu chuyện những người bị nạn, ốm đau, chết chóc, nghèo khổ cần được hỗ trợ kinh phí, kêu gọi quyên góp vào số tài khoản: xyzabc… với những câu chuyện thê lương dễ làm mềm lòng những người hảo tâm cả tin từ đó chuộc lợi cá nhân và những trang web nói là giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật nhưng lại trục lợi cho bản thân - cái này còn nhiều hơn cả dị giáo… nó xảy ra xung quanh mình nhiều không kể hết và không có cơ quan nào kiểm soát nổi mà chỉ trông chờ vào sự tỉnh thức và lí trí của những người đọc được nó. Không những thế, điều đó còn làm ảnh hưởng xấu, tai tiếng cho pháp bố thí của những người chân chính.

Bất cập tiếp theo của việc ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp là việc bị các hãng quảng cáo tự ý chèn video, hình ảnh quảng cáo không phù hợp vào bài thuyết pháp cần sự tôn nghiêm hoặc các bài quảng cáo làm gián đoạn video thuyết pháp, gián đoạn dòng suy nghĩ của người thính pháp. Đó là vấn đề hết sức nan giải và chưa có cách giải quyết triệt để. Chẳng hạn như trang web Phatam.com hiện nay hoặc Phapam.vienchuyentu.com; langmai.org. Những video thuyết pháp thường bị tùy tiện chèn quảng cáo vào vì họ biết được đó là những video có hàng triệu lượt xem vì thế mà quảng cáo của họ cũng sẽ có hàng triệu lượt xem mà không tốn phí.

Việc ghi hình, quay video, đăng tải bài thuyết pháp lên trang mạng gần như các quý thầy, quý phật tử chưa tự làm được do thiếu máy móc hoặc thiếu kĩ năng sử dụng máy tính, sử dụng phần mềm chuyên dụng mà còn phải thuê mướn nên tốn kinh phí nhiều vì thế mà không phải bài thuyết pháp nào cũng đủ nhân duyên để được xuất hiện trên mạng xã hội.

Bị ảnh hưởng bởi trình độ dân trí nên có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, nhìn chung ở thành thị cơ hội được tiếp cận với internet với các thiết bị CNTT (máy tính, điện thoại thông minh, máy chiếu…) dường như dễ dàng hơn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Mức độ ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp của Phật giáo ở thành phố cao hơn nông thôn.

5. Giải pháp khắc phục

Phải chăng có sự giả mạo hoặc có những bài thuyết pháp chưa đúng với chính pháp vẫn được đăng tải lên trên mạng xã hội là do chưa có cơ quan quản lí chuyên nhất, chưa có sự kiểm duyệt của các vị tôn túc. Vì thế rất cần có những trường đào tạo và được cấp giấy phép của Ban Hoằng pháp TƯ về việc thuyết giảng. Cần tạo những trang web chuyên nhất đăng tải các bài thuyết pháp có chất lượng về âm thanh, hình ảnh và đó là những bài thuyết pháp đúng chính pháp của quý giảng sư. 

Giáo hội Phật giáo cần đầu tư đào tạo các vị tu sinh chuyên ngành về CNTT, quản trị mạng, liên kết với an ninh mạng trong nước và quốc tế để quản lý, cần có sự kiểm duyệt kĩ lưỡng để từ đó tạo uy tín cũng như giúp những người mới tìm hiểu về đạo Phật dễ dàng tìm kiếm, theo dõi, tu tập. Tương tự vậy, các tập kinh điển khi được đăng tải trên mạng cũng cần tạo ra những website chính thống có sự quản lí chặt chẽ, có uy tín thì việc truyền bá, hay lồng ghép tư tưởng ngoại đạo, phản động, mê tín vào đó sẽ không thể thực hiện được bởi những kẻ xấu.

Còn vấn đề thiếu kĩ năng sử dụng máy tính, sử dụng phần mềm chuyên dụng để quay video, thu hình, đăng tải bài thì cần sự nỗ lực hết sức của bản thân mỗi người xuất gia trẻ, phật tử có năng lực, cần phải tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với mọi người, tự trang bị kĩ năng cho mình nếu có cơ hội và điều kiện nên đi học các lớp đào tạo về ứng dụng CNTT vào việc ghi hình,… tránh sự thụ động, chờ đợi, cứ cho mình không biết và mãi mãi không học hỏi, tìm hiểu về nó.

Làm được như vậy là giúp việc ứng dụng CNTT vào truyền bá chính pháp giảm được kinh phí một cách đáng kể, từ đó ta dùng phần kinh phí lẽ ra phải đi thuê đó để mua máy móc, trang thiết bị. Cuối cùng, vấn đề tồn tại các nhóm lừa đảo, trục lợi dưới danh nghĩa từ thiện hay được ẩn danh dưới tên có khuynh hướng giống đạo Phật để lôi kéo, kích động, truyền bá tư tưởng tà đạo thì rất khó để giải quyết triệt để, vì nó nhan nhản và là vấn đề nan giải cần có sự chung tay loại bỏ, tẩy trừ, lên án của cả cộng đồng chứ không chỉ của một vài cá nhân hay bộ phận nào đó. Chỉ mong người đọc có đủ trí tuệ nhận chân ra sự giả dối và lừa bịp đó để phòng tránh cho mình cũng như tìm được sự an lạc đích thực khi theo dõi và tìm hiểu chính pháp của đức Thế Tôn trên mạng internet.

Trên đây là toàn bộ những nguyên nhân và giải phải pháp để giải quyết những mặt trái của việc ứng dụng CNTT vào việc truyền bá chính pháp của Phật giáo hi vọng có thể phần nào giảm bớt được những vấn nạn nan giải đó giúp chính pháp của đức Như Lai được lan tỏa rộng rãi hơn để nhiều người cùng hưởng chung lợi lạc.

Nói tóm lại, việc ứng dụng CNTT vào truyền bá chính pháp của Phật giáo mang lại rất nhiều ích lợi vượt trội, nhưng vẫn còn một số sơ hở để kẻ xấu lợi dụng nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân. Từ đó cho thấy mỗi người học Phật cần cố gắng, nỗ lực học hỏi, tu tập nhiều hơn nữa để có đủ trí tuệ nhận chân ra đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính pháp, tà pháp để chính pháp của đức Thế Tôn được lưu truyền và lan tỏa sâu rộng hơn nữa giúp nhiều người được hưởng chung niềm phúc lạc.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
loading...